Phạm Phú Thứ: Lặng Lẽ Canh Tân

13/09/2017 16:26

Chế độ phong kiến Việt Nam kéo dài hàng ngàn năm. Có lẽ cũng vì sự ổn định “theo nếp” ấy mà những làn gió đổi mới ở thế kỷ 19 thổi vào không làm triều đình nhà Nguyễn lay động. Xót xa biết bao cho những nhà canh tân đau đáu vì nước. Phạm Phú Thứ (1820-1883) là một người như vậy.


Chân dung nhà canh tân Phạm Phú Thứ.

Đường quan gập ghềnh

Phạm Phú Thứ xuất thân trong một gia đình Nho giáo. Ông tên thật là Phạm Hào, tự là Giáo Chi, hiệu Trúc Đường, biệt hiệu là Giá Viên, Trúc Ân, người làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Sau khi thi đỗ tiến sĩ, ông được vua cải tên thành Phú Thứ. Nhà nghèo, mẹ mất sớm, nhưng nhờ được Tùng Thiện vương Miên Thẩm giúp đỡ nên ông có điều kiện học hành, và nổi tiếng thông minh.

Năm 1842, khi 22 tuổi, Phạm Phú Thứ đỗ thi hương, năm sau đỗ thi hội rồi thi đình đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Quý Mão (1843). Chức quan ban đầu của Phạm Phú Thứ là Tri phủ Lạng Giang (nay thuộc tỉnh Bắc Giang). Sau thăng Tổng đốc Hải An (tên gọi khác là Hải Yên, gồm 4 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Yên). Một thời gian, ông được triệu về kinh sung chức Thương chính đại thần, Tham tri bộ Binh. Năm 1849, ông được chuyển qua Viện Tập hiền làm chức Khởi cư chú (thư ký ghi lời nói và hành động của vua) rồi sang tòa Kinh diên (phòng giảng sách cho vua). Vốn là người cương trực, năm 1850 ông đã dâng sớ can gián vua Tự Đức không nên ham mê vui chơi. Do việc này mà ông bị cách chức, đưa đi làm lính trạm ở Thừa Lưu (Thừa Thiên), một thời gian sau mới được phục chức trở lại làm Tham tri Bộ Hình.

Năm 1863, ông được bổ nhiệm chức Tham tri bộ Lại, hàm Tòng Nhị phẩm. Cùng năm đó, ông được cử làm phó sứ trong phái bộ Phan Thanh Giản sang Pháp chuộc 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ.

Canh tân mới thoát lạc hậu

Từ khi còn chưa sang Pháp, Phạm Phú Thứ đã mang trong mình tư tưởng canh tân. Ông quan tâm đến việc trang bị phương tiện chiến đấu của quân đội. Ông đề nghị triều đình cho đóng tàu chiến lớn, bọc đồng nhưng không được đồng ý. Đến năm 1856, khi được cử làm Án sát Thanh Hóa, ông bèn chỉ đạo đóng tàu bọc đồng mang tên Thụy Nhạc để trang bị cho thủy quân. Năm 1858, Phạm Phú Thứ được bổ nhiệm Án sát tỉnh Hà Nội. Ông dâng sớ về triều đề đạt một phương án cải cách về kinh tế - quốc phòng. Đó là dùng thuyền buôn tư nhân chuyên chở thóc gạo ở các tỉnh về bán ở kinh đô. Còn dùng thuyền nhà nước để chuyên chở quân lương, quân khí làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ bờ biển. Tiếc là triều đình không chấp thuận.

Khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, Phạm Phú Thứ dâng sớ thỉnh nguyện triều đình xin cho tất cả các quan viên nguyên quán ở Quảng Nam hiện đang ở kinh đô trở về quê hương chiêu tập dũng binh chống Pháp. Rồi sau đó là đề xuất xây dựng đồn lũy ở các cửa sông, các vị trí xung yếu, bổ sung quân và luyện tập cho dân binh đủ năng lực chiến đấu tại chỗ. Những việc này đều bị gạt bỏ.

Năm 1863, khi được cùng phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp đàm phán để chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ, Phạm Phú Thứ chăm chỉ ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe. Ngoài ở Pháp, ông và phái đoàn còn đi thăm các nước châu Âu khác như Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia... Qua chuyến đi, ông học được nhiều điều. Từ đó, ông thấy rằng chỉ con đường canh tân mới giúp đất nước thoát khỏi lạc hậu, bị uy hiếp…

Là người được phân công ghi lại chi tiết hành trình, ông cẩn thận ghi lại những cuộc đàm phán, những chuyến viếng thăm Đức giáo hoàng, hoàng hậu Isabella… Trở về, ông dâng vua hai tập bản thảo: “Tây hành nhật ký” và “Tây phù thi thảo”. Đặc biệt ông dâng vua Tự Đức và triều thần một số tài liệu quan trọng, kiến nghị triều đình thay đổi chính sách mới có thể tồn tại được, cùng một số sách khoa học thực nghiệm do ông ghi chép. Ông còn sưu tầm và mang về nhiều tài liệu biên soạn, đóng thành sách như: Bác vật tân biên (sách nói về khoa học); Khai môi yếu pháp (phương pháp khai mỏ); Hàng hải kim châm (cách đi biển); Vạn quốc công pháp (cách thức giao thiệp quốc tế)…

Phạm Phú Thứ đề xuất triều đình cho cải cách trong nước. Đồng thời chọn những thanh niên ưu tú cho xuất dương du học để về xây dựng đất nước.

Tuy nhiên, hầu hết những đề nghị của ông đều bị vua Tự Đức và các đại thần bảo thủ bác bỏ.

Năm 1866, sau khi đại thần Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự vẫn để tránh mang tiếng bán nước, cầu vinh, Phạm Phú Thứ được thăng chức Thượng thư bộ Hộ. Lúc này, triều đình đành phải cử ông làm người đối thoại với Pháp. Tuy nhiên, các sĩ quan Pháp tỏ thái độ không hài lòng về cách xử sự cứng rắn của ông luôn bảo vệ quyền lợi quốc gia và không khuất phục trước vũ lực, lấy cớ đó để đưa cuộc thương lượng vào thế đổ vỡ bằng sức mạnh, buộc triều đình phải thay người đối thoại. Do triều đình vốn chủ hòa, lại sợ mất lòng Pháp nên ông bị Ngự sử đàn hặc và bị gọi về kinh “hậu cứu”. Năm 1876, ông bị giáng xuống làm Tổng đốc Hải Dương.

Trong thời kỳ bảo thủ “bế quan tỏa cảng” của triều đình, Phạm Phú Thứ đã có nhiều ý tưởng canh tân về giáo dục, về ứng dụng khoa học kỹ thuật Phương Tây. Ví như việc buôn bán giao thương, một hình thức sơ khởi của nền kinh tế thị trường, trang bị vũ khí quân đội hiện đại, tự do tín ngưỡng… Ông tiếp thu thêm tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ và đề xuất triều đình những vấn đề như: Ban bố sách của nhà nước để việc học hành được thiết thực; Lập khoa thủy học (hàng hải) để quản lý ghe thuyền; Dịch sách nước ngoài để theo dõi tình hình thế giới; Khuyến khích các nghề thủ công, cho tự do dùng sắt, gỗ; cấm người Hoa buôn bán gạo, bỏ thuế nấu rượu, giảm các khoản chi phí về tuần tra ngoài biển; Mở rộng buôn bán với nước ngoài; Khai thác quặng và than đá…

Tiếc rằng những đề xuất này của ông không được các đình thần và nhà vua tán thành. Tuy vậy, khi có cơ hội ông vẫn lặng lẽ thực hiện. Ví như, cho dân khai khẩn trồng cây lương thực; mở thủy lợi ở Đông Triều (Quảng Yên), Nam Sách (Hải Dương); mở cảng ngoại thương Hải Hưng (1874), khuyến khích nhà giàu bỏ vốn mở mang công nghệ; đánh thuế nhẹ hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ dân nghèo khai thác than đá ở Quảng Yên; chế biến thủy tinh; ứng dụng khoa học vào sản xuất...

Ở mạn Bắc, ông còn chú trọng xây dựng tỉnh lỵ, phố phường làng xã quy củ, lập cảng ngoại thương Hải Phòng. Canh phòng biển như đặt Nha Thương chính ở Ninh Hải; Cùng Pháp mở cảng ngoại thương; Khai rộng sông ở Bình Giang; chăm lo đời sống nhân dân; Khôi phục nhà xuất bản Hải Học Đường vốn có từ đời vua Gia Long…

Tại quê hương, Phạm Phú Thứ cho đắp đê Câu Nhí – Điện Bàn, đào sông Ái Nghĩa – Đại Lộc phục vụ sản xuất. Tương truyền, kiểu xe nước ngày nay còn thông dụng ở các tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi...) là kiểu xe nước trâu kéo ở Ai Cập vào các thế kỷ trước do Phạm Phú Thứ vẽ kiểu mang về áp dụng vào thời ấy.

Ông mất năm Nhâm Ngọ 1883, thọ 63 tuổi. Sau khi ông mất, triều đình truy tặng ông hàm Hiệp biện Đại học sĩ. Vua Tự Đức còn ban dụ, ca ngợi những đóng góp của ông về việc trông coi Thương chính ở Hải Dương, về việc mở đồn điền ở Nam Sách.

Hiện nay, lăng mộ ông được chính quyền địa phương, con cháu dòng tộc Phạm Phú tôn tạo đặt tại quê nhà tại thôn Nam Hà, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Lăng mộ ông được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá.

GS Huỳnh Lứa – nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử -Viện khoa học Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh đánh giá: “Trong các đại thần triều Tự Đức, Phạm Phú Thứ là đại thần nổi bật về hai phương diện. Một là ông rất cương trực, dám nói thẳng quan điểm của mình, dám phê phán cả vua mà không sợ bị trù dập, thậm chí khi bị trù dập, bị giáng chức nhiều lần vẫn không nản chí, không sợ hãi, vẫn kiên trì những ý kiến của mình cho là đúng đắn. Hai là ông ông không thủ cựu, không cố chấp, hơn thế bằng sự quan sát hết sức tinh tế và đọc nhiều sách tân học, ông ra sức phát hiện những cái mới để học tập và tiếp thu làm phong phú thêm kiến thức của mình đồng thời mạnh dạn đề xuất những phương sách canh tân đất nước nhằm cứu vãn tình thế nguy cấp của nước nhà trước sự xâm lăng của thực dân Pháp. Rõ ràng hai đức tính cao đẹp đó của ông mãi mãi là tấm gương cho các thế hệ sau, kể cả ngày nay”.

Từ Khôi

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phạm Phú Thứ: Lặng Lẽ Canh Tân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO