Tính thời sự bài báo 'Dân vận' của Bác Hồ

Vũ Lân 15/10/2019 08:00

Cách đây vừa đúng 70 năm, ngày 15/10/1949, với bút danh X.Y.Z. Bác Hồ đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật ngày 15/10/1949. Bài báo chỉ có hơn 900 chữ nhưng đã khái quát một cách sâu sắc, súc tích, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm những vấn đề liên quan đến công tác dân vận. Trong suốt 70 năm qua, bài báo “Dân vận” của Bác Hồ đã trở thành “cẩm nang” trong công tác dân vận của Đảng, Nhà nước ta.

Trong bài báo “Dân vận” nhiều nội dung, vấn đề Bác Hồ đã đề ra những giải pháp dân vận thành công, hiệu quả, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ngay từ thời ấy, Bác Hồ đã đặt lên hàng đầu vấn đề quyền lực và việc gian lận, thao túng, tha hóa quyền lực của Nhân dân phó thác cho cán bộ này. Bác Hồ viết: “Nước ta là nước dân chủ/ Bao nhiêu lợi ích đều vì dân/ Bao nhiêu quyền hạn đều của dân/(...) /Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra/ Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên/ Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Như vậy có thể thấy quyền hạn của dân là rất to, lực lượng của dân là rất lớn, phạm vi bao quát của dân là rất rộng.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, trong đó có những tác động của mặt trái cơ chế thị trường, hiện tượng một số cán bộ lãnh đạo, quản lý khi được Nhân dân trao cho quyền lực đã tự tung, tự tác, thao túng và ban phát, thậm chí là mua - bán quyền lực. Cũng có một nguyên nhân quan trọng khác nữa là tại một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan dân cử trao quyền lực cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong khi việc quản lý, giám sát, việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng hoặc biến tướng để cá nhân lợi dụng, lại do không có cơ chế để những người đại diện cho Nhân dân kiểm soát được quyền lực, dần dần quyền lực trong tay những cán bộ lãnh đạo, quản lý bị tha hóa, biến chất đã trở thành một thứ hàng hóa.

Gần 3 năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó có tham nhũng quyền lực, được người đứng đầu Đảng ta -Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động. Nhiều vụ việc liên quan đến đề bạt, cất nhắc, luân chuyển công tác cán bộ; nhiều vụ việc liên quan đến sự tha hóa, lợi dụng, chạy chức, chạy quyền từng bước được kết luận, xử lý. Trong nhiều vụ án, hiện tượng tiêu cực, bất bình thường trong công tác cán bộ cho thấy sự khuất tất và đằng sau nó có vấn đề lợi ích theo nghĩa không trong sáng của từ này. Chẳng hạn, trước khi về hưu, ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ, đã ký quyết định bổ nhiệm 60 cán bộ cấp vụ và tương đương tại cơ quan Thanh tra Chính phủ. Chỉ trong 2 ngày (1/8 và 3/8/2011) ông ký bổ nhiệm 26 người, riêng ngày 3/8/2011 kí bổ nhiệm 22 người, trong đó có những cán bộ không đủ tiêu chuẩn hoặc không trong quy hoạch. Còn từ “mắt xích” Trịnh Xuân Thanh mà các cơ quan chức năng đã “lôi ra ánh sáng” và xét xử nhiều vụ án nghiêm trọng. Ông Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Rum trước khi “hạ cánh” đã ký “thăng quan” cho 30 trường hợp cấp phòng và tương đương... Cũng khó giải thích sao cho thuyết phục người dân khi các hiện tượng như vào thời điểm tháng 8/2017, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc có 45 công chức thì có đến 38 cán bộ lãnh đạo. Vào thời điểm tháng 7/2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên bổ nhiệm “thừa” 23 cán bộ lãnh đạo. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có thời điểm có tới 44 lãnh đạo nhưng chỉ có 2 nhân viên... Cũng không biết có phải nhiều dòng họ có “gen làm lãnh đạo” hay không mà ở không ít nơi, hiện tượng “cả nhà làm quan”, “cả họ làm quan” một cách quá dễ dãi…

Trong bài báo “Dân vận” Bác Hồ cũng đã chỉ ra trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, hội viên trong công tác dân vận. “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên việt, Việt Minh, v.v...) đều phải phụ trách dân vận”. Như vậy có thể hiểu rằng, công tác dân vận là trách nhiệm của mọi tổ chức, cấp ủy, đảng, của các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước, của tất cả các tổ chức chính trị - xã hội, thành viên Mặt trận Tổ quốc và của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên của tổ chức này.

Khi Đảng ta là đảng cầm quyền, công tác dân vận chuyển trọng tâm sang các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước. Dân vận phải bắt đầu ngay từ khi dự thảo, tham mưu chính sách, tức là phải xem chế độ, chính sách ấy có hợp lòng dân không, có được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ không, có hại đến dân không? Đồng thời, cán bộ, công chức, viên chức các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước phải trở thành “công bộc” phục vụ người dân. Đáng tiếc là tới nay vẫn còn không ít những tổ chức, đơn vị, cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức “coi khinh dân vận” (từ dùng của Bác Hồ). Có những cán bộ lãnh đạo, quản lý có tâm lý thà làm cấp ủy viên nhưng giữ chức Phó Chủ tịch UBND còn hơn là làm Ủy viên Ban thường vụ cấp ủy, Trưởng ban Dân vận hoặc Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc. Có một thời gian, người ta lại phân công những cán bộ có sai lầm, khuyết điểm, bị kỷ luật hoặc có mâu thuẫn nội bộ... làm cán bộ lãnh đạo Dân vận hoặc Mặt trận. Như vậy thì làm sao mà “vận” được dân? Bác Hồ đã chỉ ra “một khuyết điểm to ở nhiều nơi là coi khinh công tác dân vận”. Đó là tình trạng “Cử ra một ban hoặc một vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”.

Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác cán bộ là rất quan trọng và vô cùng cần thiết. Lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền”, trong đó đã lượng hóa biểu hiện tham nhũng quyền lực, chạy chức, chạy quyền và thể chế hóa việc ngăn chặn vấn nạn này. Đây là một bước tiến trong quyết tâm bảo vệ quyền lực của Nhân dân mà Bác Hồ đã nêu rõ trong Bài báo “Dân vận”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tính thời sự bài báo 'Dân vận' của Bác Hồ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO