Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - những ngày hậu phương lớn và tiền tuyến lớn

Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam) 03/04/2020 09:05

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 10/9/1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khi đó Mặt trận Liên Việt đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử) ra đời với lời kêu gọi: “Tha thiết kêu gọi mọi người Việt Nam, không phân biệt gái, trai, già, trẻ, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, khuynh hướng chính trị và tín ngưỡng tôn giáo, không phân biệt trước đây đã đứng về phía nào, nhưng ngày nay tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, hãy xiết chặt hàng ngũ trong Mặt trận để cùng thực hiện Cương lĩnh của Mặt trận”.

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - những ngày hậu phương lớn và tiền tuyến lớn

Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ với các chiến sĩ quân giải phóng. (Ảnh tư liệu).

Vừa ra đời, Mặt trận tích cực vận động nhân dân tham gia khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, hàn gắn vết thương chiến tranh và làm hậu thuẫn vững chắc cho chính quyền dân chủ nhân dân.

Được sự cổ vũ của Mặt trận, các tầng lớp nhân dân đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp nhau vượt qua nạn đói; khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi, giúp nhau vốn khôi phục sản xuất nông nghiệp; thành lập Ban thanh toán nạn mù chữ do Chủ tịch Mặt trận Tôn Đức Thắng phụ trách. Ban đã phát động nhiều chiến dịch như: “Tổng tiến công diệt dốt”, “Điện Biên Phủ diệt dốt” được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Ở nhiều địa phương đã thành lập các “đội xung kích diệt dốt”.

Nhờ những hoạt động mang tính toàn dân đó, chỉ sau hai năm, sản lượng nông nghiệp đã vượt mức trước chiến tranh; đã có 113 nghìn người từ 12 đến 50 tuổi thoát nạn mù chữ.

Cùng với việc phục hồi sản xuất, xóa nạn mù chữ, Mặt trận tổ chức, vận động nhân dân đấu tranh nhằm thực hiện thống nhất nước nhà. Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, lấy chữ ký kiến nghị đòi nhà cầm quyền miền Nam thi hành Hiệp định Genève, đòi lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, phản đối những vụ tàn sát đẫm máu đồng bào miền Nam, đã gây được sự chú ý rộng rãi của dư luận trong nước và thế giới.

Những hoạt động của Mặt trận trên miền Bắc không chỉ có tác dụng hiệu triệu mà còn nhằm điều hòa lợi ích giữa các giai cấp và tầng lớp, bảo đảm chính sách đoàn kết trong quá trình tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960) nhận định: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc gắn bó chặt chẽ với cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ sự nghiệp cách mạng của cả nước, đối với cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà; còn cách mạng miền Nam có vị trí rất quan trọng, có tác dụng quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam.

Đại hội đã phân tích những biến đổi sâu sắc trong các giai cấp và tầng lớp xã hội, biểu dương những thắng lợi của sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân – một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam – và khẳng định: “Muốn củng cố sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân ta, cần phải tăng cường công tác Mặt trận”.

Bước sang thời kỳ xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, tiếp tục phát triển và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, Đại hội II Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tháng 4/1961) đề ra nhiệm vụ: “Đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa, làm cho miền Bắc ngày càng vững mạnh, để xứng đáng là căn cứ địa cách mạng của cả nước”.

Được sự quan tâm, cổ vũ của Mặt trận, phong trào thi đua yêu nước phát triển sâu rộng trong các ngành, các lĩnh vực và các địa phương. Những điển hình tiên tiến xuất hiện ngày càng nhiều. Điển hình trong nông nghiệp có hợp tác xã Đại Phong, trong công nghiệp có nhà máy cơ khí Duyên Hải, trong giáo dục có trường phổ thông cơ sở Bắc Lý, trong lực lượng vũ trang có phong trào “Ba Nhất”.

Nhờ có sự đoàn kết nhất trí và tinh thần gian khổ phấn đấu của các tầng lớp nhân dân, kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã hoàn thành về cơ bản, làm cho miền Bắc thật sự là căn cứ địa vững chắc của cách mạng cả nước với chế độ chính trị ưu việt, lực lượng kinh tế và quốc phòng lớn mạnh.

Cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc – hậu phương lớn cho miền Nam – tiền tuyến lớn ngày càng leo thang. Đất nước đứng trước những thử thách hết sức nghiêm trọng.

Để phát huy sức mạnh dân tộc, ngày 27/3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt. Thành phần tham dự gồm: các vị lão thành cách mạng, nhân sĩ, trí thức, yêu nước tiêu biểu, những đại diện tiêu biểu của các ngành, các giới, anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, đại diện người Việt Nam ở nước ngoài, thay mặt cho toàn dân để bàn việc nước. Đây thực sự là “Hội nghị Diên Hồng” của thời đại Hồ Chí Minh. Hội nghị biểu thị sự đoàn kết, nhất trí và quyết tâm sắt đá của toàn dân tộc kiên quyết bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam.

Lời kêu gọi “Mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp lại đồng bào miền Nam ruột thịt” và chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” mà Hồ Chủ tịch đề ra khi đế quốc Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc có sức cổ vũ, thôi thúc tinh thần dân tộc, trở thành khẩu hiệu hành động của toàn dân trong suốt những năm chống Mỹ cứu nước.

Trong chiến tranh ác liệt, thi đua yêu nước là biểu hiện cụ thể và sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Phong trào thi đua yêu nước đã phát triển tới một quy mô và trình độ mới, ăn sâu và tỏa rộng trong toàn dân. Một số phong trào mang tính chất toàn dân như: “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Kết nghĩa Bắc – Nam” được Mặt trận các cấp thường xuyên duy trì và có nhiều hình thức, biện pháp động viên các tầng lớp nhân dân tham gia.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc lần thứ II, sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc đã giành được những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ III họp vào tháng 12/1971 với khẩu hiệu “Tất cả để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”. Sau Đại hội, quân và dân miền Bắc với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và quyết tâm “Thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước” đã chống trả quyết liệt và đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B.52, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris và rút quân về nước.

Tranh thủ điều kiện hòa bình, nhân dân miền Bắc đẩy mạnh hàn gắn và khắc phục hậu quả chiến tranh, tiếp tục hoàn thành sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội nhằm tăng cường tiềm lực về kinh tế và quốc phòng, xây dựng miền Bắc thật vững mạnh, làm tròn nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn.

Như Báo cáo Tổng kết chiến tranh chống Mỹ, cứu nước đã nêu: Suốt 21 năm chiến tranh, vì miền Nam ruột thịt, miền Bắc – hậu phương lớn đã dồn sức người, sức của cho miền Nam – tiền tuyến lớn. Sự chi viện đó là to lớn, toàn diện, thường xuyên và liên tục với nhịp độ ngày càng tăng nhằm đáp ứng đòi hỏi của chiến trường.

Như Báo cáo chính trị tại Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Không thể nào có thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước nếu không có miền Bắc xã hội chủ nghĩa suốt 16 năm qua luôn cùng một lúc làm hai nhiệm vụ chiến lược”.

Tháng 1/1964, phát biểu tại Đại hội lần thứ hai Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ nêu rõ ý nghĩa của sự chi viện của miền Bắc: “Chúng ta biết rằng, đồng bào miền Bắc chia lo âu và cùng mừng rỡ với chúng ta. Đồng bào không bao giờ quên miền Nam và đang làm hết sức mình để giúp đỡ thiết thực chúng ta”.

Cùng với việc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn, miền Bắc còn tiếp nhận hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ, con em miền Nam tập kết, đón tiếp 310 nghìn thương binh, bệnh binh và hơn 350 nghìn cán bộ, chiến sĩ từ tiền tuyến trở về hậu phương chữa bệnh, an dưỡng, phục hồi sức khỏe với sự chăm sóc tận tình.

Khi Trung ương hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong năm 1975 thì chỉ riêng trong tháng 1 và 2/1975, miền Bắc đã huy động thêm ngoài kế hoạch 26 vạn tấn đạn dược và các nhu yếu phẩm thiết yếu chi viện cho miền Nam.
Như vậy, trước khi bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, hậu phương lớn miền Bắc đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Nhân dân miền Bắc có quyền tự hào chính đáng là trong suốt 21 năm đấu tranh xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đã luôn luôn đồng cam cộng khổ với đồng bào miền Nam từ thời kỳ đen tối nhất đến lúc thắng lợi vẻ vang, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình là: “Đoàn kết, động viên các tầng lớp nhân dân xây dựng và bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam” như Cương lĩnh của Mặt trận đã đề ra.

Đại thắng mùa Xuân 1975 lại một lần nữa khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Không một kẻ thù nào có thể chia cắt nổi. Nó cũng chứng minh chân lý mà Hồ Chủ tịch đã tổng kết:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - những ngày hậu phương lớn và tiền tuyến lớn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO