Nhà thơ Gia Dũng, một đời Thơ

Lê Na 13/12/2019 09:05

Tôi biết nhà thơ Gia Dũng từ đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước. Khi đó ông chuyển từ tạp chí Văn nghệ Quân đội về Tuyên Quang, cho gần gia đình. Đầu năm 1982 nhà thơ đang riết ráo cho việc thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tuyên (Hà Giang và Tuyên Quang thời điểm đó là một tỉnh). Chiến tranh biên giới phía Bắc đang thời điểm diễn ra ác liệt, cơ quan cấp tỉnh từ Hà Giang chuyển xuống thị xã Tuyên Quang được vài năm, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Cuối cùng thì vào ngày 26/6/1982, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tuyên đã được thành lập.

Nhà thơ Gia Dũng, một đời Thơ

Thế hệ chúng tôi đã đọc thơ Gia Dũng từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó là những năm trước giải phóng miền Nam, Bài ca Trường Sơn được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc đã đi vào trái tim ngàn vạn thanh niên. Có lẽ không ai không thuộc bài hát này. Lời hát như luồng gió mát, ngạt ngào lý tưởng cách mạng, thổi vào khát vọng phơi phới của lớp trẻ. Trước vận mệnh lịch sử, nhà thơ đã thay mặt một thế hệ người Việt Nam viết nên cảm xúc, hào khí của đất nước.

“…Trường Sơn ơi,
trên đường ta qua
Không một dấu chân người
Có chú nai vàng
nghiêng đôi tai ngơ ngác
Dừng ở lưng đèo
mà nghe suối hát
Ngắt một đóa hoa rừng
gài lên mũ ta đi…”

Người lính ra trận mà sao lãng mạn quá. Chính những hình ảnh này đã thôi thúc thế hệ chúng tôi và hàng triệu người con của đất Việt ra trận:

“…Đạp đá tai bèo
bằng sức pháo ngàn cân
Đi ta đi
những trai làng Phù Đổng
Còn gì vui hơn
đường ra trận mùa xuân...”
(sáng tác năm 1968)

Gia Dũng sinh ngày 15 tháng 8 năm 1940, tuổi Canh Thìn tại quê lúa Thái Bình, nhưng lại sinh sống một thời trẻ trai tại Tuyên Quang. Từ Tân Trào Tuyên Quang ra đi chiến đấu, người chiến sĩ ấy đã đặt trái tim mình vào trái tim dân tộc. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông về công tác tại Văn nghệ Quân đội, một tạp chí có tiếng về văn chương, lại quen biết nhiều nhà thơ, nhà văn lớn của quân đội và của đất nước, ông đã học hỏi, tích lũy được nhiều kiến thức. Cuối thập niên bảy mươi, ông về Tuyên Quang công tác. Với nhiệt huyết, ông vận động những tác giả đã có nhiều đóng góp cho nền văn nghệ hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang - đó là các nhà văn Đinh Công Diệp, Phù Ninh, Mai Liễu, Đức Hùng, Nguyễn Khắc Đãi, các nhà thơ Cao Xuân Thái, Đoàn Thị Ký, Trần Khoái, Thái Thành Vân, các họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhạc sĩ Văn Làn, Đình Vượng, Quốc Kứu, Công Mỹ, Trần Công Khanh, Tân Điều… Ông động viên, bồi dưỡng những tác giả trẻ và tạo thành lực lượng sáng tác ngày một đông đảo, tiếp nối nhiều thế hệ.

Năm 1984, ông tham mưu cho Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Hà Tuyên mở trại sáng tác văn học đầu tiên tại tỉnh. Dự trại có hơn hai chục tác giả từ các tỉnh miền núi phía bắc. Trong thời gian mở trại, hầu hết các nhà văn, nhà thơ lớn của đất nước đã lên dự và trao đổi với các hội viên - đó là Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc, Đào Vũ, Nguyễn Đăng Mạnh, Lê Lựu, Ngô Ngọc Bội, Vương Trí Nhàn… Giữa lúc chiến tranh biên giới ác liệt, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cho hội viên dự trại đã trực tiếp đi thực tế sáng tác viết về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cổ vũ đồng bào các dân tộc giữ đất, giữ bản.

Với thơ, Gia Dũng chăm chút nuôi nấng từng con chữ. Ông lựa chữ như người thợ mộc chọn gỗ. Ông bảo tiếng Việt thật tuyệt, không có chữ nào bỏ đi, chỉ có điều nhà thơ sử dụng nó ở chỗ nào và khi nào… Ngày đó, báo Văn nghệ Hà Tuyên còn in tipo tận Xí nghiệp In Sao Vàng, cách thị xã Tuyên Quang ngót chục cây số. Ông lọ mọ đạp xe, cái xe tàng đến mức vứt chỏng trơ cả buổi, kẻ gian cũng chẳng thèm ngó ngàng. Ông đeo cặp kính dày, ngó sát vào bản bông, như ngửi từng con chữ. Có khi điện mất, cái đèn bão đỏ quạch thiếu sáng, sát bên tai. Ông xót xa cho một vài lỗi ở trang thơ. Ông lo nhất tờ báo không kịp ngày ra để kịp thời động viên chiến sĩ, đồng bào đang trong cuộc chiến biên giới phía Bắc nóng bỏng. Báo in xong, ông mừng vui khôn xiết, mang đi khoe bạn bè văn chương khắp nơi. Gia Dũng là thế. Mỗi khi viết được bài thơ tâm đắc, ông nói vui: “Thôi nhé, nghe bài này, đừng ai làm thơ nữa. Xong. Hết rồi”. Nhưng, nói vậy, ông lại đau đáu với thơ, ông lại lao tâm, khổ tứ tìm tòi những tứ thơ mới…

Là thế hệ đàn em, với tôi, ông luôn ân cần chỉ bảo. Ông đọc cho tôi nhiều câu thơ hay của đồng đội, bạn bè. Ông biên tập, sửa chữa, cắt gọt những rườm rà, lôi thôi trong thơ tôi. Và, quan trọng nhất là ông tạo cho tôi một niềm yêu thơ không bờ bến. Ông khuyến khích tôi nhiều: “Cậu có tố chất làm thơ”.

Tôi thuộc nhiều câu thơ tình của Gia Dũng. Cánh cửa khép hờ là tập có nhiều bài hay. Một thứ tình yêu đơn phương, mơ mộng thậm chí còn hão huyền nữa. Cũng đừng trách thi sĩ si tình và say rượu, đến cái số nhà của người yêu cũng thành thơ. “Số gì là số chín lăm…”. Sự thèm khát ấy, đôi khi dám “Nghiêng cả đại dương một tiếng khà”. “Viết được một câu thơ tặng em/ Về tự thưởng cho mình ly rượu”… Nhiều lắm, những câu thơ như dao cứa lòng. Nhưng chưa bao giờ trong ông có niềm tuyệt vọng. Bao nhiêu sóng gió, bão bùng nhà thơ vẫn mỉm cười với thơ. Những khi Hội Văn nghệ Tuyên Quang mở trại sáng tác thơ, Hội cũng vài lần mời ông lên đọc và góp ý cho trại viên. Ông đọc miệt mài, đầy trách nhiệm và góp ý chân tình. Trong trái tim, khối óc của ông là cả một kho tàng đồ sộ về thơ. Trong suốt những năm sau giải phóng cho tới cuối đời, Gia Dũng vẫn vin vào thơ mà sống.

Ông đã in riêng trên mười tập thơ như: Tứ tuyệt vô đề, Bất ngờ ngoảnh lại, Chiều trăng, Ngõ hoa vàng, Cánh cửa khép hờ, Người đọc thơ giọng trầm, Thơ trữ tình Gia Dũng… Ông cũng dành khá nhiều thời gian của đời mình biên tập tuyển chọn và biên soạn hơn ba mươi tập thơ Việt Nam qua các thời kỳ với các tác phầm đồ sộ, kỷ lục như: Thơ Việt Nam 1945-2000, Thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam thế kỷ XX, Ngàn năm thương nhớ (Thơ Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XX), Hồ Chí Minh - Hợp tuyển thơ, Nguyễn Trãi hợp tuyển thơ, Trời Nam thương nhớ (Tuyển thơ Nam Bộ xưa và nay), Vườn Thanh, Thơ tình Đà Lạt, Ngàn năm thơ Việt, Đánh giặc làm thơ mười thế kỷ, Chúng tôi đánh giặc và làm thơ, Nước non một dải, Gần lắm Trường Sa, Biển gọi (10 thế kỷ thơ về biển đảo Việt Nam), Trời Điện Biên mây trắng, Trông về Việt Bắc, Bài ca thống nhất, Miền Mây trắng (Thơ tình Sa Pa)… Hai năm liền (2005 và 2006), Gia Dũng được trao giải thưởng Sách đẹp Việt Nam.

Lần gặp cuối, ông tâm sự: “Mình hài lòng về những gì Nhà nước đã dành cho mình lúc cuối đời. Đấy cũng là ân huệ cho một thi sĩ. Hãy cố gắng viết nhé…”. Ông được nhận lương hưu và trợ cấp thương tật hơn bảy triệu đồng một tháng. Ông đùa, hơn bảy triệu, một người lính về hưu, tiêu sao hết. Những người còn nằm lại ở chiến trường mới đáng thương. Rồi ông bị đột quỵ. Con trai ông, Đỗ Gia Anh Tuấn, báo tin cho tôi. Sáng hôm sau tôi vào bệnh viện A Tuyên Quang thăm. Ông nằm đó, trên đệm êm, im lặng. Hơn hai tháng trời ròng rã, gia đình và thầy thuốc đã chăm sóc, chạy chữa nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Khi tôi chuẩn bị lên máy bay, bay vào Sài Gòn, thì nghe cô văn thư của Hội Văn nghệ Tuyên Quang gọi điện báo tin nhà thơ Gia Dũng đã mất. Đúng ngày 12/4/2019. Một nỗi buồn trống chếnh. Tháng Tư - cả đất nước rạo rực chào mừng ngày đại thắng 30/4, một người lính, một nhà thơ “Ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi” đã về với đất mẹ. Được biết, hôm tổ chức lễ tang ông tại phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang gia đình đã mở ca khúc Bài ca Trường Sơn cho ông nghe lần cuối. Tôi chưa có may mắn được gặp nhạc sĩ Trần Chung. Ông cũng đã thành mây khói bay khắp dải Trường Sơn. Hai người nghệ sĩ đã ra đi nhưng giai điệu Bài ca Trường Sơn còn lại mãi cùng đất nước, quê hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà thơ Gia Dũng, một đời Thơ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO