Nghệ thuật từ đời sống thường nhật con người

An Vũ 30/03/2019 19:50

Sáng thứ Bảy, ngày 9/3, tại Ơ Kìa Hà Nội của Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, đã diễn ra buổi giới thiệu sách “Nghệ thuật ngày thường” (Như Books & NXB Đà Nẵng) với sự tham gia của tác giả - nhà nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Phan Cẩm Thượng, Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và Nhà văn Trương Quý.

Nghệ thuật từ đời sống thường nhật con người

Bìa 2 cuốn sách Nghệ thuật ngày thường.

“Như một người lang thang trong cuộc sống, đi đến đâu, suy nghĩ gì, tôi thường viết ra đấy, vẽ ra đấy, vì rõ ràng là tôi không thể quay trở lại những chứng kiến đó nữa, dù lần sau, quay trở lại chỗ cũ, thì cũng là lần sau, sự thể đã khác rồi. Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng giới thiệu cuốn “Nghệ thuật ngày thường” phần 2 như vậy.

Với 574 trang sách của tập 1, và 503 trang sách của tập 2, Phan Cẩm Thượng đưa bạn vào thế giới tư tưởng của riêng ông. Bên cạnh những cuốn nghiên cứu về nghệ thuật, về văn hóa, về văn minh vật chất, tập tục với khối lượng thông tin đồ sộ cùng hàng loạt sáng tác hội họa - từ vẽ tranh giấy dó, sơn khắc, sơn dầu đến sơn mài… đủ kích cỡ nhỡ, lớn và cực đại - vậy mà Phan Cẩm Thượng vẫn có thời gian viết về đời thường diễn ra quanh cuộc sống của ông. Đời thường tạo ra nghệ thuật. Và nghệ thuật có từ đời rất thường.

Ngoài trang sách, Phan Cẩm Thượng là người ít nói, trầm lắng khi gặp thoáng qua, nhưng thân thiết rồi thì ông ưa kể chuyện mộc mạc và hài, cười sảng khoái. Khi làm việc, sẽ có lúc chợt thấy ông ngồi một mình, dựa lưng vào cái ghế tựa, mùa hè thì quạt thổi, mùa đông lạnh khoác thêm chăn phủ quanh người, trước cái màn hình máy tính màu trắng, bé bé, đã cũ, rất ít các chức năng, gõ phím lạch xạch chậm rãi. Có lần, tôi nhìn thấy ông mang theo một chiếc laptop, cũ, màu đen, chắc nịch theo kiểu “nồi đồng cối đá”. Hẳn ông thường dùng máy tính bàn hay laptop cho việc đánh máy, hoặc đôi khi có nối mạng internet để đọc một số thông tin cần thiết. Các trang tư liệu mà ông viết, những bản thảo, hay các bài báo, thậm chí là bản kí họa bất cứ thứ gì, người nào, cảnh vật ra sao… mà ông bắt gặp, đều gửi cho cậu học trò là nhà phê bình Nguyễn Anh Tuấn và con gái Phan Tường Linh lưu giữ giúp.

Phan Cẩm Thượng vẽ rất nhiều, thử đủ thể loại. Vẽ với ông như sự trút bỏ những nặng nề căng thẳng tinh thần và phiền muộn. Vì thế, màu sắc trong tranh của ông thường nặng màu u ám buồn. Kể cả vẽ cảnh thiên phật, thì vẫn thấy những gương mặt còn vướng lắm nghiệp trần gian. Ban đầu ông phác hình rất nhanh, nhưng trong quá trình hình thành lên được bức tranh thì chậm. Ông vẽ kĩ, tỉ mỉ từng nét màu, lúc nhanh, lúc khoan… với sự chú tâm thuần khiết. Tranh Phan Cẩm Thượng có phong cách riêng biệt. Và đậm hồn Việt. Từ tranh - văn, nhìn sang tác giả qua cách đi đứng nói cười ăn mặc ngày thường, đều thấy cái chất Việt xưa sâu lắng bên trong.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn - học trò rất thân thiết của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng - người mà ông đặt rất nhiều kỳ vọng, viết về ông với những tư duy, đọc rất thú: “Những năm tháng sau đó (khi vào học trường Mỹ thuật – PV), tôi có nhiều thời gian gần gũi với Phan Cẩm Thượng. Từ những câu chuyện cuộc đời, quan sát lâu ngày, nhận ra một vài khía cạnh văn hóa trong đời sống vật chất và tinh thần dân tộc, có tính nhân quả lặp đi lặp lại. Từ vài yếu tố văn hóa quay lại giải mã xã hội thực tại. Nghệ thuật là tinh chất chắt lọc từ đời sống thường nhật của con người”…

Cuốn “Nghệ thuật ngày thường”, phần lớn được nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng viết từ năm 1999 đến 2008 đã được NXB Phụ nữ xuất bản vào năm 2008, đến nay, cuốn sách được Như Books tái bản lại, thành tập 1. Tập 2 - phần lớn được viết vào những năm 2009 đến 2014 - vẫn tiếp nối bốn phần có từ trước: “Suy nghĩ về nghệ thuật”; “Nghệ sĩ” (các họa sĩ); “Nghệ thuật ngày thường” (Đời sống ngày thường); “Tản văn nhàn đàm” và thay phần “Nông thôn và kiến trúc” từ tập 1, bổ sung thêm phần mới: “Văn hóa sử”.

Nhà văn Trương Quý chia sẻ cảm nghĩ của mình khi đọc phần “Tản văn nhàn đàm”: “Phần Tản văn nhàn đàm ở cuối sách thấy một Phan Cẩm Thượng thú vị, giòn giã và cuốn hút. Không phải kiểu lẩn mẩn sự đời hay giễu nhại, mà như một người đang nằm trên cái võng ở tả vu chùa Bút Tháp mà thủng thẳng vừa kể vừa hỏi han mấy ông sư bà vãi, cái tôi của tác giả nhập vào đám đông nhân vật ấy. Thảng thốt, đau đớn ngạc nhiên và vô sở cầu… tất cả làm cho người đọc có thể lặng đi vì những biến đổi của các không gian làng, tín ngưỡng và xã hội được nhuốm một màu bảng lảng”...

Đọc các trang viết của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, có thể thấy ngay sự mẫn tuệ thông qua quan sát, nhận biết sự vật hiện tượng con người một cách kỹ lưỡng. Là người chọn điền dã và tương tác trực tiếp với thế giới vật chất, nơi lưu giữ cụ thể văn minh văn hóa tập tục một dân tộc, ông chọn sự ghi lại, vẽ lại ngay đúng thời điểm hiện tại đó. Vì thế, mỗi trang sách, ông lại đưa người đọc như thể đứng trước chậu tưởng ký của cụ Hiệu trưởng Albus Dumbledore trong truyện “Harry Potter” của nữ nhà văn J. K. Rowling, trong thời điểm hiện tại có thể quay lại về quá khứ theo cách chính họ được tham gia, chứng kiến, được nhìn, được nghe cùng ông trong hoàn cảnh đó.

Phan Cẩm Thượng chia sẻ: “Mỗi lần viết tôi cố gắng tìm đến ý nghĩa thú vị của cuộc sống và vẻ đẹp văn chương, để con đường mình đi được viễn vọng hơn”. Trong “Nghệ thuật ngày thường”, mỗi bài viết của ông đều có ý nghĩa và những thông tin quan trọng cần thiết riêng, mà khi đọc, sẽ thấy ngay việc được nạp những kiến thức mới, thông qua ngôn từ nhẹ nhàng thủ thỉ. Với phần “Các họa sĩ” (tập 1), và “Nghệ sĩ” (tập 2), chúng ta gặp lại những chân dung quen thuộc cùng phong cách riêng của họa sĩ cũng như những tập tính thành nghiệp trong đời: Họa sĩ Lê Quốc Việt, sinh năm 1972, được ông kể về thời niên thiếu gõ mõ, tụng kinh, học Hán Nôm trong những ngôi chùa, do “tâm động” mà phải ra đời. Vì thế Đạo Phật và “lề thói của một ngôi chùa” hiển hiện trong những sáng tác của anh. Hoặc như Họa sĩ Vũ Giáng Hương, là con gái của Nhà văn Vũ Ngọc Phan và Nhà thơ Hằng Phương, nên được hấp thụ nền văn hóa từ gia đình và nghệ thuật từ bố mẹ.

“Những ký họa thuốc nước và mực nho cho thấy lối nắm bắt sự vật nhanh, đơn giản hóa, lại có khả năng đẩy sâu nếu cần” (Tr190, Nghệ thuật ngày thường, tập 1). Hay hình ảnh của Ý “điên” (họa sĩ Nguyễn Như Ý, sinh năm 1970 ở Sóc Sơn), với những biểu hiện không bình thường: “Y thường ngủ trong một cái tổ xếp bằng củi như tổ chim, đội mũ phòng độc có cả bình dẫn oxy lên lớp, hình như không bao giờ giặt quần áo và cuối cùng bài tốt nghiệp là một đám tượng nhỏ bằng bàn tay bầy lổn nhổn trên mặt bàn” (Tr199. Sđd). Nhưng nếu xét một cách nghiêm túc, thì tác phẩm của Ý “điên” lại rất đáng chú ý: “Nó hoàn toàn thuộc về một dòng nghệ thuật dân gian, mang tính nguyên sơ, bản địa, đã từ lâu chìm trong quá khứ. Nó gắn với mọi hành vi bản năng, mang tính huyền hoặc và tín ngưỡng vật linh hóa, coi vạn vật như có thần.” (Tr200. Sđd)

“Tôi đọc gần 600 trang “Nghệ thuật ngày thường” trong bốn ngày. Chiết đi cái ưu ái vốn có dành cho tác giả vẫn phải nhận rằng “để đọc” thì cuốn sách rất lý thú”. Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Nguyễn Quân - thầy của Phan Cẩm Thượng, chia sẻ suy nghĩ sau khi đọc cuốn sách: “Văn phong vượt qua tài làm văn. Văn phong cho thấy phong thái, chiều kích của học giả. Khi đó nó không còn là cái thuyền chở đạo nữa mà chính là hình dạng của đạo. Thỉnh thoảng đạt tới mức đó đã là hiền”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ thuật từ đời sống thường nhật con người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO