Thư Paris

Hiệu Constant 04/04/2020 18:56

Chỉ sau chưa đầy nửa ngày, Paris như đã khoác lên mình một chiếc áo khác, một khuôn mặt khác.

Thư Paris

V. thân mến,

Mình viết thư cho V. lần này trong một tâm trạng khá nặng nề. Nước Pháp nói riêng và toàn thế giới nói chung đang sống trong một thảm họa y tế, đại dịch Covid-19 này đã ảnh hưởng đến mọi gia đình và mọi quốc gia. Để đẩy lùi và chiến thắng nó, chúng ta cần sự đoàn kết và ý chí của mỗi người!

Có lẽ V. đã xem thông tin và phần nào biết được sự bùng nổ dịch này tại châu Âu và Pháp. Số bệnh nhân dương tính, số người tử vong tăng vùn vụt. Tuần trước người ta còn nêu tuổi tác và quê quán của người nhiễm hoặc tử vong do virus Corona, nhưng giờ đây, họ chỉ nêu những con số. Những con số vô tình cứ tăng vùn vụt một cách lạnh lùng. Tại Pháp, tính đến lúc này, khi mình đang viết cho V. đây thì nước Pháp đã ghi nhận mấy trăm ca tử vong, hơn 10 nghìn ca dương tính. Paris và vùng phụ cận là đông bệnh nhân nhất, với hơn 3 nghìn ca. Hôm qua xem chương trình thời sự trên ti vi Pháp, người giới thiệu chương trình là một nữ nhà báo nổi tiếng thông minh, luôn vui vẻ và hài hước, nhưng lúc ấy, giọng cô có vẻ nghẹn ngào, như cố kìm nén điều gì đó nhưng cặp mắt đỏ thì không giấu được ai, khi đài đưa những hình ảnh về một nhà thờ ở Italia. Những dãy ghế trong gian chính nhà thờ đã được dọn đi và thay vào đó là các dãy dài quan tài, được xếp thẳng hàng ngay ngắn… Thương tâm thật, người thân cũng được khuyến cáo không nên đến đông để đưa những người quá cố ấy về nơi an nghỉ cuối cùng! Hơn 500 người ở nước Ý qua đời chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Tình hình tại Pháp hiện giờ ra sao ư? Nói bình an thì không đâu, với những con số mình vừa đưa ra! Trong năm ngày, đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phát biểu trực tiếp trên truyền hình hai lần, ông cho rằng đây là một cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng nhất mà nước Pháp trải qua kể từ một thế kỷ nay. Tối 16/3, ngoài những biện pháp và khuyến cáo dân chúng đã được ông thông báo tối 12/3, ông còn tuyên bố nhiều mệnh lệnh khẩn nhằm ngăn chặn sự lây lan và bảo vệ sức khỏe người dân. Trong bài phát biểu, Tổng thống Pháp nhiều lần nhắc: “Chúng ta đang trong cuộc chiến, cuộc chiến đấu y tế. Cuộc chiến đấu không phải chống lại một quân đội, một quốc gia nào, nhưng kẻ thù rõ ràng đang có mặt, và chúng đang tấn công”. Mọi cơ sở học đường Pháp, từ cấp mẫu giáo đến đại học đã đều đồng loạt đóng cửa kể từ ngày 16/3. Bắt đầu từ 12h ngày 17/3, sẽ là mệnh lệnh, ai vi phạm sẽ bị phạt tiền. Tất cả mọi cơ sở dịch vụ không-thiết yếu cũng nhận được lệnh đóng cửa. Người dân ra ngoài phải kèm một tờ giấy, được tải trực tiếp trên trang mạng của chính phủ, ta tự in, tự điền tự ký trên danh dự “sẽ chỉ làm đúng công việc này”, mà cũng chỉ có mấy mục được liệt kê thôi, và không được đi quá xa nơi cư trú, nếu không sẽ bị phạt tiền lúc đầu là 38 đến 135, rồi nâng lên 375 Euro. Đến các địa điểm mua đồ, ta phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất là 1m. Tổng thống Pháp khuyến cáo các cán bộ công nhân viên tận dụng tối đa khả năng làm việc trực tuyến tại nhà, thông qua mạng Internet, chỉ đến công sở khi công việc đòi hỏi sự có mặt. Thời kỳ này sẽ kéo dài ít nhất 15 ngày trên toàn lãnh thổ.

Tổng thống cũng tuyên bố đóng cửa biên giới khối EU và Schengen trong 30 ngày kể từ 12h ngày 17/3, chỉ đón các công dân Pháp trở về từ nước ngoài. “Mọi sự dịch chuyển giữa các quốc gia ngoài châu Âu và ngoài khối EU sẽ bị đình chỉ”, Tổng thống giải thích: “chúng ta phải tự bảo vệ trong một khoảng thời gian”. Tổng thống hứa sẽ trích một khoản ngân sách ba trăm tỷ Euros để chi phí cho công tác phòng chống chữa trị bệnh Covid-19. Tính đến thời điểm này, dân Pháp đa phần tuân thủ các quy định được chính phủ đưa ra. Theo số liệu thăm dò dư luận cách đây một tháng, chỉ có hơn 30% dân số Pháp cho rằng Covid-19 là nghiêm trọng thì hiện nay con số này đạt đến hơn 80%. Nói chung, ý thức dân Pháp khá cao! Hơn nữa, Tổng thống Pháp tuyên bố tăng cường 100.000 binh lính Pháp và cảnh sát để giúp đỡ, giải thích và theo dõi dân chúng thực thi những biện pháp đã được nêu.

Chỉ sau chưa đầy nửa ngày, Paris như đã khoác lên mình một chiếc áo khác, một khuôn mặt khác. Trên truyền hình, ta nhận thấy các đường phố vắng tanh, tháp Eiffell đứng đìu hiu ngả bóng xuống sông Seine. Nhà thờ Sacré-Coeur thường ngày đón hàng trăm ngàn khách tham quan, giờ đây cũng không một bóng người. Sông Seine lững lờ trôi khi vắng những con tàu trắng rập rềnh, Vườn Luxembourg bỗng trở nên hiu hắt với những bức tượng trắng đứng trầm ngâm… Khắp nơi đều đóng cửa. Đã hơn hai chục năm sống tại Paris, đây là lần đầu tiên mình chứng kiến cảnh này. Đây đó tại tiền sảnh các khu chung cư và đương nhiên tòa nhà mình cũng có dán những tin nhắn, đại loại: “Trong thời điểm nóng bỏng này, chúng tôi là X. ở tầng Y. Chúng tôi ở độ tuổi Z. và khỏe mạnh. Nếu bạn cần mua đồ hay bất kỳ chuyện gì gấp, hãy gọi cho chúng tôi theo số…, chúng tôi sẵn sàng giúp miễn phí…” hoặc “Tôi là y tá ở tầng N., nếu bạn gặp trắc về sức khỏe, hãy gọi cho tôi…” và “Tôi tên S. giáo viên Trung học, môn T., nếu các bạn có con cần giảng bài, tôi sẽ trợ giúp…” Khi đọc những dòng chữ ấy, phải nói là rất xúc động! Tình thương thân tương ái phát huy hết tính tích cực. Từ tối ngày 17/3, do bị cấm ra ngoài, người dân Pháp đã có một ý tưởng rất nhân văn. Tức là cứ vào tầm 20h, khi đường phố im ắng, chỉ có những ngọn đèn đường và bóng cây, thi thoảng có bóng người đi dưới phố thì chắc chắn đến 95% đó là các y tá, bác sỹ hoặc các nhân viên trong tuyến đầu chống dịch. Khi đó họ mở cửa sổ, ra ban công đứng vỗ tay và nói những lời CÁM ƠN trong khoảng 1 phút! Điều này được lan rộng trên toàn lãnh thổ Pháp.

Kiều bào Việt tại Pháp đa phần theo sát diễn biến của dịch Covid và tuân thủ những qui định của chính phủ. Họ khá vững lòng chờ đợi những ngày kế tiếp…

V. thân mến!

Nhìn người rồi lại nghĩ đến ta. Mình thường xuyên xem thông tin quê nhà qua mạng, thấy chính sách phòng chống dịch bệnh của Chính phủ và các nhà chức trách y tế Việt Nam được tiến hành khá tốt, có những thành quả tích cực. Trong thời kỳ dịch Covd-19 đang lan rộng toàn cầu này, nhiều công dân tìm về đất nước quê hương và mọi chính phủ đều giang tay đón nhận họ trở về, điều ấy cũng dễ hiểu. Nhưng lượng kiều bào Việt Nam đổ về quê thì quả là ấn tượng! Có ngày có trên 7.000 người cặp cảng sân bay, ai cũng phải điền vào tờ khai y tế, qua khám sức khỏe, rồi đi cách li… Cả một chuỗi những thủ tục. Để tiến hành thì cần có qui trình và qui tắc, vậy mà một số kiều bào đã thiếu nhẫn nại, dẫn đến to tiếng với những người đang thi hành công vụ, khiến cảnh vốn đã nhốn nháo giờ lại tăng thêm, và dễ gây hoảng loạn! Mình thông cảm với các cán bộ chiến sỹ hải quan và nhân viên y tế, hàng không. Vâng, bình thường thì đây là công việc của họ, nhưng trong thời điểm này, mọi thứ đã xảy đến quá nhanh, mình thiển nghĩ một số cán bộ y tế, do phải ở tuyến đầu chống dịch, cho dù có được trang bị thế nào, họ cũng có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, rồi họ cũng có gia đình, cũng bằng xương bằng thịt, cũng cần nghỉ ngơi, mà trong lĩnh vực này, không phải người dân bình thường nào cũng có thể và dám thay thế họ. Điều khiến mình an tâm, đó là chưa thấy bất kỳ thông tin nào nói cán bộ y tế Việt Nam cũng như hải quan, cảnh sát thiếu các phụ kiện trang bị an toàn tối thiểu như khẩu trang y tế, gel sát trùng… trong khi ở Pháp đang rất thiếu, ngay cả với các y bác sỹ.

“Kiều bào hoãn về quê, hủy chuyến bay hồi hương trong đại dịch Covid-19 là những người yêu quê hương”, mình đã viết như thế và thật tâm mình đã nghĩ như thế ! Đúng vậy, tại thời điểm này, ta không quấy rầy chính phủ, không chất thêm công việc cho các nhà chức trách y tế Việt Nam thì đã là chia sẻ gánh nặng, cảm thông và yêu mến họ. Chưa kể, hiện giờ ta khỏe mạnh, nhưng không biết trong mình đang mang virus Corona và lây cho người khác ngay cả khi ta vẫn chưa bị ốm. Hơn nữa, nếu đi lung tung, ta cũng dễ dàng lây bệnh từ những người khác… Vậy hãy tuân thủ qui định của các nhà chức trách! Chia sẻ, cảm thông với các nhân viên y tế thì cũng là cách tự bảo vệ mình!

V. thân mến! Thông tin nhiều chiều, nhà báo nhiều đẳng cấp! Trong thời kỳ nóng bỏng này, hãy lựa chọn thông tin để đọc nhé! Trong thâm tâm, mình mong một số công dân Việt Nam nên sống có ý thức hơn, đừng “ném đá”, đừng quá soi mói, sướng một lúc trên bàn phím, nhận được nhiều “like” của các bạn “ảo” mà làm tổn thương những người khác. Mình mong các nhà báo Việt Nam hãy đưa tin xác thực và chân thành hơn, suy nghĩ nhiều chiều hơn khi viết về kiều bào và nạn dịch. Tránh làm sướng, làm mủi lòng một số người nhưng lại gây đau và khiến nhiều người khác hoang mang. Những kiều bào làm loạn sân bay, số sinh viên được gia đình “giải cứu” về nước chỉ là một số rất nhỏ! Để rồi các “nhà báo” giật những cái tít thật khủng, thật nóng. Trong khi đa số kiều bào chân chính đều hướng về quê hương, sẵn sàng chia sẻ nỗi niềm với đồng bào trong nước. Mình viết điều này khi nghĩ đến hàng trăm ngàn du học sinh và kiều bào vẫn ở lại nơi họ trú ngụ và làm việc, tuân thủ những qui định của Chính phủ nước sở tại, và V. nên nhớ, phần đông trong số họ đều có người thân tại Việt Nam, họ muốn người thân được trấn an!

Thôi nhé thư dài rồi, mình nói đôi câu về gia đình, cả bốn thành viên đều ổn, trường đại học đóng cửa, hai cháu đều ở nhà học bài trực tuyến, gia đình mình bị “giam lỏng” nhưng an vui, tuyệt đối tin tưởng nơi chính phủ Pháp. Thay lời kết thúc, mình gửi tới bạn, đồng bào trong nước cũng như toàn dân trên thế giới một ý nguyện mong ước của riêng mình, mong mọi người hãy lạc quan, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau “lá lành đùm lá rách”, sáng tạo để cùng nhau vượt qua mọi thử thách và đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh, mong các nhà khoa học mau tìm ra vacxin. Mong mọi người sống yên vui, thanh bình, hạnh phúc trong tình thương yêu đoàn kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thư Paris

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO