Thói quen

Trần Hữu Thăng 05/08/2017 09:05

Càng ngẫm, càng suy, ta càng kính trọng lời ông bà ta đã dạy: “Dạy con từ thuở còn thơ. Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”.

(Minh họa: Montiel).

1. Thượng đế sau khi tạo ra cỏ cây hoa lá, chim muông, thú vật và vạn vật muôn loài, ngài mới tạo ra loài người để điều hành cái thế giới phong phú, muôn màu muôn vẻ của Ngài. Theo sự góp ý của các Hàn lâm viện sỹ trên thiên đình, ngài quyết định ban cho loài người 5 giác quan hết sức cơ bản, hết sức cần thiết, hết sức quan trọng để mưu sinh và hưởng thụ mọi lạc thú ở đời. Năm giác quan đó là:

- Thị giác: Dùng mắt để quan sát, để nhìn, để ngắm nghía. Đây là giác quan vĩ đại nhất giúp các học sinh, sinh viên tiếp thu bằng mắt các bài giảng qua: hình vẽ minh họa, biểu đồ, đồ thị, các slides chiếu lên màn hình. Mắt cũng giúp cho con người thưởng thức khi lim dim đôi mắt nhìn ngắm các họa phẩm để đời của các danh họa khi tham quan bảo tàng Louvre ở Paris hay bảo tàng Ermitage ở Saint Pétersbourg.

- Thính giác: Dùng hai tai để nghe, để thưởng thức tiếp thu các lời vàng ngọc, những lời hay ý đẹp của thày giáo, cô giáo, của người tốt, người hiền. Hai tai cũng là đường đón nhận những bản nhạc êm đềm, lắng đọng, tha thiết, dìu dặt của những cõi lòng nhạc sỹ như: Tiếng đàn tôi; Tiếng sáo Thiên thai; Danube xanh; Đôi bờ; Chiều Mátscơva...

- Khứu giác: Dùng hai lỗ mũi để hít thở không khí trong lành suốt từ lúc mở mắt chào đời đến khi giã từ cuộc sống. Dùng mũi để ngửi mùi hoa lan, hoa mộc, hoa ngâu nhẹ nhàng lưu luyến đến hoa sữa, hoa dạ hương say đắm, nồng nàn. Mũi còn được dùng để thưởng thức mùi thơm từ thức ăn ở các bếp ăn Trung hoa hay mùi thơm của cơm nếp mẹ nấu năm nào bằng rơm, rạ quện với tình quê ấm áp.

- Vị giác: Dùng lưỡi để nếm dòng sữa mẹ ngọt ngào thi vị lúc ta còn được mẹ âu yếm nâng niu, rồi vị chua đến chảy nước mắt của khế, của sấu hái trộm được ở nhà hàng xóm. Lưỡi đắng ngắt lúc ốm đau, trái gió trở trời. Lưỡi cũng nếm trải vị mặn của nước mắt khi dòng lệ tuôn rơi. Lưỡi để nếm món canh, món xào, món nấu xem đã vừa miệng hay chưa.

- Xúc giác: Ta dùng hai bàn tay để quờ quạng tìm vú mẹ lúc còn thơ ấu, để nắm tay bè bạn cùng đi học đi chơi. Ta dùng bàn tay để cảm nhận được mẹ già tội nghiệp chỉ còn da bọc xương. Ta dùng bàn tay để xót xa vuốt mắt người thân trong buổi chia ly. Chao ôi, bàn tay, xúc giác, chính là sợi dây gắn bó giữa người với người, bạn với bạn mãi mãi chẳng rời nhau.

Thượng đế rất hài lòng khi thấy đại đa số con người đã sử dụng đúng, sử dụng nghiêm túc 5 giác quan mà ngài đã ban tặng. Sau rồi, do vật đổi sao dời, ngài rất không bằng lòng nhận được nhiều phản ảnh về các thói hư, tật xấu, thậm chí tội lỗi, tội ác do các giác quan đem lại. Em bé không thích dùng đôi mắt để học Toán, Văn mà lại mê mải chơi game, xem chuyện nhảm nhí đến nỗi bị đuổi học.

Có người cán bộ thích ăn ngon vượt quá lương hàng tháng nên đã mắc sai lầm, bị kỷ luật, sa thải. Ngài liền mở Hội thảo về vấn đề này. Ngồi trên cao, Thượng đế thấy các vị Hàn lâm viện sỹ thảo luận rất sôi nổi, riêng có vị thần gốc người Ả rập chỉ ngồi tủm tỉm cười mà không phát biểu gì. Ngài liền cho gọi đến gần và hỏi:

- Tại sao khanh chỉ ngồi cười mà không có ý kiến gì?

Vị thần gốc Ả rập sợ hãi tâu:

- Muôn tâu Thượng đế, tôi đang nghĩ đến một câu danh ngôn cổ ở đất nước tôi ạ. Mà nói ra sợ mất lòng Ngài và Quý vị Hàn lâm viện sỹ.

Thượng đế động viên:

- Đã là Hội thảo, cứ mạnh dạn phát biểu, kể cả ý kiến trái chiều thì càng tốt, có cơ sở để thảo luận.

Vị thần Ả rập trình bày một cách ngập ngừng:

- Thưa Hội thảo, 5 giác quan mà Thượng đế đã ban cho quả nhiên là rất cơ bản và rất tốt đối với con người. Nhưng loài người lại hình thành một giác quan nữa không nằm trong 5 giác quan kinh điển của con người.

Cả hội trường xôn xao:

- Thế là giác quan gì? nó quan trọng lắm hay sao mà cứ phải trình bày một cách rụt rè như thế.

Thần Ả rập yên lặng.

Thượng đế sốt ruột quá, lại động viên:

- Thì đã bảo là Hội thảo cứ mạnh dạn, sao cứ lúng túng thế.

Thần Ả rập nói thật nhanh:

- Thưa, thưa đó là Thói quen, tức là giác quan thứ 6 của con người ạ.

Cả Hội thảo ngơ ngác. Thượng đế vốn là vị Chúa của muôn loài nên hiểu ra rất nhanh, gợi ý:

- Khanh thử đọc nguyên văn câu danh ngôn cổ ở nước Ả rập cho mọi người cùng nghe, cùng thấm thía, cùng thảo luận cho sáng tỏ vấn đề.

Thần gốc Ả rập đọc dõng dạc, chậm rãi nguyên văn câu danh ngôn để mọi người cùng ghi chép. Đó là: “Thói quen là giác quan thứ sáu của con người, giác quan này điều hành cả năm giác quan kia” (L'habitude est un sixième sens qui domine tous les autres).

Thượng đế nghe xong, chau mày, thở dài và phán: “Thôi thế từ nay các vị nên để ý đến Thói quen của loài người nhé. Dựa vào đó mà giáo dục, răn đe, trừng phạt để giữ vững kỷ cương nhé”.

Theo Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học biên soạn, trang 871 thì: “Thói quen là lối, cách sống hay hoạt động đã thành quen, khó thay đổi do lặp đi lặp lại lâu ngày. Thói quen tạo thành nếp sống. Thí dụ: có thói quen dậy sớm, thói quen nghề nghiệp; Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen – Nguyễn Du”.

2. Thói quen trong văn chương chữ nghĩa:

Trong sách giáo khoa ở các bậc học của hệ thống Pháp ngữ, người ta nhắc đi nhắc lại nhiều lần ở nhiều chương khác nhau để giáo dục học sinh từ nhỏ đến lúc trưởng thành, lúc nào cũng phải tập có thói quen tốt, thói quen giúp đỡ bạn, thói quen học hành chăm chỉ, thói quen giúp đỡ ông già bà cả, thói quen giúp đỡ người tàn tật, người bụng mang dạ chửa. Thói quen, Thói quen, Thói quen ... Vì sao phải lặp đi lặp lại Thói quen? Chính là vì, như bậc thầy cổ đại Evenus (Thế kỷ thứ năm trước Công nguyên) đã dạy: “Thói quen là bản năng thứ hai của con người” (L'habitude c'est la seconde nature).

Vì thói quen sẽ tạo thành bản năng thứ hai cho con người, nên hạnh phúc và may mắn thay cho những ai từ bé đến lớn hình thành và giữ vững bản năng tốt đẹp như: chăm chỉ, thật thà, dũng cảm, nhân ái. Và thật bất hạnh cho những ai học phải thói quen xấu dẫn đến bản năng xấu như: nói dối, nói xấu, tắt mắt, ăn cắp vặt dần dần dẫn đến tham ô, tham nhũng...

Thế còn đối với những ai lúc bé đã chót vấp phải thói quen xấu thì người thân, thày cô giáo phải nhanh chóng giúp đỡ em, tập cho em những thói quen mới, tức là tập cho em chăm chỉ, thật thà, biết thương xót người nghèo. Đây là những phương pháp chống lại những thói quen xấu bằng cách tập dần dần, mỗi ngày một ít, thói quen mới tốt đẹp sẽ đè bẹp, chiến thắng thói quen xấu, ích kỷ. Đúng như lời nhà Triết học cổ vĩ đại Épitète (Thế kỷ thứ 2) đã phổ biến; “Phương thuốc điều trị thói quen xấu chính là tập làm những thói quen tốt đẹp” (Le remède à l'habitude est l'habitude contraire).

Nói thì dễ, làm thì cực kỳ khó. Từ người xấu trở thành người tốt, cực khó. Từ thói quen xấu trở nên có thói quen tốt, cực khó. Vì sao? Đúng như người Nga cổ đã dạy: “Khi người ta đã quen ăn mặn thì không dễ gì mà có thể ăn nhạt được nữa” (Quand on a mangé salé, on ne peut plus manger sans sel).

Người Tiệp khắc cổ ghi nhận việc xóa bỏ thói quen xấu gây đau đớn đến thân xác, qua câu thành ngữ cổ: “Thói quen có cái áo sơ mi bằng sắt, ai muốn cởi bỏ nó ra ắt là phải xây xát mình mẩy gây ra đau đớn” (L'habitude a une chemise de fer, qui veut en changer se blesse).

Càng ngẫm, càng suy, ta càng kính trọng lời ông bà ta đã dạy: “Dạy con từ thuở còn thơ. Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”.

Đó chính là ta dạy cho em bé thói quen tốt đẹp để em bé nên người. Đó chính là ta giúp cho người vợ trẻ thói quen tốt đẹp đối với gia đình bên chồng, đối với họ hàng, xóm giềng để giữ mãi cái hạnh phúc trong ấm ngoài êm, trên kính dưới nhường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thói quen

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO