Nhà báo Chu Thu Hằng – Tổng biên tập báo Văn hóa: Làm báo cần tôn trọng sự thật

Việt Quỳnh 21/06/2018 10:00

Theo tôi, làm báo bây giờ khó khăn hơn trước do phải cạnh tranh thông tin nhưng cũng thuận lợi hơn vì có sẵn phương tiện tra cứu, trích nguồn, thậm chí có đội ngũ truyền thông làm sẵn tin, bài gửi cho và đăng tải cũng dễ hơn trước.

Nhà báo Chu Thu Hằng – Tổng biên tập báo Văn hóa: Làm báo cần tôn trọng sự thật

Nhà báo Chu Thu Hằng.

1. “Làm báo giai đoạn trước khi tôi mới vào nghề và thời nay có nhiều điều rất khác.

Thời đó làm báo không có internet, không có báo điện tử, không có thông cáo báo chí viết sẵn nhưng các phóng viên lại rất máu lửa và tự trọng.

Cùng một sự việc nhưng mười phóng viên đến dự sẽ viết mười bài khác nhau, ai cũng ý thức phải viết khác người kia, hay hơn người kia và không bao giờ chịu ảnh hưởng chính kiến của đồng nghiệp. Vì thế, ngày đó mỗi bài báo thực sự là một tác phẩm báo chí.

Khi viết bài, tôi luôn coi đó là ngồi trước bài thi và cố gắng viết sao cho đạt được điểm tốt nhất có thể”.

2. “Trong sự nghiệp báo chí của tôi, có nhiều niềm vui, nhưng cũng không ít những tiêu cực còn tồn tại?

Cuộc sống muôn màu, có những vấn đề thuộc về bề nổi và cũng có những hiện tượng là tảng băng chìm dưới đáy.

Lĩnh vực văn hóa-văn nghệ cũng có nhiều vấn đề tiêu cực, gây bức xúc dư luận nhưng không phải ai cũng nhìn thấy, hoặc nhìn thấy thì không dám nói, hoặc nói ở mức độ nào đó.

Tôi từng bị một đạo diễn dọa kiện ra tòa đòi 100 triệu tiền bồi thường vì loạt bài của tôi đã khiến dự án suýt được thành phố ký duyệt bị đổ bể.

Nhưng sau đó thì ai cũng thấy, dự án đó đổ bể là xứng đáng.

Với câu hỏi: Ngày nay, theo đuổi nghề báo gặp rất nhiều khó khăn, nhưng phải chăng vì thế cũng nảy sinh ra nhiều tiêu cực khi nhiều phóng viên bị tha hóa dần về đạo đức?

Theo tôi, làm báo bây giờ khó khăn hơn trước do phải cạnh tranh thông tin nhưng cũng thuận lợi hơn vì có sẵn phương tiện tra cứu, trích nguồn, thậm chí có đội ngũ truyền thông làm sẵn tin, bài gửi cho và đăng tải cũng dễ hơn trước.

Nhưng cả khó khăn và thuận lợi đều có thể là những yếu điểm làm mất năng lực kiểm soát, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức của người làm báo. Áp lực thông tin khiến các phóng viên buộc phải tìm kiếm các đề tài giật gân, câu khách, thậm chí phải “đánh để họ biết mình là ai; báo mình là báo gì để thu hút quảng cáo”.

Còn sự dễ dãi về thông tin lại khiến phóng viên trở nên lười nhác và trở thành công cụ PR cho các công ty truyền thông với giá rẻ. Nói … giá rẻ là bởi nếu để đăng một bài PR ở dạng quảng cáo doanh nghiệp phải bỏ cả chục triệu đồng, nhưng thông qua phóng viên ở dạng viết bài (thực chất là thông cáo báo chí có sẵn) thì chỉ phong bì 500 ngàn đã có thể “lọt” kiểm duyệt.

Về vấn đề nhiều nhà báo bắt tay dung túng cái xấu, nhận tiền để bưng bít thông tin hay “đánh” cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đang ngày một phổ biến? Tôi không dám nói là phổ biến nhưng hiện tượng này có, thậm chí nhiều và cần được chấn chỉnh”.

3. “Là một nhà quản lý, để tờ báo ngày càng phát triển theo hướng tích cực?

Tôi mới bị lãnh đạo ngành phê bình là “trông mặt thì hiền mà báo thì “đầu gấu”. Quan điểm làm báo của tôi từ khi bước chân vào nghề cho đến giờ và sau này cũng thế vẫn là “tôn trọng sự thật”.

Văn hóa là lĩnh vực càng tìm hiểu càng thấy rộng, càng thấy bí ẩn muốn khám phá, vấn đề là có khiến người đọc cũng đồng cảm và đồng hành với khám phá của mình hay không? Đây là mục tiêu mà chúng tôi luôn hướng đến.

Tôi luôn quán triệt điều này với phóng viên.

Tất nhiên, đây cũng là việc rất khó. Đừng nghĩ viết văn hóa thì nhàn, là “cái đuôi” ở các báo, nếu nghĩ thế và coi việc dùng thông cáo báo chí, xào xáo bài của đồng nghiệp thành của mình là chuyện đương nhiên như cách của một số nhà báo trẻ hiện nay thì chẳng bao giờ các bạn ấy có thể thành nhà báo đích thực, không bao giờ tạo dựng được một cái tên trong làng báo cho dù có cả ngàn bài báo đã được đăng”.

4. “Làm thế nào để cân bằng được với hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt nhiều thành tích trong sự nghiệp báo chí, lại vẫn chu toàn trách nhiệm của người mẹ, người vợ trong gia đình?

Với tôi là rất khó. May là tôi có sự chia sẻ, thông cảm của những người trong gia đình. Từ nhiều năm nay mọi người coi chuyện tôi về nhà lúc nửa đêm là đương nhiên.

Tuy nhiên, tôi vẫn là người lo mọi thứ trong gia đình, nhỏ là cái tăm và lớn… thì là mọi chuyện. Đồ ăn trong nhà do tôi mua.

Tôi chọn lựa thực phẩm qua các hệ thống hàng uy tín về an toàn thực phẩm và cho ship đến nhà. Hàng tuần, tôi luôn dành ngày thứ bảy để tự tay nấu các món ăn đổi bữa cho cả nhà.

Gia đình tôi đã quen việc, tối thứ sáu các con tôi hỏi: “Mai ăn gì hả mẹ?”.

Còn những dịp nghỉ lễ thì thay bằng việc tung tăng ở các điểm du lịch, dạo phố, tôi sẽ lau dọn nhà cửa, nấu ăn, kiểm tra các tủ quần áo của mọi người để đi mua bổ sung. Lúc đó trông tôi vừa giống lao công, vừa giống cửu vạn” (cười).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà báo Chu Thu Hằng – Tổng biên tập báo Văn hóa: Làm báo cần tôn trọng sự thật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO