Vĩnh biệt Nhà báo Đỗ Phượng - Ủy viên Ủy ban TƯMTTQ VN: Người bắt đầu từ báo Cứu Quốc

Ngọc Anh 17/10/2017 09:05

Nhà báo Đỗ Phượng là một tên tuổi lớn của nền báo chí Cách mạng Việt Nam, từng giữ cương vị Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Nhưng với Mặt trận, với báo Đại Đoàn kết, ông đích thực là “người nhà” – nơi mở đầu cuộc đời làm báo, ông bắt đầu bằng những công việc đầu tiên ở tờ báo Cứu Quốc (Đại Đoàn kết ngày nay) của Mặt trận Việt Minh; nơi hơn 20 năm Hội Sinh vật cảnh do ông đứng đầu là một tổ chức thành viên tích cực của Mặt trận.


Nhà báo Đỗ Phượng.

1. Nhớ về nhà báo Đỗ Phượng, là nhớ đến phong thái của ông tại các kỳ cuộc của Mặt trận, ở hội trường 46 Tràng Thi hoặc ở các trung tâm hội nghị lớn hơn. Nhiều năm, kể cả lúc đã gày gò lắm, kể cả khi tiếng nói đã không còn sang sảng, ông cũng hiếm khi nào vắng mặt. Mà đã đến, là luôn phát biểu, tâm huyết và đầy trách nhiệm. Chẳng hạn như nỗi tâm tư của ông về việc ngày bây giờ người ta chưa thấy hết được vai trò của các tổ chức nhân dân. Cách mạng thắng lợi là dựa vào dân, đoàn thể nhân dân quyết định thắng lợi. Bác Hồ xây dựng quân đội cũng trên nền tảng đó. Ông bảo rằng đây là đặc trưng Hồ Chí Minh. Đối với Bác, dân tộc và các tầng lớp nhân dân luôn là số một. Nói đến Mặt trận Việt Minh là nói đến việc thu phục tuyệt đại bộ phận các tầng lớp nhân dân của Bác. Bác rất tôn trọng những cán bộ biết làm công tác Mặt trận, dân vận. Chẳng hạn như ông mong muốn chính sách đoàn kết dân tộc ngày nay phải bắt nguồn từ tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy các tầng lớp nhân dân làm gốc. Hoặc ông phát biểu trăn trở về tiếng nói phản biện của Mặt trận. Đó “không phải là tiếng nói của lãnh đạo hay cán bộ Mặt trận mà là tiếng nói tập hợp từ các tầng lớp nhân dân”. Bởi vậy mà phẩm chất của người làm công tác Mặt trận ngày nay là biết tập hợp ý kiến và biết lắng nghe để chọn lựa được những ý kiến phù hợp nhất.

“Phản biện cái gì? ai làm phản biện?” – ông từng có lần đặt câu hỏi. Rồi trả lời rằng ngay trong mỗi tầng lớp như nông dân chẳng hạn không phải ai cũng làm được việc là đóng góp ý kiến. Nhưng mỗi tầng lớp có những cá nhân tiêu biểu của tập thể đó, những người đó sẽ nói lên ý kiến của những người trong cuộc. “Mặt trận biết lắng nghe thì mới chọn lựa được những ý kiến phù hợp nhất, mới tạo nên lợi ích thật sự của phản biện và mới có sự tiếp thu phản biện một cách tốt đẹp. Chứ nếu chỉ là những lời nói làm vừa lòng cả 2 bên thì ít có giá trị thực” – ông nói.

Nhớ có lần trả lời phỏng vấn, ông nói với phóng viên rằng Mặt trận cũng đã làm và đang làm nhưng ông mong muốn cần phải làm thế nào, tính toán thế nào để có hình thức động viên quần chúng tham gia đóng góp ý kiến và phải tổ chức được bộ phận biết lắng nghe, biết tiếp nhận. Lần ấy, ông đã nói rất chân tình: “Đấy mới là làm phản biện thật sự”. Phản biện là phải có cách thức tổ chức thì mới tập hợp được thực sự những ý kiến đúng đắn của những tầng lớp có quan hệ với chính sách ấy.

Cũng chỉ có ông, mới nói những lời gan ruột, khá “động chạm” vào thời điểm xuất hiện nhiều ý kiến phản biện với Đảng, Nhà nước trong giới trí thức: “Nghe trí thức thì phải tìm đến những người đang làm khoa học thực sự, những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực của họ, những người làm thực sự thì họ ít có thời giờ nói mà cũng không hăng hái nói, họ ngại đăng đàn. Tiếng nói của những người làm thực sự thường rất cẩn trọng, người ta mới có đề xuất phù hợp với thực tiễn. Chúng ta tôn trọng những người hay đăng đàn nhưng cũng cần đi vào trí thức một cách thực sự”.

Rời cương vị Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam – ông đột ngột làm một việc thoạt nghe như “không liên quan” đến phẩm hàm của một nhà báo lão luyện, nhiều mối quan hệ và uy tín như ông. Đó là Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh. Nhưng rồi, khi nhiều lần đến thăm ông ở trụ sở Hội (1 phòng làm việc ở Trần Hưng Đạo của cơ quan Thông tấn xã) mới hiểu vì sao ông dành đến 20 năm cuối đời cho công việc ấy (ông vừa chính thức rời cương vị Chủ tịch Hội vào tháng 6 vừa qua). Cũng hiểu, đối với những người thực tài, dù ở bất cứ cương vị nào, người ta cũng có thể làm tốt việc như người ta muốn. Như ông, khi làm chủ tịch một hội nghề nghiệp thuần túy như sinh vật cảnh, cái tài của ông là vẫn tiếp tục làm báo và làm chính trị. Đó là việc ông cho ra đời tạp chí Việt Nam hương sắc của Hội và việc ông đưa Hội trở thành thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, luôn luôn đóng góp tiếng nói phản biện chân tình, sâu sắc.

2. Về cuộc đời làm báo của ông, người viết bài quá nhỏ bé để có thể bàn góp vào. Ở bài viết này, chỉ kể lại những gì ông đã kể về những buổi đầu vào nghề báo vinh quang, với đầy niềm tự hào, rằng: “Cứu Quốc là tờ báo sinh ra tớ”.

Đó là những tháng ngày làm nghề ở tờ báo Cứu Quốc Liên khu 3 đầy gian khổ. Ở đó như ông nói, ông bắt đầu bằng công việc của một phóng viên, học hỏi những kỹ năng làm báo vào khoảng năm 1950, từ những bậc đàn anh đi trước. Ở đó, ông được giải thích để hiểu về các thể loại báo chí và về cả việc xếp chữ, lên trang, cách làm ảnh… Ở đó, ông nhớ rất rõ cái lần in báo Cứu Quốc Liên khu 3, chính ông đã tự rà soát, đọc, chỉnh sửa bản in bài xã luận do ông viết. Đó là bài xã luận về sắc lệnh giảm tô và cải cách ruộng đất. Dù đã rất cẩn thận, nhưng khi báo in ra vẫn sai một từ. Chính xác hơn, ông kể, chỉ là sai một cái dấu nặng lại thành ra dấu hỏi. Nghĩa là ông viết sắc lệnh là “trợ lực” cho cuộc đấu tranh của người dân, thì bản in đã thành “trở lực”. Sai một cái dấu, nội dung đã mang một nghĩa khác. Bản in ra đã phải thu hồi lại vào sáng hôm sau, còn cái lỗi sai một cái dấu “chết người” ấy đã trở thành bài học mà sau này ông thường xuyên nhắc lại trong những buổi nói chuyện với phóng viên trẻ và sinh viên báo chí. Nhưng cũng bởi trưởng thành từ một phóng viên, thấu hiểu sự khắc nghiệt của nghề báo, ông cảm thông sâu sắc với công việc tòa soạn và hiểu rằng đôi khi vẫn có những lỗi morat không mong muốn xảy ra. Điều này đòi hỏi sự cẩn thận cao độ trong nghề nghiệp là vì vậy.

Chắc có lẽ, từ “cái buổi ban đầu lưu luyến ấy” mà ông, lúc nào cũng dành cho Đại Đoàn kết một sự ưu tiên. Kể cả những hôm mệt lắm, không tiếp ai mà nghe điện thoại biết là phóng viên Đại Đoàn kết, ông lập tức bảo cứ đến đi. Rồi lần nào ông cũng nói những lời hoài niệm: “Ngày xưa, Cứu Quốc có vị trí đặc biệt, có những thời kỳ tờ báo gần như là tiếng nói chính thức của Đảng và nhân dân, chứ không chỉ riêng là tiếng nói của Mặt trận”. Và băn khoăn trăn trở về vị trí của tờ báo Mặt trận ngày nay: “Đáng lẽ trong điều kiện hiện nay, báo Đại Đoàn Kết phải có vị trí tốt hơn. Trong số những tờ báo đứng đắn, nghiêm chỉnh ngày nay, Đại Đoàn Kết có lợi thế và tư thế của tờ báo Mặt trận, tổ chức chính trị đoàn kết và tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân… Điều mà các tờ báo khác, ở vị trí khác không có được.”

3. Trưa ngày 8/10, nhà báo Đỗ Phượng đã trút hơi thở cuối cùng. Có lẽ từ bây giờ ông mới chính thức nghỉ hưu. Bởi vì từ hồi nghỉ hưu, dường như ông chưa nghỉ bao giờ (đến tận tháng 6 vừa qua, ông mới thôi làm Chủ tịch Hội sinh vật cảnh). Nhớ cách đây không lâu, đến phòng làm việc của ông ở 11 Trần Hưng Đạo, ông nằm trên chiếc giường gấp, gầy gò. Thấy có khách thì chuyển sang ghế ngồi, 2 chân gác lên bàn như một thói quen vốn đã quen thuộc với nhiều người. Và… vẫn hút thuốc lá. Trong lúc trả lời phỏng vấn, ông còn giải quyết nhiều việc khác. Nghĩa là khá bận rộn. Nhưng có lẽ, cũng nhờ làm việc không ngừng nghỉ, nên ngay cả khi thể xác không còn khỏe mạnh, ông vẫn có một trí tuệ minh mẫn. Đặc biệt, là chưa bao giờ hết sự tinh anh và hài hước, hóm hỉnh.

Ngay cả cách ông gác cả 2 chân lên bàn khi ngồi làm việc và tiếp khách, cách ông châm thuốc liên tục (những điếu thuốc luôn được bẻ làm đôi, mỗi lần chỉ châm nửa điếu), đều thể hiện một phong thái đặc biệt, của một người trải đời, an nhiên, tự tại.

Bây giờ thì ông đã được nghỉ rồi. Xin được vĩnh biệt nhà báo lão thành Đỗ Phượng - một Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam tới 5 khóa liền, một “người Cứu Quốc” - bằng tình cảm trân trọng và tiếc thương vô hạn của những người làm báo Đại Đoàn kết hôm nay. Cầu chúc ông an giấc ngàn thu!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vĩnh biệt Nhà báo Đỗ Phượng - Ủy viên Ủy ban TƯMTTQ VN: Người bắt đầu từ báo Cứu Quốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO