Những kích ứng đổi thay thế giới

Hồ Quang Lợi 30/11/2017 20:05

Biến động dữ dội, bất an, bất trắc, khó lường dường như đã trở thành thuộc tính của đời sống quốc tế từ nhiều năm nay. Mặc dù vậy, đời sống quốc tế năm 2016 và gần hết năm 2017 đã để lại những dấu ấn thật khác thường, làm nẩy sinh những câu hỏi lớn về tiến trình của thế giới đương đại, về những chuẩn mực xã hội và quan hệ quốc tế, về những giá trị mà nhân loại hướng tới, đấu tranh, bảo vệ và phát huy.


Nước Nga dưới sự chèo lái của Tổng thống V. Putin, đang vươn dậy tìm lại vị thế của mình như một cường quốc thế giới.

Một cục diện quốc tế mới đang manh nha, hay đây là một thời kỳ “hỗn mang” được bao phủ bởi một màn sương mù khó xác định?

Nước Nga dưới sự chèo lái của Tổng thống V. Putin, đang vươn dậy tìm lại vị thế của mình như một cường quốc thế giới. Liệu ông Trump sẽ có những biện pháp đưa quan hệ Nga - Mỹ ra khỏi thời kỳ đen tối nhất trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh do việc Nga thu hồi Crưm và hỗ trợ chính quyền Assad ở Syria? Liệu Mỹ sẽ “mềm mỏng” hơn với nước Nga của Putin như ông từng bộc lộ? Cuộc khủng hoảng ngoại giao Nga- Mỹ vào từ mùa hè kéo sang mùa thu năm 2017 với các đòn đáp trả nặng nề chưa từng có của cả hai bên cùng với việc Mỹ vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Nga đã đẩy quan hệ Nga - Mỹ vào thời điểm căng thẳng nhất trong vòng 10 năm qua cho dù đó không hẳn là điều Tổng thống D. Trump mong muốn hành xử. Việc Quốc hội Mỹ gây sức ép quyết liệt buộc phải điều tra về lời cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, tác động đến kết quả để đưa ông Trump vào Nhà trắng phần nào đã cản trở ông Trump triển khai các bước đi trong quan hệ với Nga theo chiều hướng giảm căng thẳng.

Từ mấy chục năm nay, bên trong cánh cửa của “ngôi nhà chung”, châu Âu vẫn chưa ra khỏi cuộc tranh cãi triền miên về những vấn đề nội bộ của mình - thể chế, trách nhiệm và bước đi “ nhất thể hóa”. Bây giờ lại xuất hiện thêm những vấn đề mới nóng bỏng và nguy nan hơn. Dù đã không biết bao nhiêu lần “chỉnh đốn” và “lên dây cót”củng cố, nhưng châu Âu vẫn tỏ ra quá mong manh trước các cuộc tấn công khủng bố với những “lỗ hổng chết người” về an ninh. Ký ức châu Âu sẽ không bao giờ phai mờ những vụ khủng bố kinh hoàng theo những cách thức rất ghê sợ và rất khác nhau...

Từ nhiều năm nay, nước Anh đã rập rình muốn rời khỏi EU - một cộng đồng chung mà người Anh cho rằng họ chẳng được lợi lộc gì lắm trong khi lại phải gánh chịu bao thiệt thòi, rắc rối. Việc phải tiếp nhận người nhập cư “theo chỉ tiêu phân bổ” được coi như một trách nhiệm nhân đạo của nước thành viên chủ chốt của EU, và đây chính là thêm một tác nhân nữa khiến người Anh quyết dứt áo ra đi. Cho đến đầu tháng 10/2017, nước Anh vẫn đang loay hoay để tiến hành các thủ tục pháp lý rời khỏi EU. Bà Thủ tướng Anh Theresa Mary May đầu tháng 10/2017 này đã tuyên bố nước Anh phải chuẩn bị mọi kịch bản cho Brexit - vấn đề hệ trọng và nan giải đang làm nước Anh và cả châu Âu rối bời mệt mỏi - với hàm ý rằng có thể có cả nguy cơ thất bại.

Điều gì đang de dọa châu Âu? Rõ ràng, vào lúc này, nguy cơ khủng bố, dòng người tị nạn không dứt dẫn đến những thảm họa nhân đạo, sự lệch pha và hội nhập khó khăn của một số thành viên mới và yếu... là những vấn đề nghiêm trọng đang làm châu Âu rã rời. Những giá trị mà châu Âu theo đuổi đang bị thách thức và lung lay. Việc theo đuổi những giá trị đó không cho phép EU ngoảnh mặt thờ ơ trước dòng người tị nạn đang bị đẩy vào cảnh khốn cùng tuyệt vọng, nhưng nếu tiếp nhận thì vấn đề nan giải không chỉ là tài chính mà có thể còn nảy sinh biết bao hậu họa, trong đó có cả nguy cơ bọn khủng bố trà trộn vào dòng người tị nạn để tới hủy diệt các nước châu Âu từ bên trong. Sau Vương quốc Anh, một số nước châu Âu khác như Iceland, Thụy Sỹ... cũng đang rục rịnh “li khai” EU. Sự kiện ông Trump thắng cử ở Mỹ đang kích thích các thế lực theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan trỗi dậy ở nhiều nước châu Âu.

Khẩu hiệu tranh cử của ông Trump là “Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Cho dù ai làm tổng thống thì nước Mỹ vẫn phải đối mặt với những câu hỏi lớn sau đây: Mỹ sẽ vẫn đóng “vai trò lãnh đạo”, là “người đặt chương trình nghị sự” cho cả thế giới như Mỹ vẫn luôn đòi hỏi kể từ sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đến nay? Nước Mỹ dưới thời ông Trump sẽ tiếp tục vươn ra bên ngoài như siêu cường duy nhất, hay có xu hướng co về bên trong khi ông tuyên bố“ Tôi sẽ chăm lo cho nước Mỹ trước khi lo cho những nước khác trên thế giới”? Là “minh chủ“ của phương Tây, liệu Mỹ có giảm bớt vai trò đối với NATO để bớt phải chi tiêu tiền bạc?

Ứng xử với Trung Quốc- quốc gia phương Đông khổng lồ và khó lường này luôn là bài toán chiến lược hóc búa nhất của Mỹ. Liệu ông Trump có thực sự thi hành chính sách cứng rắn với Trung Quốc không chỉ về kinh tế - thương mại mà còn về quân sự - an ninh khi ông không ngần ngại điện đàm với người đứng đầu chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn ngay sau khi thắng cử, tỏ ý “băn khoăn” về chính sách “một nước Trung Quốc”, thẳng thừng phê phán hành động của Bắc Kinh ở biển Hoa Đông và Biển Đông?

Vụ Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn tự hành (UUV) của Mỹ ở Biển Đông, rồi buộc phải trả lại sau khi bị phía Mỹ “làm căng”, nhất là khi ông Trump cáo buộc Trung Quốc “đánh cắp” UUV và nói rằng “ cứ để họ giữ lấy” được coi là cú nắn gân đầu tiên giữa hai cường quốc sau khi ông Trump trúng cử tổng thống Mỹ. Liệu nước Mỹ sẽ còn tiếp tục chính sách “xoay trục” về châu Á -Thái Bình Dương như dưới thời Tổng thống B. Obama? Liệu ông Trump có quyết định rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) như đã tuyên bố?

Không chỉ Trung Quốc, Nga mà các cường quốc khác cũng đang ngấm ngầm đặt Mỹ ở vị trí trung tâm trong chiến lược đối ngoại của họ như là một đối thủ trực tiếp và lâu dài. Trong không gian của một cục diện chiến lược toàn cầu mới đang hình thành, người ta còn nhìn thấy bóng dáng của Nhật Bản cất công đi tìm cho mình một chiếc áo chính trị mới tương xứng với sức vóc của cường quốc kinh tế thứ ba thế giới, và bóng dáng của Ấn Độ - đất nước hơn một tỷ người từ nhiều năm nay đang cựa mình bước ra khỏi không gian truyền thống cổ xưa của nền văn minh sông Hằng. Đó thực sự là những diễn viên lớn trên vũ đài quốc tế mà không một tổng thống Mỹ nào dám coi nhẹ.

Là siêu cường duy nhất, với sức mạnh kinh tế và quân sự vượt trội, Mỹ có một ảnh hưởng toàn cầu có tính bao trùm. Cho dù Trung Quốc đang trỗi dậy với một tốc lực đáng gờm, Nga đang vươn dậy với khát vọng cháy bỏng tìm lại bóng dáng siêu cường đã mất, nhưng trong những thập kỷ tới, Mỹ vẫn nắm giữ sức mạnh điều tiết và khống chế thế giới. Nếu nước Mỹ tìm thấy con đường tương hợp với con đường chung của toàn nhân loại thì chắc chắn quốc gia này sẽ có đóng góp xứng đáng vào tiến trình phát triển của thế giới. Siêu cường Mỹ sống với phần còn lại của thế giới như thế nào vẫn là câu hỏi lớn nhất của thế giới đương đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những kích ứng đổi thay thế giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO