Tháng 7, chầm chậm một lối về…

Hoàng Yến 27/07/2018 10:00

Tháng 7 từ lâu đã được xem là tháng của tri ân, báo đáp công ơn các anh hùng, thương binh, liệt sĩ. Cứ độ này, trên khắp nẻo đất nước hình chữ S, dòng người lại chầm chậm một lối về…

Tháng 7, chầm chậm một lối về…

Sau cơn bão số 3, nắng Hà Tĩnh lại như rang trên mảnh đất từng là tuyến lửa của cuộc chiến tranh từ cách đây 50 năm. Vậy mà, mỗi ngày, những dòng người vẫn lặng lẽ tìm về khói nhang cho đồng đội.

Đối với Anh hùng Lao động Nguyễn Tri Ân ( sinh năm 1945, trú xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc) hành trình trở về thăm chiến trường xưa ở Ngã ba Đồng Lộc như cuộc hành trình trở về với chính mình.

Ông là 1 trong 3 người được Tổng đội TNXP cử thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn ở chiến trường Đồng Lộc. Bom ném ở đâu, lực lượng TNXP có mặt ngay ở đó để san, lấp, mở đường cho xe chi viện của miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam. Thời điểm đó, những người lính phá bom ông Ân không hề suy nghĩ đến sự sống - cái chết mà chỉ có một sứ mệnh gỡ được nhiều quả bom để đảm bảo mạch nối giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam.

Suốt 300 ngày đêm bám trụ ở đoạn đường Khe Út-Khe Giao, ông Nguyễn Tri Ân cùng đồng đội đã vượt qua 293 trận bom của địch, bị vùi 15 lần nhưng ông vẫn tiến lên cắm tiêu rà phá bom. Dù bom loại gì, rơi ở đâu ông đều phá được với thời gian nhanh nhất. Tổng cộng ông đã phá được 545 quả bom các loại trên chiến trường Đồng Lộc.

Giờ đây, khi tuổi đã cao, những vết thương một thời bom đạn vẫn còn hành hạ mỗi khi trái gió trở trời nhưng ông vẫn tích cực tham gia các cuộc gặp mặt, trò chuyện để tiếp lửa cho thế hệ trẻ trong hành trình xây dựng quê hương.

“Những ngày khói lửa, đạn bom Đồng Lộc vẫn vẹn nguyên trong tôi. Thế hệ hôm nay cần biết về những năm tháng đó để cố gắng phấn đấu”, Anh hùng Lao động Nguyễn Tri Ân khẳng định.

Bây giờ, những ầm ào đạn bom đã lùi sâu vào quá khứ, Đồng Lộc hay bất cứ nơi nào trên dải đất hình chữ S nơi mà mưa bom đạn dội năm nào đều đã thắm xanh màu đổi mới nhưng vẫn còn đó một dòng ký ức lặng lẽ chảy trong tâm tư những người từng cầm súng như Anh hùng Nguyễn Tri Ân.

Để mỗi tháng 7 tới, thế hệ hậu sinh lại có cơ hội thấu hiểu nhiều hơn những giá trị nhân văn, nhân bản từ lịch sử…

Đối với những người được sinh ra và lớn lên trong thời bình, có lẽ không phải ai cũng có thể hiểu hết được hai chữ hòa bình. Vì để có hòa bình, để gìn giữ hòa bình chắc chắn phải có sự hy sinh.

Lịch sử ngày hôm qua đã viết tên biết bao sự hy sinh của những thế hệ cha ông thấm đẫm máu xương để gìn giữ cương thổ, chủ quyền. Lịch sử ngày hôm nay, ngay trong thời bình, vẫn tiếp tục khắc tên những người lính.

Đó là khi chúng tôi đặt chân lên quần đảo Trường Sa vào đúng dịp 43 năm quần đảo này được giải phóng, hơn lúc nào hết, hai chữ hòa bình mới thực sự thấm thía hơn trong tâm can.

Đất nước có hơn 3000 hòn đảo nhưng không phải ngẫu nhiên, quần đảo Trường Sa được gọi là quần đảo bão tố. Bởi chỉ cần một cơn bão giữa biển khơi đi qua, lại có thêm những người lính ngã xuống.

Trong khói nhang vời vợi, đứng trước ngôi mộ hai người lính tuổi chớm đôi mươi trên đảo Trường Sa Lớn, để nói về sự hy sinh, Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân chỉ có một lời gan ruột: “Đó là sứ mệnh của người lính”.

Cho nên, điều mà chúng tôi được nhìn thấy giữa khô cằn nắng cháy, giữa bao la biển trời, trên những đảo chìm đảo nổi, chỉ là những nụ cười, những cái bắt tay nồng ấm và lời ca tiếng hát yêu đời mà người lính đảo gửi cho chúng tôi. Lúc đó, chúng tôi mới thấm hiểu hơn hai từ “sứ mệnh” của vị tướng hải quân.

Và chợt hiểu, đừng hỏi người lính về sự hy sinh.

Đất nước trải qua bao cuộc chiến tranh, những tổn thất của nó để lại không gì có thể đo đếm được, nhất là sự hy sinh. Không ai chọn cho mình cách chết, cũng không ai muốn mình phải chết và không có cái chết nào có ý nghĩa bằng được sống. Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy thì lựa chọn cái chết để đất nước được trường tồn là một lựa chọn vinh quang và cao cả.

Trong những năm tháng khốc liệt ấy, biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam đã ra chiến trường, trong số đó nhiều người đã hy sinh. Có những người tuổi chưa tròn đôi mươi. Có người cái tên đồng đội chưa kịp nhớ. Đất nước nghiêng mình trước hy sinh cao cả ấy.

Nhưng có những hy sinh còn nhiều hơn thế, ở đó có nỗi đau của những người mẹ mất chồng, mất con sau cuộc chiến. Đó còn là nỗi đau âm ỉ thời hậu chiến khi nhiều người, nhiều gia đình vẫn miệt mài trong những cuộc hành trình tìm chân lý, tìm người thân của mình.

Từ năm 1945 đến nay, đất nước đã có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 1 triệu người bị thương và là bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, có hơn 127.000 bà mẹ có cả chồng lẫn con hoặc nhiều con đã hy sinh vì Tổ quốc. Số người được công nhận là người có công với nước là 9 triệu người.

Các hệ thống văn bản chính sách ưu đãi người có công liên tục được nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân tham gia tích cực vào việc đền ơn đáp nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi để người có công vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Chính sách đối với người có công với cách mạng luôn là một chính sách đặc biệt, thể hiện rõ trách nhiệm và tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với sự hy sinh xương máu của biết bao người. Nhưng bên cạnh giá trị ưu việt của một chính sách thì vẫn còn đó những nỗi đau thương, mất mát chưa thể bù đắp.

Năm tháng trôi qua, chiến tranh lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh mạnh mẽ trên những mảnh đất từng là chiến trường khốc liệt năm xưa. Và cũng bởi, chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, đủ lâu đến mức, đôi lúc, nhiều người trong mỗi chúng ta đã lãng quên. Cho nên tháng 7, nơi những dòng người chầm chậm một lối về tri ân để chạm tay vào quá khứ, để thấm thía vì sao có nhiều điều chúng ta không được phép lãng quên.

Như nén hương thơm của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tưởng nhớ Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, tại thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cũng trong một ngày tháng 7.

Người mẹ có đến 12 người con, gồm 1 con gái và 11 con trai nhưng không có nỗi đau nào có thể đong đếm được khi 9 người con trai, 2 cháu ngoại và 1 con rể của Mẹ Thứ nối tiếp nhau ra trận rồi lần lượt hy sinh trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc.

Trong ngôi nhà giản dị đơn sơ của Mẹ Thứ, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, có được cuộc sống hòa bình, ấm no hạnh phúc như ngày hôm nay, mỗi người dân Việt Nam không thể nào quên công ơn của những Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng lực lượng vũ trang, gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ – những người đã hy sinh xương máu và cả nước mắt của mình cho Tổ quốc thân yêu.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, "Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Cho nên đối với "những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”.

Bởi vậy sự báo đáp công ơn các Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh và các gia đình có công với cách mạng không phải là câu chuyện của tháng 7, không phụ thuộc dịp kỷ niệm là năm chẵn hay năm lẻ, mà phải xuất phát từ chính những hành động thiết thực mỗi ngày.

Thời gian qua, MTTQ Việt Nam luôn coi việc chăm lo cho người có công là trách nhiệm và vinh dự thiêng liêng. Cuộc tổng rà soát chính sách cho người có công với cách mạng mà Mặt trận từng phối hợp thực hiện với Bộ Lao động thương binh xã hội là một ví dụ. Từ cuộc tổng rà soát này, cho thấy, 96% số người được hưởng đầy đủ chế độ chính sách là một con số đáng khích lệ, khẳng định sự nỗ lực bấy lâu nay của một chính sách đặc biệt mà Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm, chăm sóc.

Như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các bộ, ngành và địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân cả nước tại buổi lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc, việc thực hiện công tác thương binh liệt sĩ, chính sách ưu đãi, chăm sóc người có công là bổn phận, trách nhiệm thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và của mỗi người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháng 7, chầm chậm một lối về…

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO