Ngoại giao thời 4.0

Mai Loan 20/08/2018 13:45

Từ ngày 12 đến ngày 17/8 tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị ngoại giao lần thứ 30 và Hội nghị ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19. Hội nghị lần này là dịp để các nhà ngoại giao đánh giá lại công việc đã làm kể từ đầu nhiệm kỳ khóa 12 đến nay và đưa ra các định hướng lớn cho tương lai.

Ngoại giao thời 4.0

Bốn trọng tâm

Với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12”, Hội nghị ngoại giao lần này, theo như chia sẻ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với các cựu cán bộ ngoại giao sẽ có bốn trọng tâm lớn.

Thứ nhất, hội nghị sẽ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 12 về đối ngoại trong hai năm vừa qua và tìm biện pháp tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết trong những năm tới, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 13 của Đảng.

Thứ hai, tình hình thế giới và khu vực hiện nay biến đổi nhanh chóng, đặc biệt là trong hai năm qua. Vì vậy việc đánh giá, nhận xét được tình hình thế giới và khu vực là hết sức quan trọng, trong đó có công tác dự báo được tình hình trong 2-3 năm sắp tới và tầm nhìn 10 năm tới.

Do đó, theo như Phó thủ tướng, Hội nghị ngoại giao lần này phải đánh giá được tình hình thế giới và nắm bắt được cơ hội cũng như thách thức để có thể triển khai một cách chủ động, sáng tạo và hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng.

Trọng tâm lớn thứ ba, theo như Phó Thủ tướng đó là việc, Việt Nam đang hội nhập quốc tế một cách sâu rộng. Trong bối cảnh đó, Hội nghị ngoại giao lần này sẽ tiếp tục đánh giá các biện pháp được ngành ngoại giao thực hiện, triển khai hiệu quả hội nhập và đặc biệt là nâng tầm ngoại giao đa phương của Việt Nam trong những năm tới - những năm có rất nhiều hoạt động để nâng tầm vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực. Cùng với đó là hoạt động ngoại giao phục vụ phát triển, đặc biệt là phát triển kinh tế cần được đẩy mạnh.

Cuối cùng, là công tác xây dựng ngành mà trọng tâm là xây dựng đội ngũ những nhà ngoại giao vừa hồng, vừa chuyên trong bối cảnh, ngành ngoại giao bàn tiếp tục triển khai Nghị quyết Trung ương 6 về việc đổi mới, kiện toàn hệ thống bộ máy của nhà nước để xây dựng ngành hoạt động sao cho đạt hiệu quả và Nghị quyết Trung ương 7 về việc xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, từng bước tiến lên chuyên nghiệp, hiện đại.

Trở về dự Hội nghị ngoại giao lần này, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) Hồ Xuân Sơn chia sẻ: “Hai năm là một khoảng thời gian mà tình hình thế giới có không ít thách thức. Có thách thức truyền thống và cả thách thức phi truyền thống; thậm chí có những vấn đề mình cũng không lường trước hết được. Trong bối cảnh đó, có thể nói có cả thời cơ mới đi kèm với thách thức mới. Vấn đề là phải nhận định đúng thời cơ và nhận định đúng thách thức. Nếu dự đoán đúng thì khi triển khai công tác đối ngoại sẽ thuận lợi; nếu dự đoán sai sẽ đi theo hướng khác. Như vậy có thể sẽ không đạt cái đích mà chúng ta đặt ra; thậm chí có thể còn gặp nhiều khó khăn hơn”.

Đứng trước những thời cơ và thách thức đan xen như thế, ông Hồ Xuân Sơn cho rằng, việc tổ chức Hội nghị ngoại giao 2 năm một lần sẽ là dịp để các nhà ngoại giao Việt Nam nhìn lại, kiểm điểm lại tình hình thế giới trong hai năm qua nhằm đưa ra dự báo cho tình hình sắp tới. Đặc biệt, đây là dịp để các nhà ngoại giao cùng nhau kiểm điểm lại công tác trong 2 năm qua xem đã làm tốt chưa, tốt ở chỗ nào và cái nào là chưa tốt, vì sao lại chưa tốt? chưa tốt là do chủ quan của ta hay là do môi trường bên ngoài tác động vào?- ông Sơn nêu quan điểm và nhấn mạnh: Đó là nhiệm vụ chính, phải làm sao để đánh giá cho đúng tình hình quốc tế, khu vực và cả hoạt động đối ngoại của ta, từ đó đề ra những biện pháp mới. “Đường lối có thể không thay đổi nhưng có thể có những điều chỉnh linh hoạt hơn làm sao cho phù hợp với tình hình mới; đưa ra đối sách với từng đối tượng, từng khu vực, từng quốc gia và cả với trong nước cần điều chỉnh chính sách thế nào”.

Đó là bộn bề công việc mà Hội nghị ngoại giao sẽ phải bàn để làm sao đưa bốn trọng tâm công tác trong thời gian tới đi vào chiều sâu và thực chất, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Chủ động, sáng tạo và hiệu quả

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị ngoại giao 29 cách đây 2 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh vai trò và vị trí của ngoại giao trong hội nhập và phát triển. Vào thời điểm đó, nói về những điểm mới mẻ trong tình hình quốc tế và khu vực, và sự mới mẻ ấy đặt lên vai ngành ngoại giao trách nhiệm nặng nề là góp phần đưa các hiệp định đã ký kết vào cuộc sống theo tinh thần đem lại lợi ích cao nhất cho đất nước, hạn chế đến mức tối đa tác động bất lợi từ những thách thức có thể nẩy sinh. Tổng Bí thư cho rằng, ngành ngoại giao cần có các biện pháp thiết thực giúp đỡ các ngành, địa phương, nhất là các doanh nghiệp, trong việc mở rộng hợp tác với bên ngoài nhằm tiêu thụ hàng hóa, tranh thủ vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý.

Thực ra, cùng với nhiệm vụ phát triển đất nước, ngoại giao còn phải gánh vác một nhiệm vụ to lớn hết sức phức tạp là góp phần quan trọng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Giữ vững môi trường thuận lợi để phát triển và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là mối quan hệ gắn bó hữu cơ, tác động trực tiếp lẫn nhau nên phải được thường xuyên xác định là ưu tiên cao, là điều kiện quan trọng hàng đầu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng chính là tư tưởng của ông cha ta: "Giữ nước từ xa", "giữ nước từ khi nước chưa nguy".

Trong một thế giới toàn cầu hóa và trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0, mỗi nhà ngoại giao lại càng cần có sự nhạy bén và chủ động để có thể phát huy đến mức cao nhất “sức mạnh mềm”của ngoại giao Việt Nam; đó không chỉ là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc mà còn là sức mạnh của đoàn kết quốc tế; là chính sách đối ngoại rộng mở, hòa hiếu; nêu cao đại nghĩa của dân tộc, tranh thủ được thiện cảm của nhân loại tiến bộ, nâng cao cả thực lực và vị thế của đất nước một cách bền vững nhất.

Những nhiệm vụ ấy là hết sức nặng nề, trọng trách ấy đặt lên vai những nhà ngoại giao hôm nay và để thực hiện tốt những nhiệm vụ ấy, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh đến sự chủ động và sáng tạo trước những diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường của tình hình thế giới, nhất là sự thay đổi chính sách của các nước lớn, các nước trong khu vực. Bởi có chủ động, có sáng tạo mới có thể đem lại hiệu quả đối ngoại ở mức cao nhất.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, MTTQ Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị ngoại giao 30. Theo dự kiến chương trình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ dự phiên họp toàn thể với chủ đề: “Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng”. Chủ tịch Quốc hội NguyễnThị Kim Ngân sẽ dự phiên họp toàn thể với chủ đề: “Đối ngoại Quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng”. Ngoài ra, Đoàn Trưởng các cơ quan đại diện sẽ có một buổi tọa đàm với doanh nghiệp để tìm hiểu quan tâm của doanh nghiệp nhằm giới thiệu tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp với các nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngoại giao thời 4.0

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO