Nhà tình báo vĩ đại Richard Sorge: Cuộc đời oanh liệt và nghiệt ngã

Phan Ngũ 15/06/2018 16:20

Mới đây nhà xuất bản Đội Cận vệ trẻ ở Moskva đã xuất bản tập sách “Sorge. Con người bất tiện”. Đây là một trong những cuốn tiểu sử chi tiết nhất về nhà tình báo vĩ đại trong thế chiến thứ hai Richard Sorge. Tác giả sách, nhà sử học từng được nhận giải thưởng của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), Aleksandr Kulanov, cho rằng, trong những cuốn sách viết về Sorge trước đây và trong cách hình dung phổ cập của công chúng Nga về nhà tình báo vĩ đại này có nhiều điều chưa chuẩn xác.

Nhà tình báo vĩ đại Richard Sorge: Cuộc đời oanh liệt và nghiệt ngã

Người con mang hai dòng máu Đức - Nga
Theo những thông tin chính thức, Richard Sorge sinh ngày 4/10/1895 tại Bacu, thủ đô Azerbaijan, khi đó là một phần của đế chế Nga. Mẹ anh là người Nga, xuất thân từ một gia đình công nhân đường sắt. Cha anh là một kỹ sư người Đức, sang đó làm việc trong công ty khai thác dầu mỏ của Nobel. Một người ông họ của Richard, Friedrich Adolf Sorge (1826-1906) từng là một trong những nhà lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản I, thư ký của Karl Marx. Trong bản tiểu sử tóm tắt khai năm 1927, Richard Sorge đã viết: “Gia đình bên nội nhà tôi là hậu duệ của những người trí thức và đồng thời là một gia đình với những truyền thống cách mạng lâu đời. Cả ông nội tôi lẫn hai người ông họ, đặc biệt là ông Friedrich Adolf Sorge, đều là những chiến sĩ cách mạng tích cực từ trước, trong và sau cuộc cách mạng 1848”. Sau này, trong các cuộc trò chuyện với những người bạn ở Moskva, Sorge đã nhận xét một cách tếu táo: “Nói chung tôi có thể coi mình là người Azerbaijzan. Khổ một nỗi, tôi không biết một chữ Azerbaijzan nào”…

Khi cậu bé Richard tròn ba tuổi (1898), gia đình chuyển về Đức và định cư ở ngoại ô Berlin. Tất nhiên, ở đó thì mọi người đều trò chuyện với nhau bằng tiếng Đức. Chính vì thế nên theo nhà sử học Kulanov, Sorge khi lớn lên đã không mấy thông thạo tiếng Nga. Năm 1924, khi Sorge tới Moskva theo con đường của Quốc tế Cộng sản, dù trong bản khai lý lịch anh ghi là “biết tiếng Nga” nhưng có lẽ là chỉ biết sơ sơ thôi nên đã phải thuê ngay một giáo viên bồi dưỡng cho anh về khẩu ngữ. Còn về viết tiếng Nga thì tới sau này anh vẫn không thạo… Có một chuyện rất cảm động: người vợ Nga của Sorge, Katya Maksimova, viết thư cho anh bằng tiếng Pháp, còn anh lại trả lời cô bằng tiếng Anh hoặc tiếng Đức. Nhân viên cơ quan an ninh, khi chuyển những lá thư này tới cô, đã phải dịch miệng luôn nội dung của chúng. Cũng theo nhà sử học Kulanov, Sorge thông thạo tiếng Anh, biết chút ít tiếng Pháp, đủ để đọc những lá thư mà Katya gửi cho anh. Anh có thể giao tiếp một cách đơn giản bằng tiếng Hà Lan và tiếng Na Uy. Khi hoạt động ở Nhật Bản, Sorge có thể trò chuyện bằng tiếng Nhật với người vợ Nhật của mình, cô Hanako Ishii, nhưng cũng chỉ nói được những câu đơn giản…

Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Sorge phục vụ trong quân đội Đức. Trên mặt trận phía Đông, Sorge ba lần bị thương, khiến một chân anh phải phẫu thuật và ngắn hơn chân kia tới 2,5 cm – thế là suốt đoạn đời còn lại, anh phải đi khập khiễng.

Trong lúc nằm trong bệnh viện quân y, Sorge bắt đầu đọc sách của Mác và lập tức bị hấp dẫn bởi tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Giải ngũ về, anh nhập trường đại học tổng hợp Hamburg, khoa chính trị học. Chính tại đây anh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Năm 1919, Sorge trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đức. Say mê hoạt động trong phong trào cộng sản quốc tế với một niềm tin sâu sắc, năm 1924, anh đã sang Moskva và lập tức lọt vào con mắt xanh của ngành tình báo đối ngoại Xôviết. 5 năm sau, anh được cử đi công tác tại Trung Hoa. Trong nửa cuối thập niên thứ ba của thế kỷ trước, với mật danh Ramsey, Sorge thực hiện điệp vụ tại Thượng Hải với tư cách một phóng viên Đức “thuần chủng”.

Cũng trong thời gian Sorge hoạt động ở Trung Hoa, cơ quan tình báo Anh đã thu thập được khá nhiều tài liệu bất lợi liên quan tới anh. Tuy nhiên, những tài liệu đó đã không gây thiệt hại trực tiếp cho Sorge và chỉ hai năm sau khi anh rời khỏi Thượng Hải, chi nhánh tình báo Xôviết ở đó mới bị phát giác. Mặc dầu vậy, trong những bản nhận xét cuối năm về Sorge tại cơ quan tình báo Xôviết, câu chuyện này vẫn được ghi lại với nhận xét: tại Thượng Hải, Sorge đã ở sát miệng vực thất bại nhưng vì sao vẫn thoát hiểm. Lý do là ở đâu? Có lẽ vì anh đã công tác với cả các cơ quan tình báo Anh, Đức và Nhật(?) Theo nhà sử học Kulanov, điều này ít nhiều đã ảnh hưởng tới uy tín chuyên môn của Sorge trong con mắt của lãnh đạo tình báo Xôviết.

Sau khi quân Nhật tràn vào Mãn Châu Lý, cán cân lực lượng trên lục địa Á châu đã có thay đổi một cách căn bản. Quốc đảo Mặt trời mọc, mặc dù dân ít đất chật nhưng với tiềm lực vật chất dồi dào của mình đang muốn giành lấy vai trò một siêu cường khu vực. Chính vì thế nên cơ quan tình báo Xôviết đã chuyển sự chú ý đặc biệt của mình sang xứ sở hoa anh đào. Sorge nhận được lệnh rời khỏi Trung Hoa và sang Nhật với nhiệm vụ tổ chức một mạng lưới điệp viên. Trước đó, chưa một cán bộ tình báo Xôviết nào làm được việc này.

Thoạt tiên Sorge từ chối thực hiện nhiệm vụ này vì anh nghĩ, với ngoại hình châu Âu rõ nét như thế, anh khó có thể thoát khỏi sự chú ý đặc biệt của những người Nhật đa nghi. Tuy nhiên, cấp trên đã thuyết phục được anh với lý lẽ: anh cần phải biến điểm yếu của mình (ngoại hình châu Âu) thành điểm mạnh và không lúc nào nên giấu diếm rằng anh là người Đức. Hơn nữa, nghề phóng viên cho phép anh quan tâm tới mọi sự trên đời mà không sợ bị tình nghi.

Hiệu quả, chất lượng

Từ Trung Hoa về lại Đức, Sorge thiết lập được những mối quan hệ hữu hảo với đám quân báo Đức và cả cơ quan Gestapo. Rồi anh còn gia nhập đảng Quốc xã. Anh hành nghề phóng viên ở Berlin khá mỹ mãn và được cử sang Tokyo làm đại diện cho cả một loạt cơ quan báo chí Đức. Tại đó, anh mau chóng trở thành một cây bút chủ đạo về các chủ đề Nhật Bản trên báo chí Quốc xã, cả trên tờ rất nổi tiếng như Frankfurter Zeitung... Trước khi bùng nổ chiến tranh thế giới thứ hai, Sorge đã trở thành tuỳ viên báo chí của đại sứ quán Đức tại Tokyo. Với vốn tri thức rộng rãi về mọi sự trên đời, với phong cách lịch lãm và vốn ngoại ngữ phong phú, Sorge mau chóng trở thành “người nhà” của giới chức Đức cao cấp đang công tác ở Nhật. Theo đánh giá của nhà sử học Kulanov, trong quá trình hoạt động tại Nhật, Sorge đã trở thành không chỉ là một nhà tình báo siêu đẳng mà còn là một chuyên gia giỏi về Nhật Bản, một nhà kinh tế học hiểu biết, một chuyên giả giỏi về nông nghiệp. Anh cũng là một nhà báo lành nghề, một nhà nghiên cứu địa chính trị học rất say mê công việc của mình…

Trên cơ sở vững vàng vỏ bọc, anh đã thiết lập được một mạng lưới điệp viên cộng sản ở xứ sở hoa anh đào. Đồng đội của anh ở Nhật có điện đài viên Bruno Vendt (mật danh Bernhard), đảng viên cộng sản Đức, từng tốt nghiệp một khóa học về điện đài ở Moskva; nhà báo người NamTư làm việc cho tạp chí Pháp Branko Vukelic, gia nhập hàng ngũ các tình báo viên Xôviết ở Paris; họa sĩ người Nhật Yotoku Miyagi, từng nhiều năm sinh sống tại Mỹ, vào đảng Cộng sản tại đó và trở về Nhật theo yêu cầu khẩn thiết của cơ quan tình báo Xôviết. Về sau, Sorge đã cho nhập vào mạng lưới của mình thêm một thành viên nữa là nhà báo người Nhật Hotsumi Ozaki, người về sau trở thành một nguồn cung cấp thông tin quan trọng bậc nhất cho Ramsey.

Một nguồn thông tin quan trọng khác đối với Sorge là tùy viên quân sự Đức tại Nhật, tướng Eugen Ott, mới được bổ nhiệm và ngay lập tức đã kết thân với anh. Để chiếm lòng tin của tướng Ott, Sorge, vốn rất tinh thông mọi ngóc ngách chính trường phương Đông, đã cung cấp cho viên tướng Đức các thông tin về các lực lượng vũ trang cũng như công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản. Kết quả là các bản báo cáo của tướng Ott trở nên giàu có nội dung và các phân tích sắc sảo mà trước đó ông ta không bao giờ có, khiến cấp trên ở Berlin rất đắc ý. Sorge đã trở thành “người nhà” đối với gia đình Ott (vợ ông này đặc biệt thích Sorge). Về phần mình, đối với Sorge, tướng Ott trở thành “món quà quý báu” vì ông ta hay có thói quen thảo luận với bạn bè những công việc chuyên môn. Hơn ai hết, Sorge biết cách làm một người nghe chu đáo và một cố vấn anh minh.

Năm 1935, Sorge theo lệnh cấp trên đã đi đường vòng qua New York về Moskva và nhận được nhiệm vụ mới: tìm hiểu vấn đề, liệu với lượng vật chất và nhân lực vốn có của mình, Nhật Bản liệu có đủ khả năng tấn công Liên Xô hay không? Cũng trong thời điểm đó, mạng lưới điệp viên của Sorge được thay điện đài viên. Người mới tới là Max Klausen, từng quen biết với Sorge từ thời anh làm việc ở Thượng Hải.

Nhà tình báo vĩ đại Richard Sorge: Cuộc đời oanh liệt và nghiệt ngã - 1

Có một điều đặc biệt là mật mã mà Klausen sử dụng không thể ai giải mã được, kể cả các chuyên gia Nhật lẫn các chuyên gia của phương Tây. Với phong cách sắc sảo vốn có, Sorge đã sử dụng làm chìa khoá mật mã những cuốn thống kê hàng năm của nước Đức quốc xã, điều này cho phép biến tấu mật mã tới vô cùng. Ngoài ra, các thông tin tình báo được chuyển theo các kênh bí mật tới Trung tâm bằng vi phim. Đặc biệt quan trọng là những tấm hình, thí dụ như các cơ sở quân sự hay các mẫu vũ khí, được gắn bằng một chất riêng vào dòng cuối cùng của những lá thư thông thường nhất.

Tháng 2/1936, tình hình chính trường Nhật trở nên căng thẳng sau vụ âm mưu đảo chính bất thành do một nhóm sĩ quan tổ chức nhằm lật đổ chính phủ của đô đốc Okada. Sorge khi phân tích tình hình một cách cặn kẽ đã đi tới kết luận: việc Nhật Bản có tấn công Liên Xô hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc, nhóm thế lực nào lên nắm chính quyền ở Tokyo. Văn bản phân tích này đã được gửi về không chỉ Mátxcơva mà cả về Berlin thông qua tướng Ott, vốn quen được Sorge “giúp đỡ”. Berlin tỏ ra rất hài lòng và kết quả là, tướng Ott trở thành đại sứ mới của nước Đức quốc xã ở Nhật. Việc này hiển nhiên càng giúp cho Sorge thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tình báo viên Xôviết của mình.

Giữa năm 1938, Sorge còn tìm được cách tiếp cận với người đứng đầu nội các Nhật bản, hoàng tử Konoye. Thư ký của nhà chính khách này là Ozaki, một bạn đồng môn cũ của hoàng tử và cũng là điệp viên của Sorge. Thực là buồn ngủ gặp chiếu manh! Về sau Ozaki trở thành trưởng trung tâm nghiên cứu trong sở điều hành đường sắt Nam Mãn Châu Lý và anh cung cấp cho Sorge không chỉ những thông tin tối quan trọng về hành trình của các đơn vị trong đội quân Quan Đông mà cả những kế hoạch huấn luyện và tung gián điệp vào lãnh thổ Liên Xô...

Tháng 9/1939, Hitler xâm lược Ba Lan. Tất cả các nhánh ngoại giao đều gia tăng hoạt động. Đại sứ Ott mời Sorge làm cộng sự trong bộ máy sứ quán Đức tại Nhật. Nhà tình báo vĩ đại với phong cách hài hước quen thuộc đã từ chối lời đề nghị đầy hấp dẫn này và chỉ đồng ý tiếp tục làm những việc mà anh đã làm lợi cho Ott. Ngoài ra, Sorge còn đồng ý nhận nhiệm vụ xuất bản bản tin hàng ngày cho cộng đồng hơn hai nghìn người Đức ở hòn đảo Mặt trời mọc. Công việc mới dẫu bận bịu nhưng cho phép tiếp xúc với những bản điện đài mới nhất tới từ Berlin...

Nguồn tin tối mật

Theo những tài liệu phổ biến cho tới gần đây, tháng 5/1941, Sorge biết về kế hoạch của Hitler dự định tấn công Liên Xô vào tháng 6. Anh chuyển ngay thông tin tối quan trọng này về Moskva. Tiếc thay, người ta đã không đánh giá đúng tầm quan trọng của thông tin do anh cung cấp... Tuy nhiên, theo nhà sử học Kulanov, trong thực tế, Sorge không thể thông báo cho ban lãnh đạo Liên Xô ngày tháng chính xác bắt đầu cuộc tấn công của Hitler nhằm vào đất nước này. Quả thật là Sorge đã gửi hai bức điện mật về Moskva, vào ngày 18/4 và ngày 30/5/1941. Bức điện thứ hai, khác với các bức điện khác, đã được chuyển ngay tới ban lãnh đạo Liên Xô. Trong bức điện đó, Sorge đã khẳng định rằng chắc chắn sẽ bùng nổ chiến tranh và có lẽ chiến tranh sẽ bắt đầu vào nửa cuối tháng 6-1941. Đó là những thông tin tối đa mà anh có thể chuyển về Moskva từ Tokyo. Và không thể có gì thêm vì không một ai ở Nhật Bản khi đó, kể cả trong đại sứ quán Đức tại Tokyo lẫn trong nội các Nhật Bản biết được đích xác ngày mà quân đội phát xít sẽ tấn công vào biên giới Liên Xô…

Cũng phải nói rằng, những khẳng định tương tự đã được gửi về Moskva từ nhiều chi nhánh khác của tình báo Xôviết, trước hết là từ khu vực châu Âu: đó là những thông tin lọt ra từ Bộ Tổng Tham mưu Đức. Nhưng không ở đâu ghi đích xác ngày bắt đầu cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Xôviết, kể cả trong nhật ký của những viên tướng phát xít như thống chế Wilhelm Keitel, chỉ huy trưởng Bộ tư lệnh tối cao của quân đội Đức Quốc xã lúc đó: đích thân Hitler xác định thời điểm này vào phút cuối cùng. Trước đó, thời điểm này chỉ được gọi một cách chung chung là “sau khi kết thúc vụ gieo cấy mùa xuân”, tức là vào khoảng giữa tháng sáu. Tất nhiên là Sorge cũng biết về việc chiến tranh sẽ được bắt đầu “sau khi kết thúc vụ gieo cấy mùa xuân” và cũng ghi những dự đoán của mình trong bức điện gửi về Moskva theo tinh thần đó. Nhưng anh cũng đã không thể biết được điều gì cụ thể hơn…

Cũng theo những tư liệu phổ biến, Sorge cũng đã cung cấp cho Mátxcơva thông tin chính xác về việc Nhật Bản sẽ không tấn công Liên Xô, việc này giúp Moskva có thể điều chỉnh được lực lượng hợp lý hơn trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Nhà sử học Kulanov còn cho rằng, Sorge trong hoạt động nghiệp vụ của mình còn tìm mọi cách tác động tới chính giới Nhật Bản để họ nghiêng về tư duy không triển khai xung đột quân sự với Liên Xô.

Nhà tình báo vĩ đại Richard Sorge: Cuộc đời oanh liệt và nghiệt ngã - 2

Kết cục bi thương

Tình hình Tokyo ngày một trở nên căng thẳng. Cơn sốt truy lùng gián điệp hoành hành. Các phương tiện truyền thông thường xuyên phát đi lời kêu gọi người Nhật cảnh giác, còn ở khắp mọi nơi đều treo ảnh những điệp viên đối thủ, trông tất nhiên là chẳng ai giống người Nhật cả. Các thành viên mạng lưới của Sorge phải hành sự rất cẩn trọng. Đã xảy ra những chuyện tưởng nhỏ nhưng đều có khả năng làm “thủng” mạng lưới. Có vụ “thủ phạm” lại chính là Sorge. Số là, sau một dạ tiệc ở khách sạn Hoàng gia, nơi gặp gỡ ưa thích của mọi người nước ngoài cư trú tại Tokyo, Sorge, đã uống khá nhiều rượu rồi, nhảy lên chiếc mô tô trứ danh của mình và phóng như bay về nhà. Tới một ngã ba, phải rẽ, anh không giữ vững tay lái và làm xe đổ thẳng xuống cạnh bốt gác trước cổng đại sứ quán Mỹ. Anh bị chấn thương sọ não và vỡ hàm. May mà anh được đưa kịp thời vào bệnh viện Thánh Luca. Nghiến răng để đỡ đau, anh nói với người y tá: “Gọi ngay cho tôi Klausen!” Chỉ vì sợ rằng có ai đó sờ vào túi anh và tìm ra những mẩu giấy có ghi bằng tiếng Anh đã khiến anh giật thột và cố không bị bất tỉnh nhân sự. Chỉ khi Klausen tới và Sorge kịp thì thầm những câu cần thiết vào tai bạn, anh mới yên lòng mà ngất đi và được chuyển vào phòng phẫu thuật...

Trong một cuộc phóng xe định mệnh tháng 10/1941, Sorge lại gặp tai nạn. Từ những bằng cớ không đâu, cơ quan an ninh Nhật Bản đã lần ra được mạng lưới điệp viên của Sorge. Anh bị kết tội là điệp viên của Quốc tế Cộng sản. Và ngày 7/11/1944, tại một nhà tù ở gần Tokyo đã diễn ra buổi hành hình anh. Lời nói cuối cùng trước khi nhắm mắt của Sorge là: “Hồng quân muôn năm! Liên Xô muôn năm!”

Tuy nhiên, tại Liên Xô cũ, sau chiến tranh, Sorge suốt một thời gian dài bị quên lãng. Chỉ tới năm 1964, anh mới được truy phong danh hiệu anh hùng. Trong suốt những năm tháng đó, chỉ có người vợ Nhật của anh, Hanako Ishii mới luôn nhắc nhở tới anh. Cô đã viết ba cuốn sách về anh (cuốn đầu tiên xuất bản năm 1949), cải táng anh từ nghĩa địa nhà tù sang nghĩa trang dân sự và thường xuyên thăm viếng mộ anh cho tới khi qua đời năm 2000. Cũng chỉ từ năm 1964, Hanako Ishii mới được nhận trợ cấp tài chính từ Bộ Quốc phòng Liên Xô như một góa phụ của một sĩ quan liệt sĩ Xôviết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà tình báo vĩ đại Richard Sorge: Cuộc đời oanh liệt và nghiệt ngã

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO