Nâng niu những vùng ký ức

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện) 29/01/2020 09:40

Bỏ qua những bộn bề của ngày cuối năm, ngồi trò chuyện cùng họa sĩ Nguyễn Thị Hiền bên quán cà phê cạnh Hồ Gươm, nghe chị chia sẻ về dòng chảy cuộc đời mình. Những ký ức đẹp về cha chị - nhà văn Kim Lân, về tết xưa, và có cả những ký ức chạnh buồn của một người đàn bà làm nghệ thuật trải qua không ít sóng gió, thăng trầm.

Nâng niu những vùng ký ức

Vẽ chân dung bè bạn như vẽ ký ức

Thưa họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, được biết chị đang âm thầm chuẩn bị cho triển lãm 100 bức chân dung bè bạn và những người cùng thời. Chị có thể nói đôi chút về triển lãm đặc biệt này với bạn đọc?

- Hồi sinh nhật bố tôi tròn 90 tuổi tôi làm triển lãm “Những con chữ”. Sau 10 năm, tôi muốn làm một triển lãm đặc biệt nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bố. Hiện tôi đã gần hoàn thành xong 100 bức chân dung rồi. Tôi đã đóng cửa làm việc âm thầm trong suốt hai năm qua.

100 bức chân dung, đó là gương mặt của những ai vậy chị?

- Có thể nói họ chính là những người làm đầu tiên mở những cánh cửa để một đứa bé như tôi biết tới những thế giới mới lạ, đầy mầu sắc huyền ảo của nền văn hóa nghệ thuật, những người gắn liền và đi cùng tôi cho đến tận bây giờ. Tôi vẽ những người bạn của bố. Những người bạn của bố cũng là những người bạn, người thầy của tôi, rồi bạn của tôi cũng là những người bạn của bố. Những người bạn tên tuổi như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Ngô Tất Tố, Đỗ Nhuận…Bởi vì tôi sinh ra được làm con của nhà văn Kim Lân nên tôi có vinh dự được gặp những người nghệ sĩ đó từ khi mới chào đời. Họ giống như là ánh sáng đầu đời của tôi. Họ là bạn của bố và là những người thầy để tôi có thể học hỏi rất nhiều cả về nhân cách và nghệ thuật. Rồi tôi vẽ những người bạn cùng thế hệ với tôi sau này, những người như Ngô Thảo, Nguyễn Khắc Phục, Đỗ Chu, Đào Trọng Khánh, Bảo Ninh, Bùi Ngọc Tấn, Trần Đĩnh… rồi các em tôi, bạn thế hệ sau tôi, nghĩa là một số người còn rất trẻ tôi cũng vẽ họ. Tôi vẽ những ai đã để lại trong tôi những tình cảm và dấu ấn, những người ở trong trí nhớ của tôi. Có một điều rất kỳ lạ mỗi khi vẽ chân dung một người bạn tôi thấy như những thước phim ký ức cuộc đời mình đang quay trở lại. Có khi vẽ một ai đó mà mắt tôi rưng rưng. Tôi rất hạnh phúc khi được vẽ chân dung bạn bè, và tôi nghĩ chắc bố Kim Lân khi ngắm những bức tranh chân dung tôi vẽ bố cũng gặp lại bạn bè của mình và bố cũng sẽ vô cùng hạnh phúc.

Vì sao ở tuổi này chị lại quyết định gạt bỏ hết mọi công việc chỉ để dành thời gian vẽ chân dung bè bạn?

- Tôi nghĩ không chỉ tôi mà với bất kỳ ai cũng vậy thôi, khi càng có tuổi thì mình càng có xu hướng quay về sống cùng ký ức. Đời thường thì muôn vàn công việc, lúc nào cũng cuốn mình đi. Chúng ta sẽ luôn có cảm giác là mình bận kinh khủng, nhưng đôi lúc lại không biết bận vì cái gì. Tôi nghĩ mình phải dừng lại là buông bớt, gạt bỏ bớt những thứ không cần thiết. Thực sự ở tuổi tôi bây giờ, buông bỏ là vấn đề quan trọng nhất, chọn lọc chỉ để giữ lại những gì mình xem là cần thiết nhất cho quãng đường còn lại thôi. Và cái lõi cuối cùng tôi muốn giữ lại, không gì khác, chính là gương mặt bạn bè, những người tôi đã có ký ức về họ, có câu chuyện về họ, những người làm cho tôi thấy giá trị cuộc sống, đã gắn kết tôi với cuộc đời này đến hôm nay. Tôi là một họa sĩ, tôi sẽ vẽ chân dung bạn bè, và việc này đối với tôi thời điểm này quan trọng hơn cả. Khi nghĩ đến những người bạn cùng thời tôi ứa nước mắt, bởi rất nhiều người tôi biết và yêu mến nay đã rời bỏ đời sống này đi về một chân trời khác. Tôi cần phải lưu giữ lại những ký ức của mình về họ.

Có phải ở mỗi giai đoạn cuộc đời chị có một mục tiêu nghệ thuật khác nhau không?

- Đúng thế. Tôi đã nói nhiều lần, đối với tôi cuộc sống như một dòng chảy. Tôi thả mình trên dòng chảy ấy và chấp nhận những gì mà cuộc đời xô đến. Có lúc gặp ngọt ngào và có lúc gặp đắng cay, có lúc là bình yên và có lúc là bão tố, nhưng tôi luôn giữ thái độ bình thản để đón nhận. Mỗi dòng chảy sẽ mang đến một bến bờ, vì dụ thời điểm này bến bờ của tôi là chân dùng bè bạn. Lưu giữ chân dung bè bạn là một trách nhiệm tôi tự giao cho mình, một lời hứa tôi tự hứa với mình. Và tôi đi tìm sự hoàn hảo của viên ngọc trong mỗi người thầy, người bạn của mình trong những bức tranh đó.

Theo chị người với người làm nghệ thuật thì lời hứa với chính mình và lời hứa với công chúng cái nào quan trọng hơn?

- Nói chung đã hứa thì phải giữ lời. Nhưng tôi nghĩ lời hứa với mình mới là quan trọng. Nghệ sĩ không cần hứa, không cần chạy theo yêu cầu của khách hàng, nếu họ thành thật với bản thân và mắc nợ chính mình thì hãy quyết tâm thực hiện và hãy sáng tạo bằng chính trái tim mình không vay mượn. Nếu người làm nghệ thuật chỉ mải mê đi thực hiện lời hứa với ai đó bên ngoài, thì thực chất họ chỉ đang kiếm tiền hay thực hiện các thương vụ nào đó mà thôi. Tôi rất sợ người làm nghệ thuật vì mải chạy theo chiểu chuộng những thứ bên ngoài mà quên mất lời hứa từ phía bên trong mình.

Nhưng với một họa sĩ, liệu rằng chỉ đuổi theo cái bên trong, không đoái hoài đến thị hiếu của công chúng e rằng sẽ khó bán được tranh?

- Quan điểm của tôi khá rõ ràng về việc này, là tôi kiếm tiền để vẽ chứ không vẽ để kiếm tiền. Tôi không chạy theo một cái gu nào để bắt khách, mặc dù tôi biết nếu tôi làm như vậy thì tôi sẽ rất đắt khách. Tôi tự cho mình một cảnh giới khác, còn nếu như mình vẽ theo cái người ta thích, vẽ để bán được tranh thì mình sẽ bị lệ thuộc vào ý muốn của người mua tranh. Tôi không thoải mái với điều đó. Và tôi cũng nói ngay rằng, với nhiều họa sĩ, việc bán đươc tranh chưa hẳn đã là điều hay đâu. Quan trọng nhất là tôi thấy những gì đúng của mình nhất thì mình làm thôi.

Chị có định làm triển lãm tranh chân dung vào dịp đầu năm mới sắp tới không?

- Tôi chưa chính xác được thời điểm cụ thể nhưng chắc chắn sẽ là trong năm 2020 tại Hà Nội, nơi mà tôi đã sinh ra và lớn lên với bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ với bạn bè, người thân.

Nâng niu những vùng ký ức - 1

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền bên cha- nhà văn Kim Lân.

Bố Kim Lân luôn nhắc tôi làm người tử tế

Nhà văn Kim Lân, cha của chị là một người cầm bút có số lượng tác phẩm không nhiều, nhưng trong đời thường ông lại được bạn bè văn nghệ sĩ yêu mến, xem như một địa chỉ tin cậy để có thể trò chuyện, trao đổi, xin ý kiến. Từ câu chuyện của cụ Kim Lân, tôi chợt nghĩ thế này, với một người nghệ sĩ, tác phẩm rất quan trọng nhưng nó vẫn chỉ là một mặt nào đấy của vấn đề thôi, còn lại thì nhân cách, lối sống, ứng xử của họ với mọi người cũng được xem là một hệ giá trị quan trọng không kém. Chị có chia sẻ gì thêm về điều này?

- Vài năm cuối đời trước khi mất, bố Kim Lân có nói với tôi đại ý thế này: Con ạ, đất nước mình thế kỷ qua đã trải qua rất nhiều thăng trầm lịch sử trong văn học nghệ thuật và cả đời sống nữa. Thầy đã sống qua rất nhiều chặng khốc liệt của lịch sử nhưng thầy phải nói với con một điều rằng thầy chưa từng phản bội một người bạn nào. Tôi vẫn nhớ câu chuyện bố Kim Lân viết về chàng hiệp sĩ gỗ. Chàng hiệp sĩ gỗ sẽ được trở thành con người, mang trái tim của con người nếu chàng giết một người, nhưng chàng đã không làm như vậy, chấp nhận là một hiệp sĩ gỗ. Nhưng chính khi hành động như vậy, chàng hiệp sĩ gỗ đã là con người. Tôi thường gọi bố Kim Lân là chàng hiệp sĩ gỗ, bởi tôi cảm nhận rằng, bố chính là hiện thân của nhân vật đó. Sống cùng bố suốt những năm tháng tuổi thơ và tuổi trẻ, tôi hiểu được trong mọi hoàn cảnh, bố vẫn là chính mình, không bon chen, không tham quyền cố vị, không bán văn vì tiền, luôn đối xử tử tế với bạn bè. Thời của bố Kim Lân, đời sống văn nghệ có không ít sóng gió, bạn bè dù với những người được xem là “có vấn đề” thời đó đi nữa bố vẫn luôn gần gũi, ấm áp, có chính kiến, không ba phải. Có lẽ chính vì cách sống đó mà bố luôn luôn được mọi người yêu mến, kính trọng. Tôi nhớ kỷ niệm một lần bố Kim Lân vào Sài Gòn mà không hề báo trước với tôi. Gặp tôi trước cửa nhà, bố bảo, con vào lấy cho thầy xin ít tiền. Khi tôi mang tiền ra, bố lại sai tôi đi mua ít quần áo ấm. Và sáng mai bố tôi dậy sớm ra sân bay về Hà Nội. Tôi ngạc nhiên lắm nhưng không dám hỏi. Đến sân bay bố mới bảo tôi: Con ạ, thầy không xin cho thầy đâu mà thầy xin cho một người bạn của thầy vừa ở tù ra, bác Nguyễn Hữu Đang.

Những bài học quan trọng nào chị nhận được từ cha và có ảnh hưởng lớn đến con đường nghệ thuật của chị sau này?

- Khi tôi bắt đầu với nghệ thuật, bố tôi nhắc: Con nên nhớ rằng làm nghệ thuật không đơn giản, dễ dàng như con nghĩ đâu. Con phải luôn dũng cảm, tự do là chính mình, nếu không con sẽ chỉ là cái bóng của người khác. Trên đoạn đường dằng dặc tôi đã đi qua, mặc dù thăng trầm rất nhiều nhưng tôi vẫn không thể nào để mất đi tinh thần “dũng cảm, tự do là chính mình” như kim chỉ nam bố tôi đã dạy. Bất luận trong hoàn cảnh nào tôi đều cố gắng làm một người tử tế, không tầm thường, vì bố tôi rất sợ con của cụ lại trở thành những người tầm thường.

Ở một nghĩa nào đó cha chị đối với chị giống như một trường đại học, để suốt đời mình chị chỉ cần đi trong ngôi trường đó thôi là có đủ tất cả: tình yêu, kiến thức, lòng trắc ẩn kể cả biết rõ những khó khăn gian nan, bất công sẽ đến trong đời mình nhưng đích cuối cùng là nghệ thuật…?

- Có lẽ vậy. Làm con của bố Kim Lân từ lúc nhỏ tôi đã được tắm trong bầu khí quyển nghệ thuật. Tôi nghe bác Văn Cao hát “Thiên Thai”, bác Đỗ Nhuận hát “Du kích Sông Thao”, Bác Nguyễn Đình Thi hát bài “Người Hà Nội”, Bác Nguyên Hồng, bác Tô Hoài, bác Nguyễn Huy Tưởng đọc tác phẩm ngay từ khi những bài hát, những tác phẩm văn học mới còn đang ấp ủ đợi ra đời…. Rồi tôi dòm qua cửa xem nét vẽ của bác Nguyễn Tư Nghiêm... Những con người tinh hoa, là di sản văn nghệ của dân tộc sau này thì đều là bạn của bố khi đó. Tôi học họ một cách gián tiếp. Bố tôi cũng sớm nhìn ra khả năng riêng của từng người con mà hướng cho các con theo nghệ thuật. Khi bố để tôi “mon men” vào lãnh địa nghệ thuật, bố hiểu rất rõ những khó khăn, kể cả những bất công mà tôi sẽ phải đi qua nhưng bố vẫn chấp nhận để tôi bước vào. Mọi hành xử từ nhỏ đến lớn của bố Kim Lân luôn mang cho anh chị em chúng tôi một giá trị giáo dục sâu sắc. Chẳng hạn khi tôi còn nhỏ xíu, bố giao trách nhiệm cho tôi chăm sóc con gà, con chó, hay con chim bồ câu là để nuôi dưỡng tình yêu loài vật trong tôi. Rồi bố lại giao việc chăm cái cây, làm sạch cái lá để tôi biết yêu thiên nhiên, cái đẹp. Một chiếc bình hoa cổ, một chiếc bát cổ bố tôi nâng niu là bởi muốn dạy cho các con về sự trân trọng với các di sản văn hóa của cha ông.

Bố đưa tôi đến học những người thực tài, những người mà sau này là cây đa, cây đề trong làng văn nghệ, dù biết tôi sẽ khổ, và sẽ phải trải qua những áp lực không nhỏ nhưng bố chấp nhận. Bố không dạy tôi chọn việc dễ, bố để tôi đi đường khó và rèn luyện cho tôi bản lĩnh để vượt qua những việc khó đó. Có lẽ vì vậy mà tôi sớm ý thức được những việc mình phải làm. Hồi tôi 13 tuổi lần đầu tiên đi thực tập vẽ phong cảnh ở một cái làng, tôi vấp vào một pho tượng gỗ. Tôi đã nâng niu pho tượng đó và mang về nhà. Tôi hiểu rằng mình cần phải gìn giữ những giá trị văn hóa cổ. Sau này trưởng thành nhìn lại chi tiết nhỏ thời đi học đó tôi tôi hiểu ra một điều quan trọng hơn, rằng văn hóa của một dân tộc luôn có sự thăng trầm theo thời gian, nhưng nó sẽ vẫn luôn tìm được nơi để nương tựa. Sẽ luôn có những con người mang sứ mệnh giữ gìn những giá trị truyền thống đó. Nếu hồi ấy tôi không phải là đứa trẻ được sống trong môi trường như bố Kim Lân đã dạy dỗ thì có khi tôi đã đi qua, bỏ lại pho tượng trên đường hoặc giống xu thế hồi đó là chẻ pho tượng đó ra như chẻ một khúc gỗ.

Nâng niu những vùng ký ức - 2

Gia đình nhỏ của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền.

Phụ nữ làm nghệ thuật và những chạnh lòng

Phụ nữ thì thời nào cũng vậy, để thành công họ luôn phải trải qua nhiều gian khổ hơn, đặc biệtlàm nghệ thuật thời của chị? Để đổi lấy hôm nay một Nguyễn Thị Hiền ngồi đây, những mất mát của chị là gì?

- Một phụ nữ làm nghệ thuật, theo tôi là luôn có mất mát. Họ phải chấp nhận mất mát, sẵn sàng với mất mát và chịu đựng mất mát đó. Đến bây giờ, thế kỷ 21 mà vẫn còn những nhà văn hóa gọi phụ nữ là “Nữ nhi ngoại tộc”. Thời của tôi phụ nữ phải sống trong nhiều khuôn khổ, phép tắc, định kiến. Để vượt qua những điều đó, trong đời tôi phải có một giai đoạn mà tôi gọi là mạch nước ngầm, chảy dưới lòng đất. Nghĩa là phải biết ẩn mình đi, không lộ thiên, không tuôn trào ào ạt. Có giai đoạn cuộc đời tôi không có cả chỗ để vẽ, vì cuộc sống bị chi phối quá nhiều thứ. Khi tôi còn trẻ tôi đã từng nói với bố Kim Lân, rằng con sẽ không lấy chồng, con sẽ sinh một đứa con và làm nghệ thuật. Bố nghe xong thì gần như ngất xỉu, vì bố không ngờ con gái bố lại có ý tưởng như vậy. Tôi thì lại không bao giờ muốn làm bố buồn. Tôi vẫn phải đi con đường bình thường của bao người, mặc dù cho đến giờ phút này tôi thừa nhận rằng, việc phải thế này thế kia cho chuẩn mực đôi khi nó cũng “tàn phá” rất nhiều thứ trong đời một người, nhất là người làm nghệ thuật. Rồi đến khi mình lao vào cuộc sống để vừa giỏi giang làm ăn, vừa giỏi giang nghệ thuật lại phải chấp nhận một điều khác: sự đố kỵ, ganh tỵ. Sự đố kỵ, ganh tỵ vừa vô hình vừa hữu hình. Vô hình vì không biết nó đến từ đâu, nhưng hữu hình là có khi nó đến ngay từ phía người mình thương yêu. Nhưng có cái may trời sinh tôi là một người sống có mục đích, gai góc, lì lợm. Một khi tôi đã xác định mình là dòng chảy thì tôi sẽ không bao giờ ngừng chảy, không bao giờ có ý định dừng lại.Tôi là dòng chẩy không có tận cùng.

Sự đố kỵ có phải là điều chị sợ nhất?

- Tôi nhớ thời trẻ, khi tôi được giải nhất cuộc thi vẽ tranh áp phích có tới hàng trăm lá thư nặc danh gửi đến tố cáo tôi. Một vài người hỏi Hiền có muốn đọc những thư nặc danh này không, tôi bảo tôi không đọc. Kể cả khi chồng tôi mất cũng có hàng ngàn những tin đồn thổi đủ chuyện, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa một lần thanh minh. Bởi tôi biết rất rõ tôi là ai, tôi biết cách quay vào công việc và trả lời bằng công việc, bằng lao động của chính mình. Vì chỉ điều này mới giúp tôi “sống sót”. Tuy nhiên nếu hỏi có buồn không thì thành thật là đôi lúc tôi rất buồn, ngỡ ngàng, thất vọng, có lúc mất hết năng lượng vì những chuyện xảy ra, nó kỳ cục vô lý đến mức không thể giải thích được. Cuộc đời có những chuyện lạ lắm, mình càng dành yêu thương và tử tế thì điều mình nhận lại vô cùng tồi tệ. Ví dụ thời điểm tôi đang hoàn thiện nốt bức tranh cuối cùng cho triển lãm “Những đứa trẻ” thì xảy ra một chuyện khiến tôi rất đau. Trái tim tôi như bị bóp nghẹn. Tôi bỏ dở bức vẽ đó mấy tháng trời không thể vẽ được. Con gái tôi thấy vậy nó mua vé để mẹ con sang Mỹ chơi cho khuây khỏa. Trong khi lang thang trong một bảo tàng ở Mỹ, tôi đặc biệt chú ý bức tranh vẽ một người đàn bà mặc áo trắng, mắt buồn vời vợi, dáng ngồi vô cùng cô đơn. Tôi bị ám ảnh bức tranh đó, cứ ngắm nhìn mãi rồi bật khóc. Sau giây phút đó tôi như bừng tỉnh, hiểu ra rằng mình phải đi qua mọi chuyện. Con đường của mình là con đường của một họa sĩ, mình phải tiếp tục và phải chấp nhận cô đơn.

Chấp nhận cô đơn như là một định mệnh của người nghệ sĩ phải không chị?

- Tôi đã sống trên đời đủ lâu, đủ trải nghiệm để không làm quá hay nghiêm trọng một điều gì cả. Nỗi buồn hay nỗi cô đơn thời điểm này của tôi nó khác với cách thông thường người ta hay nghĩ. Cô đơn chẳng qua là cái bóng của mỗi người. Thời trẻ người ta có thể sợ cái bóng đó. Nhưng với tôi bây giờ cô đơn là bạn bè, mình có thể nói chuyện, sẻ chia, thì thầm với nó. Đôi lúc nó còn an ủi mình. Ai trong đời cũng có lúc cảm nhận điều này, rằng mình có rất nhiều bạn bè nhưng khi có chuyện buồn lại không biết chia sẻ cùng ai. Nhưng khi mình đã sống được với cô đơn, thì mình có bạn tri kỷ. Tôi thích được vẽ và trong lúc vẽ mình trò chuyện với chính mình và với những bức tranh. Thậm chí khi nói chuyện với những bức tranh mình còn nói được nhiều chuyện hơn là nói với người.

Giữ lấy hương vị tết xưa

Thưa họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, năm mới Canh Tý 2020 đang cách chúng ta một khoảng thời gian rất gần. Những thời điểm cuối năm như thế này, chị có thường hay nhớ về những năm tháng tuổi thơ, khi mình còn được sống trong ngôi nhà của cha mẹ, bên cạnh các anh chị em và người thân?

- Tôi luôn nhớ về những năm tháng đó, không phải chỉ những ngày giáp tết như thế này đâu. Tôi nhớ bố Kim Lân, dù cho sống ở không gian nào, nhỏ chỉ chừng 10m2 thôi nhưng bố luôn biết chăm sóc cho không gian đó trở nên sống động, bố cục chặt chẽ, ngồi đâu cũng thấy đẹp. Ngôi nhà khi xưa của gia đình tôi tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng đẹp đẽ, tươm tất là vậy. Những ngày Tết thì vô cùng đáng nhớ. Một tuần trước khi Tết bố Kim Lân sẽ “huy động” mọi người trong nhà dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn thờ thật sạch sẽ. Đối với bố quan trọng nhất là chọn một cành đào. Bố có thể đi chợ xong lại về nhiều ngày như vậy cho đến khi nào chọn mang về được cành đào phai ưng ý thì khi đó mọi người mới hiểu là đã xong việc trang hoàng ngày Tết. Bố còn dán tranh Đông Hồ trước cửa nhà, bày biện các chậu hoa Bố tự trồng sao cho thật xinh xắn. Nếu có điều kiện thì bố Kim Lân chính là một người duy mỹ bậc nhất.

Chiều 30 tết năm nào cũng vậy, khi mẹ tôi làm mâm cơm thắp hương cúng ông bà tổ tiên xong cả nhà tôi sẽ quây quần bên nhau ăn một bữa cơm cuối năm rất đầm ấm. Đây gần như là quy luật bất biến trong gia đình tôi từ xưa tới nay mà đến giờ tôi vẫn duy trì. Bố Kim Lân là người rất tôn trọng các giá trị truyền thống.

Sau này chị có nhiều năm tháng sống ở Sài Gòn, cái tết có khác đi nhiều không chị?

- Không, Tết phương Nam của tôi không có gì khác cả. Tôi vẫn giữ truyền thống gia đình như hồi còn sống với bố mẹ. Vẫn trang hoàng nhà cửa, lau dọn bàn thờ, mua hoa chưng Tết. Vẫn nấu những món ăn cổ truyền ngày xưa mẹ nấu để có một mâm cỗ Tết truyền thống và đêm giao thừa các thành viên trong gia đình tôi vẫn quây quần bên nhau. Tôi cũng dạy cho con gái Hiền Minh giữ gìn truyền thống đó của gia đình. Nhưng nói gì thì nói tôi thích những cái Tết miền Bắc hơn bởi nó có không khí lạnh đặc trưng và quan trọng là nó nhắc về ký ức êm đềm những năm tháng tuổi thơ được sống bên gia đình, cha mẹ.

Thời hiện đại chúng ta đang sống, cái Tết đã trở nên gọn nhẹ, tiện lợi hơn rất nhiều. Giới trẻ không còn nặng nề chuyện sắm Tết, thậm chí là những lễ nghi cầu kỳ như thời ông bà cha mẹ chúng ta nữa. Chị nghĩ sao về sự thay đổi này?

- Cuộc sống thay đổi, mỗi thời đại mỗi khác, tất nhiên rồi. Nhưng tôi cảm thấy giới trẻ đang dần bỏ rơi truyền thống. Trong cái Tết hôm nay tôi không còn nhìn thấy sự gắn kết gia đình, sự gắn kết tình thân như khi xưa. Tôi nghĩ rằng đời sống càng hiện đại lên chúng ta càng phải biết giữ gìn những giá trị tinh hoa truyền thống, đấy cũng là một cách bảo vệ, vôn vinh văn hóa dân tộc. Nếu chúng ta chỉ chăm chăm chú trọng phát triển, chạy theo cái mới mà lãng quên dần những giá trị xưa cũ thì vô cùng đáng tiếc.

Trân trọng cảm ơn họa sĩ Nguyễn Thị Hiền về cuộc trò chuyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng niu những vùng ký ức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO