Tổ quốc ở trong tim

Thúy Cúc 12/02/2021 08:00

Tôi viết thư này gửi bạn khi trên khắp mọi nẻo đường Tổ quốc, Xuân đang về rộn rã.

Đoàn kiều bào đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 thể hiện tinh thần đoàn kết một lòng.

G. thân mến!

Tôi viết thư này gửi bạn khi trên khắp mọi nẻo đường Tổ quốc, Xuân đang về rộn rã. Tết là lúc nhớ nhà. G từng chia sẻ thế. Đó chắc cũng là tâm trạng của mọi người Việt xa quê. Nhưng năm nay vì tình hình dịch bệnh, nỗi nhớ quê nhà dù có lớn nhường nào, thì nhiều đồng bào mình vẫn không thể trở về. Năm nay là một cái Tết ở xa quê. Dù tôi chắc rằng, về hay không về thì Tổ quốc vẫn ở trong tim mỗi người!

G. thân mến!

Nhân ngày Tết nói chuyện về hay không về, bạn hẳn còn nhớ cách đây vài năm, có những cuộc tranh luận từ ý kiến của GS Nguyễn Văn Thuận – một trí thức người Việt thành đạt đang làm việc tại Hàn Quốc – rằng có nên trở về làm việc ở Việt Nam hay không. GS Thuận hồi đó đã quyết định về Việt Nam với một tâm thư ngỏ: “Phải về thôi, phải về để các em không phải lang thang xây dựng nhà hàng xóm giàu có trong khi luôn đau đáu trông về nhà mình còn rất nghèo”. “Các em” mà GS Thuận nhắc đến trong thư là những sinh viên Việt Nam đang theo học ở nước ngoài.

Tâm trạng của những người như GS Thuận là tâm trạng của những Việt Nam yêu nước, nghĩ về quê hương còn nhiều gian khó. Chẳng cứ GS Thuận, ngày càng nhiều người Việt Nam muốn và đã trở về.
Nhân nói về ra đi và trở về, tôi lại nhớ có lần cố nhạc sĩ Phạm Duy trả lời trên phương tiện truyền thông, rằng: “Tôi về đây là vì tôi yêu nước thôi. Mà tôi phải về vì người già nào cũng muốn chết ở quê hương của mình”.

G. thân mến!

Không hiểu bạn – người đang sống xa đất nước tới nửa vòng trái đất - nghĩ thế nào. Còn tôi nghĩ rằng, hồi đó nhạc sĩ Phạm Duy – tác giả của những câu hát cảm động: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ thuở mới ra đời người ơi” thì phát biểu đó của ông vào những năm cuối đời hoàn toàn xuất phát từ tình cảm chân thành và tôi cũng tin ông đã toại nguyện vì những năm cuối đời được sống ở Việt Nam, được cảm nhận trọn vẹn hạnh phúc của một người được sống trên đất nước mình, tác phẩm của mình được trân trọng đón nhận.

G. thân.

Tôi không phải là người cực đoan để nghĩ rằng chỉ những người trở về mới yêu nước. Bởi vì trong điều kiện đất nước hiện nay có những việc, những vị trí mà ở nước ngoài mới phát huy tốt nhất khả năng của những trí thức giỏi.

Ở đâu, họ cũng cống hiến và thành công ở nước ngoài, trong một thế giới ngày một phẳng, cũng đều làm rạng danh quê hương. Ở đâu, đằng sau hào quang của thành công, cũng thấp thoáng quê nhà. Ở đâu, tận thẳm sâu trong huyết quản vẫn là một dòng máu Việt Nam chảy từ cội nguồn dân tộc.

Tôi nói điều này không phải là lý thuyết, mà từ những người đã gặp, những việc đã thấy. Có một anh phụ trách phần điện đóm, chỉ là một nhân viên bình thường, trong một khách sạn 4 sao ở Thủ đô Washington (Mỹ), khi tình cờ gặp chúng tôi trong thang máy, nghe chúng tôi nói tiếng Việt với nhau đã gần như vồ lấy, ánh mắt rạng ngời, thốt lên: “Người Việt Nam phải không?”. Tôi kể chuyện này với bạn bằng thừa phải không, vì bạn đang ở nơi xa quê hương và bạn hẳn gặp không ít lần như thế, vui mừng nghe thấy tiếng Việt vang lên ở một nơi xa xôi. Như có lần, tôi ở sân bay Bắc Kinh (Trung Quốc) vào một ngày mùa đông lạnh âm 6 độ C, và một cậu sinh viên du học ở Nga về đang chờ quá cảnh về Việt Nam cũng đã mừng quýnh lên khi nghe tôi nói tiếng Việt với mọi người cùng đi. Nó sau đó quấn lấy, như đã gặp quê hương rồi...

Với những người thành đạt, thì đó, như bạn thấy. GS Thuận nghĩ đến việc phải về thôi, sau khi đã có một vị trí cao trong nghề nghiệp ở Hàn Quốc. Và còn điều này nữa, rất lạ, bạn tin không, cái chúng ta hay nói là bản sắc dân tộc lại rất đậm đà ở những nghệ sĩ sống xa đất nước. Không tin bạn thử xem lại bộ phim “Mê Thảo thời vang bóng”. Tất nhiên đó là một bộ phim Việt Nam nhưng được làm bởi một đạo diễn Việt kiều - đạo diễn Việt Linh. Và tôi chưa thấy ai làm đậm nét văn hóa Việt Nam đến thế trong số những bộ phim Việt Nam. “Mùa len trâu” của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh cũng vậy. Một bộ phim cực kỳ Nam Bộ. Có người Việt ở nước ngoài khi xem “Mùa len trâu” đã thấy vỡ òa cảm xúc trước những hình ảnh của quê hương mà không dễ gì tìm thấy được ở đâu, trên khắp quả địa cầu này. Hay một bộ phim khác là “Hạt mưa rơi bao lâu” của đạo diễn Việt kiều Đoàn Minh Phượng, cũng “rặt” những khuôn hình rất Việt Nam. Còn có một đạo diễn Việt kiều khác là Victor Vũ làm phim “Thiên mệnh anh hùng” với những cảnh quay đẹp đến ngỡ ngàng về non sông gấm vóc Việt Nam...

G. yêu quí!

Về hay không là quyền ở bạn - người đang nằm trong số “các em” mà GS Nguyễn Văn Thuận nói là đang “lang thang xây dựng nhà hàng xóm giàu có trong khi luôn đau đáu trông về nhà mình còn rất nghèo”. Nhưng không biết bạn có nghĩ giống tôi, rằng nếu chúng ta chỉ nhìn thấy quê hương còn chưa đủ điều kiện để nghiên cứu khoa học hay phát triển nghề nghiệp thuận lợi như ở nước ngoài, thì sẽ khó có thể trở về. Cũng như nếu chúng ta chỉ biết trách móc cơ chế làm việc và chế độ đãi ngộ ở Việt Nam chưa xứng khi so sánh với nước khác, thì chắc ít người có thể trở về. Bạn thấy đấy, nhiều người đã trở về, chấp nhận làm việc trong những điều kiện chưa tốt như có thể, chấp nhận những chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. Bởi vì họ là người Việt Nam, “tôi trở về vì tôi yêu nước thôi” như nhạc sĩ Phạm Duy, và chính cống hiến của họ, mới làm và mới mong cho đất nước có thể đổi thay.

G. thân!

Đất nước đã vào xuân, với chồi non lộc biếc. Nhiều người Việt Nam đã có những cuộc ra đi quá dài. Và với rất nhiều người, trở về là chuyện đương nhiên. Bởi vì đất mẹ bao dung và đất nước luôn chờ đợi những người con Việt Nam trở về, cống hiến cho quê hương.

Tết năm nay, Covid-19 ngăn cách những người con Việt Nam không thể trở về đón Tết cổ truyền dân tộc. Nhưng đó chỉ là việc tạm thời. Quê nhà vẫn là nơi để trở về.

Hẹn một mùa Tết đoàn viên trong năm mới, khi dịch bệnh đã bị đẩy lùi, khi vaccine phòng chống Covid-19 đã được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới.

Chào G. nhé!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổ quốc ở trong tim

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO