Tình người Mặt trận

Nguyễn Phượng 08/08/2017 08:30

Trước những con số thiệt hại về người và của do mưa lũ gây ra, Mặt trận 3 tỉnh miền núi phía Bắc là Yên Bái, Sơn La, Điện Biên đã cùng với chính quyền chủ động có phương án hỗ trợ, giúp đỡ bà con vùng rốn lũ nhanh chóng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đến với bà con bị lũ xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái (ngày 6/8).

Sơn La: Sớm ổn định cuộc sống cho 200 hộ bị lũ cuốn trôi nhà

Ông Lò Mai Kiên, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Sơn La cho biết: Huyện Mường La chịu thiệt hại nhất trong đợt lũ lần này. Huyện đã điều động 350 cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội xuống giúp đỡ bà con nhân dân tại những vùng bị thiệt hại nặng nề nhất và tổ chức di chuyển tiếp tất các hộ trong diện có nguy cơ sạt lở cao.

Để hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống, đối với 200 hộ bị cuốn trôi nhà cửa, huyện đã hỗ trợ mỗi khẩu một thùng mì tôm, một thùng nước và 15kg gạo. Còn về đường giao thông, tỉnh cũng đang huy động các loại máy móc khác nhau để san ủi đất đá, làm đường tạm để cung cấp các nhu yếu phẩm cho người dân.

Ngoài nhận hỗ trợ khẩn cấp từ UBND huyện và Hội Chữ thập đỏ huyện thì UBMTTQ Sơn La cũng đã quyết định hỗ trợ cho các hộ gia đình bị cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa mỗi hộ 20 triệu đồng, hộ bị hư hỏng nặng 10 triệu đồng, hộ phải di dời khẩn cấp 5 triệu đồng, hỗ trợ gia đình có người chết và mất tích 5 triệu đồng và người bị thương 2 triệu đồng…

“Đối với những nơi bị lũ lụt cô lập, chúng tôi đã cho rà soát, kiểm tra lại toàn bộ thiệt hại của người dân trong vùng đồng thời có biện pháp hỗ trợ các nhu yếu phẩm cho những gia đình bị thiệt hại nặng, nhất là những gia đình bị mất hoàn toàn nhà cửa”- ông Kiên cho biết.

Yên Bái: Hỗ trợ 6 tháng gạo, không để người dân thiếu đói

Còn tại tỉnh Yên Bái, để khắc phục hậu quả lũ lụt, tỉnh đã huy động 2.100 người, 10 xe công trình, 90 xe ô tô các loại, 2 xuồng cứu hộ, 3 máy bơm công suất lớn tham gia khắc phục hậu quả, tìm kiếm người mất tích. Rốn lũ Mù Cang Chải cũng đã tổ chức di dời 47 hộ với 247 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Khẳng định với báo Đại Đoàn Kết, ông Nông Văn Lịnh- Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Yên Bái cho biết, đến nay huyện Mù Cang Chải đã tiếp nhận số tiền 1,944 tỷ đồng, 3,4 tấn gạo và 1.000 thùng quà từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ bà con bị thiệt hại do lũ lụt gây ra.

UBND tỉnh Yên Bái cũng đã quyết định hỗ trợ các gia đình có người chết và mất tích 10 triệu đồng/người, người bị thương 2,5 triệu đồng/người. Đặc biệt, đối với những hộ gia đình bị mất nhà cửa hoàn toàn, tỉnh sẽ hỗ trợ 25 triệu đồng/nhà và cung cấp gạo trong vòng 6 tháng để bà con không bị đói ăn, đứt bữa.

Theo báo cáo nhanh của các huyện, thị, thành phố gửi về Ban cứu trợ và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ ngày 2/8 đến ngày 7/8, tại 3 huyện Mù Cang Chải, Văn Yên, Trấn Yên của tỉnh Yên Bái đã có 6 người chết, 9 người mất tích, 11 người bị thương, 138 ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó có 29 ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn với tổng thiệt hại ước khoảng 161 tỷ đồng.

Với những gia đình bị sập hoàn toàn nhà cửa, tỉnh sẽ hỗ trợ gạo trong khoảng thời gian 6 tháng để đảm bảo người dân không bị thiếu đói; hỗ trợ 20 triệu đồng cho những gia đình bị sập nhà cửa hoàn toàn, trong đó Mặt trận tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng để những gia đình bị thiệt hại nặng nề có thể làm nhà hoặc tìm nơi ở tạm đảm bảo. Trước mắt, công tác vệ sinh môi trường sau bão lũ cũng như các hoạt động y tế dự phòng khác cũng được tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Đối với các ngôi trường đứng chân trên địa bàn đang bị ngập lụt, tỉnh sẽ huy động đoàn thanh niên, các lực lượng vũ trang… cùng chung tay khắc phục sự cố để các cháu học sinh bước vào năm học mới trong điều kiện tốt nhất có thể”- ông Lịnh nói.

Điện Biên: Đảm bảo sự công bằng trong hỗ trợ

Công tác khắc phục lũ lụt tại tỉnh Điện Biên cũng đang được đẩy mạnh. Các cấp, các ngành đặc biệt là hệ thống MTTQ trong tỉnh đã cũng đã vào cuộc. Chiều ngày 7-8, ông Lò Văn Mừng- Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Điện Biên cho biết: ngay sau khi mưa lũ xảy ra trên địa bàn, tỉnh Điện Biên cũng đã tập trung chỉ đạo các xã huy động lực lượng với phương châm “4 tại chỗ” để khắc phục hậu quả, kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình có người bị thương, các gia đình bị mất nhà cửa ổn định cuộc sống; các lực lượng chức năng thường xuyên ứng trực để dọn dẹp vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời cũng phải quan tâm di dời các hộ dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn để hạn chế thấp nhất các thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Vẫn theo ông Mừng, hiện còn 2 trường hợp mất tích vẫn chưa tìm thấy. Ngoài đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, sắp xếp chỗ ăn ở cho bà con, tỉnh Điện Biên cũng đang khoanh vùng những nơi có nguy cơ sạt lở cao để tiếp tục lên phương án khắc phục. Đối với những hộ dân bị mất nhà cửa hoàn toàn, Ban Cứu trợ tỉnh đã quyết định hỗ trợ 20 triệu đồng cho những hộ bị mất nhà cửa hoàn toàn, hỗ trợ 10 triệu cho những gia đình bị thiệt hại nặng về nhà cửa, hỗ trợ 5 triệu đồng cho những gia đình có người mất và 2 triệu đối với người bị thương. Mặt trận tỉnh cũng đã trích 2,8 tỷ đồng để hỗ trợ ban đầu về người và của. Tính đến thời điểm này, Mặt trận tỉnh cũng đã tiếp nhận được trên 800 triệu đồng ủng hộ đồng bào lũ lụt.

“Để tránh trường hợp người được nhận cứu trợ nhiều, người được ít, Mặt trận tỉnh cũng đưa ra chương trình giám sát cụ thể. Trong đó, chúng tôi đã giao cho Ban Cứu trợ xã, huyện rà soát các đối tượng chính xác để đảm bảo tính công bằng. Đối với sự trợ giúp, ủng hộ bằng tiền của các đơn vị, cá nhân thì nhất thiết phải thông qua Ban Cứu trợ còn những ủng hộ khác như quần áo thì phải được phân bố cho đều”- ông Mừng khẳng định.

Truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc lại một lần nữa được khơi dậy thông qua việc giúp đỡ đồng bào vùng rốn lũ. Đặc biệt, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống MTTQ mà người dân vùng rốn lũ đã phần nào cảm nhận sự ấm áp, sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của đồng bào trên mọi nẻo đường đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình người Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO