Nhiếp ảnh gia Maika Elan 'Hikikomori': Khi con người không thể chia sẻ, gắn kết

Việt Quỳnh 18/05/2017 09:10

“Hikikomori” là dự án đang được thực hiện của nhiếp ảnh gia Maika Elan, sau thành công với bộ ảnh The Pink Choice” (Sự chọn lựa màu hồng) đạt giải nhất ảnh Báo chí thế giới World Press Photo tại hạng mục “Những vấn đề đương đại” (Contemporary Issues).

Nhiếp ảnh gia Maika Elan cùng với một Hikikomori tên là Kazuo Okada.

Từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2016, Maika cùng gia đình nhỏ của mình đến Nhật sinh sống và làm việc, dưới hình thức là một nghệ sĩ lưu trú, được hỗ trợ bởi Japan Foundation Asia Centre.

Trong thời gian đầu ở Nhật, cô nhận thấy đây là một đất nước hết sức thú vị, luôn luôn có hai mặt đối lập cùng song hành.

“Nước Nhật rất hiện đại nhưng cũng rất truyền thống, rất phát triển nhưng cũng rất gò bó, rất tự do nhưng cũng rất nguyên tắc và hơn cả, rất nhộn nhịp nhưng cũng rất cô đơn...” - Maika Elan chia sẻ.

Từ những cảm nhận ban đầu và rất riêng tư, nữ nhiếp ảnh gia bắt đầu quan sát và tìm hiểu về những nỗi cơ đơn, đặc biệt là về những áp lực khác nhau trong xã hội Nhật Bản cũng như những hệ quả mà nó đem lại. Ý tưởng về “Hikikomori” bắt đầu nảy sinh từ đó. Có hơn một triệu người dân Nhật Bản mắc chứng Hikikomori, nhiều hơn bất cứ đâu trên thế giới.

Maika Elan kể về những gì cô bắt đầu cho dự án này: “Qua internet tôi cũng cố gắng tìm kiếm mọi thông tin, khái niệm về Hikikomori. Tôi đọc được vài bài báo hay lời giới thiệu về một số tổ chức liên quan đến việc chăm sóc, phục hồi cho Hikikomori và New Start NPO là một trong những tổ chức làm việc hiệu quả nhất. Đúng lúc đó tôi thấy họ cũng có đăng thông tin kêu gọi các tình nguyện viên đến tham gia nên tôi đã gửi thư xin được tới tham quan và làm việc tại đây.

New Start NPO chỉ ra rằng ngoài những áp lực khác nhau mà các thanh niên Nhật phải đối mặt thì nguyên nhân căn bản nhất dẫn đến Hikikomori, là sự đứt gãy trong mối quan hệ gia đình của Nhật Bản, khi mà những thành viên trong gia đình không thể gắn kết và chia sẻ với nhau. Vì vậy họ muốn tạo ra một “gia đình mở” mới, trong đó cụ thể là các gia đình có điều kiện và có con mắc hội chứng Hikikomori có thể gửi con họ đến đây và sống trong các ký túc xá.

Đề tài về những nỗi cô đơn, và áp lực xã hội lên con người qua dự án “Hikikomori” có liên quan đến quá trình sáng tác của Maika Elan tại Việt Nam trước đó:

Hầu hết các tác phẩm của tôi trước đây đều liên quan đến việc chụp con người và các lựa chọn mang tính cá nhân của họ. Tôi luôn thích thú và tò mò trước những mối liên hệ giữa con người và con người (như trong The Pink Choice - Yêu là Yêu), con người và cách đối mặt với biến cố (như trong Like My Father - Như là Bố thôi) hay con người với động vật (như trong Ain't Talkin' Just Lovin' -Thì yêu nhé đừng nói năng gì). Thì ở đây, Hikikomori lại là một dạng lựa chọn hoàn toàn đối lập - lựa chọn để không còn mối liên hệ nào cả, để giam mình trong phòng và cắt đứt mọi liên hệ với bạn bè, gia đình, xã hội... Hiểu theo một cách thú vị, nó là mối liên hệ của việc không còn mối liên hệ nào cả”.

Sâu xa hơn nữa, với cái nhìn của một người lầu đầu tiên đến Nhật, tiếp cận với xã hội, văn hoá, tư duy của người Nhật, Maika mong muốn được làm những vấn đề đặc trưng của Nhật, mà chỉ nước Nhật mới có. “Hikikomori là lựa chọn hoàn hảo nhất cho nguyện vọng này”.

Tiếp cận với một Hikikomori là rất khó khăn, họ đã từ chối tiếp xúc với người khác, tự giam bản thân trong một căn phòng hẹp chốt kín cửa hàng năm, thậm chí hàng chục năm, thì với khuôn mặt xa lạ như Maika Elan, lại không hề biết một từ tiếng Nhật, việc đó theo cô, như “mò kim đáy bể”,

Đã có mục đích rõ ràng, và không bao giờ biết nản lòng, Maika Elan đã nhờ đến bà Yumi Goto - giám tuyển người Nhật – tổ chức một buổi nói chuyện tại phòng triển lãm của bà, mời những người làm công tác xã hội hoặc cùng hoạt động nghệ thuật đến tham dự.

“Trong buổi giao lưu này, tôi giới thiệu về công việc của mình, dự định khi ở Nhật cũng như kêu gọi sự góp ý, giúp đỡ của các khách mời. Tại đây tôi cũng gặp được một nhiếp ảnh gia tên là Hiroshi, anh cũng từng là Hikikomori và có chia sẻ về những trải nghiệm của chính anh trước đây khi còn giam mình trong phòng 3 năm, suốt thời phổ thông trung học. Rất nhiều khách mời khác cũng chia sẻ về những người anh, người chị hoặc người bạn của họ - người mà cũng từng hoặc đang là Hikikomori... Tôi nhận ra là, à, Hikikomori có vẻ không phải là một cái gì đó hiếm gặp, ở đây ai cũng biết về nó và có rất nhiều kinh nghiệm trực tiếp hoặc gián tiếp với vấn đề này.

Như vậy, bằng cách đến làm tình nguyện viên ở New Start và theo chân các chuyên gia của tổ chức New Start (còn được gọi là Rental Brother hay Rental Sister), tôi đã có cơ hội được đến nhà riêng và gặp mặt một số Hikikomori.”

Để có cơ hội tiếp cận được với một Hikomori, các Rental Brother hay Rental Sister sẽ phải tìm cách làm quen với họ, đầu tiên bằng cách gửi những lá thư viết tay, sau đó là điện thoại, rồi khi Hikikomori mở lòng, họ nhẹ nhàng xin đến gặp mặt tại nhà. Để tiếp xúc trực tiếp với một Hikikomori, thuyết phục họ rời căn phòng đang tự biệt giam mình hay đến trung tâm New Start, các Rental sẽ mất đến một đến hai năm thuyết phục.

“Với riêng tôi, may mắn là đã nhận được sự đồng ý giúp đỡ của Oguri Ayako, cũng là một Rental Sister của trung tâm. Thời gian đầu nhờ sự giới thiệu của Oguri, tôi phải gửi CV của bản thân đến các gia đình có con Hikikomori để họ đồng ý cho tôi đi theo cô đến nhà riêng. Tại các buổi gặp đầu tiên, tôi không được vào nhà mà phải đứng ngoài cửa, tìm 1 chỗ ngồi hoặc quán cà phê, đợi Oguri, thường là 2 tiếng đồng hồ. Hai hoặc 3 buổi gặp tiếp theo tôi có thể được vào nhà và ngồi chờ ở phòng khách trong khi Oguri và Hikikomori nói chuyện ở trong phòng. Thường là phải sau 3 hoặc 4 buổi, tôi mới được phép vào trong phòng riêng của Hikikomori cùng với Oguri và sau 5 hoặc 6 buổi gặp tôi mới được phép chụp ảnh. Cứ như vậy, trong suốt 6 tháng ở Nhật, lên hàng chục chuyến tàu đi mọi ngả khác nhau ở Tokyo và Chiba, tôi đã theo chân Oguri để tìm gặp và chụp ảnh các nhân vật của mình.” - Maika Elan nhớ lại.

Ấn tượng ban đầu của Maika Elan về Hikikomori, đó cảm cảm giác về lười biếng, ích kỉ, chậm chạp, thiếu năng lượng. Họ tự giam mình trong phòng đóng kín một thời gian dài, không làm gì cả ngoài chơi game đọc truyện, cơm nước hay những gì cần sử dụng, đều do bố mẹ chu cấp, chăm sóc.

“Tuy nhiên, quá nửa các nhân vật tôi gặp lại rất thông minh, nhanh nhẹn, nói chuyện vui vẻ và trông đầy năng lượng. Chỉ đơn giản là họ lựa chọn sống một cuộc sống khép kín như vậy, không giao tiếp với ai và gần như hài lòng với những gì đang diễn ra là do bị tê liệt bởi những nỗi sợ xã hội quá lớn, rồi mắc kẹt ở đó không thể nào thoát ra được. Chính bản thân họ cũng biết rằng đó là một hành vi tiêu cực, nhưng giam mình trong phòng riêng khiến họ cảm thấy "an toàn và không muốn thay đổi".

Theo Maika Elan, Hikikomori đang là một vấn đề với nước Nhật, xảy ra với phần lớn là người trẻ: “Điều này khiến nước Nhật bị mất mát một lực lượng lao động lớn nhưng nó cũng lại có vẻ, như là một dòng chảy tự nhiên khiến xã hội trở nên cân bằng hơn, khi có những người dám bỏ qua mọi nguyên tắc và sống theo sở thích cá nhân của mình”.

“Phải nói rõ ràng, đây còn đang là một dự án dang dở, và nếu còn cơ hội, tôi muốn được quay lại nước Nhật ít nhất một năm nữa để tiếp tục dự án của mình” - Maika Elan nói.

Vào lúc này, mong muốn của Maka, là được tạo điều kiện tiếp tục sang Nhật, cô sẽ lấy Oguri - như một Rental Sister, là nhân vật chính của mình, diễn tả lại việc hàng ngày Oguri đi gặp các Hikikomori: “Không phải tôi, mà chính cô ấy mới là người sẽ kể câu chuyện này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiếp ảnh gia Maika Elan 'Hikikomori': Khi con người không thể chia sẻ, gắn kết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO