Nhà nghiên cứu Lịch sử - tiến sĩ Ngô Vương Anh Những nét vàng son Hà Nội

Việt Quỳnh 25/10/2019 14:12

Ngô Vương Anh (bút danh Ngữ Thiên, sinh năm 1967 tại Hà Nội) hiện công tác tại Ban Tuyên truyền lý luận - báo Nhân Dân. Anh là tác giả của nhiều bài viết về nghiên cứu lịch sử văn minh vật chất, văn hóa, nghệ thuật… trong đó, Hà Nội là mảng đề tài mà anh quan tâm.

“Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Hoàng Mai - Kẻ Mơ. Mắt tôi nhìn thấy trực tiếp đến năm đời trực hệ của mình ở đó, còn gia phả các cụ ghi chép thì còn xa hơn. Làng tôi ở phía đông nam kinh thành, ở đầu huyện Thanh Trì xưa, từng là thái ấp của Trần Khát Chân -Thượng tướng uy dũng thời cuối Trần. Làng tôi và làng Tương Mai còn có tích “tranh nhau” thờ ông làm thành hoàng.

Nhà nghiên cứu Lịch sử - tiến sĩ Ngô Vương Anh Những nét  vàng son Hà Nội

Thế hệ chúng tôi sinh ra giữa lúc chiến tranh, lớn lên qua thời bao cấp. Tôi nhớ nhiều thứ ở làng hồi bé nay đã biến mất, nhớ từng bước “vặn mình” chuyển đổi từ “làng” đến “phường”, nhớ những miếng ngon (ít ỏi) được ăn từ tấm bé nay đã trở thành ký vãng (con cà cuống nướng chẳng hạn, hoặc như cá rô đầm Sét, nhãn lồng làng Quang…). Tôi yêu những ký ức của mình và rồi yêu cả những ký ức của người khác, của nơi khác nữa, vì thế tôi yêu thích và rồi gắn bó (như là) tự nhiên với lịch sử, với ngành Sử, với những ký ức… mà ký ức về Hà Nội là một phần đặc biệt. Rồi ngành Sử chọn mình (chứ lúc đầu chưa hẳn tôi đã chọn), nhưng càng học tôi càng thấy thích sử hơn và cứ thế học tiếp, cho đến bây giờ vẫn thế…

Nhiều con phố, nhiều khu làng, những cái hồ, nhiều hàng quán Hà Nội và nhiều hơn nữa là những con người… với tôi gợi lên những kỷ niệm gắn bó. Nói theo kiểu “bệnh nghề nghiệp” thì những góc phố đi qua đều “chứa đầy” lịch sử và nhìn theo chiều thời gian sẽ thấy những chuyển dịch và đổi thay, thấy cả những gì đã mất, đang mất dần và cả những gì mới sinh ra hoặc được cấy thêm vào… Từ thời phải xếp hàng mua bằng tem phiếu đến nay đã có nhiều biến đổi không thể ngờ, về mọi mặt. Được sống trong một thời như vậy, được chứng kiến nhiều đổi thay như vậy chẳng phải cũng là một may mắn và hạnh phúc sao!

Hà Nội trầm mặc với nhiều rêu phong cổ tích, nhiều di tích hiện hữu trên mặt đất và dưới lòng đất, đó là những di sản vật thể cần trân trọng gìn giữ. Nhưng còn có một Hà Nội lắng sâu trong nếp sống và tính cách, tinh hoa trong nhiều ngành nghề thủ công và những môn nghệ thuật truyền thống, tính cả nghệ thuật ẩm thực. Hà Nội có một “chất” riêng mà không dễ diễn giải một cách rành rẽ. Những gì (chỉ) phảng phất, mơ hồ, khó hiểu và khó nắm bắt trong “cái tinh thần Hà Nội” đó có lẽ làm nên sức hút của nơi này. Người Hà Nội nhẹ nhàng, hơi trầm và sâu lắng, tinh tế trong cảm nhận, không “chủ trương” phân định hơn - thua và có khi lảng tránh “đối đầu” trực tiếp lúc tranh luận đã có phần gay gắt... Những nét tính cách đó, nếp nghĩ đó làm cho người Hà Nội được yêu quý.

Cuộc sống vật chất phát triển, đời sống tinh thần biến đổi sẽ làm cho những gì xưa cũ biến mất nhanh hơn. Tình cảm hoài cổ không thắng được sức mạnh kim tiền trong thời hiện đại càng khiến những nhà bảo tồn lo lắng, bức xúc. Đứng trước một con đường, một góc phố, một tòa nhà xưa ở Hà Nội… câu hỏi đầu tiên có lẽ là: Nó còn tồn tại được bao lâu nữa trước tình trạng loạn quy hoạch như hiện nay? Vấn đề đặt ra là cần có sự nhìn nhận cặn kẽ, thấu đáo, khoa học để có thể khẳng định được những gì nên/ cần phải giữ rồi sẽ bàn đến chuyện giữ như thế (bằng phương pháp) nào và bằng cái (phương tiện) gì? Tiếc rằng hiếm khi nhà đầu tư và nhà bảo tồn có được tiếng nói chung. Thậm chí khi hai “nhà” này có “tiếng nói chung” cũng phải xem tiếng nói đó có chính trực không và “ngửi” xem có mùi kim tiền ở đó không? Đây chính là nỗi đau xót của các di tích.

Dù ngành văn hóa Hà Nội cũng đã có cố gắng kiểm đếm, phân loại, v.v.. nhưng còn rất nhiều thứ “vô danh”, “vô định hình” khó có thể kiểm đếm bằng những con số thống kê. Những nét vàng son của Hà Nội bao gồm cả những thứ hiện hữu (di tích, di sản văn hóa, kiến trúc, địa mạo tự nhiên, đến nay còn phải tính thêm cả khí hậu…) và cả những thứ không hiện hữu là những giá trị tinh thần làm nên “hồn cốt” của Hà Nội. Chúng ta không thể vì yêu quý mà cứ hô lên là “cần giữ” một cách chung chung theo kiểu “dân túy”. Điều cần làm là chọn lọc một cách khôn ngoan những gì phù hợp để phát triển, gạt bỏ những gì cản trở sự tiến lên. Làm thế nào để chọn lựa khôn ngoan? Đó là điều xã hội đòi hỏi trách nhiệm ở các nhà khoa học, các bậc thức giả biết chỉ ra những giá trị cần giữ, những quy luật cần tuân theo để tư vấn, định hướng cho những quyết sách và xã hội cũng đòi hỏi những người có quyền ra quyết định biết lắng nghe những ý kiến của những hiền tài. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là đến khi những cái xấu đã gần chạm đến ngưỡng bão hòa, công chúng sẽ thờ ơ - lúc đó văn hóa tốt đẹp sẽ mất và chỉ còn lại những lệch lạc ô nhiễm. Nhưng chúng ta phải tin rằng gần như có một “định lý xã hội”: Những điều tốt đẹp thì có thể bền vững, vì đó là những giá trị đã được thừa nhận. Còn những điều xấu sẽ không thể xấu mãi được, nó sẽ bị xã hội loại thải.

Trải qua quá trình nghiên cứu và tiến hành các hoạt động ra sao để có được một bài viết về lịch sử Hà Nội xưa? Liên quan đến những thao tác của công việc nghiên cứu mà bất cứ ai làm công việc này đều phải tuân thủ, có thể nói tóm tắt đôi điều chung nhất, khi giải quyết một vấn đề nghiên cứu sẽ có những bước tuần tự: Nhìn nhận, phát hiện, đánh giá vấn đề => Thu thập thông tin, thẩm định, phê phán để khẳng định giá trị tư liệu => Xử lý tư liệu, tư duy và vận dụng phương pháp khoa học để giải quyết vấn đề => Từ các luận cứ, luận chứng rút ra luận điểm => Thẩm định, kiểm tra kết quả nghiên cứu => Công bố kết quả nghiên cứu.

Mong ước của tôi về Hà Nội cũng giản dị thôi: Mong cho Hà Nội đúng (bền vững) là Hà Nội, không bị vẩn đục bởi những thứ lai tạp và mượn danh.”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà nghiên cứu Lịch sử - tiến sĩ Ngô Vương Anh Những nét vàng son Hà Nội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO