Trở lại nguyên sinh: Nghệ thuật tạo hình hay lôi thôi... tạo chất?

Vũ Lâm 16/04/2019 14:09

Mỹ thuật, trong tiếng Anh gọi là “fine art”, tiếng Pháp là “beaux art”, tiếng Đức là “bildende kunst”, đều có nghĩa tương tự nhau. Năm 1983, Hội Mỹ thuật Việt Nam có một cuộc cách tân từ lõi, đó là việc trước hết cần phải tạo hình và đổi tên Hội Mỹ thuật Việt Nam thành Hội Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam để nhấn mạnh sự quan trọng cốt lõi của mỹ thuật là con đường tạo hình.

khối –>> chất –>>> mầu!

Dấu hiệu về nghệ thuật đặt nặng sự tạo “chất - vỏ” trong mỹ thuật không chỉ ở một cá nhân tác giả nào, mà nó bàng bạc phủ khắp, ở khắp các tác phẩm của nhiều tác giả thuộc nhiều thế hệ vẫn đang còn sáng tác được, chứ không chỉ ở các tác giả trẻ. Hướng thứ nhất của yếu tố này là những loạt tranh phong cảnh, phố xá vẽ trừu tượng hay bán trừu tượng, hình thù bóp nặn thoải mái (nhưng tựu trung vẫn không thể “qua mặt” được các bậc thầy của chính chúng ta những thập niên 1970 - 1980). Hướng thứ hai là những tác phẩm vẽ kiểu đồng hiện, chắp ghép những mô-típ hình cổ kim, thanh tục lẫn lộn, cũng trên một nền trừu tượng, nhưng được tỉa tót mầu mè rất cầu kỳ. Hướng thứ ba là sự trở lại của loại hội họa tả thực, vẽ giống như một tấm ảnh rất chi li kỹ lưỡng (tiến tới ngôn ngữ “Cực Thực” ở phương Tây - Mỹ đã qua rất lâu trước đây nhiều thập niên). Hầu hết, theo những cách khác nhau, nhưng đồng loạt khá giống nhau ở chỗ đều cố gắng (và dừng lại sớm) ở việc tạo ra một bề mặt đẹp, hoặc thích mắt, hoặc giả vờ giả vịt thâm trầm. Xem lâu một chút thì thấy ý tưởng sáng tác không sâu, không dựa trên một thái độ quan sát sắc lẻm về đời sống hiện sinh để tạo ra được sự cảm - thức bằng những hình thể có cá tính bản lĩnh riêng biệt vô cùng mạnh mẽ. Chưa kể, có không ít họa sĩ còn “mượn thẳng” những lối sáng tác hay tạo hình họ tìm thấy hình ảnh từ trong sách vở, trên mạng internet, chế biến ít nhiều để biến thành của mình…

Việc học hỏi, hay ảnh hưởng là điều tất nhiên, bởi “không có gì mới dưới ánh mặt trời”. Giản dị thì là vẽ - khắc sao cho các khán giả chuyên môn có uy tín, khắc nghiệt và công tâm đều thấy rõ là tác phẩm này ảnh hưởng từ đâu, nhưng đã được biến thành “của riêng ta” rồi, thì mới được số đông trong giới mỹ thuật tạo hình tôn trọng).

Cực hiếm thấy nghệ sĩ trẻ nào của thế hệ sau năm 2000 có ý hành trình “về nguồn Nguyên Sinh”, nghiên cứu những sáng tác từ truyền thống, đào sâu vào tư duy tạo hình của “cá thể dân tộc” (chưa kể đến xung quanh khu vực) một cách có bài bản, lộ trình rồi sẽ có tương lai dùng ngôn ngữ tạo hình đó (đã được chắt lọc và nhuộm đậm sắc cá nhân tính để trở thành đặc trưng riêng biệt) phản ảnh đời sống hiện sinh và mong muốn đưa giá trị mỹ thuật tạo hình đậm đà dân tộc tính Việt Nam thời đương đại được nâng lên một “level mới”...

Gần đây, trò chuyện với một họa sĩ kiêm sáng tác gốm bỏ tiền túi ra đi châu Âu gần ba tháng, xem chừng 100 bảo tàng khắp châu Âu từ bảo tàng cổ cho đến bảo tàng nghệ thuật đương đại, tôi biết rằng cảm quan cá nhân của anh ta là hội họa châu Âu nói chung bế tắc. Vì theo anh ta mọi con đường, hướng đi có thể xuất phát từ nhiều nền văn hóa của năm châu đã được số nghệ sĩ “đông như quân Nguyên” khắp các quốc gia, chủng tộc tụ lại ở Âu châu khai thác kiệt cùng, mà kiệt cùng, bế tắc đầu tiên là… châu của họ!

Một số đàn anh thành công từ thời đầu và sau Đổi Mới có tâm sự với tôi rằng họ hối tiếc vì thời trẻ đã quá mải mê thích thú trước các trào lưu nghệ thuật phương Tây, bây giờ quay lại để “khai thác mỏ dân tộc” để tìm sự “ riêng tư khác biệt huy hoàng” thì không còn sức nổi. Vậy mà lớp trẻ hơn vẫn cứ mải mê đuổi theo thì thật nực cười...

Vấn đề về lại “nguyên sinh cõi” cần thiết như vậy, trở lại nguyên sinh bằng con đường nhiều tự do thời hiện sinh này là việc thuận lợi của thế hệ thứ tư của mỹ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại, kết nối trực tiếp từ thời “Hậu Đổi Mới”.

Mỹ học nói, về sâu xa thì bản chất của nghệ thuật là hình thức, và mỹ học chính là “khoa học về các hình thức”. Tuy nhiên việc “chạy theo chủ nghĩa hình thức, chú tâm tạo chất, quệt vỏ” là một việc khác. Điều này có một mặt sáng rõ là nó phản ảnh được thị hiếu tiêu dùng của một thị trường nghệ thuật “phổ thông” ở nước ta đang được nâng cấp dần dần.

Nghệ sĩ, trước hết là con người có đóng góp cho xã hội, họ phải tạo ra một sản phẩm có thể tiêu dùng được và để họ có một giá trị tồn tại cái đã. Những yếu tố của thế hệ thứ ba (tạm tính từ 1983-2000) đã được xác định, “dựng bia” chính thức là Nghệ thuật mỹ thuật - tạo hình Đổi Mới (chuyển ngữ sang tiếng Anh trong các nghiên cứu ngoài nước, tác phẩm thuộc vào nhiều bộ sưu tập nước ngoài vẫn giữ nguyên tên, bỏ dấu là “DoiMoi Art”). Còn thế hệ thứ tư thì tính từ năm 2000 đến nay đang bắt đầu sau 19 năm, vẫn đang manh nha, quá độ, quẫy cựa, định hình để tìm tên gọi “trúng lõi” cho mình. Chưa mấy người vượt qua được những cái mốc đào sâu vào tạo hình dân tộc của các bậc thầy gần gũi với bậc “tứ trụ” điển hình: Nghiêm – Sáng – Phái – Liên (Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên). Đó là sự nghiệp của những người đã biến hệ tác phẩm của mình thành đặc trưng hình thể có giá trị đương đại tươi khỏe, đại diện biệt lập cho tạo hình dân tộc thời hiện đại.

Trí thức có tư tưởng học, mượn của người khác nhiều rồi thì nên cố gắng tiêu hóa ngoài 50% để trở thành tư tưởng của mình. Người làm mỹ thuật tạo hình nên cố gắng phấn đấu trở thành họa sĩ, điêu khắc gia, tranh tượng có hình rồi mới chứa được “khí chất” giời ban. Giới buôn bán tranh pháo thì cũng phấn đấu trở thành nhà kinh doanh nghệ thuật hâm mộ tính công tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trở lại nguyên sinh: Nghệ thuật tạo hình hay lôi thôi... tạo chất?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO