Tình người nơi hẻm 'dịch'

Việt Quỳnh 02/08/2021 08:00

Trần Chí Thiện (Albus) không chỉ hoạt động trong lĩnh vực báo chí, anh còn là gương mặt tiêu biểu trong các hoạt động vì cộng đồng tại TP HCM từ khi chưa đầy 20 tuổi. Đợt bùng dịch thứ tư này, cùng gia đình và bè bạn, Trần Chí Thiện tiếp tục tham gia giúp đỡ lương thực thực phẩm tới các bà con nghèo, cả những nơi bị cách ly, phong tỏa.

Trần Chí Thiện chuyển đồ tới với người lao động gặp khó khăn.

Trò chuyện với Trần Chí Thiện về các hoạt động cứu trợ, cũng là lúc anh bắt đầu cơn sốt, người rất mệt. Ban đầu tưởng cảm thông thường, không may sau đó, Thiện thông báo, gia đình anh gồm bảy người, đều đã bị dương tính với SARS-CoV-2. Gia đình bị nhiễm từ cậu bé nhà bên. Hẻm của nhà Thiện nhỏ xíu, đi bộ chừng hai phút là hết đã lên tới hơn 70 ca F0. Giờ nhà nhà đều khóa trái cửa im lìm.

Trần Chí Thiện sinh ra, lớn lên và sống trong hẻm lao động tại trung tâm Quận 1, TP HCM. Mỗi khi đi công tác, Thiện luôn nhớ về thành phố dù chỉ xa vài ngày. Thế nhưng, đó chưa bao giờ là về những tòa nhà chọc trời hay các kiến trúc ấn tượng. Với Thiện, điểm đặc biệt nhất của Sài Gòn-TP HCM là người dân. “Họ là một tập hợp gồm những cá nhân đến từ nhiều vùng đất khác nhau với chất giọng, sở thích khác nhau. Mặc dù vậy, một khi đã đổ mồ hôi trên đất Sài Gòn thì tự khắc họ trở thành người Sài Gòn và dần chấp nhận những điều hay điều tốt mà nhiều thế hệ nơi đây đã truyền lại. Ví dụ như lối sống hào sảng, thân thiện, cách nói chuyện không kiểu cách, tính hiếu khách, sẵn sàng giúp đỡ người lạ...”, Trần Chí Thiện nói.

Khi khu phố quanh nhà Thiện bắt đầu có ca nhiễm và bị “giăng dây” liên tục, anh và những người thân trong gia đình như thế nào cùng chung cảm giác sợ đến rất sợ: “Khi sát nhà bắt đầu giăng dây do phát hiện nhiều ca dương tính, gia đình tôi lẫn khu phố ngay lập tức rơi vào tình trạng hoang mang.

Tuy nhiên, không vì thế, Trần Chí Thiện ngừng giúp đỡ lương thực thực phẩm, trước hết là cho hàng xóm bị cách ly trong hẻm.

Nhiều năm qua, Thiện thường phát quà cho các hộ khó khăn trong khu vực gần nhà vào Tết Nguyên đán và Tết Trung thu - những dịp mà theo anh là đậm hồn Việt và cần thêm nụ cười. Danh sách do mẹ và chị dâu của Thiện làm. Vì nguồn lực hạn chế, gia đình hết sức cẩn thận từng người hay gia đình được nhận quà, để đảm bảo tiền quyên góp của các “mạnh thường quân” được trao đúng người, đúng hoàn cảnh.

Kể từ khi Covid-19 xuất hiện vào đầu năm ngoái, Thiện cũng tổ chức nhiều lần phát cơm và quà. Nhưng đến đợt bùng dịch thứ tư này, khó khăn của người lao động trong xóm tăng mạnh, không chỉ thiếu thốn vật chất, họ còn bị phong tỏa trong một khoảng thời gian rất dài, sắp đến ngày “được gỡ dây”, thì thêm ca nhiễm mới xuất hiện.

“Sài Gòn có một đặc điểm, chỉ cần bạn còn có thể ra đường hay mở lời nhờ giúp đỡ thì vẫn luôn có sự đáp lại. Trần Chí Thiện tâm sự. “Đáng tiếc, nỗi ám ảnh bệnh dịch đã khiến nhiều “mạnh thường quân” cũng gặp khó khăn chung. Chưa hết, việc tiếp cận những người trong khu phong tỏa (hiện đã lên đến hơn 600 điểm rải đều ở các quận, huyện) cũng khó khăn vì phải bảo đảm đủ tiêu chí 5K, nhằm bảo đảm an toàn cho người cho lẫn người nhận. Tôi còn nhớ, năm ngoái khi tặng nhu yếu phẩm. Nhiều hộ ngán ngẩm với những thùng mì gói vì đã được nhận quá nhiều. Chỉ sau vài tuần, họ lại được ra ngoài kiếm tiền thì hà cớ gì phải ăn một món khô khan như vậy? Thế nhưng, hiện nay, có mì gói ăn đã là mừng.

Có nhiều hộ bình thường chẳng khi nào nhận quà từ thiện nhưng bùng dịch kéo dài đã bịt mọi đường sống của họ. Bên cạnh đ ó, nhiều tiệm ăn và chợ truyền thống đóng cửa cũng đẩy người lao động không biết sử dụng điện thoại thông minh vào thế khó. Cứ thế, họ ngại ngùng đến gặp tôi để xin cơm, chủ yếu là muốn tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.

Có người thậm chí phải ra ngã tư, lề đường trước hẻm để chực chờ… xin cơm - điều mà họ chưa từng nghĩ mình sẽ làm. Có thể nói, trận bùng dịch này bào mòn người nghèo khổ và tra tấn những nhóm người còn lại”.

Như mọi khi, Thiện kêu gọi sự hỗ trợ trên facebook cá nhân. Những người ủng hộ anh đều là bạn bè thân thiết, đã đồng hành cùng Thiện qua nhiều năm. Họ tin tưởng Thiện, và cứ thế giúp đỡ bất chấp tất cả đều bị ảnh hưởng thu nhập bởi dịch: “Có người phải tạm dẹp tiệm, cho nhân viên về quê hay bị đuổi việc, giảm lương nhưng vẫn ráng trích một phần nhỏ tiền tiết kiệm ra để mua lương thực cho người dưng. Nếu đó không phải là vẻ đẹp nhất của Sài Gòn thì tôi không biết cái gì mới phải”.

Với mỗi đợt bùng dịch, Thiện và gia đình sẽ lên kế hoạch xem người cần giúp đỡ cần gì. Đa số là lương thực như gạo, đồ khô. Đợt dịch này, quà mà Thiện gửi tới bà con gồm gạo ngon, mì gói, trứng gà, nước tương, dầu ăn và khẩu trang.

Tháng 6 vừa qua, Thiện cùng các bạn có tổ chức phát cơm từ thiện mỗi ngày 150 phần cho khu vực gần nhà và kéo dài trong 25 ngày cho tới khi ca dương tính ở Sài Gòn tăng đột biến. Các đối tượng được trao là bà con trong khu phong tỏa, những hộ khó khăn, dân quân và công an địa phương.

Thiện rất khắt khe mỗi khi nấu cơm tặng cho bà con và có những nguyên tắc nhất định. Anh không nấu kiểu tự phát, chẳng hạn như kêu một nhóm bạn tới phụ mà không có người bếp trưởng dày kinh nghiệm trong chế biến số lượng lớn: “Hay không tặng cơm chay nếu đối tượng được nhận là người lao động tay chân, dang nắng ngoài đường. Đồ ăn không nên rưới sẵn nước sốt, có thì nên để riêng vào bịch. Cứ tưởng tượng mở ra mà cơm đã trương lên do nước sốt thì ăn làm sao ngon miệng nổi”.

Đợt này, phụ Thiện khâu nấu nướng là quán cơm tấm của người thân. Hai bên có cùng những quan điểm trên nên phối hợp rất ăn ý. Mỗi trưa, Thiện qua bếp lấy cơm và chở đến khu phong tỏa đưa cho bà con và dân quân. Những hộ bên ngoài thì do mẹ của Thiện phát. “Trước mỗi đêm, chúng tôi luôn phát phiếu vào mỗi đêm trước để tránh tình trạng chen lấn”.

Tổng số phần cơm nhóm Thiện gửi tới bà con là gần 4.000 phần với tình yêu thương được bỏ vào từng hộp. Thỉnh thoảng, một vài tổ chức/cá nhân cũng tặng thêm cho đồ ăn sáng như 300 phần hamburger của McDonald hay 400 ổ bánh mì thịt của một nhóm bạn.

Thiện cũng lo sợ nếu anh bị nhiễm bệnh và về lây cho cả nhà, ảnh hưởng sức khỏe của cha mẹ cũng như công ăn việc làm bị đình trệ. Nhưng vì nghe mẹ nói: “Giúp là giúp lúc này”, nên Thiện vẫn liên tục duy trì việc trợ giúp mọi người. Cho đến khi Thiện buộc phải cách ly tại nhà “khi bị giăng dây”, anh vẫn không ngừng kêu gọi, động viên bạn hữu hãy tiếp tục

Lúc này, khi đang ở khu cách ly, Thiện theo mẹ để tiện bề chăm sóc, thành viên còn lại của gia đình cũng đang tình trạng mỗi người một nơi: “Giờ chỉ còn biết cầu mong ai đi chữa bệnh rồi sẽ về hết, nhất là các cụ trong xóm. Kiếp nạn đến nhưng được hóa giải thành bình an. Thật lòng cầu nguyện như vậy. Và tôi hứa với lòng mình, sau này cả nhà tôi về và hết bệnh, tôi sẽ ráng giúp các cô chú bán vé số, công nhân bị ảnh hưởng…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình người nơi hẻm 'dịch'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO