Sống thực với mình

Linh Vân 07/12/2017 16:46

Tình cờ ngồi xem trên truyền hình đoạn quảng cáo sữa. Vang lên câu hát: “Bay cao nào, nhảy cao nào…” Ở đời, hình như ai cũng muốn bay cao, nhảy cao…. Càng cao càng tốt! Chúng ta ngay từ thuở trong nôi đã bị nhồi nhét tư tưởng đó rồi, bằng đủ mọi cách, kể cả qua những giọt sữa. Nhưng liệu có ai tự nắm tóc mình để nâng mình lên cao hơn mình thực có không nhỉ? Mà nếu có được thì cũng có thú vị gì lắm không?

Sống thực với mình

(Minh họa: Christian Schloe).

Ai nắm tay được từ sáng đến tối, gắng gượng thì chỉ được chốc nhát thôi, còn lại dằng dặc thời gian thì mình vẫn phải đối diện với chính kích cỡ thực của mình. Đánh lừa thiên hạ có thể khó, nhưng đánh lừa chính mình mới ngàn lần khó hơn. Có những người cảm thấy vui khi được thiên hạ khen ngợi, tụng ca, tâng bốc, còn mình chỉ vui khi chính mình cảm thấy hài lòng với bản thân. Những khoảnh khắc đó cực hiếm hoi. Và thường là mình buồn vì phải sống bất đắc chí, lực bất tòng tâm, tòng tính, tòng tình… Mình yêu mình nhất, nhưng mình cũng nhìn rõ những điểm yếu của mình nhất. Và mình rất khó lừa mình – ngay từ nhỏ, mình đã là người ít ảo tưởng về bản thân và luôn bị ám ảnh bởi những “dự cảm đen”.

Đến mức khi đọc sách, mình đã nhiều lần cảm thấy hốt hoảng khi nhận ra rằng, trong các nhân vật tiêu cực có nhiều nét giống mình quá. Còn nhớ, hồi mới sang Liên Xô, lần đầu đọc cuốn “Một nhân vật thời đại” (mà ở ta đã dịch là “Người anh hùng thời đại”) của Mikhail Lermontov, mình đã sững sờ ngẩn ngơ mất mấy ngày thì thấy những điều mà nhân vật Pechorin thích thì cũng chính là thứ mình thích (!) Lúc đó, mình đã tự hỏi, chẳng lẽ ta lại như anh chàng luôn luôn bị các nhà sư phạm lành mạnh phê phán ư?!... Rồi mình lại tự hỏi, nếu mình thực sự giống như anh chàng Pechorin thì tại sao xung quanh vẫn đánh giá mình là nhân tố tích cực, là người tốt?!

Nói chung, mình dường như vô cảm khi những lời nhận xét của xung quanh (khen hoặc chê, ca ngợi hoặc mắng mỏ) không đúng như cảm nhận của chính mình…

Phấn đấu, cố gắng theo kiểu kiễng chân có thể tạo nên những cú hích tốt. Thế nhưng, có lẽ sống thích ứng với nội lực của chính mình vẫn là thú vị nhất, hữu lý nhất. Đã từng có ai đó nói rằng, con người thực dại dột, hao tổn bao nhiêu sức khoẻ để hùng hục kiếm tiền, rồi cuối cùng lại phải dùng số tiền này vào việc hồi phục lại sức khoẻ mà vẫn không đủ!
Đấy là một cách nhìn. Nhưng nhìn từ góc độ khác, bước chân đầu tiên của đứa trẻ đi vào cuộc sống chính là bước chân của nó tiến gần tới cái chết. Nếu ta không thành đạt thì ta không thể nào hiểu được sự vô nghĩa và cái giá quá đắt đã phải trả để thành đạt. Nếu ta không giàu có thì ta không thể thấm thía tới tận cùng cái chân lý giản đơn rằng chỉ đơn thuần tiền bạc thôi thì không thể nào cảm thấy hạnh phúc. Nếu ta không quyền cao chức trọng thì ta không thể nào biết được một cách chân thành và thực chất nỗi cô đơn lạnh buốt trên đỉnh Olimpus và sự nguy hiểm, bất trắc của nghề làm lãnh đạo…

Sống có nghĩa là để chết, nhưng chỉ chết sau khi đã cố gắng mọi cách để tìm kiếm sự bất tử cho mình, dù chỉ là về mặt tinh thần. Và như vậy, cần phải sống như không thể chết. Như chúng ta sẽ vĩnh viễn có trách nhiệm với thế giới này.

Chúng ta có thể không đủ sức góp phần làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn, nhưng chí ít thì cũng cần phải hiểu rằng, mình có sứ mệnh phải góp phần làm cho những cái xấu xa, nhơ nhuốc, tàn nhẫn, đểu giả, độc ác… bớt đi trên cõi thế.

Đến với tôi, em có thể không hạnh phúc, nhưng chắc chắn em sẽ bớt bất hạnh; em có thể không nguôi tuyệt vọng nhưng em sẽ có thêm niềm hy vọng vào cơ hội trở nên hạnh phúc…

Hy vọng sẽ chỉ tắt khi tất cả đã chết trước rồi…

Nửa đêm tỉnh giấc, nhớ tới câu chuyện đã đọc ở đâu đó bằng tiếng Nga. Một nhà văn Nga, người Saint Peterburg, sang Phần Lan chơi ở một thành phố ven biên giới. Tối đến, không có việc gì làm, ông vào một quán bar uống rượu giải sầu. Tình cờ gặp một phụ nữ Nga làm nghề bán hoa ở đó. Ly hương, gặp đồng hương, hai người trò chuyện cực kỳ vui vẻ. Nàng Kiều nào gặp văn nhân mà chẳng động lòng. Người phụ nữ Nga ấy mời nhà văn về quán trọ của mình để qua đêm. Tờ mờ sáng, chị dậy. Nhà văn hỏi, sớm thế này em đi đâu? Ngập ngừng một lát rồi chị cũng nói thật, thông thường mỗi đêm em phải kiếm được một khoản tiền “đi khách” nhất định để thanh toán nợ nần. Nhưng đêm qua, em thích anh lắm nên em không thể lấy tiền của anh được. Và em cũng không thể không kiếm ra khoản tiền “nợ đời” kia. Tại vùng này, sáng sớm có chuyến phà từ bên kia biên giới sang, nó cập bến lúc 7 giờ, em phải tranh thủ tới đấy, kiếm khách để có đủ nguồn thu…

“Trà hoa nữ” ấy đi rồi, nhà văn cứ nằm mà miên man nghĩ. Ta có yêu nàng đâu mà ta lại ngủ với nàng “miễn phí”, trong lúc quả thực nàng chẳng có kế sinh nhai nào khác. Và nhà văn nhớ lại quá khứ và cảm thấy ân hận: trong đời, ông đã bao nhiêu lần giả vờ nói yêu hoặc giả vờ yêu để “xù tiền” phụ nữ, để tranh thủ họ cho những phút giây thư giãn của mình. Hoá ra là về nhân cách, văn nhân đôi khi lại kém gái bán hoa. Hoá ra ông mắc nợ đàn bà nhiều hơn ông tưởng!

Ai trong chúng ta có thể nói rằng mình luôn luôn đàng hoàng với những người phụ nữ?

Ta cứ nghĩ ta oai, nhưng thực sự thế nào?!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống thực với mình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO