Thành phố những ngày đầu giải phóng

Trần Thanh Phương 30/04/2020 08:59

LTS: Nhà báo Trần Thanh Phương – nguyên Phó tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết - tập kết ra Bắc năm 1954, ông không có mặt ở Sài Gòn vào ngày 30/4/1975 lịch sử. Một vài tuần sau đó, ông mới từ miền Bắc trở về miền Nam thân yêu. Cuốn “Sài Gòn tầng cao Sài Gòn tầng thấp” là những trang nhật ký ông ghi lại bắt đầu từ ngày 15/5/1975 đến ngày 30/4/1980 – 5 năm đầu tiên của một thành phố mới giải phóng dưới tâm thế của một nhà báo rất ý thức về việc làm tư liệu.

Một Sài Gòn của những ngày đầu giải phóng đầy háo hức, bỡ ngỡ đến một TP Hồ Chí Minh sau 5 năm đầu tiên “khó khăn bề bộn” đã hiện ra sinh động dưới những trang nhật ký được ghi hết sức giản dị, chân thành.

Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng tôi xin trích đăng một số đoạn giàu cảm xúc và thú vị trong cuốn nhật ký “Sài Gòn tầng cao Sài Gòn tầng thấp”, cũng là để tưởng nhớ tác giả - nhà báo Trần Thanh Phương – ông vừa qua đời cách đây hơn 2 tháng.

Thành phố những ngày đầu giải phóng

Đường phố Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh những năm 1980.

25/5/1975

Ngày 30/4/1975, tôi không được may mắn có mặt ở Sài Gòn. Mặc dù thế, tôi cũng như hàng chục triệu người Việt Nam khác, trong ngày lịch sử này, lòng tôi hướng về thành phố Sài Gòn – Gia Định bằng tất cả tình cảm thiết tha và tự hào nhất của mình.

Hôm nay, thì tôi đã sống giữa lòng thành phố. Ánh mắt, nụ cười, dáng đi, tiếng nói… của người Sài Gòn như thân quen tất cả, như đã gặp nhau một lần nào… Gặp ai cũng muốn chào, muốn nói một câu gì đó cho thỏa những ngày mong đợi.

Bến Bạch Đằng, Thủ Thiêm, cột cờ Thủ Ngữ, chợ Bến Thành, Sở Thú, cho đến hàng me, hàng sao, hàng dầu, mái ngói, bờ tường… cũng làm tôi nao nao, rớm lệ. Và đây là dinh Độc Lập, dinh Gia Long, tòa Đại sứ Mỹ, Bộ tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng nha Cảnh sát, nhà lao Chí Hòa, Thủ Đức…, những cái tên đã nghe quen từ rất lâu mà giờ mới được đặt chân đến…

Tất cả hãy còn nguyên vẹn đó. Cái tốt và cái xấu xen lẫn, bày trước mắt mọi người. Một em nữ sinh 16, 17 tuổi tự nguyện mang băng đỏ, đứng giữa ngã tư đường phố giữ trật tự giao thông. Một lá cờ nửa xanh nửa đỏ treo bên cạnh một khẩu hiệu chống cộng sản chưa kịp xóa đi. Một người ăn xin, một trẻ bụi đời, một người mang bệnh cùi nằm trước cửa chợ, một nhóm thanh niên đang ngồi chích xì ke ở bến Bạch Đằng, một cô gái làm tiền, một băng cướp có vũ khí công khai hành nghề… Bước ra đường phố, ta có thể thấy ngay bao cảnh như thế.

Trừ những giờ giới nghiêm, Sài Gòn luôn sống trong hối hả, vội vàng…

Đối với cách mạng, nhiều người vừa sợ, vừa cảm tình, vừa thấy gần gũi, nhưng cũng lại vừa xa lạ. Người ta gọi anh em cán bộ, bộ đội bằng “ngài”, bằng “ông”, bằng “bà”. Cá biệt có người còn nói “phía bên này”, “phía bên kia”, còn khen “ông Diệm”, “ông Kỳ”, “ông Thiệu”… còn nói “Ngoài họ” (ý chỉ miền Bắc), “trong mình” (ý chỉ miền Nam)…

Thật ra trong những ngày vui lớn này, chẳng mấy ai có ý chống đối cách mạng, chia rẽ Bắc – Nam. Nhưng vì quá ngỡ ngàng trước một chiến thắng lớn, những từ ngữ quen thuộc, bình thường trước đây ít ai kịp sửa. Người ta trao đổi với nhau một cách quen miệng như thế.
Ta tiếp quản thành phố Sài Gòn nguyên vẹn. Nguyên vẹn cái tốt và nguyên vẹn cả cái xấu. Nghiệm thấy những năm sau này, công cuộc cải tạo và xây dựng ở thành phố sẽ còn nhiều điều lý thú, tôi muốn ghi lại những gì mắt thấy, tai nghe và xúc động nhất. Chắc rằng nhiều trang trong quyển sách này chưa nói được tính điển hình của Sài Gòn trong thời gian tới. Nhưng người viết sẽ cố gắng hết sức trung thực với sự thật. May ra, từ sự thật phong phú ấy, giúp bạn đọc, nhất là bạn đọc ở xa thành phố, hiểu được phần nào Sài Gòn trong những năm gian khổ xây dựng cuộc sống mới của mình.

21/11/1975

Mấy hôm rày, đêm đêm dinh Độc Lập sáng hơn trăng rằm. Đèn sách trên những cành cây sạch sẽ sau những trận mưa cuối mùa. Màu cờ đỏ sao vàng trải rộng trong ánh điện.

Anh công nhân lái tàu ở bến Bạch Đằng, đèo đứa con gái năm tuổi của mình đến đây chơi đèn. Đôi mắt tròn xoe của cháu bé chớp chớp nhìn những chùm đèn màu trên nhánh cây. Còn đôi mắt của người cha thì trân trân nhìn thẳng vào ngôi dinh. Tôi bước lại làm quen. Anh nói:

- Hồi trước, nghĩa là cách đây sáu bảy tháng, làm sao tôi được đặt chân đến nơi này. Bây giờ thì hình ảnh Bác Hồ treo ở giữa dinh và người Sài Gòn qua lại đây dễ dàng như qua lại bất cứ con đường nào khác ở thành phố mình.

Ngưng một lát, anh nói tiếp:

- Rồi cũng tại nơi đây được vinh dự chọn làm địa điểm của đại biểu hai miền Nam Bắc, bàn việc thống nhất nước nhà. Đây cũng là chuyện trước đây chẳng mấy ai nghĩ đến. Sau Hội nghị này, xin đổi dinh Độc Lập thành tên Tòa nhà Thống Nhất có lẽ hay hơn…
Đó là một ý mới, không chỉ riêng anh. Hơn 20 năm đất nước tạm thời bị chia cắt, đồng bào và chiến sĩ miền Bắc đều canh cánh bên lòng hai tiếng Thống Nhất. Một nhà máy mang tên Thống Nhất, một công trường Thống Nhất, một cửa hàng Thống Nhất, một con đường, một khách sạn, một câu lạc bộ, một vườn hoa… mang tên Thống Nhất… Biết bao em bé chào đời trong những năm qua cũng mang nhiều tên quê hương miền Nam để kỷ niệm một thời khát vọng Bắc Nam một nhà của các bậc làm cha mẹ: Hoài Nam, Long Giang, Hương Giang, Hoa Mai, Hiền Lương, Bến Hải, Trường Sơn… Và điều lớn lao hơn, suốt 30 năm dài kháng chiến đầy gian khổ, máu của chiến sĩ, đồng bào miền Nam đổ xuống cũng vì mấy tiếng Độc Lập, Thống Nhất…

Một tấc giang sơn, một dòng máu đỏ!...

30/4/1980

Thoáng một cái, chúng ta đã kỷ niệm năm năm ngày giải phóng thành phố Sài Gòn – Gia Định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Năm năm! Đó là thời gian thực hiện một kế hoạch dài của đất nước. Năm năm, đó là thời gian đủ tốt nghiệp cho một bằng đại học. Năm năm, đó là thời gian có thể cắp sách đến trường cho một em bé. Năm năm, có thể xây dựng xong một công trình phúc lợi lớn, một nhà máy lớn! Năm năm, có thể hoàn thành một bộ tiểu thuyết dài, một kịch bản đồ sộ… Năm năm, nghĩa là 1825 ngày ấy thủ thời gian để chúng ta làm một cái gì đó thay đổi không ít bộ mặt thành phố, dù cho tốc độ có chậm đến đâu. Năm năm, so với thời gian của lịch sử dân tộc, chỉ là khoảnh khắc, chỉ là một chấm nhỏ, nhưng so với một đời người không phải ngắn. Cũng như từ nay đến năm 2000, chỉ còn 20 năm. Nhưng 20 năm ấy, chúng ta sẽ có một lớp thah niên, tính từ những em bé chào đời trong những năm đầu 80 này.

Năm năm qua, chúng ta sống, làm việc và chiến đấu với bao tâm trạng vui, buồn. Khó khăn thật bề bộn, có nhiều lúc tưởng chừng như không thể vượt qua. Thành phố đặt ra nhiều vấn đề kinh tế và đời sốn quá cấp bách, quá sức chịu đựng của nền kinh tế. Giữa ngày 30/4/1975, có mấy ai hình dung nổi những cái không tốt mà cả thành phố phải gánh chịu trong những năm sau này. Khó khăn do dịch để lại, có. Khó khăn do ta gây ra, có. Chúng xen kẽ nhau, tiến công vào xã hội mới của thành phố. Có người hoang mang, có người thất vọng, có người ra đi, và cũng không ít người ngã gục trước những cái bê bối tất yếu ấy. Thật đáng tiếc! Tù đầy, tra tấn: Họ vẫn không từ bỏ lý tưởng. Cụt mất một bàn chân, hoặc một cánh tay, họ vẫn không từ bỏ lý tưởng. Mù một con mắt vì chất độc hóa học của Mỹ, họ vẫn không từ bỏ lý tưởng. Nhưng năm năm sống ở thành phố, không ít người ngã qujy trước một cám dỗ thấp kém, tầm thường. Họ bị một “viên đạn bọc vàng”.

Cũng có người cho rằng chủ nghĩa xã hội đồng nghĩa với nghèo nàn và lạc hậu. Nếu ta nghi ngờ, không tin tưởng thì hóa ra những công sức của thành phố ta trong 5 năm qua lại vô ích hay sao?

Năm năm trôi qua, thành phố đón nhận không biết bao nhiêu cái tốt, cái đẹp, cái mới mà ở xã hội cũ không tài nào có, thậm chí “đốt đuốc ban ngày cũng không thể tìm thấy” như một trí thức có tên tuổi ở Sài Gòn đã nói. Cái tốt, cái đẹp, cái mới ấy là những gì? Trong tập nhật ký ghi được trong năm năm qua rất không đầy đủ này, đã phần nào nói lên điều đó.

Hằng ngày, hằng giờ, TP Hồ Chí Minh xuất hiện biết bao cái đẹp trong chi tiết của cuộc sống. Một con đường được lót gạch lại, một bức tường được quét vôi, một ô cửa sổ được sơn màu sơn mới, một cửa hàng sách báo, một nhà trẻ… lần lượt xuất hiện. Những cái lớn hơn là cách mạng đã đổi mới được biết bao con người. Mới hôm qua nhiều người ở thành phố này bị chế độ cũ bôi đen tâm hồn, hoặc bôi đen bằng những chiếc áo lính, thì những năm qua cách mạng đã mang lại cho họ giá trị thực của con người. Tất nhiên, cái chúng ta cần hơn, cái chúng ta đang mong muốn hơn không phải chỉ như thế. Chúng ta đòi hỏi có những năng suất lao động cao hơn, đòi hỏi những kế hoạch và cách quản lý xã hội hay hơn… Chúng ta muốn đời sống của mỗi người ở thành phố này có đủ sữa cho trẻ em. Chúng ta muốn đủ thuốc, đủ giường nằm cho người bệnh. Chúng ta muốn tất cả những trẻ em nghèo đều cắp sách đến trường. Chúng ta muốn không còn gia đình nào phải sống trong những căn nhà tăm tối, chật vật, ao tù, nước đọng. Chúng ta muốn lương một cán bộ công nhân viên có thể tạm đủ nuôi vợ con, chúng ta mong muốn sự công bằng. Chúng ta muốn một ngày nào đó không còn những cán bộ, hà hiếp, hạch sách, ăn hối lộ nhân dân… Nghĩa là chúng ta mong muốn rất nhiều. Nhưng thực tế trong những năm qua chưa có một 30/4 trong kinh tế, văn hóa.

Buổi đầu thành phố đang mở đường đi lên, chúng ta chưa thể đòi hỏi có ngay được đỉnh cao của một xã hội mới.

Nhưng đã đến lúc cuộc sống thúc bách chúng ta, đã đến lúc tự lòng mỗi người thấy cần phải gắn bó với sự nghiệp chung để tìm ra cái hay, cái mới, cái đẹp cho thành phố bên bờ sông Bến Nghé này – TP Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành phố những ngày đầu giải phóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO