Với vị 'Thủ tướng một ngày'

Đăng Ngọc 21/04/2020 09:08

Tháng 11/1993, Bộ Chính trị (khóa VII) ban hành Nghị quyết số 08 về chính sách và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là Nghị quyết đánh dấu một bước chuyển biến lớn trong chính sách kiều bào vào thời điểm đó trên quan điểm đại đoàn kết dân tộc, xóa bỏ mặc cảm, hận thù. Ngay sau khi Nghị quyết ra đời, tôi đã có dịp gặp gỡ với một số vị tướng lĩnh, quan chức chế độ cũ còn ở lại Sài Gòn, trong đó có ông Vũ Văn Mẫu - người từng làm Thủ tướng 1 ngày (từ 29 đến 30/4/1975) của Chính phủ Việt Nam cộng hòa - để viết bài về chủ đề này. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, tôi lật giở cuốn Sổ tay phóng viên, viết lại cuộc trò chuyện xung quanh chủ đề hòa hợp hòa giải dân tộc với ông Mẫu.

Với vị 'Thủ tướng một ngày'

Ông Vũ Văn Mẫu từ chức Ngoại trưởng chính phủ Việt Nam Cộng hòa để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo, năm 1963.

Đăng Ngọc:Trong quá trình tham gia nội các của Chính phủ Việt Nam cộng hòa, với ông có hai sự kiện mang tính “đối lập”: từ chức và nhận chức. Năm 1963, ông từ chức Ngoại trưởng, một chức vụ béo bở trong Chính phủ cũ mà nhiều người nằm mơ cũng không có được. Tới tháng 4/1975, trong lúc nhiều nhân vật chóp bu chế độ cũ như Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức từ ngày 25/4 để bay tới Đài Bắc, Đại tướng Trần Thiện Khiêm, Tổng trưởng quốc phòng, Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ cùng hàng loạt quan chức, tướng lĩnh cao cấp của Việt Nam cộng hòa di tản thì ông vẫn ở lại. Vì sao có sự lựa chọn này?

Ông Vũ Văn Mẫu: Câu hỏi thật lý thú, nếu nói cặn kẽ thì mất nhiều thì giờ, tôi nói qua hai sự kiện có tính bước ngoặt này:

Sau khi có vụ tấn công chùa Xá Lợi và một vài chùa khác trong đêm 20/8/1963 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, thì có phiên họp nội các lúc 5 giờ rưỡi sáng ngày 21/8/1963. Khoảng 11 giờ ngày 22/8/1963, tại dinh Gia Long diễn ra Lễ trình ủy nhiệm thư của Đại sứ Anh. Với tư cách là Ngoại trưởng, tôi đứng cạnh Tổng thống Diệm trong buổi lễ đó. Bề ngoài tôi tỏ ra điềm tĩnh, nhưng trong đầu thì ngổn ngang suy nghĩ về ý định từ chức từ hôm họp nội các. Ba giờ rưỡi chiều 22/8/1963, tôi đến tiệm hớt tóc để cạo trọc đầu, sau đi bộ về nhà và thảo đơn từ chức gửi Tổng thống Ngô Đình Diệm. Tôi chọn thời điểm đó, trước khi tân Đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge tới miền Nam nhận nhiệm vụ. Nếu sự việc từ chức xảy ra sau đó thì anh em nhà ông Diệm -Nhu sẽ bẻ cong sự thật, cho rằng tôi chỉ là một con bài của Mỹ, sự từ chức của tôi là do Mỹ xúi giục và như vậy, sự việc hoàn toàn mang tính chính trị, chứ không phải vấn đề bảo vệ đạo Phật, phản đối chính sách kỳ thị và đàn áp Phật giáo của ông Diệm như tôi hằng suy nghĩ. Tôi là một Phật tử với hiệu là Minh Không, bằng mọi giá phải bảo vệ Phật pháp, bảo vệ tự do tín ngưỡng và sự đoàn kết dân tộc.

Sau hôm xin từ chức, tôi tổ chức họp toàn thể nhân viên trong Bộ Ngoại giao giải thích quyết định của mình và tái khẳng định, tôn trọng tự do tín ngưỡng và công bằng xã hội là tôn trọng các quyền của con người. Vi phạm các quyền này là chà đạp lên nhân phẩm, là dẫm chân vào con đường phân hóa quốc dân và phản bội truyền thống đoàn kết của dân tộc. Tối hôm đó, nhiều nhân viên cao cấp của chính quyền và chính ông Diệm điện thoại thuyết phục tôi rút quyết định từ chức, hoặc hoãn quyết định này vài tháng nữa. Nhưng tôi đều trả lời, “đã suy nghĩ kỹ về việc này”. Ngày 24/8/1963, tôi tới Đại học Luật, nơi tôi vẫn giảng dạy thì buổi tối ông Nhu gọi điện thoại, dọa dẫm, không được ra trường Luật nữa. Chiều ngày 26/8/1963, tôi bị chặn lại không cho ra sân bay Tân Sơn Nhất để lấy vé máy bay sang Ấn Độ - hành hương đất Phật. Ngay hôm đó cảnh sát bắt tôi đưa về trại giam Lê Văn Duyệt. Sau đó tôi được thả và hành hương tới Ấn Độ bằng máy bay của hãng Air France chiều ngày 29/8/1963. Ngày 15/9/1963, tôi hoàn tất cuộc hành hương, rời Ấn Độ sang Pháp. Trước khi rời Ấn Độ, tôi gửi thư về cho Tổng thống Diệm xác định dứt khoát việc từ chức.

Trong quá trình hoạt động dưới chính quyền Việt Nam cộng hòa, tôi thường suy nghĩ để có nhiều hoạt động cho phong trào hòa bình và hòa giải dân tộc. Khi tướng Dương Văn Minh trở thành Tổng thống, tôi được đề cử vào chức vụ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa. Tôi nhận chức vụ này với mong muốn được tham gia thương lượng để chấm dứt một chiến tranh đã quá dài, gây tổn thất cho cả hai bên. Dù ở trong cương vị này 1 ngày tôi vẫn cản thấy vinh dự, vì được đóng góp vào tiến trình hòa bình ở nước ta. Ngay khi nhận chức tôi ra tuyên bố, yêu cầu người Mỹ phải rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Chính phủ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ là điều tôi đã nhận ra trước đó. 6 giờ sáng 30/4/1075, các tướng lĩnh báo cáo tình hình chiến sự tại Dinh Độc Lập cho Tổng thống, Phó Tổng thống và tôi nghe, sau đó chúng tôi quyết định không nổ súng và giao chính quyền cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ông Dương Văn Minh có người em là Đại tá trong Quân đội Việt Nam, ông ấy và tôi tin tưởng vào chính sách khoan hồng của Cách mạng.

Với vị 'Thủ tướng một ngày' - 1

Tuần hành phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm, năm 1963. (Ảnh: Ban tôn giáo Chính phủ).

Ông còn nhớ và nghĩ gì về những ngày ở lại trong Dinh Độc lập, sống cùng với những “anh bộ đội Cụ Hồ”?

- Những ngày đầu Sài Gòn được giải phóng, ông Dương Văn Minh, tôi và Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo, quyền Tư lệnh quân lực Sài Gòn Nguyễn Hữu Hạnh cùng với gia đình chúng tôi được bộ đội tiếp tế thức ăn, các vật dụng khác rất đầy đủ. Sau đó chúng tôi cùng gia đình được bộ đội giải phóng bảo vệ trên đoạn đường từ Dinh về nhà riêng một cách an toàn.

Thời kháng chiến chống Pháp Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc lão thành cách mạng trực tiếp vận động các nhà trí thức về nước tham gia kháng chiến như kỹ sư Trần Đại Nghĩa, kỹ sư Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước, đến nay (1993 -

NV) đã xuất hiện một vài trí thức ra đi sau 30/4 có ý định về quê hương đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước. Ông có dự báo gì về lực lượng chất xám này?

- Mặc dù cách trở về mặt địa lý và nhiều yếu tố khác, trí thức Việt Nam ở nước ngoài, kể cả trí thức từ thời kháng chiến chống Pháp vẫn luôn dành nhiều tình cảm cho quê hương, mong mỏi được cống hiến tài năng, công sức của mình cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay chưa có đầy đủ điều kiện, cơ sở vật chất để trí thức Việt kiều có thể làm việc một cách hiệu quả, vì vậy tài năng, trí tuệ của họ đóng góp cho đất nước bị hạn chế.

Với vị 'Thủ tướng một ngày' - 2

Là một người luôn đề cao vấn đề đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, ông có suy nghĩ gì về chính sách kiều bào để góp phần thúc đẩy việc xóa bỏ mặc cảm, hận thù?

- Tôi thấy, từ giữa những năm 1980 đến nay (1993), bằng nhiều chính sách, việc làm thiết thực, thể hiện lòng chân thành, khoan dung, nhân ái của cách mạng. Với kiều bào, có nhiều người trở thành đại biểu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc các địa phương. Nhiều địa phương đã thành lập các hội liên lạc, hội thân nhân kiều bào.

Phương pháp đàm phán và đối thoại là cách tốt nhất để giải quyết sự khác biệt, dần dần xóa bỏ mặc cảm, hận thù. Việc hòa hợp và hòa giải phải được thực hiện một cách chủ động chứ không chỉ hy vọng, trông chờ vào sự tự thay đổi của bên kia.

Một điều cần nhấn mạnh nữa, khi viết về lịch sử, hoặc báo chí có viết bài về các sự kiện liên quan tới 30/4 phải thật khách quan, tránh gây hiểu lầm để rồi dẫn tới thù hận.

Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ta luôn khẳng định: tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, quan điểm của ông thế nào?

- Nghị quyết số 08 mà anh đề cập tới lúc mở đầu cuộc trò chuyện về “công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, tôi thấy rất phù hợp với tình hình hiện tại. Hòa hợp, hòa giải là ước vọng chính đáng của đại đa số người Việt Nam trong nước và sinh sống ở nước ngoài. Quan điểm “người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” đã được khẳng định, đánh dấu bước đổi mới về tư duy trong việc vận động cộng đồng người Việt ở nước ngoài hướng về Tổ quốc. Tìm mẫu số chung cho câu chuyện đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc còn nhiều việc phải làm, là công việc trường kỳ và phải xuất phát từ thực tâm của hai phía.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Với vị 'Thủ tướng một ngày'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO