Tổng thống Nga Vladimir Putin: Nền dân chủ đã bám rễ ở Nga

Nguyễn Trung Tín (biên dịch) 20/06/2018 09:00

Ngày 4/6, trước chuyến thăm chính thức nước Áo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trả lời phỏng vấn cho kênh truyền hình Áo ORF. Nhà báo nổi tiếng Armin Wolf (sinh năm 1966), người đã phỏng vấn ông Putin, sau khi kết thúc công việc đã tâm sự với các đồng nghiệp rằng, ông đã kinh ngạc bởi giọng nói khẽ khàng của Tổng thống Nga, đặc biệt là trước và sau khi diễn ra cuộc phỏng vấn.

Ông đánh giá ông Putin là một người đối thoại không đơn giản và điệu nghệ. Cuộc phỏng vấn đã diễn ra trong một bầu không khí thẳng thắn, thậm chí đôi lúc có vẻ như căng thẳng, nhưng luôn thú vị. Xin trích giới thiệu! Tài liệu được lấy từ Cổng thông tin điện tử chính thức của Điện Kremlin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin: Nền dân chủ đã bám rễ ở Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Không muốn phá EU

- Armin Wolf: Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông là tới Áo. Đó phải chăng là một sự động viên cho một chính sách thiện chí đối với nước Nga từ phía chính phủ Áo đã phản đối những biện pháp trừng phạt mới của EU và không trục xuất các nhà ngoại giao Nga bởi “vụ Skripal”?

- Vladimir Putin: Tôi nghĩ rằng một quốc gia châu Âu khả kính như Áo thì đâu cần phải ai động viên.

Giữa chúng tôi với Áo đã sẵn có những mối quan hệ lâu năm, rất tốt đẹp, sâu sắc. Áo vốn là đối tác truyền thống và tin cậy của chúng tôi ở châu Âu.

Bất chấp mọi phức tạp của những năm vừa qua, giữa chúng tôi với Áo chưa bao giờ bị gián đoạn đối thoại cả trong lĩnh vực chính trị, linh vực an ninh lẫn lĩnh vực kinh tế.

Trao đổi hàng hóa giữa chúng tôi với Áo trong năm ngoái đã tăng tới 40,5%. Chúng tôi tôn trọng quan điểm của Áo và quy chế trung lập của quốc gia này….

- Ông đã từng đứng đầu chính đảng đó trong một thời gian dài, giờ chính đảng đó do ông Dmitri Medvedev lãnh đạo.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, chính phủ Nga muốn thông qua đảng Nước Nga thống nhất duy trì quan hệ với các chính đảng theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa vì những chính đảng đó muốn phá Liên minh châu Âu.

Tự đâu ra những mối quan hệ chặt chẽ giữa ban lãnh đạo Nga với những chính đảng có thái độ phê phán đối với Liên minh châu Âu?

Tổng thống Nga Vladimir Putin: Nền dân chủ đã bám rễ ở Nga - 1

Tổng thống VLadimir Putin và nhà báo Armin Wolf.

- Tất nhiên là ông nên hỏi điều này ở ngài Medevedev, người đứng đầu chính phủ Nga, ông ấy mới là thủ lĩnh của đảng. Nhưng tôi có thể rất tự tin mà đưa ra giả định sau đây.

Chúng tôi không hề có mục đích phá ai hay cái gì trong Liên minh châu Âu.

Ngược lại, chúng tôi rất cần để Liên minh châu Âu là một thực thể thống nhất và phồn vinh, vì Liên minh châu Âu là đối tác lớn nhất của chúng tôi về thương mại và kinh tế.

Và nếu trong Liên minh châu Âu càng có nhiều vấn đề thì càng nảy sinh nhiều sự mạo hiểm và bất định đối với chính chúng tôi. Một sự có thể nói lên rất nhiều điều là hiện nay, cán cân thương mại giữa chúng tôi với các nước thuộc Liên minh châu Âu là gần 250 tỉ. Đấy là đã bị giảm gần một nửa vì trước đây là hơn 400 tỉ.

Chúng tôi cần làm gì cái sự suy giảm tiếp tục?

Chúng tôi phá Liên minh châu Âu làm gì nếu việc đó làm chúng tôi thêm bị thiệt hại, hao tổn, hoặc không nhận được những mối lợi có thể có từ sự hợp tác với Liên minh châu Âu?

Ngược lại, chúng tôi cần gia tăng hơn nữa những sự hợp tác với Liên minh châu Âu.

Còn nếu chúng tôi ở mức độ chính trị làm việc với ai đó hoặc làm việc mạnh mẽ hơn với ai đó, thì chỉ vì xuất phát từ những tính toán thực tế đơn giản.

Chúng tôi đang cố gắng hợp tác với những ai công khai tuyên bố sẵn sàng và mong muốn hợp tác với chúng tôi.

Chỉ nên tìm trong việc này nguyên nhân dẫn tới những mối liên hệ, chuyển động ở mức độ chính trị hoặc mức độ chính đảng của một số đảng phái chính trị của chúng tôi, với một số tổ chức, phong trào ở châu Âu, chứ không phải ở ham muốn phá hoại hay quấy rối việc gì đó hoặc ai đó trong Liên minh châu Âu. Chúng tôi không có những mục tiêu như thế.

40% dự trữ vàng của chúng tôi đang được duy trì bằng đồng euro. Việc gì chúng tôi phải rung lắc những thứ này, trong đó có cả đồng tiền chung châu Âu như một hệ lụy của việc làm phân tách chính Liên minh châu Âu? Tôi muốn ở Áo cũng như ở các nước thuộc Liên minh châu Âu khác phải vứt bỏ cái ý nghĩ đó ra khỏi đầu.

Tin tặc là ai?!

- Mặc dù thế, các chính phủ phương Tây, châu Âu và trước hết là Hoa Kỳ đang buộc cho nước Nga tội can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác thông qua hoạt động của các tin tặc.

Trong mọi bài trả lời phỏng vấn ông đều nói rằng việc không phải như thế, nhưng chẳng có chút gì hoài nghi về chuyện ở Sankt Peterburg, trong nhiều năm qua đang có một mạng lưới tên là Internet Research Agency, chuyên tác động tới các cuộc tranh luận công khai trên FB.

Cái gọi là những nhà máy sản xuất troll ấy thuộc về ông Yevgueni Prigozhin, người mà ông biết rất rõ, ông ấy vẫn được gọi là đầu bếp của Putin, vì rằng ông ấy phục vụ tất cả những người khách của ông.

Chẳng lẽ đó là việc tốt ư, khi một người có những mối quan hệ chặt chẽ với ban lãnh đạo nước Nga lại chủ xị ở các nhà máy sản xuất troll?

- Ông vừa nói “nước Nga” rồi lại chuyển ngay sang đề cập tới các tin tặc, phải vậy không? Khi ông nói “nước Nga”, ông định nói tới quốc gia Nga hay một số công dân Nga, tin tặc hay một số đối tượng pháp lý nào đó riêng lẻ?

- Tôi muốn nói tới ông Prigozhin.

- Tôi cũng sẽ nói tới Prigozhin.

Tôi yêu cầu ông phân biệt sự khác nhau giữa chính phủ Liên bang Nga, Nhà nước Nga, các công dân Nga hay có thể là những đối tượng pháp lý nào đó.

Ông vừa nói rằng, ông Prigozhin được coi là đầu bếp của Putin. Đúng là ông ấy hoạt động trong kinh doanh nhà hàng, đó là nền tảng kinh tế của ông ấy, ông ấy là một chủ nhà hàng ở Peterburg.

Nhưng tôi bây giờ muốn hỏi ông: Ông thực sự nghĩ rằng một người kinh doanh nhà hàng, ngay cả khi có một số năng lực tin tặc nào đó, có một công ty tư nhân trong lĩnh vực này – tôi thậm chí còn không biết ông ấy làm những việc gì nữa – lại từ những quan điểm đó ảnh hưởng được tới bầu cử ở Hoa Kỳ hay ở một nước châu Âu nào đó khác?

Thực là suy đồi quá đỗi tất cả những gì diễn ra trong lĩnh vực thông tin và chính trị ở các nước thuộc khối phương Tây, nếu như một ông chủ nhà hàng ở nước Nga lại có thể tác động được tới bầu cử ở một quốc gia châu Âu nào đó hay ở Hoa Kỳ! Có nực cười quá không?

- Thưa ông Tổng thống, có lẽ điều này tốt hay xấu nhưng đó không phải là sự thật. Ông Prigozhin không chỉ làm nhà hàng, ông ấy có nhiều công ty ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng và nhận rất nhiều đơn đặt hàng của nhà nước, ông ấy bỏ ra nhiều triệu USD cho các nhà máy sản xuất troll để chúng viết ra những stt đó. Một người làm nhà hàng thì cần gì những thứ như thế?

- Ông đi mà hỏi ông ấy. Nhà nước Nga không có liên quan gì tới việc đó cả.

- Nhưng ông biết rõ ông ấy mà!

- Thế thì sao? Tôi biết rất nhiều người cả ở Peterbur, cả ở Moskva. Ông đi mà hỏi họ.

Tại Hoa Kỳ có một nhân vật như thế này, ông Soros, người chọc ngoáy vào tất cả mọi việc trên toàn thế giới. Và những người bạn Mỹ của tôi rất hay nói với tôi: Nước Mỹ với tư cách một nhà nước không liên quan gì tới việc đó cả.

Đấy, hiện nay mới xuất hiện tin đồn cái ông Soros ấy muốn phá rối đồng euro, đồng tiền chung của Liên minh châu Âu. Việc này đang được thảo luận cả trong giới chuyên viên.

Ông hãy tới hỏi Bộ Ngoại giao Mỹ xem: ông Soros kia làm thế để làm gì? Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ trả lời ông rằng, Soros không liên quan gì tới chúng tôi cả, đó là việc riêng của ông Soros!

Và ở nước chúng tôi đó cũng là việc riêng của ông Prigozhin. Đấy chính là câu trả lời dành cho ông. Ông hài lòng với câu trả lời này chứ?

- Ở Hoa Kỳ, Prigozhin đang bị buộc tội cùng với 12 công dân Nga khác trong vụ can thiệp vào bầu cử…

Ông và ông Donald Trump trò chuyện với nhau rất thân thiện, tuy nhiên, đã một năm rưỡi nay, ông Trump đã trở thành Tổng thống, nhưng giữa hai ông vẫn chưa có cuộc gặp thượng đỉnh nào, dù rằng ông đã từng gặp ông Bush và ông Obama ngay trong sáu tháng đầu họ được bầu. Vì sao lại phải cần tới nhiều thời gian thế?

- Về việc này thì ông cần phải hỏi các đồng nghiệp Hoa Kỳ của tôi. Theo tôi, đó chính là hệ quả của cuộc đấu tranh chính trị nội bộ ác liệt ngay tại nước Mỹ.

Sự thực là, chúng tôi với Tổng thống Trump đã gặp nhau, thứ nhất là không chỉ một lần tại các diễn đàn quốc tế khác nhau, thứ hai là chúng tôi thường xuyên nói chuyện với nhau qua điện thoại.

Các cơ quan ngoại giao và các cơ quan đặc biệt của hai chúng tôi cũng làm việc với nhau không tồi trong những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, trước hết là trong đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Công việc đó vẫn đang được tiếp tục.

Còn về các cuộc gặp riêng thì, theo tôi, những cuộc gặp này có thể được tổ chức hay không thì phụ thuộc vào cán cân thế lực ở trong chính Hoa Kỳ.

Hiện nay đã bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử vào Thượng viện, rồi lại sắp có cuộc bầu cử Tổng thống, đang tiếp tục nhiều đòn tấn công nhằm vào Tổng thống Hoa Kỳ trên mọi hướng. Tôi nghĩ rằng có lẽ đó chính là nguyên nhân dẫn tới việc này.

Trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại, ông Donald nói rằng, ông ấy lo lắng tới chuyện sẽ bắt đầu cuộc chạy đua vũ trang mới. Tôi hoàn toàn đồng ý với ông ấy.

Nhưng để ngăn chặn trước cuộc chạy đua vũ trang có thể bùng nổ này, - mà chúng tôi không phải là những người khởi xướng ra quá trình diễn tiến sự việc như thế, như ông biết, không phải chúng tôi đã bãi bỏ Hiệp ước về phòng thủ tên lửa, chúng tôi chỉ đáp trả những mối đe dọa nảy sinh từ việc đó, nhưng tôi đồng tình với Tổng thống Hoa Kỳ rằng, chúng tôi cần phải suy nghĩ kỹ, cần phải làm gì đó với việc này, cần phải giao những nhiệm vụ thích hợp cho hai Bộ Ngoại giao của nước Nga và nước Mỹ.

Các chuyên viên cần phải bắt đầu làm việc có chủ điểm, nhưng tôi hy vọng rằng tới một khi nào đó công việc này, phục vụ cho lợi ích của nước Mỹ và nước Nga, thực sự phục vụ cho lợi ích của toàn thế giới, vì Nga và Mỹ là những cường quốc hạt nhân lớn nhất, sẽ được bắt đầu, trong đó cả giữa đích thân hai chúng tôi.

Cần phải điều tra khách quan

- Một trong những chủ đề phức tạp nhất trong liên hệ với nước Nga là Ukraina. Năm 2014, máy bay chở khách MH17 đã bị bắn hạ ở Ukraina, 290 người đã bị chết.

Mấy hôm trước Ủy ban điều tra quốc tế thông báo rằng, máy bay đó bị bắn hạ bởi một hệ thống tên lửa của quân đội Nga, đó là một đơn vị từ Nga đến chỗ những người nổi dậy Ukraina ở miền đông Ukraina.

Suốt một năm nay ông đã nói rằng đó không phải sự thật nhưng thực tế thì không ai tin vào điều đó.

Chẳng lẽ ông bằng cách đó đã bức tử tính chuẩn xác trong các tuyên bố của phía Nga ư? Có lẽ sau nhiều năm cần phải thực sự công nhận rằng, những người nổi dậy ở miền đông Ukraina đã sử dụng vũ khí Nga để thực hiện tội ác ghê rợn này?

- Tôi muốn nói rằng, các bên xung đột với nhau, cả quân đội Ukraina và thậm chí cả những tiểu đoàn dân tộc chủ nghĩa Ukraina, không tuân thủ mệnh lệnh của ai ngoài những thủ lĩnh của mình, và cả lực lượng cảnh sát Donbass – tất cả họ đều sử dụng vũ khí sản xuất tại Nga. Tất cả.

Cả bên này lẫn bên kia đều giữ nhiều loại trang thiết bị quân sự khác nhau: vũ khí bộ binh, không quân, các phương tiện chống lại không quân. Tất cả đều sản xuất ở Nga.

- Nhưng hiện giờ người ta đã biết rằng, đó chính là hệ thống tên lửa Buk. Và đó là một lữ đoàn quân đội Nga ở Kursk. Đây là những thông tin đích xác, vậy mà ông vẫn phủ nhận.

Chẳng lẽ không nên công nhận rằng đó là thứ tên lửa thực sự do Nga sản xuất? Chảng lẽ không nên chính thức công nhận rằng, nước Nga đã ủng hộ vũ khí cho những người nổi dậy ở miền đông Ukraina?

- Nếu ông có đủ sự kiên nhẫn và nghe tôi nói tiếp thì ông sẽ được biết quan điểm của tôi về vấn đề này, được chứ?

Như tôi đã nói, cả hai bên đều đang sử dụng vũ khí sản xuất tại Nga và trong quân đội Nga cũng đang sử dụng những loại vũ khí như thế mà các chuyên viên đang nói tới, những thứ vũ khí đã được sản xuất ở Liên Xô cũ và ở nước Nga hiện nay. Đó là điều thứ nhất.

Điều thứ hai, người ta đã không để các chuyên viên Nga tham gia điều tra, các luận cứ của chúng tôi không được quan tâm tới, không ai trong ủy ban (điều tra) muốn nghe chúng tôi nói cả.

Ngược lại, phía Ukraina , một bên có lợi ích ở kết quả vụ điều tra này, lại được tham gia điều tra. Mà nước đó phải chịu trách nhiệm ít nhất là về việc vi phạm quy định quốc tế của IKAO và không cấm các máy bay chở khách dân sự bay qua khu vực đang diễn ra xung đột.

Chúng tôi đến giờ vẫn không thể nhận được câu trả lời cho một số câu hỏi liên quan tới hoạt động của lực lượng không quân Ukraina trong khu vực đó, ở địa điểm đó và trong thời điểm đó.

Thảm kịch mà chúng ta đang đề cập ở đây, vô cùng khủng khiếp, và vô cùng thương xót những người đã chết, gia đình của những người đã chết, nhưng cuộc điều tra cần phải khách quan và toàn diện.

Ông chờ đã, một giây thôi, đừng vội. Hãy cho tôi nói, chứ khác đi không phải là bài phỏng vấn nữa mà là đọc thoại của một phía, của một mình ông.

- Dù sao cũng xin phép được chêm vào: vâng, chúng ta đã biết tên lửa đó từ đâu ra. Nhưng liệu Hà Lan, Australia hay Malaysia được lợi gì khi đổ lỗi cho nước Nga, nếu đó không phải là tên lửa của các lực lượng vũ trang Nga?

- Không, chúng tôi lại không nghĩ thế. Chúng tôi có góc nhìn khác. Ông vừa nêu tên những nước mà dường như đã cho rằng, đó là tên lửa Nga và nước Nga có dính líu tới thảm kịch khủng khiếp đấy.

Tôi buộc phải làm ông thất vọng và buồn rầu. Mới đây thôi các đại diện chính thức của Malaysia đã tuyên bố rằng họ không thấy có sự dính líu của Nga tới thảm kịch khủng khiếp đấy, rằng, họ không có bằng chứng gì về sự dính líu của Nga tới việc đó.

Chẳng lẽ không lại không biết tới tuyên bố của các nhân vật chính thức của Malaysia?

Vì thế chúng tôi nghĩ gì về việc này? Nếu chúng ta thực sự muốn thấu hiểu sự việc kinh khủng này và làm sáng tỏ mọi sự cho phép chúng ta đưa ra kết luận cuối cùng, thì cần phải quan tâm tới mọi luận chứng, trong đó có cả những luận chứng từ phía Nga. Và sẽ là rất công bằng nếu các chuyên viên Nga cũng được tham gia điều tra…

Tổng thống tới bao lâu?

- Suốt 18 năm nay ông là Tổng thống hoặc Thủ tướng. Một số người nói rằng, ông đã biến một đất nước đang ở trên đường tiến tới dân chủ thành một hệ thống chuyên chế mà ở đó ông như một Sa hoàng. Điều đó có đúng không?

- Không, không đúng. Điều đó tất nhiên là không đúng và hoàn toàn không thích ứng với thực tế, vì rằng chúng tôi là một quốc gia dân chủ, chúng tôi sống trong khuôn khổ của bản Hiến pháp hiện hành.

Trong Hiến pháp của chúng tôi có ghi rõ, - theo tôi, cũng giống như trong Hiến pháp của Áo: Tổng thống chỉ có thể được bầu hai nhiệm kỳ liên tục và không hơn.

Chính vì thế nên sau hai nhiệm kỳ chính thức làm Tổng thống, tôi đã rời khỏi cương vị đó, không thay đổi Hiến pháp và chuyển sang một vị trí khác là làm Thủ tướng chính phủ Liên bang Nga.

Sau đó, như mọi người đều biết, tới năm 2012, tôi mới trở lại sau khi tham gia tranh cử và đã giành được thắng lợi. Hiện giờ tôi mới đang trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ nhất và nhiệm kỳ này cũng như ở nước các ông, kéo dài 6 năm.

Trong cuộc bầu cử gần đây đã có tới gần 70% số cử tri đi bỏ phiếu. Đó gần như là một nửa dân số Liên bang Nga. Về bản chất, gần như không có một chê trách nghiêm trọng nào từ phía các nhà quan sát quốc tế về việc tổ chức bầu cử và về kết quả bầu cử, vì thế ở đây không cần hoài nghi gì nữa: nền dân chủ đã bám rễ chắc chắn ở Nga. Chúng tôi quan tâm tới chính con đường phát triển dân chủ của nước mình.

Và chắc chắn sẽ là như thế…

- Ở cuối nhiệm kỳ Tổng thống, ông sẽ hơn 70 tuổi.

- Tôi hy vọng thế (cười)…

- Và ông sẽ nắm quyền lực trong hai mươi năm. Và theo Hiến pháp Nga, ông không thể ra tranh cử thêm một lần nữa. Sau khi hết nhiệm kỳ làm Tổng thống, ông sẽ rời chính trường hay lại tiếp tục nắm quyền lực và trở thành Thủ tướng?

- Thế ông muốn như thế nào?

- Điều đó chả có ý nghĩa gì cả. Tôi muốn biết điều ông muốn cơ.

- Nhiệm kỳ Tổng thống của tôi mới vừa bắt đầu, tôi đang ở đầu con đường, và chúng ta không nên nhìn ra xa quá phía trước. Tôi đã không bao giờ vi phạm Hiến pháp và sẽ không định làm như thế.

Rất nhiều điều phụ thuộc vào việc chúng tôi sẽ làm việc như thế nào – khi tôi nói chúng tôi tức là tôi muốn nói tới cá nhân mình và bộ máy của mình, – và vào việc chúng tôi sẽ đạt được những kết quả như thế nào.

Nhưng ông có lý đấy, quả thực là tôi đã tham gia các công tác hành chính quốc gia đủ lâu rồi, tôi cần phải tự xác định cho mình về việc sẽ làm một khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống hiện nay.

- Thiên hạ đang đồn đại về một cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức để ông có thể làm Tổng thống tới hết đời. Liệu điều đó có thể xảy ra ở nước Nga không?

- Tôi không bình luận về những đồn đại. Tôi nghĩ làm thế là không nghiêm túc ở tầm cỡ Tổng thống Liên bang Nga.

- Vậy tôi có một câu hỏi cuối cùng, có thể không bình thường lắm. Có rất nhiều bức ảnh chụp ông ở trần, điều quả thực không bình thường đối với một nguyên thủ quốc gia. Những bức ảnh này không phải do những paparazzi hay khách du lịch chụp trộm, mà được chính Điện

Kremli công bố. Đó là những bức ảnh gì vậy?

- Ông vừa nói rằng “ở trần”. Thật may vì không “ở truồng”. Nếu tôi đi nghỉ thì tôi không thấy cần phải giấu mình trong bụi cây và tôi không thấy có gì không hay trong việc này cả…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổng thống Nga Vladimir Putin: Nền dân chủ đã bám rễ ở Nga

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO