Những nỗ lực không thành tựu

Nguyễn Trung Tín (lược thuật) 01/11/2018 14:00

Konstantin Ustinovich Chernenko chỉ giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (KPSS) trong hơn 13 tháng, từ ngày 13/2/1984 tới ngày 10/3/1985. Ở thời điểm này, ông đã bị lâm bệnh nặng, nhưng vẫn bắt buộc phải đóng vai trò trung gian để có được một sự thay thế trẻ trung hơn. Mặc dầu vậy, ông vẫn đã cố gắng hết sức mình để ngăn chặn đà tan rã của Liên bang Xôviết. Tiếc thay, những nỗ lực vãn hồi quốc gia này đã chỉ mang lại những kết quả rất không đáng kể.

Những nỗ lực không thành tựu

Nhà nghiên cứu Nga Aleksei Chichkin cho rằng, theo các tài liệu lưu trữ của Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương KPSS và hàng loạt các tạp chí xuất bản ở nửa cuối những năm 70 và nửa đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Konstantin Ustinovich Chernenko, một người đồng minh thân cận của Tổng Bí thư Leonid Ilich Brezhnev (từ tháng 4/1966 tới tháng 10/1982), ngay trong giai đoạn cầm quyền của ông này đã tích cực ủng hộ xu thế thực hiện những biện pháp cải cách xã hội một cách chậm rãi và nhất quán, khác với những gì mà công cuộc perestroika của người kế nhiệm Mikhail Gorbachev sau này tiến hành. Thí dụ như ở cuối tháng 10/1979, ông Chernenko đã lại đề nghị Tổng Bí thư Brezhnev lắng nghe ý kiến của A.N. Kosygin (Thủ tướng) và A.N. Shelepin (Bí thư TƯ Đảng trong những năm 1961- 1967, trong những năm 1968-1975, là Ủy viên Bộ Chính trị và Chủ tịch Công đoàn) và không chỉ tiến hành một cách chọn lựa mà phải thực hiện đồng bộ những biện pháp sửa chữa các sai lầm của người tiền nhiệm là Nikita Khrushchev (giai đoạn từ 1953 tới 1963), trong đó có cả việc đánh giá về giai đoạn lãnh tụ Stalin cầm quyền cũng như về chính vai trò của Stalin và một số nhà lãnh đạo từng sát cánh bên ông. Điều này cực kỳ quan trọng trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Liên Xô với Trung Quốc lúc đó. Theo ý kiến của Chernenko, làm được như thế sẽ giúp gia tăng vai trò của Nhà nước trong kinh tế, góp phần đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh chống lại tệ nạn tham nhũng, gian dối, “làm thì láo, báo cáo thì hay”, công tác tuyên truyền vụng về, nạn thiếu hàng tiêu dùng… Tức là tất cả những gì làm sai lệch bản chất của chủ nghĩa xã hội và đe dọa sự tồn tại của nó.

Có vẻ như khi đó, Tổng Bí thư Brezhnev đã đồng tình với đề xuất của người bạn chiến đấu thân thiết Chernenko, nhưng vì sao đấy đã không đủ quyết tâm để đưa vào thực tế và đã “đánh bài lùi” trong các cuộc thảo luận của đội ngũ lãnh đạo cao cấp nhất đất nước, như đã từng làm trong những năm 1965, 1966, 1967, 1969, 1973, khi các vấn đề tương tự được đưa ra trên bàn hội nghị. Hơn nữa, trong ba năm cuối đời, Brezhnev chắc cũng khó làm được gì nhiều theo hướng cải cách tổng thể và toàn diện đó, ngay cả khi ông rất muốn như thế…

Mặc dầu vậy, cũng phải nói rằng, những ý kiến mà Chernenko nêu ra cũng đã mang lại những kết quả nhất định. Trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Liên Xô giai đoạn này (báo in, trên đài truyền hình, đài phát thanh…), trong các cuốn sách về lịch sử chính trị, đặc biệt là ở nước cộng hòa Gruzia, người ta đã nêu rõ hơn vai trò tích cực của lãnh tụ Stalin nhân dịp kỷ niệm 100 ngày sinh của ông. Thậm chí trên cơ quan ngôn luận chính yếu của KPSS là tờ báo Pravda số ra ngày 21/12/1979 còn đăng hẳn một bài chuyên luận dài để tưởng nhớ tới lãnh tụ Stalin một cách đầy kính trọng…

Những nỗ lực không thành tựu - 1

Trải nghiệm phong phú

Konstantin Chernenko sinh ngày 11/9/1911 tại một làng quê ở Krasnoyarsk, thuộc Siberi. Cha ông, Ustin Demidovich Chernenko, từ Ukraina tới đây, từng làm việc ở các mỏ khai thác đồng và vàng, việc đồng áng chủ yếu do mẹ ông đảm nhận… Mẹ ông mất năm 1919 vì bệnh thương hàn. Cha ông sau đó đã tục huyền…Chị gái ông, Valentina, trong những năm 30 từng là lãnh đạo phòng tổ chức của thành ủy Krasnoyarsk. Có thông tin rằng, chính nhờ chị gái mà Chernenko đã sớm bắt đầu các hoạt động chính trị từ công tác Đoàn Thanh niên Cộng sản (Komsomol) sau khi tốt nghiệp trường phổ thông ba năm dành cho thanh niên nông thôn. Tới năm 1945, Chernenko đã tốt nghiệp xuất sắc trường cao cấp cán bộ Đảng. Trong những năm 1946 -1949, ông là Bí thư phụ trách công tác tư tưởng ở tỉnh Penza. Được tổ chức Đảng ở cấp trung ương đánh giá tốt, Chernenko đã được về Moldavia (nay là Moldova) đảm nhận cương vị Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương của tổ chức đảng tại nước cộng hòa này từ năm 1950 tới năm 1956. Năm 1953, ông đã tốt nghiệp khoa sử trường đại học sư phạm Kishiniov. Cũng trong giai đoạn này, Chernenko đã bộc lộ năng lực diễn giả xuất sắc cũng như khả năng tổ chức công tác tuyên giáo ở bậc cao…

Chính tại Kishiniov, thủ đô Moldavia, Chernenko đã thiết lập được những mối quan hệ thân cận, tin cậy với Brezhnev, khi đó giữ cương vị Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Moldovia. Mối quan hệ đó dần dà đã trở thành một tình bạn bền chắc cho tới tận cuối đời của Tổng Bí thư Brezhnev. Cũng chính nhờ người bạn thân thiết này, mà Chernenko đã trưởng thành lên tới đỉnh cao của sự nghiệp: Ủy viên Bộ Chính trị KPSS (từ năm 1978)…

Năm 1956, Chernenko đã trở thành trợ lý văn phòng của Bí thư BCHTƯ KPSS Brezhnev. Từ tháng 3/1965, ông được giao nhiệm vụ phụ trách Phòng Tổng hợp (Văn phòng) BCHTƯ KPSS và trụ ở cương vị này trong suốt 15 năm. Chính quá trình làm việc trên cương vị nhiều phận sự quan trọng này đã giúp cho Chernenko thâu nhận được rất nhiều thông tin cụ thể và đa dạng từ khắp cả nước vì ông có trách nhiệm xử lý tất cả những văn bản gửi tới Tổng Bí thư. Ông đã phải làm việc một khối lượng lớn các tài liệu và hồ sơ liên quan tới gần như hầu hết toàn bộ đội ngũ lãnh đạo các cấp, kể cả những lãnh đạo các cơ sở kinh tế, các phương tiện truyền thông, các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên các cấp, các nhà xuất bản… Ông cũng là người phải biên soạn vô số những báo cáo, giải trình, phân tích gửi lên Bộ Chính trị và Đoàn Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô về rất nhiều các vấn đề. Tất cả những điều đó đã nâng cao một cách thực sự vai trò của Chernenko trong ban lãnh đạo cao cấp của KPSS và quốc gia. Rất nhiều khi các biện pháp giải quyết các vấn đề là do Chernenko quyết định nhưng lại được phổ biến như các quyết định từ chính Tổng Bí thư Brezhnev. Dần dà, Chernenko trở thành nhân vật không thể thay thế được đối với Tổng Bí thư. Bản thân Brezhnev cũng đánh giá rất cao vai trò và năng lực của Chernenko. Tổng Bí thư đã rất hào phóng tặng thưởng cho Chernenko, thăng chức mau lẹ và tin tưởng tuyệt đối ở người đồng chí này của mình. Chernenko đã hai lần tháp tùng Tổng Bí thư Brezhnev trong các chuyến công du ra nước ngoài của ông: lần đầu là vào năm 1975, tới Helsinki, thủ đô Phần Lan để tham dự Hội nghị về an ninh và hợp tác ở châu Âu; lần thứ hai là vào năm 1979, tới Vienna, thủ đô Áo, đàm phán về giải trừ quân bị.

Tới cuối những năm 70 của thế kỷ trước, Chernenko đã được đánh giá như một trong những người có thể lên kế nhiệm Tổng bí thư Brezhnev, gắn bó với những lực lượng không cấp tiến ở gần nhà lãnh đạo này. Sau khi Tổng Bí thư Leonid Brezhnev qua đời, Chernenko được các nhà quan sát chính trị phương Tây và nhiều quan chức cao cấp của KPSS đánh giá là một trong hai ứng cử viên hàng đầu có thể lên kế nhiệm ở chức Tổng Bí thư, cùng với Chủ tịch KGB lúc đó là Yuri Andropov. Tuy nhiên, Bộ Chính trị sau khi Brezhnev qua đời lại đề nghị Chernenko đứng ra giới thiệu Andropov vào cương vị Tổng Bí thư tại Hội nghị BCHTƯ KPSS. Và Chernenko đã thực hiện nhiệm vụ này ngày 12/11/1982 ở cuối bài phát biểu của mình tại Hội nghị (phần lớn nội dung bài phát biểu này dành để đánh giá người quá cố, Tổng Bí thư Leonid Brezhnev). Đồng thời, Chernenko cũng nhấn mạnh rằng, KPSS cần tới một sự lãnh đạo tập thể. Sau bài phát biểu đó, Andropov đã được bầu làm Tổng Bí thư… Tháng 2/1982, Bộ Chính trị KPSS cũng đồng tình với việc trao giải thưởng Lênin và giải thưởng Nhà nước cho công trình hai tập “Lịch sử chính sách ngoại giao của Liên Xô trong giai đoạn 1917-1980” cũng như cho bộ sách nhiều tập về các hội nghị quốc tế giai đoạn chiến tranh thế giới thứ hai. Trong số các tác giả được nhận những giải thưởng này có Chernenko… Chernenko cũng là một trong 16 người từng được ba lần nhận danh hiệu Anh hùng lao động Xã hội Chủ nghĩa dưới thời Xôviết (1971, 1976 và 1984)…

Trên các phương tiện thông tin đại chúng của Liên Xô trước đây và của nước Nga gần đây đã xuất hiện nhiều đánh giá của hàng loạt các nhân vật về Chernenko. Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Ukraina, Fiodor Morgun chẳng hạn, đã nhận xét: “Konstantin Ustinovich Chernenko đã là nhà tổ chức siêu hạng. Tất cả các nhà lãnh đạo ở các địa phương đều muốn được trực tiếp gặp ông. Vì họ biết rằng, một khi đã gặp được Chernenko thì ông ấy sẽ chăm chú lắng nghe họ, có thể sẽ nảy sinh tranh luận nhưng kiểu gì thì vấn đề cũng được giải quyết mau lẹ nhất và những công văn giấy tờ cần thiết sẽ được xử lý một cách kịp thời qua tất cả các khâu.” Cựu Tổng Biên tập báo Komsomolskaya Pravda và Izvestia, A.I. Adzhubei, cũng thổ lộ: “Tôi đã rất thích tới gặp ông ấy – đó là một con người giàu tình cảm. Ông ấy đã là một trưởng phòng đơn thư rất tuyệt vời (Chernenko giữ cương vị này từ tháng 10-1964 tới tháng 2-1965) Chernenko thường xuyên để riêng ra những tập thư mà theo ông, cần phải chuyển cho báo chí, đọc những lá thư đó thành tiếng và phản ứng rất tình cảm đối với nội dung của chúng”.

Theo hồi ức của viện sĩ T.S. Khatsaturov, lãnh đạo Ban Kinh tế Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Tổng Biên tập tạp chí “Những vấn đề kinh tế” trong những năm 70-80 của thế kỷ trước, “những cuộc gặp ít ỏi giữa tôi với Chernenko cho thấy, đó là một con người uyển chuyển nhưng rất nguyên tắc. Ông thể hiện một trí nhớ kỳ diệu, hiểu biết rất nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị... Về độ đậm đặc của thông tin, ít ai trong ban lãnh đạo quốc gia Xôviết khi đó có thể sánh được với Chernenko”.

Những nỗ lực không thành tựu - 2

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Konstantin Chernenko.

Lãnh đạo hồi tâm

Sau khi Tổng bí thư Yuri Andropov (người kế nhiệm Brezhnev trong giai đoạn từ tháng 11/1982 tới tháng 2/1984) qua đời, Konstantin Chernenko, lúc này đã 73 tuổi, đã trở thành nhân vật số một của quốc gia Xôviết. Thực sự mà nói, lúc này sức khỏe của ông chẳng còn lại nhiều. Tuy vậy, ông cũng đã rất cố gắng để thực hiện phận sự của mình. Vợ ông, bà Anna Dmitrievna, sau này đã tâm sự rằng, khi nhận được tin ông được bầu làm Tổng Bí thư, bà đã bật khóc vì bà cho rằng, trọng trách đó là quá sức đối với một người ở trong tình trạng sức khỏe không tốt như chồng bà.

Cũng phải nói rằng, quan hệ giữa Chernenko với Andropov, theo nhiều tài liệu và nhân chứng, hoàn toàn không đơn giản, thậm chí có thể cho là rất phức tạp. Chernenko đôi khi cũng đã dám phê bình Andropov về sự thiếu nhất quán, thí dụ như về việc các nhà báo phương Tây, thậm chí là cả các nhà ngoại giao phương Tây, vì sao đấy lại có thể dễ dàng gặp gỡ với những phần tử mang tư tưởng thân phương Tây và chống đối lại chế độ Xôviết và điều đó đã vô hình chung “làm sang” cho các thế lực phản động. Cũng có những lúc Chernenko đã phê bình Andropov vì sự “một chiều” trong đấu tranh chống lại các phần tử không hữu hảo với chế độ: thí dụ như vì sao đấy KGB lại nương tay các phần tử thân phương Tây hơn là đối với những người theo chủ nghĩa sùng mộ Stalin hay bài Nga…

Có thể thấy một cách gián tiếp quan điểm này của Chernenko qua lời kể của vợ ông, bà Anna Dmitrievna: “Dĩ nhiên, ông Andropov là một người rất thông minh và là một nhà lãnh đạo siêu hạng. Konstantin Ustinovich luôn có thái độ kính trọng ông ấy, tuy nhiên, thái độ của Andropov đối với Chernenko lại có vẻ như thận trọng, thậm chí là e ngại… Chồng tôi vốn rất yêu thơ Esenin, Nekrasov, thuộc lòng nhiều tác phẩm của những nhà thơ này, thường hay đọc diễn cảm các bài thơ đó. Chồng tôi cũng yêu thơ Tvardovsky, hay đọc đi đọc lại các tác phẩm của Kuprin, Mamin – Sibiryak, Shishkov. Và tất nhiên là ông ấy sùng bái Puskin và Lermontov.” Những sở thích đó của Chernenko hình như đã trở thành cơ sở triết học cho các kế hoạch của ông. Cũng theo lời kể của bà Anna Dmitrievna, chồng bà là một người cực kỳ nhân hậu: “Ông ấy có cái tính là, hễ giúp được ai cái gì là giúp ngay, không nề hà gì cả.” Chính Chernenko đã giúp cho vợ chồng đạo diễn nổi tiếng Vladimir Naumov và nữ minh tinh Natalia Belokhvostikova, được cấp căn hộ… Ngoài ra, ông còn luôn luôn mang về nhà toàn bộ khoản thu nhập có được, chỉ uống rượu vodka hay conga vào những ngày lễ và cũng uống rất ít. Ông còn rất thích tự làm món pelmeni mà ông hay ăn. Bà kể: “Ông ấy rất thích món thịt nấu theo kiểu gia đình và tự tay luộc thịt. Ông ấy nấu thịt với khoai tây rất ngon... Ông ấy luôn mang hết lương về nhà và đưa cho tôi chi tiêu. Tôi biết ai cần cái gì. Mức lương của ông ấy ở cương bị Bí thư là 400 rub và khi trở thành Tổng Bí thư thì có mức lương là 600 rub…”

Ngay từ tháng 6/1983, tức là ở giữa giai đoạn lãnh đạo quốc gia của Yuri Andropov, tại hội nghị BCHTƯ KPSS, Chernenko đã trình bày bản báo cáo “Những vấn đề thời sự trong công tác tư tưởng và chính trị quần chúng của Đảng”. Trong đó, ông đã nhấn mạnh tới tính hình thức ngày càng trở nên nặng nề hơn trong công tác tư tưởng, những mối liên hệ yếu ớt của công tác này đối với tình hình thực tiễn, mức độ kém cỏi trong đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên giáo và quản lý. Chernenko đã chỉ rõ những điểm yếu đó trong các thiết chế đoàn thanh niên và công đoàn. Bản báo cáo trên của Chernenko có vẻ như đã trở thành một thách thức đối với “chủ nghĩa mỹ cảm tự do của Andropov” (chữ của ca sĩ Italia gốc Pháp Ives Montand) và trong thực tế đã đánh dấu những bất đồng giữa Chernenko với nhà lãnh đạo tối cao của KPSS và quốc gia Xôviết lúc đó.

Chính trong giai đoạn Chernenko trở thành Tổng Bí thư KPSS, đã xuất hiện xu hướng cải thiện rõ rệt quan hệ giữa Moskva với Bắc Kinh. Trong các tạp chí chuyên ngành ở Liên Xô như “Những vấn đề Viễn Đông” cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng khác đã ngừng công bố những bài viết mang tính phê phán đối với Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc, xuất hiện ngày một nhiều hơn những tài liệu về bản chất và quá trình cải cách kinh tế ở quốc gia láng giềng châu Á. Và cả những bài viết về quan điểm của Bắc Kinh sau khi xảy ra việc đoạn tuyệt về tư tưởng với Moskva và KPSS trong nửa sau những năm 50 của thế kỷ trước. Và cũng nêu rõ ý tưởng rằng Liên Xô cũng cần phải nghiên cứu những kinh nghiệm cải cách kinh tế ở Trung Quốc. Và cũng trong giai đoạn đó, trong cửa hàng sách của các nước xã hội chủ nghĩa Druzhba trên phố Gorki (nay là phố Tver) đã xuất hiện ngày một nhiều hơn các tác phẩm từ Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Rumani, Nam Tư…

Từ mùa thu năm 1984, các tổ chức công đoàn ở Liên Xô đã được cho phép tại các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước phản biện lại những quyết định của lãnh đạo các nhà máy, các tổ chức đảng và quản lý mà họ cho rằng đã vi phạm luật lao động, làm chậm tốc độ phát triển của sáng kiến kinh tế, năng suất lao động, an sinh xã hội đối với người lao động. Và ngày 1/9 hàng năm đã chính thức được công nhận ở Liên Xô là Ngày Tri thức.

Ngoài ra, chính trong giai đoạn mà Chernenko đảm nhận cương vị Tổng Bí thư KPSS đã gần như hoàn thành hồ sơ điều tra về những hành vi phạm tội về kinh tế của N.A. Shchelokov, người giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong nhiều năm. Vụ án liên quan tới biển thủ công quỹ của Sokolov, cựu giám đốc cửa hàng Eliseyev, đã kết thúc bằng bản án tử hình đối với kẻ phạm tội và bản án đã được nhanh chóng thi hành. Của đáng tội, một số chuyên gia lại cho rằng, việc mau lẹ hoàn tất những vụ việc trên lại có mục đích là để khỏi rút dây động rừng dẫn đến nguy cơ phải điều tra các lầm lỗi của ái nữ cố Tổng Bí thư Brezhnev, bà Galina...

Chernenko cũng đã bắt đầu quá trình giảm bớt mức độ hợp tác chặt chẽ hơn trong khuôn khổ Cộng đồng Tương trợ Kinh tế (SEV), cụ thể là đã dừng dự án từng được bắt đầu dưới thời ông Brezhnev liên quan tới việc đầu tư cho nước Rumani của nhà lãnh đạo Seausescu trong khuôn khổ các dự án dẫn khí đốt, các dự án hợp tác và những ưu tiên trong lĩnh vực đầu tư. Những nội dung này đã là chủ đề chính trong hội nghị các nhà lãnh đạo các nước thành viên khối SEV diễn ra tại Moskva tháng 6-1984. Những quyết định chính trong hội nghị này là: đảm bảo các kế hoạch hợp tác sát với thực tế và có hiệu quả cao hơn, dứt khoát phải tính đến những nét đặc thù về dân tộc và kinh tế; gia hạn thêm cho các mối quan hệ kỹ nghệ và kinh tế chung giữa các lĩnh vực và các nhà máy của các nước thành viên khối SEV lên tới 15-20 năm; xây dựng và thực hiện các cán cân hợp tác liên ngành có triển vọng không khuôn khổ khối SEV… Chernenko đã kiên quyết bảo vệ ý tưởng: hợp tác giữa Liên Xô với các nước thành viên khác của khối SEV không phải gắn với quan điểm của họ đối với các hoạt động của Moskva ở Afghanistan cũng như mối quan hệ giữa Moskva với Bắc Kinh hay quan hệ giữa Liên Xô với Albani...

Một nội dung quan trọng trong “cải tổ theo cách của Chernenko” là hàng loạt những biện pháp nhằm sửa đổi các hành động của giai đoạn Khrushchev cầm quyền liên quan tới việc đánh giá lãnh tụ Stalin và gián tiếp liên quan tới quan hệ với Trung Quốc và Albani. Và đó không chỉ là việc các chương trình phát bằng tiếng Nga của đài Trung Quốc đã thôi bị phá sóng và các chương trình phát bằng tiếng Nga của Albani đỡ bị gây nhiễu hơn (Moskva đã cản trở các chương trình của Bắc Kinh và Tirana từ năm 1962).

Theo sáng kiến của Konstantin Chernenko, năm 1984, KPSS đã phục hồi danh hiệu đảng viên cho các nhà lãnh đạo từng bị khai trừ dưới thời cầm quyền của Khushchev là Vyacheslav Molotov, Lazar Kaganovich và Georgy Malenkov. Đích thân Chernenko đã tới trao thẻ đảng mới cho ông Molotov. Theo những người có mặt trong buổi gặp hôm đó kể lại, cũng như theo biên bản ghi lại nội dung cuộc gặp, ông Molotov, lúc đó đã tuổi rất “cổ lai hy” rồi (ông sinh năm 1890), sau khi nhận thẻ đảng mới, đã hỏi đương kim Tổng Bí thư KPSS: “Vì lý do gì mà tôi lại bị khai trừ khỏi đảng?”. Và Chernenko đã đáp với vẻ hối lỗi: “Cụ ơi, không phải con là người đã khai trừ cụ!” Và Molotov đã bật lại rất mau lẹ: “Đó không phải là câu trả lời dành cho người lãnh đạo đảng!” Rồi ông bắt tay Chernenko và đi nhanh ra khỏi phòng. Có lẽ ông Molotov muốn nghe từ ông Chernenko một lời gì đó phê phán Khrushchev nhưng Tổng Bí thư ở thời điểm đó chưa muốn công khai bộc lộ toàn bộ kế hoạch hành động của mình.

Theo những tư liệu đã có, người ta đã chuẩn bị trả lại cái tên Stalingrad cho thành phố Volgagrad trước kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5/1985: Chernenko đã ký những văn bản đầu tiên liên quan tới quyết định này. Thêm vào đó, nghị quyết của BCHTƯ KPSS với nhan đề “Về sửa chữa các tiếp cận chủ quan và những lệch lạc đã xảy ra ở nửa sau những năm 50 nửa đầu những năm 60 khi đánh giá I.V.Stalin và những đồng chí sát cánh cùng ông” đã được biên soạn và điều chỉnh tới lần thứ tư. Dự kiến nghị quyết sẽ được công bố trước kỷ niệm lần thứ 40 Ngày Chiến thắng và sẽ được thể hiện một cách xứng đáng trong báo cáo của Tổng Bí thư vào dịp lễ trọng này. Tuy nhiên, Tổng Bí thư Chernenko đã qua đời vào ngày 10/3/1985, sau một năm và 25 ngày ngồi trên cương vị này.

Cũng phải nói thêm rằng, chính trong giai đoạn mà Chernenko làm Tổng Bí thư, bà Svetlana Alliluyeva, con gái của lãnh tụ Stalin, đã nhận được lời mời và đã trở về sống trên lãnh thổ Liên Xô cho tới mùa thu năm 1986. Theo một số nguồn tư liệu, mùa xuân năm 1984, bà Svetlana Alliluyeva đã nhận được từ ông Chernenko lá thư mà trong đó, ông đã viết: “bởi lẽ phải chuẩn bị cho việc trả lại sự công bằng đối với ký ức và di sản của I.V. Stalin, bà, người con gái của ông ấy, theo tôi nghĩ, cần phải có mặt ở tổ quốc của ông ấy và của bà…”. Sau khi quay về Liên Xô, tháng 11/1984, và Svetlana Alliluieva trong một cuộc họp báo đã khẳng định rằng, bà “ở phương Tây không có một ngày nào cảm thấy mình được tự do cả” và tất cả những phát ngôn tiêu cực của bà liên quan tới I.V.Stalin đều xuất phát từ sức ép và sự cưỡng buộc của những thế lực liên quốc gia và các sứ giả của các cơ quan tình báo nước ngoài…”.

Tuy nhiên, Chernenko đã không dám quyết định việc đưa trở lại ban lãnh đạo cao cấp của Liên Xô ông A.N. Shelepin, một trong những người nhiệt thành nhất đối với việc phục hồi cho lãnh tụ Stalin và cũng là tác giả của các nghị quyết tương ứng của BCHTƯ trong những năm 1966 và 1969. Có lẽ là do không chỉ mình Chernenko mới e ngại sự nổi tiếng và phổ cập lớn hơn của Shelepin (cả ở Liên Xô và ở Trung Quốc). Hơn nữa, Shelepin lại ít tuổi hơn chính Chernenko và hoàn toàn có thể mau chóng vươn lên những vị trí hàng đầu.

Năm 1984, theo chỉ đạo của Chernenko đã tiến hành công tác chuẩn bị một hệ thống các biện pháp cải cách kinh tế theo hướng nhấn mạnh tới các cuộc tranh luận về kinh tế trong kế hoạch năm năm cuối cùng dưới thời lãnh đạo của Stalin và cuốn sách tổng kết các cuộc tranh luận ấy mà Stalin đã viết “Những vấn đề kinh tế của chủ nghĩa xã hội ở Liên bang Xôviết” (1952). Minh chứng cho điều này có thể là những bài viết của các nhà nghiên cứu kinh tế trên tạp chí “Kinh tế học” xuất bản trong nửa cuối năm 1984. Trong số ra tháng11 của tạp chí này còn nói thẳng về giá trị khoa học thực tiễn của các cuộc tranh luận về kinh tế ở cuối những năm 40 đầu những năm 50 và cuốn sách đã dẫn của Stalin – lần đầu tiên sau 30 năm cuốn sách này bị lãng quên.

Trong khuôn khổ của định hướng đó tại tạp chí “Kinh tế học” của BCHTƯ KPSS năm 1984 đã tiến hành cuộc tranh luận tương tự như những cuộc tranh luận đã được tổ chức vào cuối những năm 40 đầu những năm 50 theo sáng kiến của lãnh tụ Stalin và dưới sự chỉ đạo của Shepilev và Kosygin: về vai trò của hạch toán kinh tế trong chủ nghĩa xã hội, về giáo trình mới của bộ môn kinh tế chính trị học, về các vấn đề kinh tế của chủ nghĩa xã hội và về trật tự kinh tế quốc tế mới (1948-1953).

Trong khuôn khổ các tạp chí “Các vấn đề kinh tế” và “Khoa học kinh tế” - gần như là ngay lập tức sau khi Yuri Andropov qua đời, - đã công bố cuộc thi viết giáo trình kinh tế chính trị học mới mà trong đó cần phải nêu bật lên những xu hướng đã nói ở trên. Tuy nhiên, những dự thảo giáo trình đã được biên soạn mới lại chỉ làm bộc lộ rõ những điểm yếu trong các lĩnh vực kinh tế học và tư tưởng chính trị của KPSS lúc đó cũng như trong cách điều hành nền kinh tế quốc gia. Chính vì thế nên đã quyết định hoàn chỉnh ba trong số gần 10 dự án đã được đệ trình của giáo trình này (bài trong tạp chí “Các vấn đề kinh tế”, 1984, số 8). Tuy nhiên, sự bắt đầu này về sau đã bị xóa bỏ bởi công cuộc perestroika của Mikhail Gorbachev và bộ giáo trình trên dĩ nhiên là đã không được hoàn thành.

Những dự định và hoạt động trên trong giai đoạn mà ông Chernenko lãnh đạo Đảng và quốc gia đã bị đứt đoạn ngay trong hai tuần cuối cùng khi ông còn sống. Rồi sau đó chúng đã bị chính thức quên lãng và từ năm 1986 trở đi đã bị dán nhãn một cách chính thức và không chính thức là “đồng tác giả của trì trệ” và “tàn dư của chủ nghĩa Stalin”.

Những gì đã xảy ra tiếp theo thì đã rõ. Liên quan tới việc này, cũng nên chú ý tới ý kiến của nhà kinh tế học và sử học Vladimir Pisarev: “Trong những năm 1985-1991, mọi sự đều được làm để tình hình nền kinh tế ngày một xấu đi, vì thế mới xuất hiện những thế lực ly tâm rất mạnh mẽ dẫn đến việc tan rã Liên bang Xôviết. Tất cả những cuộc “cải cách” ở những năm đó đều nhằm vào mục đích làm tệ hại hơn tình hình và vì thế, nền kinh tế Liên Xô và ngay chính quốc gia Xôviết đều bị sụp đổ. Chuyện này xảy ra không phải do sự vượt trội của sở hữu công đối với phương tiện sản xuất và cũng không phải vì hệ thống quản lý tập trung nền kinh tế như cách mà mà người ta muốn lý giải, mà là vì một lý thuyết kinh tế điên loạn. Những sự bóp méo thông tin và những kế hoạch khờ khạo nhằm phát triển kinh tế và xã hội Liên Xô. Tình trạng ngày một xấu đi của nền kinh tế được lợi dụng để biện minh cho nhu cầu tư nhân hóa ồ ạt và chuyển đổi sang thị trường hoang dã với việc thả nổi giá cả, những trò trộm cắp vô độ trên thị trường chứng khoán và các trò khỉ trong quảng cáo tất cả những sự nhố nhăng này. Viện Công tố Nga… cần phải khởi tố vụ án hình sự về việc làm phá sản một đất nước tiềm năng giàu có nhất thế giới. Điều tra về vụ này, có thể giải thích được việc thái độ dửng dưng của các nhà kinh tế học đối với việc, sau khi Liên Xô ra khỏi danh sách những quốc gia đứng đầu thế giới về tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp (năm 1984), chỉ số này đã hoàn toàn biến mất khỏi các tập thống kê hàng năm của đất nước Xôviết?”

Chernenko được mai táng bên tường Điện Kremli (ông cũng là người cuối cùng được hưởng vinh dự này). Để tưởng nhớ Chernenko, người ta đã đặt tên họ ông cho thành phố Sharypovo ở miền nam khu Krasnoyarsk, nơi ông đã được sinh ra và sống những năm tháng tuổi thơ và khu phố từng mang tên Krasnoyarsk ở quận Golyanovo, Moskva. Năm 1988, thành phố mang tên họ ông đã lại quay trở về tên gọi cũ và khu phố ở quận Golyanovo lại được nhận tên gọi cũ.

Chernenko bị một số nhà nghiên cứu thiếu thiện chí coi như một biểu tượng của giai đoạn trì trệ ở quốc gia Xô viết. Có người còn đánh giá ông như một vị Tổng Bí thư kém sắc diện nhất. Tuy nhiên, những gì chúng ta đã biết có thể bác bỏ định kiến này. Thực sự, các kế hoạch và hoạt động của Chernenko, đó là cố gắng chân thành, cuối cùng và vô ích nhằm ngăn chặn sự đổ vỡ của Liên Xô. Ở trong tình trạng sức khỏe rất không tốt, ông đã không đủ sức để kiểm soát một cách thích đáng những gì mà ông dự định tiến hành. Và ngay cả cung cách điều hành quốc gia đại sự của KPSS ở giai đoạn đó cũng đã bị dồn tới bờ vực “tự tan rã”, vì rằng các thiết chế cao cấp nhất ở tầm quốc gia và đặc biệt là các thiết chế đảng trong thực tế đã nằm trong sự điều hành của các nhóm lợi ích ngành, “dòng họ” hay sắc tộc, hoàn toàn không quan tâm gì tới việc phục hồi công lực của Liên bang Xôviết và sự phục sức của KPSS.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những nỗ lực không thành tựu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO