Tô Ký (1919-1999): Nho tướng nghĩa hiệp thu phục giang hồ hảo hán

Phan Yên Yên 18/09/2019 10:38

Thời thế đã tạo nên những nhân vật anh hùng đặc biệt như Thiếu tướng Tô Ký, một hình ảnh tiêu biểu của Mười tám thôn vườn trầu. Cùng Trần Văn Giàu và một số nhà cách mạng khác vượt ngục Tà Lài, bí mật trở về lãnh đạo nhân dân Sài Gòn - Gia Định đứng lên cướp chính quyền, thu phục nhiều hảo hán giang hồ yêu nước vào thời kỳ "hỗn quân hỗn quan" để đương đầu với thực dân Pháp, ông và Trần Văn Trà đã thành lập, chỉ huy lực lượng vũ trang đầu tiên của Nam Bộ do Đảng Cộng sản lãnh đạo: Giải phóng quân Liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hoà, rồi tận tình giúp tướng Nguyễn Bình thống nhất các lực lượng vũ trang, được cử làm Khu bộ phó Khu 7.

Tô Ký (1919-1999): Nho tướng nghĩa hiệp thu phục giang hồ hảo hán

Ông đã góp phần quan trọng ổn định và nâng cao tinh thần cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc đang nóng lòng quay về giải phóng quê hương…Sinh thời, ông hay gọi mời 2 người cầm bút cùng mình “giang hồ” khắp nơi, đó là lão nhà văn Nguyên Hùng và tôi, một già một trẻ. Lần đầu gặp phỏng vấn ông, tôi vừa “Thưa Thiếu tướng…” thì ông đã cắt ngang và đùa “Mình… Thừa tướng chứ không… Thiếu tướng”! Tô Ký được quân đội phong Đại tá năm 1958, nhưng liền ngay sau đó như để “sửa sai”, đã thăng cho ông quân hàm Thiếu tướng năm 1961, để rồi mãi mãi chỉ là… Thiếu tướng!

Nho nhã và hảo hán

Nhà nghèo, Tô Ký sớm nghỉ học trường Hóc Môn để phụ giúp gia đình, đi học chữ Hán mong theo nghề thầy thuốc, đồng thời ông cũng học võ thuật và trở thành một người giỏi võ có hạng, tự tin hành xử trong nhiều tình huống éo le, khuất phục nhiều tay giang hồ hảo hán. Phong trào cách mạng bùng lên ở quê hương Mười tám thôn vườn trầu đã cuốn hút chàng trai trẻ yêu nước, đầy cá tính Tô Ký. Một lần đi phân phát truyền đơn cổ động đấu tranh, ông bị mật thám Pháp bắt giam tại Khám lớn Sài Gòn, toà tiểu hình kết án một năm tù ở và ba năm đày biệt xứ.

Tháng 11/1940, khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ mạnh mẽ nhưng bị thất bại. Thân sinh của Tô Ký là cụ Tô Nếp cùng 800 đồng chí cách mạng bị kẻ thù bắt xỏ dây kẽm vào lòng bàn tay, đẩy xuống bốn chiếc xà lan, bí mật nhấn chìm vào nửa đêm trên sông Sài Gòn khúc Xóm Chiếu. Lúc đó Tô Ký đang bị giam cầm trong nhà tù thực dân, trước khi thân phụ bị thủ tiêu, chính ông đã tận mắt chứng kiến cảnh cha mình bị mật thám Pháp tra tấn dã man ở Poste Catinat.

Thời kỳ Tô Ký bị địch bắt giam ở căng Tà Lài thượng nguồn sông Đồng Nai, diễn ra câu chuyện ông khuất phục “ngưu ma vương”. Lúc ấy Chi bộ Đảng nhà tù Tà Lài quyết định chuẩn bị cho một cuộc nổi dậy khởi nghĩa hoặc vượt ngục, muốn kế hoạch thành công cần có sự ủng hộ che chở của bà con người dân tộc Mạ sống quanh vùng. Có một gia đình người Mạ ở bên sông nuôi bầy trâu đông đúc khoảng 30 con. Để trâu kéo đồ vật được thì bắt buộc phải xỏ vàm (sẹo) qua mũi lúc trâu còn tơ. Trong đàn trâu ấy có một con trâu cổ to lớn, da đen bóng láng, đôi mắt như hai cục lửa, trông rất hung dữ nhưng chưa thể xỏ vàm, dù chủ trâu đã mời nhiều thợ giàu kinh nghiệm tới xỏ vẫn không thành…

Qua trò chuyện, nghe chủ trâu nói bập bẹ tiếng Việt rằng, ai mà xỏ vàm trâu cổ được thì sẽ thưởng một đùi heo rừng và một ché rượu cần, Bí thư Chi bộ Đảng nhà tù Trần Văn Giàu hỏi Tô Ký: “Ê, Ba Ký ơi! Chú mày nói là lớn lên từ cái nghề làm ruộng chăn trâu, vậy có biết xỏ mũi trâu không?”. “Chuyện gì chứ cái này dễ như quấn thuốc rê anh ạ - Tô Ký đắn đo suy nghĩ một chút rồi nói.

Đến hẹn. Bến sông người đông như ngày hội. Trần Văn Giàu khéo léo chỉ đạo bắn tin chuyện xỏ vàm trâu cổ để thu hút cả sếp Tây, lính mã tà và nhiều bà con người Mạ tới xem, mấy trăm tù nhân cũng có mặt. Theo đề nghị của Tô Ký, chủ trâu lùa hết mấy mươi con trâu ra bến. Nhanh nhẹn và tự tin, Tô Ký xuất hiện như một đấu sĩ sắp lên võ đài, chỉ mặc độc chiếc quần xà lỏn, tay cầm sợi dây mây vót nhọn, rồi dõng dạc hô to: “Lùa hết trâu xuống sông một lượt”!

Cả đàn trâu bị roi quất đít chạy ào xuống sông Đồng Nai. Cầm dây mây nhảy gọn gàng lên lưng từng con trâu, nhanh như cắt Tô Ký đã phóng tới lưng con trâu cổ. Hai chân kẹp cổ trâu thật chặt, ông trườn dài thân mình ra phía đầu để nằm giữa hai cặp sừng dài nhọn, tay vươn tới nắm mũi trâu và lấy dây mây nhọn đâm cái sựt, rồi kéo dây thật nhanh buộc chặt vào mang tai trâu. Chân đang bơi chơi vơi giữa dòng nước, lại bị kẹt chặt giữa đàn trâu đông đúc, nên trâu cổ không thể phản ứng gì được. Tô Ký đứng phắt dậy nhảy qua lưng các con trâu lên bờ.

Sếp và lính Tây trố mắt khen Tô Ký mưu cao, gan dày, còn đồng bào người Mạ thì hết sức khâm phục, từ đó càng có nhiều cảm tình với các tù nhân. Nhờ vậy mà mấy tháng sau khi cuộc vượt ngục diễn ra, dù bọn Pháp treo giải thưởng cao, nhưng Tô Ký cùng các đồng chí của mình vẫn được người Mạ cho ẩn náu an toàn và trốn thoát khỏi núi rừng Tà Lài…

Giúp Trung tướng Nguyễn Bình thống nhất các lực lượng vũ trang Nam Bộ

Lịch sử có những trùng hợp ngẫu nhiên kỳ lạ. Vào giữa thế kỷ X, sau khi Ngô Quyền mất năm 944, em vợ là Dương Tam Kha cướp ngôi, xảy ra loạn 12 sứ quân, cát cứ khắp Bắc Bộ ngày nay. Đúng mười thế kỷ sau, vào giữa thế kỷ XX, khi quân Pháp tái xâm lược, tại Nam Bộ đã nổi lên nhiều lực lượng vũ trang khác nhau, mỗi đơn vị cát cứ một nơi, không chịu phục tùng nhau, thậm chí còn tước đoạt vũ khí của nhau. Tuy nhiên, khác với loạn 12 sứ quân ngày xưa nổi dậy tranh giành quyền lực, các lực lượng vũ trang tự phát ở Nam Bộ sau này chủ yếu đứng lên chống giặc ngoại xâm. Có thể kể đến những tay đàn anh lúc đó như Dương Văn Dương, Dương Văn Hà, Nguyễn Văn Mạnh, Lê Văn Viễn, Huỳnh Văn Trí, Trần Văn Đối, Trịnh Minh Thế, Mai Văn Vĩnh, Nguyễn Thành Phương, Ngô Tấn Lực, Nguyễn Văn Hoạnh, Lâm Văn Đức,... Ban đầu họ đều tích cực tham gia kháng chiến, nhưng về sau do bọn gián điệp Phòng Nhì Pháp cài vào xúi giục chia rẽ họ.

Bấy giờ, lực lượng Bình Xuyên (tên một ấp thuộc làng Chánh Hưng ở quận Nhà Bè) mạnh nhất. Thủ lĩnh Dương Văn Dương tổ chức thống nhất các đơn vị vũ trang xuất thân là dân giang hồ tứ chiếng chọn cái tên Bình Xuyên đặt cho lực lượng này với hàm ý “bình định” cả một vùng sông rạch chằng chịt. Thế nhưng Dương Văn Dương hy sinh, một số thủ lĩnh của họ như Bảy Viễn (tức Lê Văn Viễn) nghe lời xúi giục từ bọn tay sai Phòng Nhì của Pháp (là Lại Hữu Tài và Lại Văn Sang) đã trở giáo về thành Sài Gòn ủng hộ Bảo Đại. Trước đó, dưới sự hướng dẫn của Pháp, Bảy Viễn đã lập Chiến khu Xanh ở rừng Sác đối lập với Chiến khu Đỏ là Chiến khu Đ.

Vào tháng 10/1945, giữa lúc tình hình quân sự Nam Bộ đầy phức tạp thì theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh Đệ tứ chiến khu Nguyễn Bình được điều động vào đất phương Nam. Với tư cách Chỉ huy trưởng Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hoà, Tô Ký và Chính trị viên Trần Văn Trà cùng một số chỉ huy quân sự khác đã tận tình giúp Nguyễn Bình.

Khi tướng Nguyễn Bình mới vào Nam, không phải ai cũng tâm phục, thậm chí chống đối, nhất là khi biết ông vốn xuất thân Việt Nam Quốc dân đảng. Lúc đó Tô Ký với Trần Văn Trà còn trẻ, mới 26-27 tuổi, trong khi chỉ huy các đơn vị khác lớn tuổi hơn rất nhiều, lại có nhiều kinh nghiệm về quân sự. Nguyễn Bình là người lớn tuổi, biết cách tổ chức quân đội, tính tình hào phóng, hợp với bản tính Nam Bộ, lại là người do Trung ương cử vào, nên hội đủ các điều kiện. Do đó, Tô Ký cùng nhiều chỉ huy khác ủng hộ Nguyễn Bình là điều tự nhiên, ông đích thân đến các đơn vị, gặp từng chỉ huy để tìm cách thuyết phục, dàn xếp nhằm ổn định lực lượng đồng lòng chống Pháp.

Có thể nói việc Trung tướng Nguyễn Bình được những nhân vật như Tô Ký cùng với Trần Văn Trà, Dương Văn Dương, Huỳnh Văn Nghệ và các thủ lĩnh quân sự khác ủng hộ là điều kiện hết sức quan trọng. Và việc thống nhất các lực lượng vũ trang Nam Bộ có một ý nghĩa to lớn, tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến tranh nhân dân, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Thiếu tướng Tô Ký: Đại biểu Quốc hội khoá II; trong quân đội: Tư lệnh kiêm Chính uỷ Sư đoàn 338, Phó Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao kiêm Chánh án Toà án quân sự Trung ương, Tư lệnh kiêm Chính uỷ Quân khu 3, Chính uỷ Quân khu 7; khi tuổi đã cao, làm Phó Chủ tịch MTTQ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của TPHCM và còn là người góp công không nhỏ cùng tướng Đinh Đức Thiện xây dựng ngành dầu khí buổi đầu đầy khó khăn để ngày nay thành một ngành kinh tế mũi nhọn cho đất nước.

Ông đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tô Ký (1919-1999): Nho tướng nghĩa hiệp thu phục giang hồ hảo hán

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO