Phép thử lớn!

Việt Thắng 20/02/2020 11:48

Những tác động từ dịch viêm phổi cấp do virus corona (nCoV) gây nên như là một phép thử lớn đối với tới kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. 27 nước đã xảy ra dịch do virus corona, gây nên những tác động trực tiếp lẫn gián tiếp. Những ngày qua, không chỉ nhà nhà chống dịch, mà nền kinh tế của chúng ta cũng phải “chống dịch”.

Phép thử lớn!

CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk phát khẩu trang miễn phí cho hành khách trên xe khách. Ảnh: Mai Cường.

1. Trong nông nghiệp, thanh long, dưa hấu khó khăn trong xuất biên nằm dài chờ “giải cứu”, mà đằng sau đó là đôi vai nặng trĩu của người nông dân một nắng hai sương. Du lịch cũng “đóng băng”, ước tính thiệt hại đối với ngành “kinh tế xanh” là hàng chục ngàn tỷ đồng khi tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch tăng lên. Thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho thấy, nhiều địa phương, lượng khách sụt giảm 20-30%, thậm chí có địa phương đã giảm tới 60-70%. Còn các ngành dịch vụ, hàng ăn cũng ế ẩm vì sợ dịch.

Trên cơ sở dự kiến những tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch bệnh nCoV tới các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra dự kiến hai kịch bản về tăng trưởng GDP. Theo kịch bản 1, nếu dịch nCoV được khống chế kịp thời trong quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với mục tiêu). Còn theo kịch bản 2, nếu dịch được khống chế trong quý II/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với mục tiêu). Như vậy để năm 2020 đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là thách thức rất lớn.

Nhưng chính trong lúc khó khăn này, lại càng thể hiện sự quyết tâm, tài điều hành của Chính phủ trước những gian nan. Trước các tác động từ dịch bệnh, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ vẫn giữ vững quyết tâm thúc đẩy giữ vững phát triển kinh tế, giữ ổn định xã hội, kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Sự cam kết “không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng” mà Thủ tướng đưa ra là một thử thách, là bản lĩnh, là sự quyết tâm trong bối cảnh “Chính phủ chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân”.

Thực tế, đây cũng không phải lần đầu nền kinh tế đối mặt với khó khăn, khi sự cố ô nhiễm môi trường biển do Fomosa gây ra, tăng trưởng GDP quý I năm 2017 cũng chỉ đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ (5,48%) nhưng cuối năm vẫn cán đích 6,81%. Sự cương quyết của Thủ tướng với quyết tâm “bàn tiến không bàn lùi”, quyết không điều chỉnh hạ thấp chỉ tiêu được coi là bước tiến ngoạn mục để vượt qua khó khăn. Và quyết tâm đó đến nay vẫn được Thủ tướng tái tiếp tục duy trì khi khẳng định: “không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020”. Đó được coi là phép thử lớn đối với sự tài tình, linh hoạt trong điều hành, buộc các bộ, ngành, địa phương phải đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đưa ra các kịch bản mới để vượt qua khó khăn, đạt mục tiêu đặt ra.

2. Càng trong lúc khó khăn thì tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái vượt qua khó khăn của người Việt Nam càng được thể hiện. Chính tinh thần đại đoàn kết của cả dân tộc đã làm nên những chiến thắng vĩ đại trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và dựng xây đất nước. Tinh thần đại đoàn kết toàn dân đã giúp dân tộc ta đánh thắng mọi kẻ xâm lược, vượt qua mọi khó khăn.

Tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhấn mạnh “đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, vị thế và uy tín như hiện nay”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định thành quả đó chính là nhờ khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Khi xuất hiện dịch do nCoV, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của người Việt lại càng được phát huy. Hình ảnh một vài “con sâu bỏ rầu nồi canh” lợi dụng dịch để tăng giá bán khẩu trang không thể làm mờ đi tấm lòng yêu đồng bào của dân tộc Việt. Giữa lúc khẩu trang trở thành món hàng khan hiếm, đắt đỏ thì tại nhiều địa phương trên cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh... nhiều tổ chức, cá nhân đã phát hàng chục nghìn khẩu trang miễn phí cho người dân. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội thể hiện trách nhiệm và tình người qua việc tổ chức chương trình “Chung tay phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra”. Bước đầu đã tiếp nhận 100 triệu đồng tiền mặt và trên 10.000 lọ nước rửa tay sát khuẩn, 10.000 khẩu trang của các cá nhân, đơn vị ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh. Qua đó cam kết sẽ vận động doanh nghiệp hỗ trợ mỗi hộ nghèo một lọ nước rửa tay sát khuẩn, đảm bảo 100% hộ nghèo trên địa bàn thành phố sẽ được hỗ trợ khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn để phòng dịch, đồng thời trích Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ mỗi hộ nghèo ít nhất 1 hộp khẩu trang. Ngay sau chương trình, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã tổ chức cấp phát miễn phí khẩu trang tại 5 địa điểm: Trụ sở cơ quan Ủy ban MTTQ TP Hà Nội; ngã tư Tràng Tiền giao Đinh Tiên Hoàng thuộc quận Hoàn Kiếm; bến xe buýt gần chợ Long Biên thuộc quận Ba Đình; đối diện cổng Bệnh viện Thanh Nhàn; xóm “chạy thận” thuộc quận Hai Bà Trưng.

Trên nhiều tuyến phố, thay vì cầm gậy, máy đo nồng độ cồn như thường lệ, tại nút giao thông dừng đèn tín hiệu là hình ảnh những cảnh sát giao thông trên tay những bịch khẩu trang phát miễn phí cho người đi đường. Tại TP Hồ Chí Minh, bé Andy Đào Nguyên, 11 tuổi dành 10 triệu đồng tiền lì xì trong dịp Tết Nguyên đán để mua khẩu trang phát tặng mọi người. Hay nhiều bạn trẻ trên cả nước kêu gọi nhau mua thanh long, dưa hấu giúp người nông dân trong lúc nông sản ứ đọng vì nCoV. Chính hình ảnh, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự chung tay của người dân càng tôn vinh lên nhiều nghĩa cử cao thượng, tấm lòng tương thân tương ái là những điều đáng trân quý như mạch ngầm chảy bền bỉ trong con người Việt Nam.

3. Chính trong những lúc khó khăn, càng cho thấy sự đổi mới, sáng tạo, linh hoạt của con người Việt Nam. Cách đây 17 năm khi dịch SARS bùng nổ là nỗi sợ của nhiều quốc gia thì Việt Nam đã thành công trong khống chế và dập dịch. Một quyết định táo bạo lúc đó được ngành y tế đưa ra khi quyết định tắt điều hòa, mở toang phòng bệnh cho không khí lưu thông, tránh sự lây lan do virus gây ra.

Còn khi dịch nCoV xảy ra, mỗi ngành đều có những “kịch bản riêng” để ứng phó. Chính phủ và Bộ Y tế luôn nhất quán minh bạch thông tin để người dân biết cách phòng tránh chứ không giấu diếm, bưng bít thông tin. Bởi chỉ có minh bạch thông tin thì thông tin mới được phản hồi, từ đó là cơ sở đưa ra giải pháp để phòng tránh. Ngoài việc hạn chế lễ hội của ngành du lịch, thì ngành giáo dục tại một số trường đã nghĩ ra hình thức dạy “trực tuyến” cho học sinh. Rồi các địa phương trong cả nước đã có nhiều biện pháp nhằm tích cực phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra như tại Bình Dương ứng phó với corona ngay tại các “khu công nghiệp”; Hà Tĩnh với phương châm “từng người dân, từng hộ gia đình, từng cộng đồng dân cư tự phòng, chống dịch là chính”; còn Thanh Hóa giám sát chặt chẽ nguồn lây lan bệnh tại cơ sở. Còn để giải cứu nông sản, nhiều hệ thống siêu thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tung các chương trình hỗ trợ giải cứu nông sản, nhằm hỗ trợ nông dân thu hồi vốn. Tương tự, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics vận động các doanh nghiệp hội viên giảm 10-20% phí lưu kho lưu bãi, đặc biệt là kho lạnh, để hỗ trợ các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị mua nông sản cho nông dân. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính những cách làm mới, sáng tạo của nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương càng cho thấy tâm lý “chung tay chống dịch” chứ không hề sợ hãi, co cụm.

Đó cũng chính là bản lĩnh, vươn cao của trí tuệ con người Việt Nam. Càng khó khăn thì càng gắn kết, sáng tạo vượt qua thách thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phép thử lớn!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO