Tọa đàm 'Trầm cảm tuổi học đường: Cách nào vượt qua?'

07/04/2022 08:26

Sáng 7/4, Báo Đại Đoàn kết tổ chức với chủ đề: “Trầm cảm tuổi học đường: Cách nào vượt qua với sự tham gia của 5 vị khách mời.

Chúng ta hay nói về trầm cảm, nhưng chúng ta hiểu biết gì về nó và chúng ta làm thể nào để giúp con em chúng ta vượt qua được những trạng thái cảm xúc tiêu cực?

Chúng ta vừa chứng kiến câu chuyện vô cùng đau lòng xảy ra ở lứa tuổi học đường. Một câu chuyện đặt ra rất nhiều vấn đề về trách nhiệm của giáo dục, của nhà trường, gia đình và xã hội.

Trầm cảm tuổi học đường là một căn bệnh, chúng ta cần có những nhận biết để có giải pháp đồng hành và chữa trị kịp thời. Nhưng vấn đề lớn hơn là làm thế nào để phòng chống trầm cảm tuổi học đường? Cùng các vị khách mời phân tích nguyên nhân tạo ra áp lực cho con trẻ, chúng tôi muốn đi tìm giải pháp để thay đổi thực trạng, nhằm góp một tiếng nói cùng cả xã hội chung tay chăm lo cho nguồn lực tương lai đất nước.

Nhà báo Lê Anh Đạt - Phó Tổng Biên tập phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.
Nhà báo Lê Anh Đạt - Quyền Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

9h thứ Năm, 7/4/2022, Báo Đại Đoàn kết tổ chức với chủ đề: “Trầm cảm tuổi học đường: Cách nào vượt qua?

Chủ trì: Nhà báo Lê Anh Đạt - Quyền Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết.

Với sự tham dự của các vị khách mời:

- Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Giáo dục của UBTƯ MTTQ Việt Nam

- Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh - Viện sức khoẻ tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai)

- Nhà văn Hoàng Anh Tú - anh Chánh Văn của báo Hoa Học Trò, chuyên gia tư vấn tâm lý cho tuổi mới lớn

- Diễn viên Thu Quỳnh - vai nữ chính trong phim truyền hình Về nhà đi con

- Chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn - người nổi tiếng với chương trình Cửa sổ tình yêu của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tọa đàm được truyền hình trực tiếp trên Báo Đại Đoàn Kết điện tử (daidoanket.vn) và fanpage của báo.

Nhà báo Lê Anh Đạt - Quyền Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.
Nhà báo Lê Anh Đạt - Quyền Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Quyền TBT Lê Anh Đạt: Kính thưa quý vị khách mời, đều là những gương mặt thân quen, kính thưa quý bạn đọc. Trầm cảm không phải bây giờ mới có, có từ rất lâu rồi, chúng ta vừa trải qua tuần ám ảnh, ngay trong lúc chúng ta tổ chức toạ đàm này, đêm qua có một học sinh chọn cách giải quyết rất dại dột. Tôi nghĩ, báo chí trong đó có báo Đại Đoàn Kết, thường xuyên đưa tin nhưng chúng tôi muốn tìm những cách thức để trao đổi gần gũi hơn. Chúng tôi muốn tổ chức toạ đàm hôm nay với các vị khách mời vừa gần gũi, vừa có chuyên môn.

Cách đây 20 năm tức thời gian để 2 thế hệ tuổi teen ra đời, có một quyển sách Hoa hồng giấu trong cặp sách của Trung Quốc, cuốn sách phỏng vấn trần trụi 13 học sinh về giới tính. Trên VnExpress giới thiệu cuốn sách này, cách đây 20 năm họ đã cảnh báo việc phụ huynh, nhà trường chạy theo cảm xúc học sinh. VnExpress giới thiệu sách như sau: Bé gái học tiểu học hỏi tại sao học sinh không có quyền yêu, tôi đã dâng tặng nhiều như vậy để đổi lấy nặng trĩu trong lòng sao. Bức tường thành bao bọc trái tim tôi đã sụp đổ nếu không xây đắp lại thì mai kia tôi sẽ nằm trong chiếc quan tài trong bọc tro lạnh lẽo. Hay trích dẫn tiếp: Người lớn có nhiều cách giải toả khác nhau như đi uống rượu, đi chơi, tìm người yêu sao bọn trẻ chúng em không được làm thế. Và những chuyện trong đó có thật trong đời về bạn gái sinh con trong nhà vệ sinh, bạn trai mang đứa con đi phi tang.

Chuyện học sinh lớp 6, lớp 7 khao khát tìm hiểu cơ thể, khao khát yêu không chỉ riêng chuyện tuổi mới lớn ở Trung Quốc mà chuyện tuổi mới lớn ở các nước Châu Á. Và ngay lập tức quyển sách Hoa hồng giấu trong cặp sách gây nên địa chấn ở Trung Quốc. Sau đó Tiền phong ra cuốn sách Những rung động đầu đời và cạm bẫy, những cuộc trưởng thành của bé gái là trưởng thành giải thoát, chúng tôi cảm thấy các em quá đau đớn.

Nói vậy để thấy rằng, những diễn biến diễn ra trong lứa tuổi học đường mà đớn đau nhất là các em chọn cái chết, trong đó có những câu chuyện tính cách cá biệt. Hôm nay chúng ta có mặt ở đây để nhìn nhận một cách chung nhất, gia đình, học đường xã hội. Ba trục đó nếu hạnh phúc thì các em hạnh phúc. Và hôm nay chúng ta có mặt với các vị khách mời để tìm ra giải pháp cho câu chuyện này. Chúng tôi cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình. Hy vọng bạn đọc sẽ có nhiều thông tin bổ ích.

Xin trân trọng cảm ơn.

Nhà văn Hoàng Anh Tú và diễn viên Thu Quỳnh.
Nhà văn Hoàng Anh Tú và diễn viên Thu Quỳnh. Ảnh: Quang Vinh.

Lứa tuổi mới lớn khi nào cũng đau đớn

MC: Thưa quý vị khách mời, để một đứa trẻ trầm cảm dẫn đến hành động dại dột nói gì thì cũng là trách nhiệm của cả 3 phía: Nhà trường, gia đình, xã hội. Nhà văn Hoàng Anh Tú, anh lý giải thế nào về những áp lực dẫn đến căn bệnh trầm cảm ở tuổi học đường?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Tôi làm ở báo Hoa Học Trò nhận được rất nhiều phản ánh từ các con. Các con gặp rất nhiều áp lực, các con đều tìm đến chia sẻ tâm sự những nỗi buồn, bức xúc. Rất nhiều áp lực chúng tôi nhìn thấy, trong khi cha mẹ đều nhìn nhận áp lực đó là trẻ con, thời bằng mày bố mẹ cũng thế, việc gì đâu. Tôi chia sẻ với Quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt, chúng tôi chứng kiến những trưởng thành của các con trong đau đớn. Đó là lý do Hoa Học Trò chúng tôi luôn tìm cách chia sẻ nỗi đau của các con.

Thực ra lứa tuổi mới lớn khi nào cũng đau đớn vì quá nhiều áp lức, chúng tôi có chuỗi phóng sự “Ba mẹ ơi, chúng con không phải là cái thớt” là nói áp lực của gia đình. Rồi áp lực thầy cô về thành tích cũng trút vào trẻ con. Chuyện ở trong lớp, một em chưa đóng tiền học phí cũng thành áp lực, rất nhiều lá thư tâm sự từ những thứ rất nhỏ mà người lớn chúng ta coi là chuyện bình thường, áp lực các con lớn hơn rất nhiều. Rất nhiều lá thư tâm sự các con đều là từ những thứ rất nhỏ mà người lớn chúng ta coi chuyện đó là bình thường. Thật sự các con hoàn toàn cô độc và người lớn chúng ta hay bỏ qua.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Quang Vinh.

Trầm cảm ở học trò hiện nay là khá phổ biến

MC: Thưa GS Lân Dũng, giáo dục phổ thông là quan trọng nhất, nơi hình thành nhân cách, nơi những đứa trẻ con vỡ vạc để thành người lớn thì theo ông đội ngũ giáo viên hiện nay có đáp ứng được nhu cầu của giáo dục hiện nay không? Ông nhìn nhận thế nào về áp lực của trẻ em nhìn từ góc độ trách nhiệm của giáo dục, phương pháp giáo dục ở bậc phổ thông mà các nhà trường đang triển khai hiện nay?

Giáo sư Lân Dũng: Tôi thấy rằng rõ ràng chuyện trầm cảm ở học trò hiện nay là khá phổ biến. Thống kê cho thấy tỉ lệ 10% trẻ vị thành niên bị trầm cảm và 10% trẻ tự tử vì trầm cảm. Những vụ việc học sinh tự sát liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây như giọt nước làm tràn ly làm xã hội băng khoăn, lo lắng.

Dân gian có câu “Nhân tri sơ tính bản thiện”, vai trò của gia đình với tuổi học đường quan trọng lắm. Tôi có hai con đều thành đạt. Mới đây khi đọc facebook của con trai lớn tôi mới biết khi còn nhỏ cháu rất ham đá bóng. Còn con gái thì có 2 bạn thân từ nhỏ và chơi với nhau tới bây giờ. Tôi không nghĩ tuổi thơ của các con được phát triển như thế nên giáo dục trẻ từ gia đình rất quan trọng. Cha mẹ đừng nên tạo áp lực cho con trẻ để các em được phát triển vui tươi. Tôi nghĩ triệu chứng trầm cảm dễ nhận thấy. Nếu bố mẹ nhạy cảm sẽ nhận ra con mình có bị trầm cảm hay không để tìm cách uốn nắn.

Tôi đặt tên 2 con mình là Hiếu và Thảo, không phải chỉ mong muốn con hiếu thảo với bố mẹ mà mong muốn các con hiểu thảo với xã hội, muốn con cái trở thành người tử tế. Mà muốn được như vậy bố mẹ cũng phải tử tế. Nên giáo dục của gia đình rất được quan tâm không chỉ quan tâm ăn mặc mà quan tâm tới trí tuệ, đạo đức của con. Thầy cô cũng vậy, không phải chỉ dạy chữ mà tấm lòng người thầy thương yêu học sinh, hình thành cho trẻ sự tử tế.

Tôi may mắn từ nhỏ được học toàn thầy cô giỏi nên chúng tôi được thừa hưởng một nền giáo dục tử tế. Nên có hai mặt: bố mẹ và thầy cô phải làm sao yêu thương con, yêu thương học sinh để mỗi ngày con đến trường là một ngày vui. Tôi nghĩ rằng, giáo dục cần xem xét lại, phải vừa dạy chữ dạy người. Tôi đi học thi cử bao nhiêu lần mà không thấy áp lực mà vẫn vui, mỗi lần thi tôi cảm thấy mình trưởng thành lên.

Nên quan trọng là thái độ bố mẹ, thầy cô, dành tình cảm yêu thương con cái, học sinh. Tôi đang thực hiện một công việc và tôi cho rằng nó đang có kết quả. Mỗi tuần tôi tóm tắt nội dung một cuốn sách hay bằng 1 bài báo. Tôi thấy có hàng trăm cuốn sách hay mà trẻ không chịu đọc. Tôi sẽ đọc thay các em, đọc thay độc giả, tóm tắt thành 1 cuốn sách và tới đây gửi Báo Đại Đoàn Kết để đăng tải mỗi tuần.

Nhà văn Hoàng Anh Tú.
Nhà văn Hoàng Anh Tú. Ảnh: Quang Vinh.

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Rõ ràng các con gặp áp lực cực kì nhiều. Nếu như thế hệ 6x, 7x, 8x còn có các tờ báo đề viết thư tâm sự thì các con bây giờ không có. Như GS. Lân Dũng đã nói, các con bây giờ sách còn không đọc chứ đừng nói là đọc báo. Rất nhiều tờ báo trong đó có cả Hoa Học Trò của chúng tôi đã phải giảm bớt số lượng phát hành, thậm chí một số tờ báo đã phải đã đóng cửa. Các trường học bây giờ cũng không còn ngân sách để các con đọc báo.

Thay vì có nơi để viết thư bày tỏ, tâm sự như trước khi, bây giờ mọi thứ của các con bị đẩy lên mạng xã hội trong khi đây là môi trường cực kì nguy hiểm. Cậu con lớn nhà tôi năm nay lên lớp 10 đã quyết định khoá TikTok, trước đó đã khoá Facebook do có quá nhiều tiêu cực. Bản thân tôi khi tiếp xúc với mạng xã hội cũng vô cùng hốt hoảng khi đây là môi trường quá toxic (độc hại). Nhưng đáng nói là chính cha mẹ chúng ta cũng đang tham gia vào các cuộc tranh luận, miệt thị này…trên mạng. Theo tôi, các con có nơi để than phiền, tâm sự, thậm chí chửi bậy, nổi loạn còn hơn là im lặng để rồi…

Các khách mời tại tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.
Nhà báo Cẩm Thúy. Ảnh: Quang Vinh.
Nhà báo Cẩm Thúy - MC chương trình. Ảnh: Quang Vinh.
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn. Ảnh;Quang Vinh.
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều vấn đề xã hội phải đối mặt ở giai đoạn hậu Covid-19

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn: Tôi nghĩ rằng, chúng ta vừa chứng kiến và trải qua một sự kiện chưa từng có trong cuộc đời, đó là đại dịch Covid-19, làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của chúng ta. Chưa bao giờ người bệnh bị truy vết, săn lùng, chưa bao giờ đường phố Hà Nội lại vắng vẻ đến lạnh người. Có thể nói, đây là cú sốc với toàn thể xã hội.

Trong khi, Việt Nam không phải nước phát triển về khoa học nên chưa thể nghĩ tới hậu quả của đại dịch về sau mà chỉ đang chạy theo quá trình tiến triển và kiểm soát dịch bệnh, kéo theo các nhà quản lý xã hội cũng chưa thể lường trước được về giai đoạn hậu Covid-19.

Chúng ta có thể thấy, một sự vật, sự việc, sau sự cố nào đó, nếu tái khởi động lại thì phải làm từ từ và có quá trình, lộ trình dần dần, cụ thể để đạt được. Chiếc xe máy để lâu cũng phải đem đi bảo dưỡng, khởi động, chạy rốt đa và khi sử dụng cũng chưa thể chạy nhanh ngay được. Bởi vậy tại sao chúng ta không nghĩ, sau 2 năm, học sinh nghỉ ở nhà, sao không nghĩ đến lộ trình cho học sinh quay trở lại trường để khởi động lại. 2 tuần đầu đến chơi, sau đó học lại dần dần. Sau 2, 3 tháng chuẩn bị tinh thần của thầy và trò chúng ta mới học trở lại bình thường.

Ngay cả bên lĩnh vực kinh tế, họ cũng làm từ từ, thay đổi mục tiêu, chiến lược để kinh tế dần phục hồi và tăng trưởng lại. Vậy tại sao nhà trường, các cơ sở giáo dục đến nay không có lộ trình rõ ràng, như tuần đầu vui chơi, tuần sau học kỹ năng sống và sau đó học kiến thức lại bình thường? Tôi cho rằng đây là điều cần rút kinh nghiệm và nếu có sự can thiệp ngay từ bây giờ cũng chưa muộn.

Đặc biệt, trong thời điểm này, các trường học bắt đầu cho học sinh quay trở lại học. Thời điểm nhạy cảm này, theo tôi, nhà trường không nên bắt một người học bằng 2 bình thường, vì như phân tích ở trên, điều này không khác gì bắt một người mới khỏi ốm phải gánh vác đồ đạc nặng cả. Tôi cho rằng việc này là không cần thiết, bởi giai đoạn tiểu học là giai đoạn đầu nên chưa cần nặng nề, vì việc học là việc cả đời. Lời khuyên của tôi là, mỗi giai đoạn học tập của con trẻ nên đặt một mục tiêu cụ thể sẽ hợp lý hơn.

Nhà báo Lê Anh Đạt.
Nhà báo Lê Anh Đạt.

Nhà báo Lê Anh Đạt - Quyền Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết: Tôi xin phép MC ngắt lời một chút để nói thêm về công nghệ trong đời sống. Hiện nay rất nhiều người có cách khắc phục tác hại công nghệ, như ở nhà tôi ăn cơm cấm xem tivi, hay ở một số quán cafe ghi ở đây không có wiffi đâu, nói chuyện với nhau. Như vậy, ở nhà cũng có xung đột, ai cũng tivi, điện thoại. Thực sự góc độ gia đình, ở góc độ gia đình thì gia đình giáo sư chúng tôi rất ngưỡng mộ. Chúng tôi muốn đặt vấn đề này với GS Nguyễn Lân Dũng, làm cách nào để hài hoà công nghệ với đời sống thực, xin mời Giáo sư ạ?

Không nên cấm đoán trẻ

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Mỗi người có 1 quãng thời gian như nhau trong ngày nhưng điều quan trọng là đứa trẻ ham mê điều gì. Nếu trẻ ham học tập, nghiên cứu thì không có thời gian quá nhiều cho mạng xã hội. Tôi cho rằng, không nên cấm đoán trẻ vì chúng lớn lên không phải lúc nào bố mẹ cũng luôn ở cạnh. Một đứa trẻ trưởng thành có quyền tự do cá nhân. Nên việc cần làm là hướng chúng vào mục tiêu, mục đích sống. Mà để làm được điều đó bố mẹ phải làm gương để các con theo. Theo tôi, bố mẹ, thầy cô là những tấm gương từ đó soi vào tâm hồn đứa trẻ. Tâm trạng của trẻ phải theo dõi, trầm cảm phải có triệu chứng nên người lớn phải biết để phát hiện, chăm sóc, và khắc phục. Nếu bố mẹ chỉ lo kiếm tiền lơ là việc chăm sóc con thì các con sẽ học theo những điều không lành mạnh. Tôi mong rằng cả xã hội nêu những tấm gương tốt giúp xã hội lành mạnh, trẻ em phát triển lành mạnh.

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Chúng ta có thể thấy, trong cuộc sống thì áp lực đến từ khắp mọi nơi. Trong khi trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và không quen với việc chịu áp lực sớm như vậy. Tôi đồng ý với ý kiến anh Đinh Đoàn, kinh tế điều chỉnh các mục tiêu trong khi giáo dục không điều chỉnh. Hà Nội, vừa qua nếu không có sự phản ứng gay gắt của phụ huynh học sinh thì học sinh vào lớp 10 có thể vẫn phải thi 4 môn.

Tôi không hiểu tại sao các nhà quản lý giáo dục lại khăng khăng muốn hoàn thành những mục tiêu như thế. Các bạn học sinh quay lại trường trong tình cảnh chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm học nên chịu không ít áp lực và gặp không ít khó khăn, ví dụ như học sinh lớp 1 chưa biết viết.

Chúng ta hãy đón các con đến trường như một bữa tiệc tựu trường. Các nhà quản lý giáo dục cũng cần giảm chỉ tiêu, các thầy cô mới được giảm áp lực trong dạy học và từ đó sẽ giảm áp lực đến các học sinh.

MC: Không phải đẻ con ra thì làm tốt vai trò cha mẹ. Làm bố mẹ cũng phải học, và thời nay cực kỳ khó. Nói lời khuyên mọi người càng khó, nhưng Hoàng Anh Tú, anh có đưa ra giải pháp gì ở góc độ gia đình để trẻ em được phát triển bình thường và vượt qua trầm cảm? Nhà văn Hoàng Anh Tú có thể chia sẻ gì thêm về vấn đề diễn viên Thu Quỳnh đưa ra, theo anh trẻ con có cô đơn trên mạng không? Và chúng ta có thể làm gì để đồng hành cùng con trên mạng xã hội?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Tôi không bao giờ cấm con tham gia mạng xã hội. Và khi tham gia mạng xã hội, chúng tôi tức gia đình tôi chọn cách không chia sẻ thứ mình không biết, không tham gia tranh luận những việc mình không hiểu. Ngoài ra, chúng tôi tham gia mạng xã hội với thái độ tích cực, nên từ trước đến nay tôi chưa bao giờ ý kiến về việc con tham gia mạng xã hội. Cậu cả nhà tôi không bao giờ để ảnh đại diện cả mà để trắng không, cậu dùng mạng xã hội bằng cách nhận bài của lớp. Nhưng nhiều nhà không như vậy, quan trọng bắt đầu từ cha mẹ, rất nhiều cha mẹ không thể làm được điều đó, chúng ta ở đây có thể khóa facebook 1 tháng, nhưng có nhiều người ráo mồ hôi là hết tiền, họ khác chúng ta nhiều lắm. Tôi tin khán giả đang theo dõi toạ đàm này thì các bậc cha mẹ đều rất yêu con.

Có rất nhiều tâm sự các con gửi đến cho tôi và tôi biết rằng cha mẹ của các con không biết cách yêu con. Đúng là rất nhiều người thương con nhưng không biết bằng cách cách nào để con biết mình thương con. Trở lại câu chuyện cậu bé trường chuyên, tôi tin rằng cậu bé không hiểu được ba mẹ mình yêu mình. Tối hôm đó tôi đọc rất nhiều tâm sự các phụ huynh rằng họ rất yêu con, họ có thể hy sinh quả thận, thậm chí mạng sống cho con nhưng con của họ chưa chắc đã hiểu được điều này. Cá nhân tôi từng trải qua những năm tháng như vậy, tôi cho rằng bố mẹ không yêu tôi, tôi cũng từng dạt nhà 3, 4 hôm nhưng bố tôi không biết.

Cho đến về sau tôi mới nhận ra rằng bố mẹ nào cũng yêu thương con cả nhưng con chúng ta không nhận ra điều đó. Cậu cả nhà tôi từng tâm sự rằng, có những lúc con muốn chết vì con bị tẩy chay, nhưng sau đó con không chết nữa vì con sợ chết, và con thấy bố mẹ rất yêu con. Như vậy tôi đã thành công trong việc con tôi biết tôi thương nó. Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải bằng cách nào đó để cho những đứa trẻ của chúng ta hiểu rằng, chúng ta rất yêu con. Chính vì vậy, tôi cho rằng các ba mẹ hãy yêu con nhiều hơn.

“Tại sao chúng ta có mặt trên cuộc sống”

Diễn viên Thu Quỳnh: Cảm ơn chị, thưa GS Nguyễn Lân Dũng cùng các chuyên gia có mặt trong tọa đàm. Bản thân Thu Quỳnh cảm thấy may mắn vì thấy tự mình bắt bệnh cho mình và hiểu được tình trạng của lớp trẻ bây giờ đang như thế nào.

Thu Quỳnh cũng đang là mẹ, có một em bé, một đứa con, từ khi đủ tuổi đi học, hôm qua bạn ý mới đến trường, không giống như lời bài hát: “em mắt ướt nhạt nhòa”, hôm qua lần đầu Thu Quỳnh đưa con đi học và thấy rằng trên gương mặt những đứa trẻ ai cũng rất vui, cười tươi rạng rỡ. Sau giờ học, Thu Quỳnh hỏi con: “Hôm nay con đi học thế nào, con có thấy vui không”. Bé Be đáp: “Mẹ ơi con vui lắm”. Chỉ cần một câu nói như thế thôi là đã đủ để Thu Quỳnh hiểu được con. Quỳnh thấy rằng, đôi khi chúng ta đang mưu cầu quá nhiều, chỉ cần một câu trả lời của con về việc hôm nay diễn ra như thế nào thôi cũng thể hiện cách các cha mẹ đang đồng hành cùng con ra sao.

Trong những sự vụ xảy ra gần đây, Thu Quỳnh nhìn thấy có một điểm chung đấy là đa phần các bậc phụ huynh không tìm được tiếng nói chung với con. Tại sao lại như vậy? Trong khi, chúng ta là người lớn, chúng ta có kinh nghiệm, chúng ta cần thiết và nên trở lại tuổi thơ, để đi tìm điểm chung giữa bố mẹ và con cái. Tại thời điểm đấy, chúng ta cần gì? nghĩ gì? Để hiểu con hơn.

Diễn viên Thu Quỳnh chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Mọi người thường nói nhiều đến việc cho con sử dụng mạng xã hội (MXH). Thật ra, trong mỗi bộ phim của Thu Quỳnh sau khi lên sóng, Thu Quỳnh cũng lắng nghe nhiều ý kiến và bị stress vì những điều toxic (xấu) trên mạng. Đã có những lúc, Quỳnh cảm thấy chán ghét bản thân bởi sự nỗ lực của mình nhận về nhiều luồng tiêu cực, vùi dập vào đó.

Thu Quỳnh tự hỏi, có phải mình là người không có năng lực hay không? Điều mà tôi nhận thấy là sự ảnh hưởng của MXH, hãy bắt đầu từ MXH để tìm thấy tiếng nói chung với con cái. Có ai không cắm mặt vào điện thoại, cả người lớn và khi các bé cắm mặt vào điện thoại thì đấy là chuyện bình thường. Khi em đặt điện thoại và bắt đầu nói chuyện với bé Be – con trai của em, em thấy con cởi mở hơn.

Vì vậy, chúng ta cần đặt ra thử thách, mỗi tuần dành một ngày không sử dụng điện thoại, khóa Facebook, chúng ta sẽ nhận thấy nhiều giá trị xung quanh cuộc sống. Quỳnh đã từng khóa Facebook 1 tháng, tài khoản MXH nào Quỳnh cũng có nhưng cho đến thời điểm hiện tại, Quỳnh hạn chế sử dụng MXH.

Còn về câu hỏi: Làm sao để em vượt qua những ngày khó khăn khi mắc trầm cảm chính do ngày xưa em hiểu ra tại sao chúng ta có mặt trên cuộc sống này, xuất phát đấy là nền tảng từ gia đình. Vì vậy cho nên chúng ta cần đặt ra những câu hỏi cho con: “Tại sao chúng ta có mặt trên cuộc sống”, “Sự sống có ý nghĩa như thế nào”. Đấy là cách mà gia đình có thể đồng hành cùng con cái, hiểu những mong muốn của con.

Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh - Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai và chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn. Ảnh: Quang Vinh.
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh - Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai và chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn. Ảnh: Quang Vinh.

MC: Làm bố mẹ cũng phải học, và thời nay cực kỳ khó. Nói lời khuyên mọi người càng khó, nhưng nhà văn Hoàng Anh Tú, anh có đưa ra giải pháp gì ở góc độ gia đình để trẻ em được phát triển bình thường và vượt qua trầm cảm? Nhà văn Hoàng Anh Tú có thể chia sẻ gì thêm về vấn đề Thu Quỳnh đưa ra, theo anh trẻ con có cô đơn trên mạng không? Và chúng ta có thể làm gì để đồng hành cùng con trên mạng xã hội?

Cha mẹ Việt rất hay quên

MC: Nhà văn Hoàng Anh Tú có chia sẻ gì về bệnh thành tích ở trong mỗi gia đình?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Tôi thấy đúng rằng là cha mẹ Việt rất hay quên, khi xảy ra vụ bạo hành cha mẹ đổ xô mua sách bạo hành, và trầm cảm thì các cuốn sách trầm cảm bán chạy. Các cha mẹ chỉ lo lắng lúc đó sau đó lặp lại sai lầm của mình. Tôi kể lại chuyện cười, 3 tuổi biết đọc thơ, rồi 5 tuổi biết làm thơ, cha mẹ khen rối rít hay. Nhưng 30 tuổi vẫn làm thơ thì cha mẹ bảo có khi hỏng rồi, sao không đi kiếm tiền, đi làm kinh tế.

Hoặc có chuyện, thầy cô báo về con hư không viết bài thì cha mẹ rất lo lắng, thực ra học sinh chỉ hư thôi chứ không phải không viết bài nhưng giáo viên lại quy vào việc học tập. Vì quy vào học tập như vậy thì cha mẹ lo lắm. Hay như chuyện ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), cha mẹ mang bằng khen đến để con được thưởng tiền, nhưng rất nhiều cha mẹ thấy xấu hổ vì con không có giấy khen.

Như vậy, cha mẹ cũng bị các trào lưu xu hướng như dạy con kiểu Nhật, Do Thái, nhưng mẹ Việt Nam thì không như vậy.Mẹ Việt nhìn thấy những bất ổn, như nhìn trẻ qua đường thì sợ tai nạn. Và khi cuộc sống đầy đủ hơn thì áp lực đặt lên con nhiều hơn. Tôi thấy rất nhiều cha mẹ tự hào về việc 3, 6 tuổi nói tiếng Anh lưu loát nhưng tiếng Việt bập bẹ. Hay như các trường tư, dành nhiều thời gian học kỹ năng, dành thời gian cho các con vui chơi nhưng nhiều cha mẹ đặt câu hỏi vậy thời gian đâu để học, sau này thi 10 thế nào? Như vậy các phụ huynh đều yêu cầu trường tư tăng thêm bài tập cho con cái họ. Như vậy, lũ trẻ đang gặp rất nhiều áp lực từ phía cha mẹ.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn. Ảnh: Quang Vinh.

Chúng tôi vẫn muốn nghe thêm ý kiến của Chuyên gia Đinh Đoàn liên quan đến vấn đề thành tích và bệnh thành tích trong giáo dục.

Chuyên gia Đinh Đoàn: Trong cuộc sống, chúng ta rất cần thành tích. Bất cứ công việc gì, hành động nào đi chăng nữa, đã làm thì phải cần có mục tiêu.

Chúng ta chỉ đả kích “bệnh thành tích” khi thành tích đó bị làm cho lệch lạc, những thành tích được chỉ định sẵn, nhiều khi không có thật. Trong giáo dục, chúng ta có thể thấy rất nhiều thành tích được đặt ra, thông qua việc thống kê về kết quả học tập của học sinh, đánh giá của phụ huynh, học sinh về nhà trường, điều tra xã hội học phụ huynh, học sinh cho rằng thầy cô đủ phẩm chất, nhà trường đủ tiêu chuẩn,...

Tôi cho rằng, chúng ta không sợ thành tích mà nên cần thành tích nhưng phải là thành tích thật, thành tích đặt ra theo năng lực thật của nhà trường, năng lực thực sự của học sinh. Trên thực tế, không chỉ về học lực, đạo dức mà nhà trường có thể đặt ra các thành tích khác đạt được trong quá trình hoạt động ngoại khóa hay hoạt động nhằm trang bị kỹ năng sống của học sinh,... mang tính khách quan, tránh những thành tích mà tự thân nhà trường cũng tự tạo ra được.

Tuy nhiên, đả kích bệnh thành tích trong giáo dục không có nghĩa là “học thế nào cũng được”. Áp lực và thành tích là thứ quan trọng để thúc đẩy chúng ta đi lên, làm động lực để con người lao động, cống hiến cho xã hội, cho cộng đồng, không được lười biếng, từ đó đạt được những thành tựu, thành công trong cuộc sống. Theo tôi, chúng ta không được sợ áp lực. Còn sống thì luôn có áp lực, chỉ là chúng ta làm sao để cố gắng không cho áp lực đó trở nên quá lớn để rồi không chịu đựng được và buông tay.

Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh - Viện sức khoẻ tâm thần Quốc gia. Ảnh: Quang Vinh.

MC: Thưa bác sĩ Vân Anh, trong công việc hàng ngày của mình, chị hay gặp các ca bệnh trẻ em không? Thường các em rơi vào tình trạng như thế nào thì được đưa đến bệnh viện?

Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh: Ngay khi bắt đầu công tác, rất may mắn cho tôi khi đã được làm việc tại Viện sức khoẻ tâm thần Quốc gia - Bệnh viện bạch Mai, đây là cơ sở lớn nhất nghiên cứu và chữa trị các bệnh tâm thần. Các ca bệnh khi được chuyển đến đây rất đa dạng về lứa tuổi, người già cũng có, người trưởng thành cũng có, trong đó tỉ lệ trẻ em và vị thành niên tương đối lớn. Thông thường, đối với các em nhỏ thường đi cùng bố mẹ và người thân. Trong khi các bạn ở tuổi vị thành niên lớn hơn có thể đi khám một mình hoặc người yêu, bạn bè cùng lớp.

Về mặt bệnh lý, các trường hợp đến khám trực tiếp chuyên khoa rất đa dạng về rối loạn cảm xúc hàng đầu như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực…Ngoài ra các em cũng mắc phải một số rối loạn hành vi như nghiện game, nghiện mạng xã hội và các rối loạn thần…

Thông thường, rất ít các trường hợp có triệu chứng nhẹ do bố mẹ sớm phát hiện ra thông qua những tìm hiểu trên mạng nên đưa đến để sàng lọc sớm. Còn đâu phần đa các trường hợp đến khi các triệu chứng đã rõ và bệnh cảnh đã nặng nề. Nhiều trường hợp phải cấp cứu về mặt tâm thần như nhịn ăn nhiều tháng, đến viện trong tình trạng suy kiệt, giảm cân. Một số trường hợp đến với tình trạng chi chít vết cắt trên người…

Ở khoa chúng tôi cũng có nhiều trường hợp chuyển đến từ những khoa khác với tình trạng tự sát và tự sát nhiều lần, sau khi được cấp cứu thì được chuyển đến khoa tâm thần để tiếp tục điều trị. Một số khác bị chuyển đến trong trạng thái kích động, la hét, đập phá đồ đạc, làm tổn thương, đánh đập người nhà. Đây là những ca bệnh chúng tôi tiếp xúc hàng ngày khi đến bệnh viện Bạch Mai.

Không có một bác sỹ nào tốt bằng cha mẹ

MC: Nhà văn Hoàng Anh Tú, anh có đưa ra giải pháp gì ở góc độ gia đình để trẻ em được phát triển bình thường và vượt qua trầm cảm?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Tôi không có qua nhiều kiến thức mang tính học thuật, sách vở để các con vượt qua vùng xám, tôi chỉ gọi là vùng xám thôi khi mà trầm cảm phải có dấu hiệu liên tục trong vòng 2 tuần nhưng bản thân các con thì áp lực mệt mỏi trong vòng 1, 2 ngày. Tôi nghĩ là giải pháp là các cha mẹ có thể xây dựng suy nghĩ tích cực cho các con. Và với cha mẹ có suy nghĩ tích cực thì đứa trẻ nhìn vấn đề nhẹ nhàng hơn. Cha mẹ hoàn toàn có thể giúp các con nhìn thấy nhiều hơn mặt tích cực hơn là tiêu cực trong một vấn đề. Thứ 2 giúp con xem trọng giá trị bản thân, giúp con có giá trị trong cuộc sống, giúp con luôn biết tự tin với bản thân mình. Giúp con hiểu về giá trị bản thân cũng là cách giúp con ứng phó với những tồi tệ bên ngoài.

Như sau này tôi tin rằng, con gái tôi cũng không cho phép gã đàn ông nào đối xử tồi tệ với nó. Thứ 3, tôi thật sự mong tính kết nối, tan học về hỏi con hôm nay có chuyện gì vui, có bạn nào tè dầm không? Rõ ràng con mình học lớp 10 rồi nhưng hỏi con mình có bạn nào tè dầm cũng là câu chuyện rất vui. Vì vậy hãy giữ kết nối lâu nhất. Tôi tin rằng không có một bác sỹ nào tốt bằng cha mẹ, không bác sỹ nào khi biết con hiểu rằng giá trị của mình.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Quang Vinh.

MC: Với vai trò là Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Giáo dục của MTTQ Việt Nam nếu bây giờ viết thư gửi Bộ trưởng Bộ GDĐT, ông sẽ kiến nghị điều gì để học sinh vừa dạy được chữ vừa nuôi dưỡng tâm hồn các em phát triển bình thường?

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Hội đồng tư vấn Giáo dục thường xuyên góp ý với Bộ trưởng Bộ GDĐT làm thế nào để có nền giáo dục phát triển lành mạnh. Tôi tin rằng, với những ý kiến đóng góp của chúng ta tại toạ đàm hôm nay, Bộ trưởng Bộ GDĐT sẽ theo dõi, lắng nghe cố gắng để các trường phát triển lành mạnh, thi đua dạy tốt học tốt như mong muốn của Bác Hồ. Để làm được điều này, giáo dục phải làm sao không chạy theo thành tích. Chạy theo thành tích khác với thành tích lành mạnh.

Nền giáo dục của chúng ta là nền giáo dục đang phát triển, mọi người dân đều có cơ hội học tập. cơ hội phát triển lành mạnh, để mỗi ngày đến trường vui vẻ. Về mặt khoa học, nếu ai cảm thấy vi sinh vật trong ruột ko lành mạnh uống các thực phẩm chống sinh vật xấu trong ruột. trẻ phải có đường ruột lành mạnh, khoẻ khoắn trong cơ thể, mới mong khoẻ về tâm hồn, cuộc sống. Vì vậy, bố mẹ cần quan tâm sức khoẻ của trẻ em bao gồm cả sức khoẻ tinh thần và thể chất. Cuối cùng, tôi tin bộ trưởng lắng nghe ý kiến chúng ta hôm nay để phát triển một nền giáo dục lành mạnh.

Diễn viên Thu Quỳnh. Ảnh: Quang Vinh.
Diễn viên Thu Quỳnh. Ảnh: Quang Vinh.

MC: Diễn viên Thu Quỳnh với tư cách là một người đang nuôi dạy con nhỏ, chị có chia sẻ gì tới các bậc phụ huynh nhằm giúp họ giảm áp lực và khoảng cách giữa các thế hệ của cha mẹ con cái ngày nay?

Diễn viên Thu Quỳnh: Vâng ạ, em cũng rất đồng tình và cảm thấy thú vị về câu chuyện của nhà văn Hoàng Anh Tú. May quá, trộm vía, mình vẫn đang làm đúng. Việc chúng ta trêu đùa, chia sẻ với con qua từng ngày từng tháng sẽ giúp khoảng cách giữa con cái và cha mẹ ngắn bớt đi, chúng ta phải là một người bạn của con. Khi con em 4 tuổi, thì em cũng chỉ hơn con 6 tuổi thôi, mình trẻ hóa để gần gũi với con hơn, nắm bắt suy nghĩ của con.

Từ ngày bé, em có nói với bé Be, có chuyện gì cũng phải chia sẻ với mẹ. Nhưng dường như phương pháp này không mang lại hiệu quả, em nghĩ rằng bản thân đang ép buộc con. Sau này, em chia sẻ với con trước và điều em rút ra đấy là người lớn phải là tấm gương cho con. Chỉ khi con hiểu được mình là chỗ dựa của con và ngược lại, lúc đấy cha mẹ mới thật sự gần con. Theo em nghĩ, chúng ta cứ dần dần từng bước có khi lại gần gũi con hơn cả anh Chánh Văn.

MC: Thưa anh Đinh Đoàn, ở góc độ xã hội, theo anh, đâu là giải pháp truyền thông, quản lý tư duy xã hội trẻ em để chúng ta không phải chứng kiến những câu chuyện nuối tiếc?

Chuyên gia Đinh Đoàn: Tôi cho rằng, chúng ta cần tạo ra tình yêu đối với trẻ em, với con cái chúng ta. Trong cuộc sống, tình yêu giúp chúng ta khôn ngoan hơn rất nhiều, giúp chúng ta nhạy cảm, tinh tế hơn. Nếu một đứa trẻ hồn nhiên, vô tư bỗng dưng mặt vô hồn, ánh mắt thiếu sức sống, chúng ta là phụ huynh có thể đủ tinh tế để nhận ra chúng đang có gì đó không ổn chứ không cần đến những dấu hiệu lâm sàng.

Khi đó, con trẻ sẽ vui lắm khi được bố mẹ - người thân nhất của chúng hỏi rằng “Con khỏe chứ”, thay vì bố mẹ lại buông những lời trách móc, mắng mỏ cho con trẻ chỉ vì chúng bỗng thay đổi lạ thường, không được xuất chúng, không được lạc quan, vui tươi như mọi ngày. Như vậy thì tình yêu với con trẻ ở đâu? Kèm theo đó là những câu hỏi về điểm số, thành tích, trường công, tạo ra áp lực học tập không hề nhỏ. Đấy không phải giao tiếp mà là tra hỏi.

Theo tôi, đừng bắt trẻ em lớn lên bằng chúng ta mà phải hạ thấp chúng ta bằng trẻ. Người nước ngoài khi nói chuyện với trẻ con thường cúi hoặc ngồi xuống để thủ thỉ, nói chuyện thân mật, yêu thương.

Do đó, người lớn chúng ta không ngại gì khi nhí nhố, vui tươi, hồn nhiên cùng trẻ con. Bởi thứ đi theo chúng ta và con trẻ chính là kỷ niệm đẹp, ký ức từ những lần cha mẹ chơi đùa cùng con trẻ, đi du lịch cùng con, đáp chuyến bay sớm nhất để trở về với con sau khi đi công tác. Biến tình yêu thương từ lời nói thành hành động cụ thể. Đó là ký ức tươi đẹp để trẻ em trưởng thành. Để cuộc sống hạnh phúc, chúng ta phải tạo ra những niềm vui, niềm vui kiểu của con trẻ chứ không phải niềm vui của người lớn.

Có câu nói nổi tiếng rằng “Nhún càng sâu thì nhảy càng cao”. Đây là kinh nghiệm sống rất quý báu và hữu ích. Trong gia đình, nhiều khi chúng ta biết cách nhún mình, hạ mình để đề cao con mình lên trong từng hành động nhỏ của cuộc sống. Thay vì tẩy chay mạng xã hội, hãy chuyển hóa và tận dụng mảng tích cực của chúng, đẩy thông tin lên các kênh để trò chuyện với nhau. Khi cuộc sống vui vẻ, nhẹ nhàng, đó là cách để phòng trách trầm cảm hiệu quả nhất.

Nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Nói lời kết tại buổi Tọa đàm, Quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt cho rằng, với tư cách vừa làm truyền thông, vừa là cha mẹ của các con thì cuộc tọa đàm hôm nay rất nhiều thông tin bổ ích và chúng tôi lắng nghe một cách trọn vẹn, toàn diện. Tuy nhiên đây là vấn đề cực lớn, kinh tế có thể thay đổi ngay được nhưng văn hoá thì phải rất lâu.

Cũng trong một buổi toạ đàm trực tuyến, chúng tôi đã có mời một vị giáo sư rất đáng kính, Giáo sư Lê Văn Lan có nói một câu rằng, chúng ta là thân xác của người hiện đại nhưng văn hoá của người tối cổ. Tức là chúng vẫn u muội về những điều xưa cũ. Thế nên chúng ta có những trao đổi để thứ nhất là đồng hành cùng với cảm xúc của xã hội, chia sẻ với những ông bố bà mẹ không may có những đứa con chọn hành xử tiêu cực như vậy, tôi nghĩ họ chẳng biết bao giờ nguôi ngoai được.

Nhà báo Lê Anh Đạt cho biết, trong chuyện làm truyền thông, làm báo, chúng tôi có trách nhiệm và cũng mong mỏi những chuyện như vậy đừng xảy ra. Tôi cũng đồng tình với chia sẻ anh Đinh Đoàn, Thu Quỳnh có những tiếp cận rất thực tiễn. Nhưng anh Tú cũng nói rồi, lứa tuổi chúng ta đang hướng đến, khó khăn nhất là khi chúng khép cửa, ngại tiếp xúc thì cũng là lứa tuổi hay dại dột nhất. Tôi vẫn nghĩ rằng thay đổi lớn của cơ cấu xã hội, thay đổi vũ bão của công nghệ thì cuộc sống thay đổi rất nhanh.

Chúng ta từng trải qua câu chuyện chưa bao giờ có trong lịch sử loài người là Covid-19, cho nên tất cả đều là bắt đầu, tất cả đều vừa làm vừa dò và chưa có tiền lệ và di chứng để lại có lẽ còn rất nhiều. Với tư cách người chủ trì tôi mong muốn nói rằng vai trò của giáo dục làrất quan trọng.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã nói, cái đẹp nhất của giáo dục trong cuộc sống của chúng ta đó là nêu gương. Vai trò của nêu gương trong gia đình, nhà trường, xã hội là vô cùng quan trọng. Một trong những gia đình đã làm được việc đó trong xã hội chúng ta là dòng họ Nguyễn Lân.

"Tôi thì tôi nghĩ thế này, vai trò của cô giáo chủ nhiệm, vai trò của cô giáo đầu cấp cực kỳ quan trọng. Ví dụ lớp một, ngày đầu tiên đi học có lẽ là ngày cả đời chúng ta sẽ nhớ, nếu gặp phải cô không yêu quý thì chúng ta nhớ cả đời. Và trong ánh mắt của các con ngày đầu tiên đi học đó nhiều con không bao giờ quên được. Thứ hai, là từ lớp 5 chuyển sang lớp 6, nếu không có cô giáo thực sự tốt thì các em sẽ đối diện với nhiều cú sốc, bạn mới, môi trường mới, cô giáo mới. Và bậc cuối cùng là lớp 10 khi tâm sinh lý thay đổi, môi trường thay đổi", nhà báo Lê Anh Đạt nói.

Nhà báo Lê Anh Đạt thấy rằng, hiện nay, những giáo sư đầu ngành, những người có kinh nghiệm giáo dục thì lại dạy đại học. Chúng tôi sử dụng hệ thống giáo viên, ngoài dạy chữ thì có những đứa trẻ bị tổn thương bởi cách giáo dục. Nói thế để thấy rằng, tôi cũng từng trải qua những niềm vui với người thầy không bao giờ quên nhưng có những người thầy làm tôi rất đau lòng vì có những lời nói, có những phát ngôn không mong muốn nhưng nó đã diễn ra. Vậy nên tôi muốn nói rằng, có lẽ trong khi chờ đợi sự thay đổi từ nền giáo dục thì chúng ta phải đặc biệt quan tâm, sắp xếp những cô giáo hù hợp đứng lớp ở đầu cấp.

Nhà báo Lê Anh Đạt cảm ơn các vị khách mời tham gia Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Nhà báo Lê Anh Đạt chia sẻ: "Tôi nhớ mãi câu chuyện ngành giáo dục từ học sinh cá biệt thành thiên tài. Đó là câu chuyện của Thomas Eldison, ông giống như tự kỷ, nhà trường trả về và người mẹ đọc lá thư của hiệu trưởng rằng chúng tôi không dạy được con của bà vì các khuyết điểm như thế. Nhưng bà mẹ diễn đạt với con mình rằng, con là một thiên tài nên nhà trường không dạy được mà mẹ sẽ tự dạy. Ông tin vào điều đó, tin vào sự giáo dục đó và sau này khi đọc được bức thư của nhà trường gửi tới mẹ ông năm nào thì ông đã bật khóc".

Giáo dục sẽ biến những thứ khiếm khuyết, không mong muốn thành những sự tử tế, tốt đẹp. Chúng ta cũng nhìn thấy trên mạng có hình ảnh trong lớp có mấy chục người giơ giấy khen lên thì duy nhất có một học sinh không giơ được gì, tôi tự hỏi nếu giáo dục như thế thì bạn đó sẽ sống thế nào với nỗi buồn đó. Cần giáo dục thì phải hướng tới bạn thiểu số kia. Mọi người nghĩ thế nào nếu 99 người có giấy khen, 1 người không có giấy khen mà cô giáo bắt giơ lên. Rồi bạn lớp 10 tâm sinh lý biến đổi liên tục, có người chỉ một nốt ruồi thôi thì người ta muốn tử tự.

Nhà báo Lê Anh Đạt cho rằng, vai trò của giáo dục rất quan trọng, vai trò của cô giáo đứng lớp rất quan trọng. Điều đầu tiên, những học sinh đầu cấp thì nên sắp xếp giáo viên hợp lý. Đặc biệt, nên có bác sỹ tâm lý hoặc giáo viên tâm lý. Thứ 2, đôi khi đứa trẻ vừa tự tử hôm nọ thì các phân tích của chúng ta ở đây chưa chắc hiểu được. Có thể đó sự bùng nén rất khủng khiếp trong đầu óc của các con. Tôi cũng mong muốn dịp này chúng ta chia sẻ vai trò của gia đình, đó là sự lắng nghe, thấu hiểu trong mỗi gia đình.

Chúng ta từng biết trong các vụ bạo hành được hé lộ khi báo chí phát hiện và nó khủng khiếp đến mức không thể tưởng tượng được, như đóng đinh lên đầu đứa trẻ. Những gì quan trọng nhất các vị khách mời đã nói, tôi xin nói những lời kết nhưng mở. Vì đây là câu chuyện của mỗi nhà, chuyện của chúng ta bảo vệ những đứa con nếu quý bạn đọc theo dõi thì tự rút ra cho mình những bài học trước khi chờ đợi xã hội, nhà trường có giải pháp tốt hơn.

Nhà báo Lê Anh Đạt bày tỏ: "Một lần nữa thay mặt những người tổ chức chương trình, tôi xin cảm ơn những vị khách mời, quý bạn đọc. Và câu chuyện không dừng ở buổi toạ đàm hôm nay nếu có dịp chúng tôi mong muốn thúc đẩy những những điều tốt đẹp là gia đình tốt, nhà trường tốt, xã hội tốt thì đương nhiên đứa trẻ sẽ có cuộc sống tốt hơn. Và trong hành trình làm truyền thông, chúng tôi sẽ không ngừng nghỉ trong câu chuyện này".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tọa đàm 'Trầm cảm tuổi học đường: Cách nào vượt qua?'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO