Nhà báo Phạm Ngọc Dương: Kinh doanh dù ra tiền thì vẫn là nghề phụ

Việt Quỳnh (thực hiện) 15/07/2019 14:22

Là một nhà báo xông xáo, chuyên mảng phóng sự với nhiều đề tài mới lạ, hấp dẫn, Phạm Ngọc Dương còn là một “Facebooker” có lượng theo dõi lớn. Ngoài công việc chính là viết báo, Phạm Ngọc Dương còn nổi tiếng trong cộng đồng qua việc cung cấp các dược liệu có nguồn gốc từ miền núi Việt Nam, cùng những bài viết phân tích rõ ràng các tác dụng của mỗi dược liệu này.

Nhà báo Phạm Ngọc Dương: Kinh doanh dù ra tiền thì vẫn là nghề phụ

PV:Việc kinh doanh dược liệu của anh có phải là nguồn kinh tế hỗ trợ thêm cho gia đình, hay anh làm vì yêu thích?

Nhà báo Phạm Ngọc Dương: Bản thân tôi từ ngày đi làm báo chưa bao giờ khó khăn. Làm báo An ninh Thế giới hay viết cho Tuổi trẻ TP HCM, một bài viết được chỉ vàng, hoặc đến hai cây vàng, nuôi được vợ con thoải mái, mua được nhà, xe, tậu đất cũng từ viết báo mà ra. Rồi thu nhập từ báo thị trường mỗi tháng cũng được vài chục triệu, chúng tôi làm một tờ báo riêng, kiếm được vài trăm triệu. Tuy nhiên báo thị trường ngày nay đang chết dần, càng đi viết nhiều thì càng lỗ. Tiền lương nhuận bút hàng tháng chỉ đủ phí đi lại cầu đường... nên tôi làm thêm cung cấp thảo dược, làm đúng thứ mình thích, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, cung cấp dược liệu tốt với giá cả phù hợp đến người tiêu dùng, có tăng thêm thu nhập. Vì thế tôi duy trì được việc viết báo độc lập, tự do về tinh thần, viết những gì mình thấy muốn và cần.

Phải chăng việc kinh doanh của anh bắt nguồn từ những chuyến đi thực tế để viết phóng sự?

- Các chuyến đi phóng sự của tôi liên quan đến rừng núi. Đối với nghề làm báo thì phải đi sâu đi kỹ. Tôi hay đi cùng với những thầy lang, người hiểu biết về thảo dược, cây rừng, người bản địa, hay với những người sống bằng rừng, săn bắn hái lượm. Đi trong rừng khám phá các cây thuốc quý, sản vật quý rất thú vị, tôi thích lắm, có thể đi nhiều ngày trong rừng được. Sau một thời gian tiếp xúc và tìm hiểu cùng các thầy lang trong rừng, tôi nhận ra rằng các các hiểu biết về dược liệu, thuốc men của người Việt mình kém xa người Trung Quốc.

Năm 2005-2006, tôi thấy người Mông theo nhau cả làng đi vào tìm củ sâm tiết trúc rất quý, hàng trăm triệu một kilogam, ở mạn Sơn La và Ngọc Linh. Tôi hỏi đây là cây gì thì người Mông nói là củ khoai lang núi, người Trung Quốc cần mua để ăn. Nên họ bán cho người Trung Quốc với giá rất rẻ khoảng một đến ba trăm ngàn kilogam. Còn nhiều giống cây quý khác như thất diệp, nhất chi hoa, chè rừng hoa vàng... cũng được tìm kiếm hái lượm để bán sang Trung Quốc với giá rẻ. Mọi loại thảo dược quý hiếm người Trung Quốc cứ thế mua, trong khi tôi đi hỏi nhiều nhà chuyên môn, họ cũng không biết gì. Ví dụ như cỏ huyết đằng xưa người Trung Quốc nhổ cả rừng, mua lại với giá mười ngàn một cân, nhập về Trung Quốc, rồi bán lại cho Việt Nam giá có hai đến ba ngàn một cân, chứng tỏ họ đã chiết lấy hết chất rồi, bán lại cho mình toàn rác thôi. Thuốc Bắc vốn rất tốt, nhưng người Việt mình lại dùng toàn loại không còn chất nên mất hết niềm tin. Nên tôi nghĩ, bản thân mình đã có sẵn kiến thức, hiểu biết, có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với các thảo dược này, thì nên cung cấp cho dân mình thảo dược tốt, giá phù hợp, đồng thời tôi có thêm thu nhập để nuôi nghề báo. Nghề báo thời kỳ này hết sức khó khăn, khó có thể kiếm tiền để sống được chỉ bằng lương và nhuận bút, và làm sao có thể duy trì việc viết báo một cách chân chính.

Việc tổ chức hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh của anh diễn ra thế nào?

- Có nhiều sản phẩm mà tôi khai thác để làm thêm, mà cũng thú vị. Các nguyên liệu tự nhiên mỗi mùa lại có loại dược liệu thu hái có chất lượng tốt nhất. Như giảo cổ lam khai thác vào mùa đông sẽ được chất lượng cao và hiệu quả, đẳng sâm tốt mà giá còn rẻ vì còn nhiều thì nên khai thác vào cuối năm và đầu năm, tránh mùa hè. Tôi thường gặp trực tiếp người dân ở vùng nào mà loại thảo dược đó có chất lượng tốt nhất, để khai thác, tôi yêu cầu người dân thu hái đúng mùa vụ, đúng kích cỡ, chất lượng, vừa khai thác vừa bảo tồn. Như vậy người dân thu hái thì có công ăn việc làm lâu bền và thu nhập tốt, ví dụ như đẳng sâm tôi thu mua với giá một trăm ngàn đồng mỗi cân, một người dân thường khai thác một ngày được vài chục ký, vậy là họ đã thu nhập được một ngày vài triệu. Mỗi mùa lại khai thác được vài tháng, thì người dân với thu nhập đó có thể sống tốt cả năm. Còn tôi thì cung cấp được sản phẩm đến tay người tiêu dùng với chất lượng tốt mà giá thành thì hợp lý.

Anh luôn mất nhiều công sức để lựa chọn loại tốt nhất? Kiến thức của anh về lâm thổ sản nói chung hay các loại cây thuốc nói riêng rất tốt, anh chia sẻ sao về điều này?

- Tôi là người có kiến thức thực tế, có hiểu biết về thảo dược, ngoài nghiên cứu sách vở mà còn học hỏi từ các thầy lang cả Việt Nam lẫn Trung Quốc, người dân bản địa, người trực tiếp khai thác và cả chế biến sản phẩm. Tôi ví dụ về cây thuốc sâu răng, đây là loại cây đặc biệt, trong quá trình tìm hiểu về sâm ngưu đại lực mà người Trung Quốc có thể chiết xuất ra hoạt chất chữa rất tốt bệnh ung thư phổi, tôi thấy người Dao ở vùng Yên Tử đi đào cây có rễ dài ven suối, hỏi họ đào cây gì đấy, họ bảo đây là cây thuốc chữa trị sâu răng, người Hoa từng lưu trú ở đây chỉ cho họ. Người Hoa khi trở về nước vẫn nhờ người Dao đi tìm khai thác cho họ. Tôi đem rễ cây về nhờ các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu nhưng cho đến hôm nay vẫn chưa có thông tin nó thực sự là loại cây gì.

Anh chia sẻ kỷ niệm về những chuyến đi rừng của anh, và chuyến đi rừng gần đây nhất diễn ra thế nào? Mỗi chuyến đi rừng anh mất bao nhiêu thời gian? Vào rừng không có sóng điện thoại, không gian tách biệt với đời sống bên ngoài, ở nơi sâu thẳm còn hoang sơ ít có bước chân người lui tới, anh cảm thấy gì

- Nơi mà tôi đi khám phá nhiều nhất là dãy Hoàng Liên Sơn, cao nhất Việt Nam, có đa dạng sinh học rất thú vị. Đi ở vùng Đông dãy Hoàng Liên Sơn thì khác với phía Tây. Đi trong rừng chịu khó quan sát thấy hay lắm. Khám phá nhiều đỉnh núi hay. Có những đỉnh núi mà sét đánh nham nhở, không cây nào mọc được. Kinh nghiệm người dân khi đi rừng nhìn lên một đỉnh núi, nhìn mỏm núi, mây quyện hay bay xa, không gian xung quanh mù mịt hay trong, sáng... thì sẽ nắm được thời tiết sẽ ra sao, cần chuẩn bị những gì. Nhiều loại thảo dược quý nhất, tốt nhất, có giá trị nhất, hiếm nhất cũng từ dãy núi này mà ra. Tôi đi lang thang trong rừng, mang theo cái lều, qua đỉnh núi này đến đỉnh núi kia. Ngày lang thang đào bới, đêm dựng lều ngủ. Tự hái lượm săn bắt những con thú bé, những con cá để ăn. Tôi đi đến những cây chè bị lãng quên trong rừng to như cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi, phát hiện được do nhờ hoa chè rụng xuống gốc cây. Những ngày lạnh, tôi co ro bên bếp lửa, đun củi nấu... Trong rừng, giữa thiên nhiên hoang dã, với nai với khỉ với chim, không còn liên hệ với những công việc thường ngày, con người được trở về là chính mình. Đỉnh cao của nghỉ dưỡng là không còn thời gian chẳng còn không gian, được tách biệt với tất cả những căng thẳng buồn bã lo âu. Bản thân tôi khi vào rừng thì cơ thể tâm trí được làm sạch, tôi thấy rất thư thái.

Mặc dù mất nhiều công sức như vậy, anh vẫn có dược liệu bán với giá tốt, thậm chí còn hỗ trợ giá hoặc biếu?

- Tôi biếu rất nhiều. Có những thầy lang tôi chơi, có thuốc quý, tôi biếu cho họ nhiều để họ hỗ trợ cho những bệnh nhân nghèo. Như thầy lang Phạm Văn Thanh, khi cuộc sống khá giả, anh cho hàng nghìn người thuốc, bất kể thuốc đắt hay không. Kinh doanh dược liệu tôi thấy rất thú vị, như là bán trên mạng. Ví dụ như một sản phẩm thảo dược người khác chế biến ra giá một trăm ngàn, nhưng bán được phải lên một triệu, vì liên quan đến những người phân phối, truyền thông, đầu tư khác... Tôi thì bán có giá một trăm rưỡi, chủ yếu bán cho người quen biết nên tôi không có hệ thống phân phối vì chẳng ai muốn bán hàng cho tôi khi chiết khấu giá thành sản phẩm rẻ như thế, cũng chẳng làm lớn được vì thảo dược tốt số lượng có hạn. Nhưng chỉ cần cung cấp cho nhóm người quen thôi, tôi cũng thấy mình sống khá đầy đủ rồi.

Vậy làm thế nào để anh vẫn giữ được đam mê nghề báo, và dự định của anh đối với nghề báo cũng như công việc kinh doanh?

- Quá trình tôi đi khắp rừng này núi nọ, đến các bản làng, đến bao vùng biển... trên khắp mọi miền Tổ quốc, do mình đi nhiều khám phá nhiều nên gặp rất nhiều những đề tài hấp dẫn và không bao giờ cạn được. Thời gian tới, nghề báo ngày càng khó khăn với thị phần ít ỏi bởi Google hay Facebook đã chiếm số lớn, chừng 80% giá trị truyền thông, 8% còn lại cho truyền hình và chỉ chừng 2% cho các tờ báo khác. Nhưng Google, Facebook để có chất lượng tốt thì lại dựa vào những người sử dụng có kiến thức, có hiểu biết, cung cấp thông tin xác thực cần thiết như các nhà báo. Do đó các nhà báo cần chú ý đến việc ngoài việc viết báo chính thống thì nên quan tâm đến việc cung cấp nội dung cho Facebook, Google, vì vậy tôi cũng đang chuẩn bị cho việc đó. Về kinh doanh, tôi vẫn làm công việc đam mê là làm thảo dược, nhưng tôi chưa có ý định phát triển nhanh mạnh công việc kinh doanh này vì với tôi, làm báo vẫn là công việc chính, còn kinh doanh thảo dược dù ra tiền thì vẫn là công việc phụ mà thôi.

Xin cảm ơn về những chia sẻ chân tình của anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà báo Phạm Ngọc Dương: Kinh doanh dù ra tiền thì vẫn là nghề phụ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO