Vườn tiên se sẽ bóng người...

Ngô Hương Sen 01/02/2020 09:26

Trước 49 ngày nhà điêu khắc Lê Công Thành vài hôm, họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái gọi điện, mời dự một buổi tưởng niệm ông do học trò và bạn bè đứng ra tổ chức. Biết lúc đấy bận, không đến được, nên tranh thủ ghé trước qua nhà, thắp cho ông nén hương, nói cùng họa sỹ Kim Thái dăm ba câu chuyện. Bà hình như vẫn chưa quen với việc ông đã ra đi, cứ bần thần tay chân, cười cười mà như mếu, lật giở từng trang báo viết về ông, từng tờ giấy có chữ ông viết. Rồi không kìm được, bà thốt lên, nghẹn ứ: "Cô buồn lắm, nhớ bác lắm"...

Vườn tiên se sẽ bóng người...

Cuối tháng 3 năm 2019, nhà điêu khắc Lê Công Thành qua đời. Nửa năm sau, cuối tháng 9 vắt qua cả tháng 10, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng - quê hương ông, tổ chức triển lãm tranh tượng Lê Công Thành. Lặng lẽ, cho đến khi nhà điêu khắc Lập Phương giới thiệu trên facebook cá nhân, nhiều người mới ớ ra tiếc nuối, nếu biết trước, đã vào tham dự. Bởi họa sỹ Nguyễn Thị Kim Thái e dè, đường xá xa xôi, ngại phiền mọi người nên không thông báo. Đúng kiểu ông bà thường ngày, lúc nào cũng sẽ sàng, ông sẽ sàng ngồi ở gian phòng có bức tượng Bác Hồ tuyệt đẹp tiếp khách, bà sẽ sàng nước nước trà trà phụ giúp ông, thi thoảng lại nhoẻn cười tươi rói. Cả hai vợ chồng già sống với thế giới riêng của họ, thực ra bà Kim Thái sống trong thế giới của chồng, tận tâm và bao dung vô bờ bến... Ông đã hơn một lần bày tỏ ý định, hoặc bán, hoặc hiến tặng bức tượng Bác Hồ cho một cơ quan đoàn thể bảo tàng nào đó để trưng bày hoặc thờ, cho công chúng chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật có một không hai về lãnh tụ. Nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên từng nhận định rằng: "Tượng Bác Hồ của nhà điêu khắc Lê Công Thành là đỉnh cao. Chỉ khái quát thôi mà Lê Công Thành đã tụng ca được tầm vóc vĩ đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhất là ở phần thân tượng, tác giả không làm như mô típ thông thường mặc áo kaki đại cán 4 túi mà thay vào đó là nửa quả địa cầu", một hàm xúc nghệ thuật mang tính biểu trưng rất lớn.

Triển lãm Lê Công Thành ở Đà Nẵng chỉ chứa đựng một phần nhỏ trong gia tài nghệ thuật mà nhà điêu khắc vị nghệ thuật bậc nhất thời hiện đại để lại, trước khi rong chơi miền tiên cảnh. Còn một di sản khó định giá, hàng trăm bức tượng tròn và tượng tấm mỏng sắp đặt trong căn hộ buồn rầu và ít sáng của ông bà, hiện đang được họa sỹ Kim Thái sẽ sàng chăm chút. Ông lúc sinh thời, ít giao tiếp, bạn bè đâu đó cũng chỉ loanh quanh vài người, thêm vài nhà sưu tầm ngưỡng mộ ông và ông cảm mến họ, thêm nữa cả những học trò nhận ông làm thầy, dẫu vậy ông vẫn vui vẫn lịch lãm giới thiệu cho mọi người chiêm ngưỡng phòng tượng, khi nhỡ có ai đó ghé thăm. Ông cũng từng ấp ủ nhiều dự định tổ chức triển lãm, nhưng lí do này lí do khác, là ông kĩ tính khi lựa chọn nơi xứng đáng cho những tác phẩm của mình - những hiện thân của đẹp được khoe sắc dưới mặt trời, nên cuối cùng ông chia tay cõi thế mà chưa xong tâm nguyện.

Lê Công Thành là một lập dị cá tính trong đời thường, một "người trời", một "đấng bề trên" âm âm u u và đồng bóng trong chuỗi ngày dài nơi hạ giới. Mỏng manh trong suốt móm mém cười, lim dim ánh mắt đưa tay lên trán lẩm bẩm gì đó ngoắt cái tỉnh rụi, nhắc nhở, nhắn nhủ, truyền gửi kể cả là răn dạy người đối diện một điều gì đấy, mà ông tự nhủ: "Là đấng tối cao đang phán bảo". Trong nghệ thuật, ông lập dị trước hết ở lựa chọn của mình, luôn từ chối làm tượng đài ngoài trời, càng hơn nữa từ chối các đơn đặt hàng từ phía nhà nước, tức cũng là từ chối nhiều, rất nhiều tiền có thể nhận được, bởi hơn ai hết ông thấu hiểu: "Khi đất nước chưa yên, đời sống người dân còn nghèo khó không nên làm những chuyện xây dựng đền đài miếu mạo, đụng chạm đến đời sống nhân sinh và đời sống tâm linh của đất nước". Ông cũng phản đối việc xây dựng tượng đài các danh nhân vì thấu hiểu và đồng cảm: "Là những bậc vĩ nhân chân chính, những công thần khai quốc, chẳng mấy ai muốn mình được dựng tượng đồng bia đá, không phải vì khiêm nhường mà không muốn mọi người sẽ sùng bái mình như một thần tượng về một cá nhân. Hơn nữa khi dựng tượng đài về một người đã khuất, giữa đất trời, giữa chốn đông người, lúc vui vầy lễ lạt chẳng làm sao, nhưng lúc vắng vẻ con người thì tượng đứng trơ trọi một mình, và những đêm dài vắng vẻ, những ngày mưa nắng tầm tã, người sống nhìn vào không thể không thấy buồn tủi, ngượng ngùng. Làm một con người đã ra đi rồi mà còn phải bị đày ải giữa thế gian. Cho nên ông bà ta xưa rất húy kỵ điều này”…

Mơ màng về tiền, ngoảnh mặt làm ngơ với những dự án có thể đem tới nhiều tiền, nhưng Lê Công Thành lại luôn hào phóng cho đi những đồng tiền mình có. Những tháng ngày, khi bước chân còn mạnh, ông rất thích lang thang vào những quán bia ôm, gặp những cô gái trong đó, trò chuyện với họ, chiêm ngưỡng vẻ đẹp thanh xuân của họ để thành cảm hứng tạo tác nên những tác phẩm mỹ lệ về đàn bà. Rồi có thể ông rút toàn bộ tiền có trong túi mình cho các cô gái ấy, những cô gái luôn gọi ông là cha xưng con. Phòng tượng của ông như vườn địa đàng nơi trần thế, như mặt hồ xao động mà các mỹ nữ nhà trời quần tụ về, vứt bỏ đôi cánh tiên, thỏa thuê và tự tin vui đùa trong vương quốc do ông là chúa tể. Sáng tạo ra rất nhiều tác phẩm đàn bà khỏa thân, nhưng ở những cơ thể đàn bà trần truồng ấy không bao giờ toát lên sự thô lậu trần tục. Lê Công Thành tinh quái, từng "đi guốc trong bụng" những người đàn ông ở giới ông, những nghệ sỹ chỉ coi nghệ thuật là phương tiện: "Không ở đâu bộc lộ ra rõ nhân cách của một con người bằng trong bức tranh, bức tượng về người phụ nữ khỏa thân do chính mình làm ra. Ở đó không chỉ phải là hình ảnh của một người đàn bà khỏa thân trần truồng mà chính tác giả đã tự lột trần mình ra trước bàn dân thiên hạ. Cho nên liệu hồn cho những ai có dã tâm muốn lột truồng người phụ nữ. Tiếp nhận được vẻ đẹp cả về thể xác lẫn tinh thần của người đàn bà không dễ chút nào. Cũng như tiếp nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên và vạn vật vậy. Không phải ai cũng có thể thấy ngay ra điều này".

Lê Công Thành trong một phần sự nghiệp của mình, là người tụng ca bất tận vẻ đẹp cơ thể của đàn bà. Ông bất tử hóa vẻ đẹp ấy, cả vì yêu, vì thương và xót. Nhân vật của ông, nguyên mẫu của ông, những cô gái đẹp mà nhờ họ ông sống đời hơn, thực tế hơn, cảm hứng hơn vẫn luôn trân trọng ông, nhiều cô gái thành kính gọi ông bà là cha mẹ xưng con, coi ông như một chỗ dựa vững chắc trong đời, luôn thành tâm tưởng nhớ về ông. Lê Công Thành không có ý niệm về đàn bà như một người yêu vật chất trong câu chuyện tình yêu đôi lứa, mà là người sinh sôi bồi đắp nên cuộc đời. Ông luôn nhủ lòng: "Về già, tôi không làm người canh giữ đền đài họ tộc. Tôi chỉ muốn ngồi bên em. Đặt bàn tay mình lên nơi chốn ấy. Để nhớ lại nơi tôi đã sinh ra. Và sắp đến cũng chính từ nơi ấy. Sẽ là nơi tôi bước chân sang một cuộc đời mới”. May mắn cho ông, là ngay cả khi đã "bước chân sang một cuộc đời mới", thì ở cuộc đời này, người đàn bà duy nhất của ông, người nâng giấc mỗi giây phút quý báu trong cuộc đời ông, vẫn cặm cụi bổn phận làm vợ, vẫn làm tiếp những việc ông đang làm. Thi thoảng họa sỹ Kim Thái lại gọi điện, hỏi thăm người này người khác, lo cho sức khoẻ của nhà văn này đang ốm người bạn kia đang vướng mắc chuyện thế thái nhân tình, đúng kiểu mà nếu còn trong cuộc đời, Lê Công Thành sẽ thường xuyên thực hiện. Không còn ông để lo lắng quan tâm chăm bẵm, họa sỹ Kim Thái đang dành tình yêu ấy cho những người xung quanh mình. Đến thăm cô, thắp hương cho ông, ra về cô tiễn tận chân cầu thang, rồi cô - một nghệ sĩ ngoài 70 tuổi - bối rối nhắn với theo: "Dạo này cô bán được tranh đấy, cô có tiền nhiều đấy. Nếu giả dụ lúc nào khó khăn, mà cần đến tiền thì bảo cô nhé", khiến cho cuộc đời trở nên ấm áp hơn bội phần...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vườn tiên se sẽ bóng người...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO