Tố Hữu - nhà thơ cách mạng, nhà thơ của nhân dân

Minh Quân 05/10/2020 10:12

Gần 70 năm cống hiến cho cách mạng và văn học nước nhà, Tố Hữu được tôn vinh là nhà thơ cách mạng, nhà thơ của nhân dân.

Nhà thơ Tố Hữu.

Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhà thơ Tố Hữu (tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, bí danh là Lành) sinh ngày 4/10/1920 được thừa hưởng đầy đủ phẩm chất chiến sĩ cách mạng và giá trị văn hóa truyền thống xứ Huế. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông từng đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng như Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Cuộc đời hoạt động cách mạng trải qua nhiều lĩnh vực công tác, đặc biệt trên lĩnh vực công tác tư tưởng - văn hóa, nhà thơ Tố Hữu đã luôn thể hiện phẩm chất cao quý là nhà hoạt động chính trị năng nổ, người lãnh đạo ưu tú trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng.

Những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc, được giao phụ trách vận động văn hóa kháng chiến, lĩnh vực tuyên truyền và văn nghệ, ông đã hòa cùng công cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, truyền đạt các nghị quyết của Trung ương, động viên đội ngũ cán bộ tuyên huấn và văn nghệ sĩ sẵn sàng xông pha nơi chiến trường với niềm tin lạc quan mãnh liệt vào thắng lợi.

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhiệt huyết của nhà thơ Tố Hữu đã lan tỏa, khích lệ các cán bộ tuyên huấn, văn hóa - văn nghệ bám sát các công trường, nông trường, nhà máy hầm mỏ, ruộng đồng, trường học, đơn vị quân đội… để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, phản ánh và biểu dương người tốt việc tốt, các tấm gương tiêu biểu.

“Tuyên truyền điển hình” - một phương pháp tuyên truyền rất hiệu quả là sáng tạo được nhà thơ Tố Hữu quan tâm chỉ đạo sâu sát trong những năm tháng kháng chiến, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, Tố Hữu là tấm gương mẫu mực thực hiện xuất sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Ông không chỉ truyền đạt đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng đến với đội ngũ văn nghệ sĩ, với đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, mà còn là người lính xung kích thực hiện thắng lợi đường lối ấy, góp phần xây dựng đời sống tinh thần ngày càng phong phú và lành mạnh.

Trong quá trình xây dựng đội ngũ làm công tác tư tưởng văn hoá, nhà thơ Tố Hữu đã trực tiếp góp phần động viên, tập hợp, tổ chức và phát triển đoàn văn nghệ từ Bắc vào Nam, những tài năng của nhân dân, những chiến sĩ trung kiên đó đã làm nên một nền văn hoá - văn nghệ thời đại Hồ Chí Minh bất tử, các giá trị đó còn phát huy tác dụng đến hôm nay và mãi mãi về sau.

“Trăm năm duyên kiếp: Đảng và thơ!”

Tố Hữu là một trong những nhà thơ cách mạng lớn nhất Việt Nam thế kỷ XX. Ông đã đưa thơ chính trị đến trình độ rất trữ tình. Những tác phẩm của nhà thơ Tố Hữu là những bài ca cách mạng, phản ánh chân thực các giai đoạn lịch sử, hừng hực tính chiến đấu và giàu tính trữ tình, có tính tư tưởng cao, sức động viên, lôi cuốn rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Những bài thơ của Tố Hữu vừa giản dị, gần gũi, vừa tinh tế, sâu sắc với lối tu từ và nghệ thuật diễn đạt phong phú, độc đáo và có sức truyền cảm lớn. Nội dung thơ chứa chan lòng yêu nước, thương dân và một lý tưởng cách mạng sáng ngời, một âm hưởng hừng hực, một khí phách hiên ngang của những con người Việt Nam đứng lên đánh giặc, giải phóng đất nước, quê hương. Nhân dân, quần chúng lao động gọi Tố Hữu là nhà thơ của mình, thuộc lòng thơ Tố Hữu, coi đó là phương châm suy nghĩ và hành động.

Trước cách mạng tháng Tám 1945, thơ của Tố Hữu thể hiện tình yêu thương đồng loại, tâm hồn nhân ái, thanh cao. Từ khi đến với cách mạng, thơ Tố Hữu cổ vũ tinh thần đấu tranh của các chiến sĩ cộng sản, tinh thần lạc quan, niềm tin vào Đảng, tương lai tươi sáng của đất nước; ngợi ca, kêu gọi, thúc giục con người hành động theo chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Trong thơ Tố Hữu không chỉ là trường ca khắc họa những chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng của toàn dân, mà còn thể hiện tình cảm thiết tha, đậm đà của Tố Hữu dành cho Tổ quốc, non sông, lòng kính yêu với Đảng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đó là sự gặp gỡ đẹp đẽ giữa thơ với đất nước, thơ với cách mạng và Đảng, thơ với nhân dân, đúng như tâm sự của Tố Hữu “Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ, cũng vì sự nghiệp cách mạng. Đối với tôi “Trăm năm duyên kiếp: Đảng và thơ!”.

Thơ Tố Hữu không chỉ góp phần tuyên truyền và tổ chức thực hiện đường lối cách mạng của Đảng ta, động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, hăng hái nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội; mà còn đóng góp to lớn vào sự phát triển nền thơ ca Việt Nam Thời đại Hồ Chí Minh.

Với 82 tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục và làm thơ; bằng tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm hoạt động cách mạng dạn dày, nhà thơ Tố Hữu là một nhà cách mạng, một nhà tư tưởng văn hóa xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta. Ông đã nêu gương sáng về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản trung kiên, một nhà văn hóa tài năng hết lòng vì sự nghiệp cách mạng vẫn còn sống mãi.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu, vào ngày 11/10 tới đây, gia đình nhà thơ sẽ tổ chức khánh thành Bảo tàng Tố Hữu trong khuôn viên của nhà D9 của Làng quốc tế Thăng Long, Hà Nội. Bảo tàng Tố Hữu tại Hà Nội gồm hai hợp phần: Phần trưng bày về cuộc đời và phần không gian tái tạo lại một phần căn nhà 76 Phan Đình Phùng (Hà Nội), nơi ông và gia đình đã sống suốt hơn 40 năm từ 1960-2002.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tố Hữu - nhà thơ cách mạng, nhà thơ của nhân dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO