Tình người trong cơn lũ dữ

Nam Việt 10/08/2017 09:00

Đợt mưa lớn, dai dẳng bắt đầu từ ngày 1-8 cho đến hết 6-8 đã tạo ra những trận lũ quét, lũ ốngkhiến nhiều tỉnh vùng núi cao phía Bắc chìm trong đau thương. Làng bản bị tàn phá, cô lập. Đường đất sạt lở. Người chết, nhà đổ, hoa màu bị nhấn chìm, gia súc gia cầm bị dòng nước cuốn trôi... Trong cơn khốn khó đã sáng lên tình người, tình người làm công tác Mặt trận.


Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, các Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh, Trương Thị Ngọc Ánh tại lễ quyên góp do Công đoàn cơ quan
UBTƯ MTTQVN tổ chức (ngày 8-8), ủng hộ đồng bào miền núi phía Bắc khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. (Ảnh: Quang Vinh).

1. Ngày 8/8, thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, đợt mưa lũ xảy ra từ 1 đến 6/8 tại các tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng đã làm 26 người chết (Yên Bái 6, Sơn La 12, Lai Châu 2, Điện Biên 5, Cao Bằng 1); 15 người mất tích (Yên Bái 9, Sơn La 5, Lai Châu 1); 27 người bị thương (Yên Bái 13, Sơn La 12, Cao Bằng 2). Đợt mưa lũ trên cũng làm 231 nhà bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; 425 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở; 398 hộ phải sơ tán, di dời; 338,5 ha lúa bị cuốn trôi, vùi lấp do sạt lở...

Mưa lũ cũng đã làm sạt lở Quốc lộ 279C, Quốc lộ 4H. Tại Yên Bái: sạt lở 7.314 m3 trên Quốc lộ 32. Sơn La: 2.385 m3. Cao Bằng 2.000 m3. Sạt lở 117.706 m3 đường tỉnh và huyện (Lai Châu 9.000 m3 trên một số tuyến đường giao thông huyện Nậm Nhùn, Mường Tè. Điện Biên sạt lở 14.636m3 trên ĐT150, ĐT142, ĐT143; Yên Bái 42.500 m3 đường tỉnh lộ bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Sơn La 50.570 m3 trên ĐT109 và một số tuyến đường cấp huyện. Trận lũ dữ cũng đã làm 145 công trình thủy lợi bị hư hỏng (Yên Bái 141 công trình, Sơn La 3 công trình, Điện Biên 1 công trình); 2.072m kè bờ suối (Sơn La 2.000m, Điện Biên 72) bị thiệt hại. Tổng thiệt hại vật chất ước tính trên 940 tỷ đồng.

Những con số người chết và mất tích, người bị thương; đường sạt lở, nhà bị vùi lấp, trường học bị san phẳng... khiến lòng người quặn thắt. Các tỉnh miền núi cao phía Bắc vốn đã khó khăn này khó gấp bội phần. Việc khắc phục để gượng dậy không dễ dàng gì đối với họ. Người dân miền núi thường chọn những khoảnh đất ven suối, thuận lợi về nguồn nước để dễ dàng hơn trong sinh hoạt, nên khi lũ về thì cũng lại mang theo thảm họa. Trong đợt lũ này, những con suối ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Mường La (Sơn La) vốn dĩ hiền lành chợt trở nên hung dữ, cuồn cuộn tấp thẳng vào nhà dân. Mường La tân hoàng; Mù Cang Chải bị vùi lấp...

Trong tình thế đó, tình người đã sáng lên! Những tấm lòng nhân ái từ khắp mọi miền đất nước hướng về Tây Bắc với sự sẻ chia trong truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.

Người Mặt trận cũng đã đến với vùng lũ với tất cả sự chia sớt chân thành.

2. Chiều 5/8, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cùng đoàn công tác của MTTQ Việt Nam đã đến xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái- nơi bị thiệt hại nặng nề nhất trong trận lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Yên Bái Nguyễn Thanh Xuân, từ ngày 2 đến 4/8, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đã làm 4 người chết, 10 người mất tích, 9 người bị thương; làm 55 ngôi nhà bị nhấn chìm, cuốn trôi, trong đó 29 ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn. Do sạt lở đất, 26 ngôi nhà bị vùi lấp, hư hỏng nặng. Chưa hết, lũ cũng đã làm150 công trình thuỷ lợi, các tuyến đường liên xã bị thiệt hại nặng nề. 5 công trình trụ sở cơ quan, trường học và công trình công cộng bị hư hỏng.

Đã vậy, việc cứu trợ lại rất khó khăn. Đến với bà con vùng lũ phải đi bộ vì đường đã bị đất đá vùi lấp, sạt lở.

Đến Mù Cang Chải ngay sau khi cơn lũ đi qua, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh chia sẻ với những mất mát mà những người dân của huyện đang phải trải qua và mong mỏi bà con hãy nén đau thương, mất mát để chung tay khắc phục những hậu quả nặng nề mà trận lũ để lại. Trao số tiền ủng hộ từ Mặt trận, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nói với cán bộ địa phương và bà con rằng việc cứu trợ, khắc phục hậu quả không chỉ trong ngày một ngày hai mà còn phải tiếp tục kéo dài, vì sự tàn phá lần này là quá lớn. Phó Chủ tịch mong muốn lãnh đạo huyện Mù Cang Chải và tỉnh Yên Bái có giải pháp tốt nhất để kịp thời hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại. Phó Chủ tịch cũng lưu ý, Ủy ban MTTQ tỉnh cần theo dõi, nắm thông tin về tình hình thiệt hại cập nhật về Trung ương.

Cũng ngay đợt này, Uỷ ban MTTQ tỉnh Yên Bái đã ra lời kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài tỉnh; mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sỹ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh ủng hộ tối thiểu 1 ngày lương. Chỉ tính đến ngày 5-8, Uỷ ban MTTQ tỉnh đã vận động được 1 tỷ đồng. Số tiền ủng hộ đó của một tỉnh còn nhiều khó khăn mang một ý nghĩa rất lớn. Còn tại Sơn La, ngày 4/8, ông Lò Mai Kiên- Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, Ủy ban MTTQ tỉnh đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - xã hội nghề nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh bằng tấm lòng nhân ái ủng hộ về tinh thần, vật chất để giúp đỡ nhân dân vùng lũ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Ngày 7/8, tại Hà Nội, tiếp nhận số tiền Công đoàn Văn phòng Chủ tịch nước ủng hộ các tỉnh Tây Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, tại các địa phương xảy ra lũ quét, lũ ống và sạt lở đất, MTTQ các cấp đã phối hợp với chính quyền địa phương, chủ động bố trí lực lượng ứng phó, sơ tán người dân đến nơi an toàn, huy động nhân dân toàn tỉnh cùng dọn dẹp sau cơn lũ với mong mỏi đưa người dân trở về cuộc sống thường nhật, mong học sinh sớm được quay trở lại trường khi ngày tựu trường đang gần kề. Theo Phó Chủ tịch, việc khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra còn gặp nhiều khó khăn, cần có sự phối hợp của MTTQ với các cấp, các ngành để giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả và ổn định sinh kế lâu dài.

Những ngày này, người làm công tác Mặt trận ở khắp nơi trong cả nước đều hướng về bà con vùng lũ. Chiều ngày 7/8, Hà Nội đã có Thông báo số 113 hỗ trợ các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại do lũ và sạt lở đất. Thường trực Thành uỷ, HĐND,UBND, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã quyết định trích từ Quỹ cứu trợ của thành phố hỗ trợ các tỉnh để khắc phục hậu quả mưa lũ và các gia đình có thân nhân bị chết và bị thương. Số tiền hỗ trợ trước mắt là gần 5 tỷ đồng. Cụ thể: hỗ trợ các tỉnh Sơn La và Yên Bái mỗi tỉnh 1 tỷ đồng; Lai Châu, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cai mỗi tỉnh 500 triệu đồng; hỗ trợ gia đình có người chết mỗi gia đình 10 triệu đồng; người bị thương 5 triệu đồng.

Khắp nơi, những tấm lòng đang hướng về miền núi phía Bắc, nơi bà con đang nỗ lực vượt lên mất mát của mưa lũ. Những ngày qua, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ... cùng nhiều bộ/ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa lũ gây ra. Điều đó phần nào làm dịu bớt nỗi đau, tiếp thêm ý chí và sức lực để bà con vượt qua gian khó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình người trong cơn lũ dữ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO