Nguyễn Du với kinh thành Thăng Long

Hoài Nam 22/11/2019 09:37

Cuộc tại thế không lấy gì làm dài lắm của thi hào Nguyễn Du (1766-1820) cũng đã kịp cho phép ông đặt chân đến và sinh sống trên nhiều vùng miền của đất nước, thậm chí sang cả nước ngoài. Hầu như bất cứ mảnh đất nào cũng để lại dấu tích trong thơ ông, song, đó là những dấu tích không giống nhau.

Nguyễn Du với kinh thành Thăng Long

Thế nhưng, kinh thành Thăng Long, nơi ông sinh ra và sống những năm tháng hoa niên, rất lạ là không để lại dấu tích trong thơ: các nhà nghiên cứu chưa tìm được bằng chứng để nói rằng Nguyễn Du có viết về Thăng Long trước năm 1786.

Chuyện chỉ diễn ra sau đó gần 30 năm: năm 1813, Nguyễn Du được thăng Cần Chánh điện đại học sĩ và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Lúc này Thăng Long trở thành một chặng trên sứ trình của ông… Theo sách "Thơ chữ Hán Nguyễn Du" (NXB Văn học, 1978), bốn bài mở đầu tập "Bắc hành tạp lục" lần lượt là: "Long thành cầm giả ca" (Bài ca người gảy đàn đất Thăng Long), hai bài "Thăng Long", và "Ngộ gia đệ cựu ca cơ" (Gặp người hát cũ của em). Với hai bài "Long thành cầm giả ca" và "Ngộ gia đệ cựu ca cơ", ngay ở tên bài đã cho thấy nghề nghiệp của nhân vật được nhắc đến trong bài: "cầm giả" - người gảy đàn, "ca cơ" - người (con gái) hát. Hiện ra ngay một sự lạ: viết về đất cũ Thăng Long, Nguyễn Du không lấy cảm hứng từ sự tái ngộ với các danh sĩ, các bậc công hầu khanh tướng hay những nhân vật quyền cao chức trọng, thay vào đó lại là những người mưu sinh bằng việc lấy tiếng đàn tiếng hát mua vui cho thiên hạ, những kẻ vẫn bị thế gian gọi một cách đầy miệt thị rằng "xướng ca vô loài". Nguyễn Du nhân đạo ở chỗ: ông hướng sự quan tâm và dành niềm thương cảm cho những thân phận "dưới đáy" xã hội.

Năm 13 tuổi, khi cha mẹ mất cả, Nguyễn Du đã ở với anh trai là Lại bộ thượng thư Nguyễn Khản, mà ông này, như Phạm Đình Hổ chép trong "Vũ trung tuỳ bút", thì: "ham thích hát xướng, gặp khi con hát tang trở cũng cứ cho tiền nó bắt hát, không lúc nào bỏ tiếng tơ tiếng trúc. Khi ông có tang quan tư đồ (tức Nguyễn Nghiễm, cha của Nguyễn Khản, Nguyễn Du) ngày rỗi cũng vẫn sai con hát đồ khúc gọi là "ngâm thơ nôm". Bọn con em quí thích đều bắt chước chơi bời, hầu như thành thói quen". Những anh em khác của Nguyễn Du như Nguyễn Nễ (chính là người tổ chức cuộc hát có sự tham gia của người gảy đàn đất Thăng Long mà Nguyễn Du từng gặp hồi ông còn trẻ), Nguyễn Ức (chính là người "gia đệ" trong nhan đề bài "Ngộ gia đệ cựu ca cơ") cũng là những người rất thích tổ chức các cuộc hát tại gia. Trong một môi trường sống như vậy, sự quan tâm gắn bó của Nguyễn Du với những cầm giả, ca cơ, thiết nghĩ cũng là điều dễ hiểu. Vả lại, là người rất nhạy cảm với những biến thiên, những phôi pha và tàn úa, có lẽ không gì hợp với Nguyễn Du hơn là thân phận của nghệ thuật, thân phận của những người sống bằng nghệ thuật: một cái gì đó mong manh dễ vỡ, một cái gì đó tinh tế đến mức có khi trở thành phù phiếm trước sóng gió cuộc đời. Hãy thử đọc lại bài "Ngộ gia đệ cựu ca cơ": "Con người buổi loạn khác xưa/ Hạc tiên trở lại bây giờ ai hay/ Áo hồng giọng hát những ngày/ Bạc đầu gặp lại chốn này lênh đênh/ Chậu nghiêng nước đổ thôi đành/ Ngó sen tuy đứt tơ mành còn vương/ Lấy chồng nghe đã ba con/ Áo xưa ngán nỗi vẫn còn mặc đây" (Phạm Khắc Khoan và Ngô Ngọc Can dịch). Trong cái nhìn của Nguyễn Du, sự khác biệt giữa xưa và nay ở người con hát mà ông từng quen biết đã bật lên qua hai sắc màu: màu hồng của ống tay áo và màu trắng của mái đầu. Đó cũng là sự khác biệt giữa tuổi trẻ và tuổi già, giữa cường tráng và lão suy. Tàn tạ theo thời gian, xét cho cùng, cũng là lẽ thường. Nhưng, như nhà thơ đã xác định trong câu đầu bài thơ, là thời loạn, vì thế không còn là sự tàn tạ tự nhiên nữa: nó là con người bị vò nhàu bởi hoàn cảnh. Câu cuối, hình ảnh người con hát đã "ba con", mặc "chiếc áo ngày trước" nhuốm một niềm chua chát và thương cảm: cái áo như một nỗ lực vãn hồi đầy tuyệt vọng, lại như một tiếng cười mỉa của quá khứ vàng son trước hiện tại tang thương.

Với bài "Long thành cầm giả ca", ám ảnh về sự tàn tạ của người cũ trên đất cũ Thăng Long trong Nguyễn Du lại càng đậm nét. Ngày xưa, hình ảnh người con gái gảy đàn là: "Xuân độ ấy đương hồi ba bảy/ Ánh hồng trang lộng lẫy mặt hoa/ Não người vẻ rượu ngà ngà/ Năm cung dìu dặt nảy qua phím đàn" (Hoàng Tạo dịch). Đặc biệt ấn tượng là hiệu ứng mà người ấy tạo ra đối với quan khách là các tướng lĩnh Tây Sơn: "Tây Sơn quan khách la đà/ Mải vui quên cả tiếng gà tan canh/ Tả lại hữu tranh giành gieo thưởng/ Tiền như bùn ước lược qua qua/ Vương hầu thua kẻ hào hoa/ Ngũ Lăng chàng trẻ ai mà kể chi" (Rất dễ thấy cái cung cách hào phóng của người thưởng ngoạn nghệ thuật xuất thân võ biền qua đoạn thơ này).

Còn đây là hình ảnh của chính người gảy đàn ấy, ngày nay, già nua xấu xí và bị chìm khuất: "Mé cuối tiệc một người nho nhỏ/ Tóc hoa râm mặt võ mình gầy/ Bơ phờ chẳng sửa đôi mày/ Tài hoa ai biết đất này không hai". Nguyễn Du nhỏ lệ xót thương cho sự tàn tạ của cô Cầm: "Lệ thương tâm ướt vạt áo là", nhưng từ đó, ông bộc lộ cảm khái trước thế sự: "Cuộc thương hải tang điền thấm thoắt/ Cõi nhân gian thành quách đổi dời/ Tây Sơn cơ nghiệp đâu rồi/ Mà làng ca vũ một người còn trơ". Kỳ tiệc vui bên hồ Giám ngày xưa, có người đàn, có những người thưởng đàn, nhưng nay chỉ còn lại một vế. Cô Cầm kia, tuy tàn tạ, nhưng vẫn là một tồn tại trước những bể dâu. Còn nhà Tây Sơn, hùng mạnh thế ấy, song hóa ra bạo phát bạo tàn, tựa như một thoáng phù du của quyền lực trong cõi nhân gian. Dấu nối giữa số phận của một cá nhân và số phận của một triều đại đã được vạch ra: “Sắc thái đối lập giữa sự còn/ mất này nổi lên rõ hơn trong nguyên tác Hán văn: Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong/ Ca vũ không di nhất nhân tại”. Có lẽ nên xem đây như một nhận thức nhuộm màu bi quan của Nguyễn Du về thân phận nhỏ nhoi của con người, về những nỗ lực tuyệt vọng của con người trước thói đỏng đảnh quái ác của Tạo hóa, trước Định mệnh. (Không ít lần Nguyễn Du bộc lộ cảm thức này trong thơ. Ông đã từng có nhận định trong bài "Vị Hoàng doanh": “Xưa nay chưa từng thấy triều đại nào đứng vững nghìn năm”. Cũng như sau này ông sẽ viết trong "Đoạn trường tân thanh": "Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng"). Một nỗi bi quan mang tính tiên nghiệm, và nó đã được khắc sâu thêm trong Nguyễn Du qua sự tái ngộ với các cố nhân trên đất cũ Thăng Long.

Bản thân kinh thành Thăng Long, với Nguyễn Du, cũng là chứng tích của dâu bể sau hai mươi năm ông trở lại. Hai bài "Thăng Long" ông viết khi sứ bộ từ Phú Xuân dừng chân ở Thăng Long trước khi lên Mục Nam Quan cho thấy rất rõ điều đó. Bài "Thăng Long" thứ nhất, liên hai và liên ba như sau: “Những ngôi nhà đồ sộ nghìn xưa, nay thành đường cái/ Một dải thành mới làm mất dấu vết cung điện cũ/ Những cô gái đẹp từng biết nay đều đã ẵm con/ Những bạn hào hiệp lúc trẻ nay thành ông già” (Phạm Khắc Khoan và Ngô Ngọc Can dịch). Bài "Thăng Long" thứ hai, liên một và liên hai là: “Mảnh trăng ngày trước soi xuống ngôi thành mới/ Đây vẫn là Thăng Long, đô thành của các triều vua trước/ Đường sá ngang dọc làm lạc mất dấu vết cũ/ Tiếng đàn sáo cũng đổi khác, xen lẫn âm thanh mới” (Vũ Mộng Hùng và Trần Thanh Mại dịch). Dễ thấy ở hai bài thơ này, cái nhìn vào Thăng Long của Nguyễn Du là cái nhìn luôn có sự liên hệ, đối chiếu giữa xưa và nay, cũ và mới: một phía là từ "tân" (tân thành, tân thanh), và một phía là các từ "cố" (cố cung), "cổ" (cổ thời minh nguyệt), "cựu" (cựu đế kinh, cựu tích). Vẫn là đất Thăng Long ấy mà cứ ngỡ như là đất Thăng Long nào khác, bởi lẽ tất cả đã không còn nguyên như trước, cái mới thay thế cái cũ, cái mới đan xen với cái cũ. Giữa Thăng Long ấy và Thăng Long này, giữa cậu Chiêu Bảy nọ và ông Chánh sứ Nguyễn Du đây là cả một khoảng thời gian đầy biến động, biến động liên tục mà người trong cuộc không thể ngờ tới: loạn kiêu binh, Nguyễn Huệ ra Bắc diệt Trịnh, quân Lưỡng Quảng của Tôn Sĩ Nghị tràn vào và đại bại trước Tây Sơn, rồi đến lượt triều Tây Sơn sụp đổ trước quân lực của Gia Định... Quá khứ với ông đơn giản là chứng tích để cho thấy rằng con người thật nhỏ nhoi và bất lực trước những biến thiên không thể cưỡng lại.

Không ngẫu nhiên mà ở cả bốn bài thơ làm tại Thăng Long, về Thăng Long của Nguyễn Du đều xuất hiện hình ảnh mái đầu bạc: "Tôi từ Nam hà trở lại, đầu bạc trắng hết” (Long thành cầm giả ca), “Đầu bạc còn được thấy cảnh Thăng Long” (Thăng Long I), “Mái tóc mình cũng đã bạc lốm đốm” (Thăng Long II), "Nay đầu bạc gặp nhau, khóc than nỗi lưu ly” (Ngộ gia đệ cựu ca cơ).

Có thể khẳng định rằng nếu không có quãng thời gian sống ở Thăng Long, sống và thấm nhiễm bầu khí văn hóa đất đế đô, sẽ không thể có một Nguyễn Du tài hoa và tinh tế như chúng ta từng biết qua thơ chữ Hán, qua văn Nôm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguyễn Du với kinh thành Thăng Long

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO