Tình yêu hòa nước mắt

Tuấn Tú 13/05/2019 14:44

Từ trước tới nay, qua nhiều bài báo, độc giả vốn vẫn quen nhìn thấy ở ngôi sao điện ảnh  Xôviết Valentina Serova như một “nàng thơ” đỏng đảnh của thi sĩ Konstantin Simonov. Rất nhiều thế hệ phụ nữ Nga đã ghen tị với bà: Simonov đã viết rất nhiều tuyệt tác tặng cho bà, trong đó có khúc tuyệt tình ca nổi tiếng thế giới “Đợi anh về”… Thế nhưng, trong sâu thẳm lòng mình, chưa bao giờ bà hoàn toàn thuộc về Simonov cả.

Tình yêu hòa nước mắt

Đệ nhất mỹ nhân liên bang

Trước khi gặp Simonov, Valentina (họ thời con gái là Polovikova) đã là một nghệ sĩ nổi tiếng. Cô bé Valia sớm xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu. Khi mới 10 tuổi, cô đã cùng với mẹ tham gia các vở diễn của Nhà hát Malyi Moskva. Đó là vào năm 1929 (Valentina sinh năm 1919, nhưng năm khai sinh là 1917 do phải tăng tuổi để đi làm sớm). Ngay từ vai diễn đầu tiên trên màn ảnh “Chàng trai nghiêm khắc” nói về mối tình tay ba với một vị giáo sư đứng tuổi, Valentina đã thu hút được sự chú ý của công chúng. Và chị thực sự đã trở nên nổi tiếng nhờ bộ phim thứ ba (lúc này chị đã xuất hiện với họ của người chồng đầu tiên là Serov): “Cô gái cá tính”. Ngoại hình và tính cách của nhân vật nữ trong phim này hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu nổi bật nhất của thời đại trong xã hội Xôviết lúc đó: sóng tóc bạch kim bồng bềnh vì cháy nắng (tất nhiên, do được nhuộm mầu thêm!), cái nhìn nghiêm khắc, tính cách cứng rắn, cương quyết và trách nhiệm và đặc biệt là sự sẵn sàng đứng ra nắm quyền điều hành nông trang - đó chính là những gì mà đất nước đang khẩn thiết cần.

Chính những người phụ nữ như thế đã là biểu tượng của cái đẹp đối với phụ nữ Xôviết và đó cũng là hình mẫu mà Chính phủ Liên bang muốn xây dựng để những người phụ nữ Xôviết noi theo. Đất nước không có thời gian chờ đợi để phái yếu tự trưởng thành nhằm đáp ứng các nhu cầu quốc kế dân sinh. Cần phải có những “doping” mang gương mặt như Valentina Serova để mọi phụ nữ có được những điều cụ thể mà rèn giũa noi theo…

Ở thời nay, khán giả Nga lại nhớ tới Valentina Serova qua những bộ phim khác của giai đoạn trước chiến tranh, thí dụ như phim “Trái tim bốn người”. Trong phim này chị vào vai phó giáo sư toán Galina, chị của cô sinh viên nhẹ dạ cả tin Shurochka. Quan hệ của hai chị em với người yêu - nhà sinh vật học vụng về, tốt tính Gleb (của Galina) và chàng sĩ quan thông minh sắc sảo Petr (của Shurochka) - trở nên rối lẫn và biến câu chuyện trong phim thành một tấn hài kịch vui vẻ với kết cục khiến tất cả đều hài lòng. Thoạt tiên lãnh tụ Stalin đã không đồng ý cho công chiếu bộ phim này nhưng rồi sau chiến tranh, khi phim được phép ra mắt công chúng một cách rộng rãi, nó đã trở thành một tác phẩm điện ảnh có sức hấp dẫn cao và dài lâu…

Nhìn nữ diễn viên xinh đẹp, tươi tắn, tự nhiên, hồn hậu Valentina Serona, ít ai có thể tin rằng chị đã phải trải qua một số phận nghiệt ngã. Cha chị, một kỹ sư, đã bị thanh trừng sau cách mạng và cô bé Valia đã sớm phải về quê ở với ông bà ngoại, thỉnh thoảng mới được mẹ - nữ diễn viên Klavdia Polovikova - về ghé thăm. Tuổi thơ không được sưởi đủ hơi ấm của mẹ sẽ in những ấn tích không hay trong số phận của chị sau này…

Khi Valia lên 6 tuổi, cô bé mới được mẹ đón lên thành phố ở cùng. Rồi cùng mẹ tham gia biểu diễn từ năm 8 tuổi (vai diễn đầu đời là vai một cậu bé trai!). Vừa mới lớn, Valia đã gặp được tình yêu như ý của mình. Đó là phi công thử nghiệm, anh hùng trong cuộc chiến tranh Tây Ban Nha, đại tá Anatoli Serov, người rất được lãnh tụ Stalin yêu quý. Đáng tiếc là ngày vui ngắn chẳng tày gang, chẳng bao lâu sau đám cưới, Anatoli đã bị tử nạn trong một vụ thử máy bay cùng với nữ phi công nổi tiếng thời đó là Polina Osipenko. Khi ấy, Valia đang có mang. Chị đã phải sinh con trong cảnh không chồng. Sinh kế đã buộc chị phải quay lại với sàn diễn sớm và với màn ảnh, tươi cười, nhí nhảnh cùng các vai diễn được phân…

Tình yêu hòa nước mắt - 1

Tình yêu không giản đơn

Simonov đã mê đắm Valentina Serova ngay từ lần đầu tiên gặp chị. Nhưng với Valentina Serova thì cảm giác yêu đương đã xuất hiện khá chậm và nhọc nhằn. Khác hẳn khi chị gặp người chồng đầu tiên: cả hai cùng bị “sét đánh”, Anatoli Serov đã ngỏ lời cầu hôn chị ngay trong ngày thứ ba sau lần gặp đầu tiên và hai người đã sống thuận hoà say đắm cho tới khi anh hy sinh…

Simonov đã bỏ người vợ đầu để đến với Valentina. Chỉ riêng hành động này đã khiến cho chị cảm thấy khó xử. Để tranh thủ trái tim mỹ nữ, Simonov đã viết một kịch bản về tình yêu giữa Valentina và Anatoli rồi đề nghị chị vào vai nữ chính, tức là đóng chính bản thân mình trên sân khấu. Trong cơn si tình, Simonov đã không hiểu là anh đã chạm vào vết thương còn chưa kịp kín miệng của Valentina nên đã rất ngạc nhiên khi thấy chị từ chối đề nghị có vẻ như “rất hời” đó. Dù sau thì bằng tất cả sự nồng nhiệt và nhẫn nại của mình, rốt cuộc Simonov cũng khiến Valentina cho phép anh lại gàn với chị… Và họ cùng chung sống với nhau dù không đăng ký kết hôn cũng không làm đám cưới. Và đi đâu thì Simonov cũng giới thiệu Valentina như người vợ, viết rất nhiều thơ tặng chị và cố gắng tỏ ra mình là một ông bố dượng tốt đối với người con trai riêng của chị, cũng mang tên Anatoli như bố… Nhà thơ bỏ ra mọi thị phi để dồn hết tình yêu cho ý trung nhân:

“Phải, anh chắc bướng hơn tất cả,
Anh không nghe thiên hạ đặt điều
Và không đếm trên ngón tay những kẻ
Gọi em bằng hai chữ “em yêu”.

Phải, anh - người thẳng thắn hơn tất cả
Và chắc là cũng trẻ trung hơn.
Anh không muốn thứ tha hay phán xử
Những lỗi lầm em một thuở trăng tròn.

Anh không gọi em là thiếu nữ,
Không giữa đường hái hoa tặng em.
Trong mắt em, anh không tìm kiếm
Những ánh cười
thời con gái trinh nguyên.

Anh không tiếc, một thời dằng dặc
Em chẳng đợi chờ anh ở trong mơ,
Cũng không tiếc, khi gặp anh em đã
Qua mất rồi năm tháng ngây thơ.

Anh hiểu lắm, đắm say hơn từ ngữ
Của những lời khôn khéo quanh co
Là căn phòng ta chìm vào bóng tối
Là khát khao trào dâng mọi bến bờ.
Và nếu như số phận rồi gắn bó
Cho chúng mình hai đứa thành đôi,
Thì không phải vì em không được
Biết bao người gần gũi, xa xôi.


Cũng không phải thế thời thời thế,
Anh không tìm được cô gái nào hơn.
Càng không phải tính em cả nể,
Thôi cũng đành nhắm mắt cho xong.

Không, nếu như số phận rồi gắn bó
Cho chúng mình hai đứa thành đôi,
Anh dù sao cũng chẳng bao giờ gọi
Em là “thiếu nữ”, em ơi!

Trong mắt em, anh sẽ không nhìn thấy
Thoáng mơ hồ, nhè nhẹ, bâng khuâng,
Mà sẽ gặp tấm lòng trinh tiết
Đã từng qua bao đau đớn, thăng trầm.

Anh không thích run run đôi mắt khép
Của tâm hồn chưa biết điều chi,
Anh sẽ gặp sự dịu dàng thiếu phụ
Sau bao đêm dài thao thức nghĩ suy.

Hãy tới cùng anh, dù chỉ mang điều ác,
Mặc người đời nói ngả nói nghiêng,
Anh đã tự khép cho mình án:
Sống chung thân cùng em!”

Tuy nhiên, trong suốt giai đoạn chung sống đó, không phút giây nào Simonov rời bỏ được cái cảm giác chông chênh trong quan hệ giữa hai người:

Tôi buồn và nhớ qua
Giá tìm được ai kia
Giống hệt như em ấy
Để khỏi quay trở về.

Nhưng tìm đâu ra tay
Giống hệt đôi tay đó
Để trong cảnh chia ly
Tôi thấy buồn và nhớ?

Tìm đâu ra đôi mắt
Biết như em giận hờn
Chỉ vô cùng thi thoảng
Giọt lệ dâng nỗi buồn?

Tìm đâu ra cái miệng
Biết hát, cười như em,
Để suốt đời tôi lo
Nhỡ đâu nàng lỡ hẹn?

Tìm đâu người mà ta
Luôn thứ tha mọi nỗi
Để bên nàng vẫn sợ
Chỉ tạm thời vậy thôi.

Để sau mỗi đêm trắng
Trở dậy đón ngày sang
Ta như bị vắt kiệt
Cũng giống hệt như nàng.

Để mắt soi ánh mắt
Giữa thao thức đêm sâu
Yêu trong nàng tất cả
Cặp tâm hồn khác nhau.

Sáng không biết rằng tối
Mọi sự sẽ ra sao?
Với ta, nàng sẽ xử
Theo lệnh tâm hồn nào?

Và khốn khổ cùng nàng
Không biết làm chi ổn,
Tôi từng muốn tìm ai
Khác nàng đơn giản sống.

Nhưng muốn để người khác
Có thể thay thế nàng,
Thì cô ấy cũng sẽ
Phải giống nàng y chang.

Nhưng nàng vô giá thế,
Độc địa thế - than ôi
Trong khắp cõi vũ trụ
Không có người thứ hai!

Simonov đã rất dịu dàng, nhiệt thành với Valentina, hy vọng có thể làm tan băng giá trong trái tim đã vĩnh viễn dành cho người chồng quá cố của chị… Thế rồi, chiến tranh bùng nổ. Simonov ra chiến trường với vai trò một sĩ quan làm báo.

Và chính trong đạn lửa chiến tranh, ông đã nhận được tin rằng Valentina đã phải lòng một người đàn ông khác. Say đắm, vô điều kiện, như ông đã mơ ước mà không đạt được.

Số là, trong một chuyến du diễn tại quân y viện, Valentina Serova đã gặp vị tướng lừng danh (sau này là nguyên soái) Rokossovsky. Hợp duyên hợp số dù trái pháp luật nhưng giữa họ đã bùng lên ngọn lửa tình có thể thiêu đốt mọi thứ thành tro. Valentina không hề ngần ngại gì việc Rokossovsky đã có gia đình, nhất là khi ấy gia đình ông trong điều kiện thời chiến khắc nghiệt nên biệt vô âm tín và đang bị coi là “đã mất tích”… Tuy nhiên, chỉ ba tháng sau, tướng Rokossovsky đã bị đích thân lãnh tụ Stalin, một người rất hâm mộ các tác phẩm của Simonov, gọi lên. Lãnh tụ ra câu hỏi không chút vòng vo: Valentina đang là vợ ai và anh, tướng Rokossovsky, đang là chồng ai? Stalin cũng thông báo luôn với tướng Rokossovsky rằng, gia đình ông đã được tìm thấy! Thế là cặp tình nhân “dấu yêu nồng nàn” bắt buộc phải chia tay nhau, dù trong lòng tan nát mọi sự… Và Simonov cũng phải làm ra vẻ như không hề có chuyện gì xảy ra vì khác đi, ông đã bắt buộc phải công nhận, vợ ông, “nàng thơ” của ông, hoá ra là ông hề yêu ông chút nào cả…

Năm 1943, Valentina đã vào vai nữ chính trong bộ phim dựng theo mô-típ thơ của Simonov “Đợi anh về”. Và diễn vai là chính bản thân mình đạt đến mức trong mơ Simonov cũng chỉ cầu mong được đến thế. Các cô gái Xôviết ở hậu phương chép đi chép lại thơ Simonov viết tặng cho Valentina Serova và ghen tị với sự may mắn của chị. Mấy ai biết được đàng sau đó là những chuyện cười ra nước mắt. Trong con mắt thiên hạ, Konstantin Simonov và Valentina Serova khi đó là một cặp uyên ương lý tưởng…

Tình yêu hòa nước mắt - 2

Trong khi đó, trong trái tim của cả hai người đều là những nỗi xót xa cho những gì không trùng nhịp đập:

“Và tết này em lại không cùng anh
Giá em thấu tận tường mọi nỗi,
Giá em hiểu anh yêu em biết mấy,
Hẳn tự lâu em tới với anh rồi.

Hẳn ta đã ở bên nhau khắp nơi
Và tiếng em luôn vang trong bão tuyết
Và luôn phản chiếu tự băng, gương mặt
Em nhìn anh, ánh sáng rạng ngời.

Giá em hiểu, anh yêu em biết mấy
Tự lâu rồi em tới đứng hằng đêm
Sát giường anh trong hầm dã chiến,
Mọi giấc mơ anh đều giữ trọn cho mình.

Giá sức mạnh tình anh có thể
Xích đôi lòng để lại cụng nhau
Hồn em hỡi, tới cùng anh sống,
Dù vô hình, vô ảnh, cũng không sao!

Nhưng xin chớ rời anh dù nửa bước,
Hãy luôn là tín hiệu với riêng anh.
Trong đốm lửa, hoá bập bùng đốm lửa,
Giữa bão tuyết,
thành ánh tuyết mờ xanh.

Vô hình hỡi, nhìn xem anh viết
Những lá thư vô nghĩa suốt đêm dài,
Bất lực quá, những từ anh chép,
Đau đớn sao, em hãy xem này!

Anh ở đây không tâm sự cùng ai
Và ít nhắc tên em thành tiếng.
Nhưng ngay cả khi anh không hề nói,
Im lặng này cũng hướng về em.

Anh luôn thấy gương mặt em bốn phía,
Suốt ngày đêm đăm đắm dõi nhìn.
Phải, em sẽ hiểu anh yêu em biết mấy
Nếu ở bên anh, dù chỉ vô hình.

Nhưng tết này
em vẫn chẳng cùng anh...”

Xuống dốc không dừng

Trong khoảng thời gian đó, Anatoli - con trai của Valentina với người chồng phi công đã hy sinh - cứ lớn lên dần dà. Và bước vào tuổi thiếu niên, tính khí ngày càng trở nên khó chịu. Simonov càng ngày càng cảm thấy Anatoli là một sự phiền toái. Những người thân bên ngoại rất muốn Valentina trao cho họ quyền được săn sóc Anatoli vì như thế mẹ vẫn có thể tới thăm con thường xuyên. Thế nhưng, Simonov lại buộc người mẹ phải đưa con trai vào trại thiếu niên ở tít khu vực ngoại Ural. Và Valentina đã không thể nào tới gặp con trai nhiều như mong muốn...

Tình yêu hòa nước mắt - 3

Và có lẽ đó đã là giọt nước tràn ly, là cọng rơm cuối cùng khiến lưng lạc đà gãy gục. Valentina Serova bị rơi vào khủng hoảng tinh thần và ngày càng cần mượn ma men để giải sầu. Hy vọng có thể làm cho vợ bớt phiền muộn, Simonov cố gắng thuyết phục Valentina mang bầu đứa con chung. Và năm 1950, chị đã sinh hạ cô con gái Masha (Maria). Tuy nhiên, cơn khủng hoảng tinh thần vẫn không biến đi. Thậm chí còn có vẻ gia tăng và đi kèm theo đó là bệnh nát rượu. Cặp đôi lý tưởng đã không chịu đựng được thêm thử thách nặng như cú đánh sinh tử này của số phận. Khi Masha lên bảy tuổi, Simonov và Serova đã chính thức li dị… Những dòng thơ cuối cùng trong đời mà Simonov viết tặng Valentina đầy cay đắng, lạnh lùng và thậm chí, tàn nhẫn:

“Thơ chẳng thể nào viết thêm,
Với em ngày đó, với em bây giờ.
Những dòng chua chát ngẩn ngơ
Từ lâu đã chẳng đủ cho đôi mình.

Cám ơn vì mọi yên lành
Thuở nao em đã nhỡ dành cho tôi.
Nghĩa ân người để bên người
Chắc gì đã hóa nợ đời với nhau.

Nhưng bao buồn tủi, đớn đau
Tay em đã chất lên đầu tôi xưa
Mặc tôi giữ, mặc tôi lo,
Số tôi đâu lạ xót xa, nổi chìm.

Muộn rồi, trách móc gì em,
Sợ chi gió thổi trắng đêm ngậm ngùi.
Chẳng qua đã hết yêu rồi
Nên thơ viết có ra lời nữa đâu….”

Simonov đã đưa vợ cũ vào ở chung cư. Ông xoá đi hầu hết những lời đề tặng trong các tác phẩm của mình, chỉ để lại duy nhất trên đầu bài thơ “Đợi anh về” dòng tên viết tắt: “Tặng V.S”. Do Valentina ngày càng bị nghiện rượu nặng nên mẹ của chị cũng đã đấu tranh giành lấy quyền nuôi dưỡng cháu ngoại Masha và thậm chí thông qua toà án còn tước của Valentina quyền được gặp gỡ với con gái. Cô bé bị nuôi kín trong căn hộ. Cửa sổ căn phòng có cô ở bị che kín để Masha khỏi phải tình cờ nhìn thấy “mụ ấy”! Lắm khi Valentina phải đứng bên ngoài trò chuyện với con gái qua cửa kính – vì khi chị gọi điện thoại tới thì người lớn không cho Masha cầm máy nói chuyện với mẹ…

Do quá chìm sâu trong những cơn say nên Valentina đã bị nhà hát sa thải. Thỉnh thoảng những người đồng nghiệp tốt bụng vì thương xót đã cố dành cho chị một vài vai diễn nhỏ trong các bộ phim của họ, nhưng niềm vinh quang lớn đã vĩnh viễn từ bỏ chị… Cũng như nhan sắc và sự duyên dáng bẩm sinh. Trong hồi ức của những người đồng thời với chị, Valentina chỉ là một phụ nữ nạ dòng, xộc xệch trong bộ y phục thể thao, tốt bụng nhưng ngốc nghếch…

Năm 1975, người ta đã tìm thấy xác của Valentina Serova trong căn phòng đã bị trộm cắp gần hết các đồ đạc ở Moskva. Pháp y xác định được rằng, chị đã qua đời trong đêm 11 rạng ngày 12-12. Tin buồn duy nhất về cái chết của nữ diễn viên lừng danh một thuở được đăng rất kiệm lời trên tờ “Moskva buổi tối”. Simonov, khi đó đang đi nghỉ tại Krym cùng người vợ mới, đã chỉ gửi 58 bông hồng tới viếng “nàng thơ” quá vãng của mình. Con trai của chị, Anatoli, không có mặt trong đám tang mẹ vì chính anh chàng cũng đã chết vì ma men trước đó, khi mới 36 tuổi. Chỉ có cô con gái Masha mới được có cơ hội nhìn thấy mẹ, lần cuối cùng trong đời…

Đó đã là một đám tang vắng vẻ, vắng người, vắng những thân yêu...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình yêu hòa nước mắt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO