Nhà vườn Huế: Nơi bảo tồn thuần phong mỹ tục của dân tộc

Hữu Vinh - Nguyễn Quốc 29/07/2019 09:17

Là kinh đô của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, Huế mang trong mình vẻ đẹp chiều sâu văn hóa tinh thần với nhiều di chỉ kiến trúc độc đáo. Cùng với các lăng tẩm, chùa chiền, đền đài... nhà vườn Huế luôn luôn là điểm đến thu hút du khách thập phương khi đến trải nghiệm và khám phá về văn hóa Huế.

Nhà vườn Huế: Nơi bảo tồn thuần phong mỹ tục của dân tộc

Nơi bảo tồn thuần phong mỹ tục của dân tộc

Nhà văn xứ Huế Nguyễn Khắc Phê từng cho rằng sẽ thật sự thiếu sót nếu “Đến Huế, mà chưa thảnh thơi dạo bước vào chơi dăm ba ngôi nhà vườn đẹp nhất, hay chưa ghé thăm một vài vương phủ ở chốn cựu kinh, thì coi như... chưa đến”. Trong khi đó, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì cho rằng “nhà vườn Huế là nơi cư ngụ của tâm hồn, là chút di sản tinh thần để lại cho con cháu mai sau”…

Ở một khía cạnh khác, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính thì nhận xét: “Huế - một đô thị không gào thét; một đô thị khảm nạm vào thiên nhiên, và thiên nhiên vẫn còn ngự trị với vai trò chủ đạo”…

Đúng vậy, là kinh đô của triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802-1945), xứ Thuận Hóa, đặc biệt là vùng trung tâm Phú Xuân – Huế, nơi có phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, với sông Hương, núi Ngự hòa quyện vào nhau tạo nên một thể thống nhất, với vẻ đẹp sơn thủy hữu tình đậm chất Huế. Chính yếu tố thiên nhiên hữu tình, cộng thêm con người từ lâu đã muốn hoà mình vào với thiên nhiên, trời đất cây cỏ, đặc biệt là quan niệm nếp nhà phải gắn với mảnh vườn là cơ sở để Huế quy tụ nhiều khu vườn ngự, vườn lăng, vườn phủ, vườn nhà… mà gọi chung là nhà vườn Huế.

Đa số nhà vườn Huế tập trung nhiều ở nội thành và vùng phụ cận như các khu phố Gia Hội, Kim Long, Nguyệt Biều, Bao Vinh và Vĩ Dạ bởi lẽ, thời xưa đây là nơi ở của những hoàng tử, công chúa, các quan đại thần được nhà vua ban, cấp đất để xây dựng phủ đệ cho mình.

Theo nhiều tài liệu lịch sử được ghi chép lại, dưới triều Nguyễn có quy định cho các hoàng tử, hoàng thân khi đến tuổi 16–18 bắt đầu được phong tước, cấp đất lập phủ riêng, rồi thành gia lập thất. Việc cấp đất cho các công chúa đã hạ giá (lấy chồng) và quý thích (họ ngoại) cũng diễn ra. Bên cạnh đó, các thương gia giàu có cũng lập cho mình một chốn đi về an yên. Từ đó, đã tạo nên một hệ thống phủ đệ quy mô lớn, những phủ đệ này khi chủ nhân qua đời sẽ trở thành nơi thờ cúng. Tùy theo chức tước và sở thích của chủ nhân mà mỗi vườn, mỗi phủ đều có tên gọi khác nhau tạo nên một hệ thống vườn, phủ riêng có ở Huế. Những cảnh nhà, cảnh vườn ở đây được chăm bẵm và xây dựng thành một thể thống nhất, tạo nên một môi trường sống mở, mà ở đó con người có thể hòa mình vào với thiên nhiên, với cỏ cây hoa lá.

Như Phan Thuận An - nhà nghiên cứu văn hóa Huế - từng nói: “Nhà vườn Huế là sư kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Đó là môi trường thích hợp nhất để bảo tồn thuần phong mỹ tục của dân tộc, trong đó có đạo lý truyền thống gia đình. Nhìn cảnh quan của một nhà vườn Huế, con người có thể nhận ra được tâm hồn và phong cách sống của chủ nhân”...

Nhà vườn Huế: Nơi bảo tồn thuần phong mỹ tục của dân tộc - 1

Lối vào ngôi nhà vườn được chủ nhân trồng hai hàng cây xanh phủ bóng mát rượi.

Nhiều nhà vườn bị biến mất

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 690 ngôi nhà truyền thống (còn gọi là nhà rường) trong đó có hơn 50 ngôi nhà được xem là di sản có một không hai của nhân loại. Kiến trúc phủ phòng phản ánh cho văn minh văn hóa cố đô Huế thế kỷ XIX. Riêng TP. Huế còn khoảng 330 nhà vườn, bao gồm các loại hình phủ đệ và nhà ở của dân, đều gắn với mảnh vườn rộng ít nhất từ 400 mét vuông trở lên để tạo nét đặc trưng nhà vườn Huế. Đa số tập trung ở khu phố cổ Gia Hội, tập trung tại các trục đường chính Chi Lăng - Bạch Đằng - Nguyễn Du - Nguyễn Chí Thanh.

Được xây theo luật “dịch lý” và “phong thủy”, nhà vườn Huế là tập hợp của một hệ thống kiến trúc sắp xếp theo chiều Bắc - Nam. Tuy rộng hẹp mỗi nhà vườn, phủ đệ khác nhau, nhưng nhà nào cũng có kiến trúc tổng thể giống nhau, bao gồm: cổng, ngõ, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà. Cổng thường xuyên xây bằng gạch, lối vào ngõ thường được trồng những hàng cây dâm bụt hoặc chè tàu cắt xén cẩn thận. Bình phong thường được xây bằng gạch. Sau bình phong là bể cạn có hòn non bộ để nuôi cá cảnh, một mảnh sân rộng rồi mới đến nhà. Xung quanh nhà trồng rất nhiều cây ăn trái, hoa quanh năm tươi tốt. Giữa khu vườn tươi đẹp, một ngôi nhà rường truyền thống thường được xây dựng. Nhà rường được làm bằng gỗ, kết cấu thay vì đóng đinh là kỹ thuật ghép mộng cực kỳ tinh xảo. Nhà rường có nhiều dạng, nhỏ thì một gian hai chái, ba gian hai chái, hoặc rộng lớn năm gian hai chái. Trong nhà rường thường trưng bày sập gụ, tủ chè, các bức hoành phi, câu đối và rất nhiều đồ cổ.

Có thể nói, nhà vườn là nơi toát lên một phong cách sống của người Huế, là một nét đẹp trong tổng thể kiến trúc – nghệ thuật – văn hóa Huế. Nói như nhà nghiên cứu Phan Thuận An thì đó là “môi trường thích hợp nhất để bảo tồn thuần phong mỹ tục của dân tộc”.

Tuy nhiên, khi đời sống văn hóa đang phải đối diện với tình hình mất cân đối giữa phát triển và bảo tồn, sự “khủng hoảng” về nhà ở đã từng bước làm biến dạng những khu nhà vườn do phải chia nhỏ để xây nhà phục vụ dân sinh, cộng thêm nhiều yếu tố khách quan khác đã làm cho nhiều nhà vườn Huế dần bị biến mất.

Từ năm 1976 đến năm 1990, nhiều nhà vườn ở Huế bị biến dạng trầm trọng, việc cắt đất trong khuôn viên nhà vườn để chia chác, mua bán là nguyên nhân làm biến mất hẳn một số phủ đệ như phủ Diên Khánh vương (Vỹ Dạ), phủ An Phước quận vương và phủ Hoài Đức (Gia Hội), vườn Mai Viên của cụ Đào Tấn ở đường Nguyễn Du cũng cùng chung số phận. Sau khi các cơ quan thông tấn báo chí, Hội Kiến trúc sư cũng như các nhà nghiên cứu văn hóa Huế lên tiếng, từ năm 2006 trở lại đây, nhà vườn Huế đã được hồi sinh.

Và, khi nhiều nhà vườn Huế đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, ngày 25/4/2015 HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và hỗ trợ nhà vườn Huế đặc trưng”, theo đó, sẽ tập trung từ 25-40 nhà vườn Huế đặc trưng để hỗ trợ bảo tồn trong giai đoạn 2015-2020. Tùy theo quy mô, vị trí, giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử, hiện trạng nhà vườn sẽ được hỗ trợ đến 700 triệu đồng/ nhà (loại 1), không quá 500 triệu đồng/ nhà (loại 2) và không quá 400 triệu đồng/ nhà (loại 3) để trùng tu, hỗ trợ người dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao giá trị hình ảnh Cố đô Huế.

Hồi sinh làm du lịch

Trong 2 năm 2017 và 2018 đã có 21 nhà vườn được phê duyệt kinh phí hỗ trợ trùng tu, bảo tồn. Chính sự vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền đã từng bước làm hồi sinh nhiều nhà vườn có giá trị văn hóa – lịch sử - kiến trúc tiêu biểu của xứ Huế. Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa bảo tồn và làm du lịch nhà vườn còn là một hướng đi mới đem lại nhiều hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình ở hai làng cổ Lương Quán và Nguyệt Biều (thuộc phường Thủy Biều, TP Huế) nơi có đặc điểm sinh thái lý tưởng cùng hệ thống nhà vườn cổ rất đặc trưng của xứ Huế đã chủ động kết nối, tổ chức các tour du lịch homestay, tham quan trải nghiệm và nghỉ dưỡng dần trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Nhiều chủ nhà vườn phối hợp với chính quyền, các công ty lữ hành xây dựng thành một chuỗi liên kết đã làm cho số lượng khách du lịch đến thăm nhà vườn tăng lên theo từng năm. Cùng với việc phát triển đô thị theo hướng hiện đại, sản phẩm du lịch nhà vườn đang là một thế mạnh không thể phủ nhận của du lịch Huế. Tiêu biểu như nhà vườn An Hiên ở Kim Long hay vườn nhà cụ Đô ở Gia Hội, nhà vườn công chúa Ngọc Sơn, nhà vườn Gia Hưng vương, nhà vườn phủ Vĩnh Quốc Công, nhà vườn Thường Lạc… đang là thế mạnh của ngành du lịch Thừa Thiên - Huế.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: hiện UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu ngành Du lịch phối hợp với chính quyền địa phương mời gọi các công ty du lịch, đơn vị lữ hành mở rộng loại hình tour, tuyến và tham gia vào các hoạt động du lịch tại nhà vườn Huế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà vườn Huế: Nơi bảo tồn thuần phong mỹ tục của dân tộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO