Sao cho xứng đáng với chữ 'thầy'

Huyền Trang (thực hiện) 08/11/2018 18:27

TS Lê Thống Nhất chia sẻ, những người không xứng đáng với chữ “thầy” hãy tự giác ra khỏi ngành vì đã chọn nhầm nghề, “đứng nhầm chỗ”. Nghề thầy giáo cần được có vị trí xứng đáng, từ khi bước chân vào ngôi trường sư phạm cho đến khi là một giáo viên thực sự…

Sao cho xứng đáng với chữ 'thầy'

TS Lê Thống Nhất hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Trường học lớn Việt Nam, sáng lập Tạp chí Toán Tuổi thơ, ViOlympic, IOE, BigSchool. Tiến sĩ chuyên ngành Phương pháp Giảng dạy Toán (1996).

Với nhiều năm đứng trên bục giảng, tận tụy cống hiến hết mình cho nghề giáo, khi nhìn thấy hình ảnh người thầy bị hoen ố bởi những thông tin, hành vi phản cảm ông không khỏi buồn phiền.

Ông chia sẻ, những người không xứng đáng với chữ “thầy” hãy tự giác ra khỏi ngành vì đã chọn nhầm nghề, “đứng nhầm chỗ”. Nghề thầy giáo cần được có vị trí xứng đáng, từ khi bước chân vào ngôi trường sư phạm cho đến khi là một giáo viên thực sự…

PV: Ngày 10/10/2018, quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở GDPT với 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí chính thức có hiệu lực. Quy định này để giáo viên có thể tự đánh giá về năng lực, phẩm chất của mình (trong đó có tiêu chí về công nghệ thông tin, ngoại ngữ…). Theo ông, điều đó có thực sự cần thiết với giáo viên trong giai đoạn hiện nay?

TS Lê Thống Nhất: Việc quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên là cần thiết vừa là để giáo viên cần liên tục phấn đấu không ngừng nhằm giáo dục có hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục, vừa là để các cơ sở giáo dục có thước đo đánh giá năng lực, phẩm chất của giáo viên. Với giai đoạn hiện nay thì việc quy định thêm tiêu chí về công nghệ thông tin, ngoại ngữ là cần thiết tuy nhiên việc kiểm định các tiêu chí này phải thực sự nghiêm túc thì mới có ý nghĩa. Một số nơi có thể lấy là cái cớ để thu tiền của giáo viên rồi cấp cho chứng chỉ thì vừa phản giáo dục, vừa làm mất ý nghĩa của chuẩn nghề nghiệp. Theo tôi cần thanh kiểm tra rất chặt việc đánh giá kiểm định này, sẵn sàng kỷ luật những đơn vị làm sai với động cơ làm tiền.

Giáo viên trẻ hiện nay (thuộc các thế hệ 8X, 9X) so với thời mà ông đi học có nhiều điểm khác biệt không?

- Thế hệ giáo viên trẻ có nhiều điểm khác thời trước đây. Về năng lực thì các bạn trẻ có những kiến thức mà thời trước các thầy cô chưa có hoặc yếu hơn, chẳng hạn về công nghệ thông tin hay ngoại ngữ. Tuy nhiên hầu hết các thầy cô ngày xưa chân tình với đồng nghiệp, thương yêu trò, tất cả vì sự nghiệp giáo dục còn bây giờ ở một số giáo viên trẻ mang những toan tính cá nhân nên quan hệ đồng nghiệp, quan hệ thầy trò chưa tốt, thậm chí đôi khi vụ lợi hoặc gây khó dễ cho nhau. Tôi nghĩ những giáo viên như thế nên chọn nghề khác cho mình.

Những năm gần đây có thực trạng tha hóa về đạo đức người thầy, và không ít những hành vi thiếu tôn trọng của các học sinh… Đọc những thông tin và chứng kiến thực trạng như vậy, cũng là một nhà giáo tâm trạng của ông như thế nào?

- Ai cũng sẽ rất buồn khi biết những thực trạng như thế! Đó là những người đứng nhầm chỗ của mình, chỗ của họ không phải ở trên bục giảng, không xứng đáng để học sinh gọi thầy. Pháp luật cùng các quy định của ngành giáo dục cần loại những người này ra khỏi ngành giáo dục.

Có thể nói, thực trạng trên là “con sâu làm rầu nồi canh”, truyền thống tôn sư trọng đạo luôn là truyền thống quan trọng cần phải có trong mỗi người Việt Nam. Để có thể thay đổi và giảm bớt những tiêu cực, đặc biệt là nâng năng lực và phẩm chất người thầy, theo ông cần những yếu tố căn cốt nào?

- Để nâng cao chất lượng người thầy, cần phải quan tâm từ “đầu vào” cho đến “đầu ra”. Điểm đầu vào trường sư phạm tất nhiên phải hợp lý, việc giảng dạy cho các em những năng lực và phẩm chất cũng hết sức cần chú trọng. Các em có một nền tảng vững vàng ngay từ trường sư phạm sẽ có những gắn bó với nghề, trân trọng nghề các em lựa chọn.

Và tôi muốn nhấn mạnh ý, muốn nâng cao phẩm chất và năng lực người thầy thì vấn đề cốt lõi nằm ở tư tưởng của người thầy. Tư tưởng có thông thì mới tích cực rèn luyện, phấn đấu phát triển năng lực, phẩm chất. Để giải quyết vấn đề tư tưởng cần có chế độ chính sách tốt, thoả đáng để người thầy cảm thấy được xã hội tôn trọng, trước hết là chế độ tiền lương – khen thưởng và sau đó là chế độ được khuyến khích học hỏi, kể cả trong nước và ngoài nước. Tôi biết ở nhiều nơi, giáo viên rất nghèo, nếu giữ phẩm chất trọn đời thì các thầy sẽ nghèo trọn đời, làm sao vui với sự nghiệp? Nếu tự mình cứu mình thì buộc giáo viên phải kiếm thêm các nghề khác và tất nhiên hình ảnh của người thầy sẽ bị ảnh hưởng, khó mà dành tâm huyết cho sự nghiệp. Từ đó, sự “tôn sư, trọng đạo” cũng khó giữ.

Truyền thống “Tôn sư, trọng đạo” ở một số nơi đáng báo động, một số phụ huynh coi thường giáo viên, thậm chí chỉ coi là những người làm dịch vụ giáo dục phục vụ con em mình nên đã đặt đồng tiền lên trên cả giá trị của người thầy. Riêng về truyền thống này, tôi chỉ ao ước “bao giờ cho đến ngày xưa…”.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sao cho xứng đáng với chữ 'thầy'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO