Trương Đỗ: Tấm gương phản biện

Từ Khôi 05/04/2019 19:08

Trong triều đình phong kiến xưa thường có chức quan Gián nghị đại phu, hay quan Ngự sử đại phu. Nhiệm vụ của các chức quan này nói theo ngôn ngữ ngày nay là chuyên “tư vấn, phản biện” cho vua, cho triều đình trong những quyết sách lớn, nhưng cũng có khi chỉ là một việc làm nhỏ. Trong lịch sử, việc vua không nghe can gián không ít. Đơn cử: vua Trần Duệ Tông vì không nghe lời can gián của Ngự sử đại phu Trương Đỗ mà thiệt mạng, cơ nghiệp suy tàn.

Trương Đỗ: Tấm gương phản biện

Trương Đỗ (chưa rõ năm sinh, năm mất) là người làng Phù Đái, huyện Đồng Lại phủ Hạ Hồng, nay là làng Phù Tải, xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, Hải Dương. Ông đỗ Thái học sinh (tiến sĩ), làm quan đến chức Ngự sử Đại phu, Đình úy tự khanh, Trung đô phủ tổng quản dưới triều vua Trần Duệ Tông.

Khi còn nhỏ, Trương Đỗ sống ở làng Nghi Tàm thuộc kinh đô Thăng Long. Một hôm, Trương Đỗ ra chơi ở hồ Dâm Đàm (hồ Tây) xem tướng sĩ tập bắn và nói đùa rằng: “Bắn thế thì có khó gì?”. Vị tướng nghe vậy, lấy làm ngạc nhiên, hỏi lại: “Thằng bé kia, mày có bắn trúng được không mà dám ăn nói như thế?”. Trương Đỗ xin thử, tướng quân liền trao cây cung cho. Thế rồi, Trương Đỗ bắn liền ba phát, cả ba mũi tên đều trúng bia. Tướng quân rất kinh ngạc, muốn nhận Trương Đỗ làm con nuôi nhưng ông không đồng ý.

Ông làm quan vào cuối thế kỷ XIV. Suốt cuộc đời làm quan, ông nổi tiếng thanh liêm, không gây dựng điền sản mà chú tâm cho con đèn sách.

Bối cảnh xã hội

Bối cảnh xã hội khi Trương Đỗ làm quan là giai đoạn nhà Trần đã suy yếu nhiều. Hào khí Đông A năm xưa từng ba lần đánh bại quân Nguyên Mông không khiến nước Chiêm Thành nể sợ. Thi thoảng, quân Chiêm vẫn đưa lực lượng ra quấy phá.

Vào thời vua Trần Dụ Tông (1341-1369), chắc hẳn giới quan lại, nho sĩ của cả nước xôn xao về sự kiện Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An dâng “Thất trảm sớ”. Nhà vua xem sớ nhưng không dám làm theo.

Vua Trần Dụ Tông (con thứ 10 của Trần Minh Tông) ham mê đàn hát, thường sai các vương hầu và công chúa bày tiệc hát tuồng cho vui. Thậm chí trò đánh bạc trước đó bị nghiêm cấm cũng được vua và quan lại thích thú chơi bời. Vua sai xây nhiều cung điện. Phía sau vườn ngự uyển vua còn sai đào ao, chở nước mặn từ biển vào để thả cá biển, đồi mồi vào nuôi.

Năm 1369, vua Trần Dụ Tông băng hà. Thể theo di chiếu và sự vun vén của Thái hậu nên triều thần đã đưa Trần Nhật Lễ lên ngôi. Trần Nhật Lễ không phải con đẻ của Cung Túc Vương Trần Nguyên Dục. Trước đó, vì mê hát nên Cung Túc Vương Trần Nguyên Dục đã cho mời gánh hát của Dương Khương đến tư dinh biểu diễn. Vợ của Dương Khương là một đào hát đẹp, lúc đó diễn vở “Vương mẫu hiến bàn đào” khiến Cung Túc Vương mê mẩn. Trần Nguyên Dục bèn ép đào hát bỏ Dương Khương lấy mình. Đâu ngờ lúc đó đào hát đã mang thai với Dương Khương. Khi sinh ra, Cung Túc Vương nhận làm con mình và nuôi chiều hết mức.

Khi vua Trần Dụ Tông bệnh nặng, sắp mất, vì không có con nối dõi nên nghe lời Thái hậu muốn nhường ngôi cho con của Cung Túc Vương Trần Nguyên Dục là Trần Nhật Lễ. Thực ra, lúc đó Thái hậu không biết đó chẳng phải là cháu ruột mình nên mới khuyên vua Trần Dụ Tông truyền ngôi cho. Đến khi biết sự thật, và chứng kiến cảnh Nhật Lễ hoang dâm, ăn chơi trác táng nên có ý muốn phế truất. Nhật Lễ thấy vậy đã nhanh tay cho người ngầm bỏ thuốc độc hạ sát Thái hậu.

Khi đã nắm ngôi trong tay, Nhật Lễ muốn bỏ họ Trần lấy lại họ Dương. Việc làm này khiến giới hoàng tộc thêm bất bình. Thái tể Trần Nguyên Trác cùng con trai là Trần Nguyên Tiết và hai cháu trai lên kế hoạch định bắt Nhật Lễ ở trong cung nhưng thất bại và bị giết.

Bấy giờ Trần Phủ (là anh trai Trần Dụ Tông, con thứ 3 của Trần Minh Tông) và các em là Cung Tuyên Vương Trần Kính, Chương Túc quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán cùng với công chúa Thiên Ninh hội quân ở sông Đại Lại, phủ Thanh Hóa, tiến về kinh đánh tan Nhật Lễ và giáng xuống làm Hôn Đức Công. Rồi Trần Phủ lên ngôi, tức là vua Trần Nghệ Tông. Mẹ của Nhật Lễ bỏ chạy sang Chiêm Thành cầu viện. Kể từ đó, Chiêm Thành thường xuyên quấy phá, tấn công Đại Việt.

Làm vua được hai năm thì Trần Nghệ Tông nhường ngôi cho em trai là Trần Duệ Tông (là con thứ 11 của Trần Minh Tông).

Vua không nghe can

Quan Hành khiển Đỗ Tử Bình được vua Trần Duệ Tông tin dùng, sai trấn giữ ở Hóa Châu (vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên ngày nay) để đối phó với Chiêm Thành. Năm Đinh Tị (1377), vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga sai người đem 10 mâm vàng tới gặp Đỗ Tử Bình nhờ dâng lên vua Trần Duệ Tông. Việc triều cống lần này với mục đích hòa hoãn để có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến với Đại Việt. Nhưng, sau khi nhận vàng, máu tham nổi lên, Đỗ Tử Bình bèn chiếm vàng làm của riêng. Tệ hơn, Đỗ Tử Bình còn bịa chuyện Chế Bồng Nga vô lễ, nhà vua cần phải đem quân đi hỏi tội. Vua Duệ Tông không biết sự tình, tưởng thật, nên tức giận, sai chỉnh đốn lương thực, binh mã, quyết trực tiếp cầm quân đi chinh phạt Chiêm Thành.

Trái với sự a dua của nhiều vị quan lại trong triều, Ngự sử Đại phu Trương Đỗ dâng sớ can gián. Lần thứ nhất, vua không nghe, Trương Đỗ dâng sớ lần thứ hai. Lần thứ hai không nghe, ông dâng sớ xin bãi chiến lần thứ ba.

Trái ngược với số phận của “Thất trảm sớ” của Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An không được các sử gia ghi chép lại nội dung, thậm chí nêu ra danh sách 7 tên nịnh thần bị đề nghị chém, thì “Bãi chiến sớ” của Trương Đỗ tuy không đầy đủ, nhưng những ghi chép ít ỏi của sử gia cũng đủ để chúng ta ngày nay thấy được sự “cả gan” và tấm lòng “chí trung” của Ngự sử Đại phu Trương Đỗ: “Chiêm Thành chống lệnh, tội cũng chưa đáng phải giết, đã thế, nó lại ở cõi xa xôi, núi sông hiểm trở. Nay, bệ hạ mới lên ngôi, đức chính và giáo hóa chưa thấm nhuần được tới phương xa, vậy hãy sửa sang văn đức, khiến nó tự đến thần phục. Nếu như nó không theo thì sau sẽ sai tướng đi đánh cũng không muộn”.

Vua không nghe can gián nên Trương Đỗ xin từ quan. Còn vua Trần Duệ Tông đang cơn hung hăng bèn đốc suất các đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa và quan Hành khiển Phạm Huyền Linh xuất binh chinh phạt. Ngày 23 tháng 1 năm Đinh Tị (1377), Duệ Tông đến cửa Thị Nại (Quy Nhơn, Bình Định ngày nay). Vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga dùng mưu đẩy quân Trần vào đất hiểm rồi đánh tan. Duệ Tông và các tướng lĩnh Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, Hành khiển Phạm Huyền Linh đều chết trận. Ngự Câu Vương Húc bị bắt sống. Trận này, Đỗ Tử Bình chỉ huy hậu quân, không chịu đến cứu nên thoát được. Còn Hồ Quý Ly thì lo việc quân lương ở phía sau, nghe tin Vua chết cũng lập tức chạy về.

Quân Đại Việt thua trận, căm ghét Đỗ Tử Bình, bèn bắt đem đóng cũi, đưa về kinh sư để trị tội. Dân dọc đường trông thấy, ném gạch đá vào Đỗ Tử Bình và không ngớt chửi rủa.

Bình về sự việc này, sử thần Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Trương Đỗ khi làm quan thì không giấu lời nói thẳng, thế là đã xứng với chức vụ của mình. Khi can ngăn thì nói đến ba lần, thế là đã dám chạm đến cả vua. Vậy mà ông không được vua nghe, thế là tâm trí vua đã lẫn. Người có trách nhiệm phải nói, không được nghe theo thì bỏ đi, thế là sự tiến lui của Đỗ đã hợp lẽ phải. Tuy lời nói thẳng thường trái tai vua nhưng lại có lợi cho thân vua. Việc này có thể lấy làm gương được”.

Tưởng là sự ô nhục của Đỗ Tử Bình đã đến đỉnh điểm, triều đình đã phạt tội đồ làm lính. Ai dè đến đời vua sau lại cất nhắc, leo dần lên bậc đại thần, quyền uy có phần còn lớn hơn trước. Thậm chí, vua Trần Phế Đế lại truy tặng Đỗ Tử Bình tước Thái bảo và cho tòng tự ở Văn Miếu. Chuyện này khiến thiên hạ rất bất bình.

Còn Trương Đỗ, sau khi mất, ông được nhân dân làng Phù Tải lập đình thờ. Các triều đại sau đều có sắc phong thành hoàng làng cho ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trương Đỗ: Tấm gương phản biện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO