Người không bị ghen tỵ là người vô tích sự

Trần Hữu Thăng 13/01/2018 19:25

Bệnh ghen tỵ len lỏi vào tâm hồn, làm mờ ám trí tuệ và làm chai sạn, vôi hóa con tim”- Louis Bourdaloue (1632 – 1704)

Người không bị ghen tỵ là người vô tích sự

1. Cách đây 2.500 năm, Épiharme, một trong 7 nhà Hiền Triết cổ đại lớn nhất của loài người đã có một cách đánh giá tuyệt vời, một cách đánh giá đi vào bản năng, bản chất của con người. Với độ lùi lịch sử dài như thế, lâu như thế, cho đến nay cách đánh giá đó, cách nhận xét đó của Épiharme vẫn còn tươi nguyên giá trị, vẫn còn tươi nguyên tính thời sự và tính cập nhật.

Épiharme (550 – 440 Trước Công nguyên) đã viết rất ngắn gọn nhưng biết bao ẩn ý, biết bao nội hàm xúc tích: “Người không bị ghen tỵ là người vô tích sự”. Đây là một cái bẫy, cái lưới tưởng chừng rất đơn giản của Triết học nhưng gỡ ra không phải dễ, nếu không khéo sẽ cứ lúng túng không có cách thoát ra. Nhưng cứ từ từ, thận trọng tìm hiểu cũng có thể hiểu được phần nào ý tứ của Épiharme.

Trước hết cần nắm vững ca dao, tục ngữ Việt Nam mà từ nông thôn đến thành thị, ai ai cũng dùng, ai ai cũng biết, ai ai cũng thấm thía, đó là:

“Trâu buộc ghét trâu ăn”.
Đó là: “Con gà tức nhau tiếng gáy”.
Đó là: “Vô duyên ghét kẻ có duyên,
Không tiền ghét kẻ có tiền cầm tay”.
Đó là: “Hơn nhau tấm áo manh quần,
Thả ra bóc trần, ai cũng như ai”.

Một đàn trâu thả ra để gặm cỏ ở chân đê, ở ven ao hồ, bãi đất trống. Con trâu nào ngoan ngoãn chỉ gặm cỏ ở những nơi cho phép thì được tự do đi lại. Con trâu nào tham ăn, ngốc nghếch trông thấy ruộng lúa xanh mơn mởn lại tưởng là cỏ non phi thẳng xuống đánh chén thì lập tức bị chủ phạt, dẫn lên buộc vào gốc cây không cho tự do đi lại kiếm ăn nữa. Nhìn những bọn trâu tự do thoải mái ăn cỏ no nê, bụng căng ra, những con trâu bị buộc vào gốc cây ghen tức vô cùng, tỵ nạnh vô cùng nhưng tất cả đã muộn vì chủ đã ghét nên buộc lại để tránh nhà có ruộng lúa bắt tội thả trâu phá phách lúa sẽ bị phạt nặng, đền to. “Trâu buộc ghét trâu ăn” đã xẩy ra cách đây hàng trăm năm, đang xảy ra và chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai gần và xa. Đó là bệnh nặng, mang tính di truyền, mang tính thừa kế từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Bóng đêm chưa dứt hẳn, trời còn tranh tối tranh sáng, một chú gà trống thức dậy sớm khoái chí cất giọng gáy vang trời, làm thức giấc cả một vùng dân cư, làm tỉnh ngủ các chú gà trống còn lơ mơ chưa tỉnh hẳn. Lập tức các chú “phản pháo” gáy liên tục, liên tiếp, báo thức toàn bộ cộng đồng gà. Tức thật, đứa nào dám gáy trước mình nhỉ. Thế thì ta phải gáy to hơn, dài hơn, vang hơn, lanh lảnh hơn cho biết tay. Đấy, con gà nó còn biết tức nhau vì tiếng gáy sớm hơn, to hơn, vang hơn huống chi con người. Trông thấy bò hàng xóm béo hơn bò nhà mình, vợ hàng xóm xinh đẹp trẻ trung hơn vợ nhà mình mà không ghen tức, mà không biết tỵ nạnh chẳng nhẽ thua con gà à?

Nếu cứ đem gà, đem trâu ra làm thí dụ cũng chưa được cụ thể lắm, có khi lại gây ra hiểu lầm nên văn chương bình dân nói thẳng vào vấn đề:

“Vô duyên ghét kẻ có duyên,
Không tiền ghét kẻ có tiền cầm tay”.

À, qua câu rất ngắn gọn, dễ hiểu này ta khái quát được ngay: “Người bị ghen tỵ là người ở tầm cao hơn, giỏi hơn, có duyên hơn, có tiền hơn so với người ghen tỵ”.

Trong lớp học, cô nào xinh hơn, giỏi hơn được nhiều bạn trai săn đón, rủ đi ăn kem, rủ đi học nhóm, rủ đi cắm trại ... lập tức sẽ bị ghen tỵ, dễ bị nói xấu, dễ bị để ý hơn các nữ sinh bình thường khác.

Trong cơ quan, anh cử nhân, anh tiến sĩ nào được cơ quan hoặc cấp trên đề cao là “tuổi trẻ tài cao” hãy nên thận trọng về ý ăn ý ở với mọi người. Nếu có sơ hở dễ bị dòm ngó, dễ bị nói xấu, dễ bị kết thành tội so với đám đông “sáng vác ô đi, tối vác về”, tức là so với số người “có thì thừa, không có thì cũng ít ảnh hưởng đến công việc trong cơ quan”.

Thế cái số người ghen tỵ nhìn những phần tử ưu tú ra sao? Bằng con mắt nào? Rất may, ca dao cũ lại giúp ta mổ sẻ:

“Hơn nhau tấm áo manh quần,
Thả ra bóc trần, ai cũng như ai”.

Chao ôi, cái cay đắng và bất nhẫn của sự ghen tỵ, nó đã làm mất đi cái lý trí làm người, nó đã làm mất đi cái giá trị của tài năng, của đạo đức mà đem cái quần cái áo đơn thuần ra để tầm thường hóa con người.

Đến đây có thể tạm sơ kết: Người bị ghen tỵ là những người giỏi hơn, có trình độ làm việc cao hơn, có hiệu quả hơn giúp ích cho xã hội tiến lên.

Có thể vì thế họ được Nhà nước quan tâm hơn, ưu đãi hơn nên làm cho một số người kém cỏi hơn luôn ghen tỵ, tìm mọi cách để nói xấu, hãm hại.

2. Ghen tỵ dưới con mắt các học giả phương tây:

Sự ghen tuông, đố kỵ, ghen tỵ là một bệnh thường gặp ở tất cả chúng ta nếu chúng ta có giây phút buông lỏng tu dưỡng về đạo đức và nhân cách. Bệnh ghen tỵ nặng đến mức không thể dùng lẽ phải đơn thuần để điều trị được mà cần có thời gian, cần có các biện pháp mạnh hơn. Đến nỗi Học giả Charles Rollin (1661 – 1741) đã phải thốt lên: “Sự ghen tỵ mạnh đến mức làm át cả mọi suy lý khôn ngoan. Đó là một bệnh nặng mà dùng lẽ phải đơn thuần không thể điều trị nổi” (La jalousie étouffle toutes les sages réflexions. C'est une maladie que la raison seule ne guérit point).

Thế tác nhân nào đã gây ra bệnh ghen tỵ? Chắc chắn có nhiều loại, không thể có danh sách cụ thể được, chỉ biết cái hậu quả của bệnh ghen tỵ để lại cho con người là vô cùng nặng nề và khó chữa vì nó làm tổn thương trực tiếp đến trí não và trái tim con người. Đúng như nhà Triết học Louis Bourdaloue (1632 – 1704) đã chẩn đoán xác định một cách tài tình: “Bệnh ghen tỵ len lỏi vào tâm hồn, làm mờ ám trí tuệ và làm chai sạn, vôi hóa con tim” (L'envie se glisse dans les âmes, elle aveugle les esprits et endurcit les cœurs).

Cách đây hơn 300 năm, bệnh mà Louis Bourdaloue đã chẩn đoán là đã bị mờ đi, ám đi, chai sạn, vôi hóa thì y học hiện đại của thế kỷ XXI cũng vẫn đang phải bó tay. Chỉ còn một cách phòng bệnh tốt nhất: Tập cho con ta, cháu ta thói quen nhân ái, thương người như thể thương thân, mới mong tránh khỏi các tổn thương không thể chữa được là chai sạn, vôi hóa trái tim con người. Cũng rất may, nhìn ra ngoài xã hội, ta thấy nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, nhiều hoạt động từ thiện, hoạt động nhân đạo rất có hiệu quả, chắc chắn sẽ có tác dụng tốt đến quá trình tu dưỡng, quá trình “Học làm người” của thế hệ trẻ hiện nay.

Đối với tất cả mọi người trưởng thành đều nên nhớ một quy tắc bất di bất dịch mà xã hội đòi hỏi:

“Thế gian chuộng của chuộng công,
Nào ai có chuộng người không bao giờ”.

Vì thế, ai cũng phải chăm chỉ làm việc, ai cũng phải có đóng góp cho xã hội, phải có sản phẩm phục vụ cộng đồng thì tất nhiên sẽ được coi trọng, được kính nể, đâu có sợ gì ghen tỵ với nói xấu.

Nhìn vào thực tế ở các nước phát triển cho thấy: Nếu đề cao tính minh bạch, tính công khai (transparency) và tính dân chủ (democracy) sẽ giảm rất nhiều những mâu thuẫn nội bộ, từ đó giảm bớt sự nghi ngờ, sự ghen tỵ lẫn nhau. Ta lại công khai báo chí, dư luận thẳng thắn góp ý, phê phán thì các lỗi lầm sớm được phát hiện, các thiệt hại sớm được phanh phui sẽ làm cho xã hội phát triển lành mạnh, con người phát triển lành mạnh, không còn nghi ngờ, ghen ghét nhau vô nguyên tắc nữa. Còn những ai đang có đóng góp tốt cho xã hội, đang được xã hội đề cao, tuyên dương cũng nên khiêm tốn học hỏi và luôn nhớ tới câu ca dao:

“Cây cao thì gió càng lay,
Càng cao danh vọng, càng dầy gian nan”.

Biết vậy thì sẽ tránh được cái họa bị ghen tức, bị nói xấu.

Xin chúc cho tất cả các thành viên trong cộng đồng cố gắng sống hòa thuận, nếu không đạt được những khẩu hiệu sau: “Người với người, sống để yêu nhau”, hoặc “Trên kính, dưới nhường”, hoặc “Người đi trước rước người đi sau” thì cũng cứ vui vẻ, chan hòa với nhau như câu thơ nổi tiếng sau đây của Đại Thi hào Ấn độ Rabindranath Tagore (1861 – 1941) đã viết:

“Hãy để cuộc đời anh nhẹ nhàng nhảy múa
Bên bờ thời gian
Như những giọt sương trên cánh lá”
(Let your life lightly dance
On the edges of time
Like dew on the tip of a leaf).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người không bị ghen tỵ là người vô tích sự

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO