Nhà báo cần luôn nhớ rằng, đằng sau tin tức là những số phận con người

Cẩm Thúy (thực hiện) 07/05/2019 17:33

Hiện tượng có những nhà báo được đào tạo bài bản, kinh qua những tờ báo có uy tín, nhưng không hành nghề trung thực mà dùng “ngón nghề” của mình để trục lợi không phải bây giờ mới có.

Nhà báo cần luôn nhớ rằng, đằng sau tin tức là những số phận con người

PV:Theo anh giá trị của nhà báo đối với xã hội ngày nay có gì thay đổi so với trước kia?

Nhà báo Lê Thọ Bình - Phó tổng biên tập Tạp chí điện tử Viettimes: Khoảng mười lăm, hai mươi năm trước, khi mà internet chưa phát triển mạnh, mạng xã hội chưa, hoặc mới manh nha ra đời thì báo chí là phương tiện chính đem thông tin đến cho người đọc. Người đọc trả tiền để có được thông tin nhanh nhạy, hấp dẫn. Nhà báo, về cơ bản, sống được bằng nghề và cũng vì vậy, nhà báo được xã hội tôn trọng. Một bài báo phải đính chính, một nhà báo bị xử lý kỷ luật luôn là một sự kiện gây xôn xao dư luận.

Nếu như trước đây phần lớn coi nghề báo là nghề cao quý; nhà báo phải “giữ mình” để làm nghề; thì nay không ít người coi viết báo là nghề kiếm sống. Để kiếm sống, để có thu nhập ngày một cao hơn, không ít nhà báo đã bất chấp đạo đức của người cầm bút chân chính, họ làm mọi thứ để có tiền. Các doanh nghiệp, mà không chỉ doanh nghiệp, nhìn thấy nhà báo là “nổi da gà”, đến mức nhà báo Hữu Thọ trước đây đã phải thốt lên: “Là nhà báo 50 năm cầm bút, tôi phải đau lòng nói rằng chưa bao giờ uy tín báo chí giảm sút như hiện nay. Có người giờ không dám nhận là nhà báo vì báo chí sai sự thật quá nhiều. Có những cái sai không ngờ. Ví dụ, có nhà báo nghe vợ đi chợ về nói là có tin đồn bố chồng dan díu với con dâu, về cũng làm tin đăng phát trên đài quốc gia”.

Những thói xấu dễ mắc phải nhất của nhà báo thời công nghệ ngày nay là gì?

- Trong báo chí, áp lực phải lên tin nhanh hơn người khác là “vấn đề muôn thủa”, nhưng ngày nay, cuộc đua tốc độ đang ngày càng bị đẩy lên cao. Các nhà báo, các tờ báo không chỉ phải chạy đua với nhau mà còn phải chạy đua với một “đối thủ khổng lồ” là mạng xã hội. Không thể phủ nhận công nghệ đã giúp ích rất lớn cho tốc độ đưa tin, nhưng có vẻ như, lạm dụng công nghệ đang khiến cho việc đưa tin báo chí đi lệch khỏi tôn chỉ quan trọng nhất: tính xác thực.

Ngày nay, có nhiều sự kiện, người ta đã lấy tin bằng cách “lướt” mạng xã hội. Những cập nhật trên facebook qua các hình ảnh, video, nội dung ngắn được chia sẻ của “những người đang có mặt tại hiện trường” được chuyển thành “tin nóng”. Có những nhà báo chỉ ngồi một chỗ xào xáo thông tin trên mạng xã hội thành bài viết của mình. Rất nhiều báo đài có vẻ như đã “tận dụng” thái quá nguồn tin từ facebook để rồi cuối cùng rối loạn vì những thông tin không chính xác. Những bức ảnh với những chú thích sai, những con số trồi sụt không ngừng vì thiếu nguồn tin đã được kiểm chứng.

Sai lầm, sơ xuất trong nghề nghiệp nào cũng vậy, là điều không thể tránh khỏi. Điều đáng nói đối với báo chí ngày nay là sự lơ là tầm quan trọng của việc “phải xác minh thông tin và tuân thủ các nguyên tắc báo chí một cách nghiêm túc, có đạo đức” mới chính là thủ phạm của việc đưa tin sai lệch. Các nhà báo cần nhớ rằng việc có được nguồn tin chính xác quan trọng hơn nhiều so với việc đưa tin sớm nhất. Hãy cân nhắc vì lợi ích lâu dài, chứ không nên “ăn xổi, ở thì”.

Tất nhiên là về cơ bản các nhà báo đều hành nghề đúng pháp luật và có đạo đức, nhưng những năm qua, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận đã xuất hiện những cách làm báo được gọi là "đếm tầng". Anh có hình dung về kiểu làm nghề như vậy không?

- Đây là hiện tượng rất đáng xấu hổ trong làng báo, cần phải bị lên án. Sự xuất hiện của một phóng viên hay một nhóm phóng viên lùng sục khắp các hang cùng ngõ hẻm, ai đổ đất cát ra đường, ai xây ngôi nhà nhiều hơn một tầng so với quy định... là đe dọa viết bài để kiếm cái phong bì vài ba triệu, thậm chí dăm bảy trăm ngàn. Dân gọi nôm na là phóng viên “đếm tầng”.

Hiện nay có một số cơ quan báo chí không có lương và nhuận bút chứ chưa nói gì đến bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho phóng viên. Phóng viên, cộng tác viên chỉ được cấp giấy giới thiệu, thậm chí giao chỉ tiêu chạy quảng cáo, hợp đồng truyền thông. Những phóng viên, công tác viên như vậy không đi “đếm tầng” mới là lạ.

Trước đây khi góp ý cho quy hoạch báo chí tôi đã từng đề nghị: cấp phép cho ra báo là điều kiện cần (theo quy định của pháp luật) và điều kiện đủ là phải có trụ sở, có số lượng đủ phóng viên cơ hữu, có ký quỹ (đủ nuôi bộ máy tòa soạn 3 hay 5 năm chẳng hạn). Nếu làm vậy thì sẽ giảm đi rất nhiều trường hợp “đếm tầng”.

Có một nhà báo nói với tôi rằng hơi ngạc nhiên vì có những nhà báo được đào tạo bài bản, bằng cấp đầy mình nhưng lại không hành nghề trung thực mà họ dùng kiến thức, sự khôn ngoan của họ vào việc kiếm chác bằng cách làm báo như chúng ta vừa đề cập.

- Hiện tượng có những nhà báo được đào tạo bài bản, kinh qua những tờ báo có uy tín, nhưng không hành nghề trung thực mà dùng “ngón nghề” của mình để trục lợi không phải bây giờ mới có. 25 năm trước, trong một cuộc trò chuyện với nhà báo Hữu Thọ về nghề báo, ông đã từng cảnh báo “hiện trong làng báo đang hình thành những “băng đảng đâm thuê chém mướn”, hùn hạp lại với nhau khen cùng khen, chê cùng chê, tung hô cùng tung hô, đánh cùng đánh”.

Ngày nay thực trạng ấy không những không giảm mà còn có chiều hướng tăng hơn, quy mô lớn hơn, các “cú ra đòn” thâm hiểm hơn. Có những nhóm nhà báo lên cả một kịch bản để “đánh” một đối tượng nào đó. Vụ nước mắm truyền thống bị quy “nhiễm asen” là một ví dụ điển hình cho kiểu truyền thông “bất lương” (mà báo chí đã gọi).

Thế thì, thời buổi này, chúng ta nên quan niệm như thế nào về một nhà báo giỏi? Một nhà báo giỏi nghề và có đạo đức có đồng hành cùng nhau không?

- Một nhà báo giỏi là nhà báo khi đưa thông tin bảo đảm nguyên tắc sự thật, chính xác, khách quan, trung thực, công bằng, nhân đạo và có trách nhiệm. Nếu một nhà báo hành nghề trên nguyên tắc: sự thật - chính xác, khách quan - trung thực, công bằng - nhân đạo - có trách nhiệm, thì đấy chính là nhà báo có đạo đức.

Cách làm báo của một số nhà báo hiện nay mà chúng ta đề cập trong câu chuyện này khiến chúng ta không khỏi lo ngại cho một thế hệ phóng viên mới vào nghề, khi mà họ sẽ học được gì từ đó?

- Ở đây có hai vế. Những phóng viên trẻ mới vào nghề mà làm việc hoặc tiếp xúc với những loại nhà báo mà ta vừa nêu trên có thể bị lôi cuốn vào vòng xoáy của truyền thông “bất lương”, nhưng họ cũng sẽ nhìn thấy những ai dùng “ngón nghề” của mình để trục lợi, trước sau gì cũng bị đào thải, mà rút ra kinh nghiệm.

Nếu có thể nói gì với họ, anh sẽ nói gì?

- Các nhà báo không nên làm hại người khác bằng câu chữ. Những gì nhà báo viết ra, nói ra có thể gây tổn thương. Chính vì vậy, trước khi viết hoặc đăng một vấn đề nào đó, nhà báo nên nhận thức được tác động của từ ngữ. Luôn luôn vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và vì cuộc sống của người khác. Nhà báo phải là người luôn luôn lắng nghe những lo lắng, những phản hồi của độc giả. Bản thân nhà báo không thể thay đổi những lời công chúng nhận xét, nhưng cần thực hiện các biện pháp khắc phục khi mắc lỗi.

Mất mát lớn nhất nếu báo chí không còn có tính phụng sự xã hội là gì, thưa anh?

- Báo chí là một loại hàng hóa mang tính xã hội. Các nhà báo có trách nhiệm truyền tải thông tin và đó không chỉ là trách nhiệm đối với những người quản lý các phương tiện truyền thông đại chúng, mà còn là trách nhiệm với công chúng, với nhiều lợi ích xã hội khác nhau. Nếu thông tin không chính xác có thể ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, đến một nhóm cộng đồng, cá nhân. Mỗi bài báo như một thông điệp của tác giả, có khi là sự yêu thương, nhưng có lúc là sự hủy hoại. Nhà báo cần luôn nhớ rằng, đằng sau tin tức là những số phận con người!

Còn nếu báo chí xa rời mục đích phụng sự xã hội thì không còn ai tin báo chí nữa và sớm hay muộn cũng sẽ bị đào thải.

Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà báo cần luôn nhớ rằng, đằng sau tin tức là những số phận con người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO