Vẻ đẹp phồn thực từ ngòi bút đến cây cọ

Phạm Quang Đẩu 03/12/2017 11:10

Một dạo các trang văn nghệ nhiều tờ báo trong nước đăng rầm rầm những truyện ngắn của Trần Trung Chính, từ Con trắm đen, đến Dạ đề, Để mình yêu mình hơn, Mun và tôi, Có lẽ em sẽ ngã lòng... Lúc đó tác giả còn lạ hoắc. Nhưng những truyện kể trên đều gây được ấn tượng với người đọc.


Một tranh sơn mài trong bộ Khởi nguyên.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh khi ấy là phó tổng biên tập báo Văn nghệ, phụ trách phần văn xuôi đã thừa nhận: “Tôi rất thích loại truyện hơi cổ kính một tí. Tức là khai thác sâu tâm tính con người ta để tải một cái gì đó động đến thân phận hơn là kể một câu chuyện. Có lẽ vì thế mà tôi mê truyện của nhà văn Trần Trung Chính. Truyện của anh Chính có cái vẻ đẹp cổ kính nhưng lại rất tân thời ở hình thức thể hiện. Sau mỗi thiên truyện là một niềm day dứt khiến cho tôi phải tự chiêm nghiệm lại mình.”

Người viết bài này ngày ấy đã đọc một cách thích thú những truyện của Trần Trung Chính dẫu chưa hề quen biết anh. Có lẽ truyện hay nhất của anh là Con trắm đen đăng trên báo Văn nghệ. Nhân vật “lão” trong truyện một ông già mù lòa, góa vợ ở một miền quê nghèo thuần Việt. Hằng ngày lão chăm bẵm đứa cháu nội và miên man nhớ về người vợ đã khuất. Lão nhớ vợ lúc ăn trầu “bà ấy sạch lắm, dây tí quết trầu cũng phải lau kỹ càng”, còn nhớ cả việc “vợ chồng ngủ với nhau cũng dè sẻn, bà dỗ dành những lúc lão muốn lắm, vuốt và gãi đầu lão nhè nhẹ: Ông ngủ sớm lấy sức đi làm nuôi mẹ con tôi”. Lão vốn sát cá và thầm nghĩ “chỉ cần trăng thật thanh, gió rười rượi đưa bà về xem ông cháu tôi giật một con trắm đen”. Thế rồi một con trắm đen khổng lồ cắn vào mồi câu của lão, một cuộc vật lộn gay cấn hòng khuất phục thủy quái đã diễn ra với nhiều dòng mô tả dồi dào xúc cảm ẩn dụ. Đó chính là giấc mơ đẹp cuối cùng của ông lão mù khi đi về thế giới bên kia được mang món quà tặng cho người vợ yêu quý. Truyện chỉ có thế. Đúng như nhận xét của nhà văn Trung Trung Đỉnh, đọc xong có “một niềm day dứt” khôn nguôi về lẽ nhân sinh còn đọng lại.

Thế rồi một hôm tình cờ tôi gặp tác giả Trần Trung Chính. Tôi vốn quen biết đã lâu với anh Trần Thế Tôn, thương binh nặng hạng 1 mù cả hai mắt mà giỏi làm kinh tế thị trường, lúc đó ở Hà Nội anh đang điều hành từ xa một nhà máy sản xuất đồ hộp xuất khẩu đặt trên đất Hưng Yên. Tôi đến thăm anh, thấy có tờ tạp chí Người đô thị số mới nhất, lật trang bìa ghi tổng biên tập Trần Trung Chính. Hóa ra anh ấy cũng làm báo. Anh Tôn hỏi, hai nhà báo có muốn làm quen với nhau không? Anh gọi điện, khoảng nửa giờ sau Trần Trung Chính đến. Anh kém tôi vài tuổi, một người tầm thước da ngăm ngăm, vóc dáng vâm vác, tóc xoăn đen nhánh, nói năng nhỏ nhẹ và luôn cười tươi.

Cùng trong làng báo với nhau cả, thời anh làm tờ Lao động cuối tuần, thì tôi làm tờ Quân đội nhân dân cuối tuần, anh viết bài thường ký “Hân Hương” tên hai cô con gái rượu xinh đẹp, học giỏi của mình. Từ quen đến thân, chúng tôi năng gặp nhau. Hóa ra nghề được đào tạo bài bản của anh là hội họa. Tuổi trẻ Trần Trung Chính gắn liền với Trường Sơn, với Khu 5 thời chống Mỹ. Năm 1972 đang học trường mỹ thuật ở phố Yết Kiêu (Hà Nội), anh lên đường vào chiến trường Khu 5, sinh hoạt cùng chi hội văn nghệ với các nhà văn Nguyễn Chí Trung, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Khắc Phục, Trần Vũ Mai… Rồi làm báo Giải phóng Khánh Hòa, anh từng đi với tiểu đoàn đặc công 407 đánh vào quân cảng Cam Ranh; cuối năm 1974, đi với đại đội 10 pháo binh pháo kích vào sân bay Thành Sơn, Ninh Thuận. Nước nhà thống nhất anh về học tiếp tại Đại học Mỹ thuật ở TP Hồ Chí Minh. Rồi về Bộ Văn hóa thông tin, năm 1986 được cử sang Hungary thực tập sinh tại Cao đẳng Mỹ thuật Budapest

Nhà anh ở bán đảo Linh Đàm, mấy lần tôi đến đều thấy anh cởi trần trên tầng ba căn buồng khá rộng hí hoáy cầm cây cọ quệt pha màu, rồi cặm cụi mài đi mài lại trên tấm vóc. Xung quanh anh ngổn ngang toàn những đồ nghề sơn mài: bút thép, mo nang, bát đựng mầu, sơn cánh dán, giấy ráp, vỏ trứng, quỳ bạc, vàng dát mỏng… Thấy tôi nhìn bát đựng bột mầu vàng chóe, anh bảo bột xay từ vàng thật chín chín phần trăm đấy. Trên mấy giá gỗ có những tấm vóc đã được vẽ mài nhiều lần, hình khối mảng miếng đang dần hiện ra. Toàn là hình thể người phụ nữ bị “bóp các kiểu”, có hình giống đám mây phổng phao bay trên nền trời xanh, có hình giống một bức tượng gỗ hay tượng đá cách điệu... Anh bảo, hoàn thành một tranh sơn mài kích cỡ trên 1,2 mét khổ hình chữ nhật hay vuông như thế này cũng mất đôi ba tháng. Những bức sơn mài anh thể hiện trong hàng năm cùng có một chủ đề đặt tên chung là “Khởi nguyên”. Anh đã thôi không làm chủ báo Người đô thị nữa, mà lãnh trách nhiệm viện phó Viện Đô thị thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Ngoài thời gian cho các nghiên cứu chuyên đề về đô thị xưa và nay, anh dành tâm huyết hoàn thành bộ Khởi nguyên. Rồi bẵng một thời gian khá dài bận không đến thăm anh được, một hôm anh gọi điện cho tôi: “Đến xem tranh nhá. Gallery phố Lê Ngọc Hân”.


Họa sĩ, nhà văn Trần Trung Chính.

Anh bạn tôi đang đứng giữa những đứa con tinh thần mới tinh khôi lộng lẫy, seri hàng chục bức sơn mài khổ lớn. Khởi nguyên- sự bắt đầu của thẩm mỹ nhân loại được gợi lên từ hình thể người phụ nữ. Vẻ đẹp phồn thực thuở hồng hoang của loài người gắn liền với chức năng sinh nở được anh thể hiện mang tính biểu tượng với nhiều sắc thái hội họa lạ mắt, độc đáo. Xung quanh nhân vật chính, có bức thấp thoáng các loài thuỷ tộc cá, rắn nước, mực ống… ẩn dụ cho môi trường nước là tiên khởi của sự sống, có bức lại điểm xuyết họa tiết uấn lượn mang phong cách phương Đông làm ta gợi nhớ đến trường phái tượng trưng của họa sĩ nổi tiếng người Áo Gustav Klimt (1862-1918).

Hôm đó tôi đến phòng tranh ở phố Lê Ngọc Hân, đã hội tụ khá đông văn nghệ sĩ, bạn chiến đấu Khu 5 của anh. Một hoạ sĩ tôi mới gặp lần đầu, nhưng anh tỏ ra rất cởi mở, đã nói về phong cách tranh của bạn: “Thường thì cách vẽ sơn mài của tôi hay nhiều người là dùng nét giữ hình, còn Chính lại dùng khối, mảng sáng tối giữ hình, tạo nên cách biểu hình rất riêng”. Ngắm nghía những bức tranh của anh, tôi chợt liên hệ đến những truyện ngắn của anh, có cái gì đó xuyên suốt về văn hóa phồn thực, giữa thứ để “đọc” và thứ để “nhìn”. Môtip truyện ngắn thường gặp của anh là độc thoại nội tâm của nhân vật chính với nhiều loại đối tượng, như ông lão mù với người vợ đã khuất (truyện Con trắm đen); cô gái mới lớn với con lợn đực giống (Để mình yêu mình hơn); hoặc chàng trai đánh xe chở cát với con bò lông mầu mun (Mun và tôi)... Thể nào trong đó cũng có những dòng mô tả cảnh âu yếm phồn thực hoặc những suy nghĩ nhục cảm dẫu chỉ là thoáng qua. Truyện hay tranh của anh, đúng như nhận xét của nhà nghiên cứu văn hóa, tiến sĩ Lê Ngọc Trà có lần đã viết trên tạp chí Văn hóa và đời sống: “Trần Trung Chính muốn đi sâu vào nội giới phức tạp của con người trong đó đan xen cả tự giác và vô thức, cả lý trí nhận thức và phức cảm tình dục, cả cái thực và cái ảo, cả cái hiểu được và cái như là vô nghĩa”.

Có lần tôi đã hỏi anh về duyên cớ, cùng cảm hứng đề tài mỗi khi cầm bút viết hoặc cầm cọ vẽ. Trong email trả lời (ngày 25-9-2017), có những dòng mà anh gọi là “tự thú”: “Ở vùng châu thổ Bắc Bộ, đứa trẻ thấy mẹ, chị nó trồng lúa trên những cánh đồng ăm ắp nước. Bên con chim nước, họ tìm kiếm những con cá nhỏ trong các mảnh ruộng. Khoảnh khắc đầu tiên nó phát hiện giới tính của mình khi nhìn thấy người đàn bà tắm ven đầm nước một đêm xuân ấm, trong tiếng cá quẫy vật đẻ. Nó bắt đầu yêu thân thể mập mạp của họ như những người đàn ông thời tiền sử đã ham muốn các vệ nữ lực lưỡng của mình. Đó là nỗi ám ảnh trong tuổi thơ tôi, ám ảnh khởi đầu về sự sống”.

Một khởi nguyên như thế, ắt phải viết và vẽ như thế!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẻ đẹp phồn thực từ ngòi bút đến cây cọ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO