Toàn cảnh nợ công Hy Lạp

Linh Chi 18/07/2015 07:20

Cả thế giới đang dõi theo các diễn biến hết sức gay cấn ở châu Âu kể từ sau khi Hy Lạp tuyên bố vỡ nợ vì không trả nợ đúng hạn cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Giờ đây, các chủ nợ quốc tế và Hy Lạp đang cố gắng cứu vãn tình thế nhờ đề xuất cải cách mới, nhưng không gì chắc chắn rằng nó có thể cứu nước này khỏi cơn ác mộng khi đã đắm chìm quá sâu vào cơn khủng hoảng.

Người dân Hy Lạp xuống đường phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng.

Ngày 1/1/2001: Hy Lạp chính thức gia nhập Eurozone

Chính thức nhận được lời mời từ hồi tháng 6/2000, và đến tháng 1/2001 Hy Lạp đã trở thành quốc gia thứ 12 gia nhập cộng đồng Khối đồng tiền chung châu Âu, gọi tắt là Eurozone, từ bỏ đồng Drachma của mình.

Để nhận được tư cách thành viên, Hy Lạp cần phải thể hiện mình là một nền kinh tế phát triển, đáp ứng được các mục tiêu về bình ổn giá và tài chính công. Đất nước này trước đó chưa từng đáp ứng được các điều kiện trên.

Ngày 15/11/2004: Hy Lạp thừa nhận báo cáo khống để vào Eurozone

Để gia nhập Eurozone, Hy Lạp cần phải đáp ứng một số điều kiện kinh tế nhất định. Thế nhưng, vào cuối năm 2004, Chính phủ Hy Lạp thừa nhận rằng họ đã báo cáo sai về mức thâm hụt ngân sách trong khoảng từ năm 2000 đến 2003.

Để có tư cách thành viên Eurozone thì mức thâm hụt ngân sách của một nước không được vượt quá 3%, nhưng Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp trước đó lại khẳng định rằng mức thâm hụt của đất nước ông chưa bao giờ xuống dưới mức này kể từ năm 1999.

Ngày 8/12/2009: Thâm hụt ngân sách tăng cao

Hãng Fitch hạ xếp hạng tín dụng của Hy Lạp từ A- xuống BBB+, đánh dấu lần đầu tiên trong thập kỷ quốc gia này đã bị tụt xuống khỏi hạng A.

Sự việc xảy ra sau khi ông George Papaconstantinous - người trở thành Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp sau này – cảnh báo rằng mức thâm hụt của nước này có thể lên tới 12,5% GDP trong khoảng 2009. Sự việc kéo theo hàng loạt các hãng đánh giá đánh tụt hạng Hy Lạp xuống mức thấp hơn.

Ngày 3/3/2010: Bắt đầu “thắt lưng buộc bụng”

Chính phủ Hy Lạp phê duyệt biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, gồm cắt giảm chi tiêu khu vực công, đóng băng lương hưu, tăng thuế thuốc lá, rượu và xăng dầu. Các liên đoàn lao động ở Hy Lạp đồng loạt phản ứng một cách tức giận, gây bùng nổ các cuộc biểu tình bạo lực ở thủ đô Athens.

Ngày 2/5/2010: Chiến dịch giải cứu bắt đầu

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các thành viên Eurozone thỏa thuận gói cứu trợ đầu tiên cho Hy Lạp trị giá 110 tỷ Euro (146 tỷ USD), giữa lúc có nhiều lo ngại rằng nền kinh tế dễ đổ vỡ của nước này có thể đẩy toàn khối vào cảnh hiểm nghèo.

Đổi lại, Hy Lạp phải thực hiện nhiều chính sách khắc khổ hơn, và bởi vậy các cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra. Kể từ năm 2010, Hy Lạp đã nhận được 2 gói cứu trợ trị giá 240 tỷ Euro.

Ngày 26/10/2011: Cắt giảm nợ cho Hy Lạp

Sau các cuộc đàm phán diễn ra xuyên đêm, giới lãnh đạo châu Âu thỏa thuận giảm nợ cho Hy Lạp do các vấn đề tài chính của nước này vẫn tiếp diễn.

Ngày 10/4/2014: Hồi sinh hay bắt đầu của sự kết thúc

Các nhà đầu tư hết sức vui mừng khi Hy Lạp chính thức trở lại thị trường tài chính sau khi phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm. Nhưng nhiều nhà phân tích lo ngại rằng đây chỉ là khởi đầu cho một sự kết thúc của Hy Lạp.

Ngày 25/1/2015: Đảng Syriza chiến thắng

Dẫn đầu bởi ông Alexis Tsipras, Đảng Syriza với quan điểm phản đối các biện pháp khắc khổ mà chủ nợ quốc tế đề ra, đã dọn đường đến chiến thắng và hình thành một liên minh với Đảng Hy Lạp Độc lập.

Việc ông Tsipras trở thành Thủ tướng dù được sự ủng hộ của người dân, nhưng các nhà đầu tư trên toàn thế giới lại càng lo ngại về viễn cảnh Hy Lạp phải ra khỏi Eurozone.

Ngày 24/2/2015: Eurozone gia hạn gói cứu trợ

Các Bộ trưởng Tài chính Eurozone thông qua kế hoạch gia hạn thêm 4 tháng gói cứu trợ cho Hy Lạp, sau khi Chính phủ mới chấp nhận các đề xuất cải cách ngay trước hạn chót. Các biện pháp này gồm quản lý chi tiêu công, chống tham nhũng và chống trốn thuế. Vào lúc này, Hy Lạp đã có một danh sách trả nợ dày đặc trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 6-2015, nhưng chưa lần nào trả đúng hạn.

Ngày 30/6/2015: Vỡ nợ

Hy Lạp và các chủ nợ không thể đạt được thỏa thuận về các đề xuất cải cách để đổi lấy gói cứu trợ tiếp theo. Vào đêm 30-6, nước này cũng chính thức lâm vào tình trạng vỡ nợ khi không trả được khoản nợ 1,5 tỷ Euro (1,7 tỷ USD) cho IMF, trở thành quốc gia đầu tiên không trả nợ đúng hạn cho IMF kể từ sau trường hợp của Zimbabwe hồi năm 2001.

Ngày 5/7/2015: Trưng cầu dân ý

Trong một động thái gây bất ngờ, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc có hay không chấp nhận các đề xuất khắc khổ của giới chủ nợ. Kết quả cho thấy 61% người dân không đồng ý chịu các biện pháp khắc khổ để đổi lấy gói cứu trợ.

Đối với ông Tsipras thì đây là một chiến thắng, nhưng nó cũng khiến các chủ nợ gần như từ bỏ hy vọng đạt thỏa thuận với Hy Lạp, và thậm chí còn tính đến khả năng để Hy Lạp ra khỏi Eurozone.

Ngày 12/7: Đề xuất mới của Hy Lạp

28 nước thành viên Liên minh châu Âu nhóm họp để thảo luận về đề xuất mới nhất mà Hy Lạp đưa ra. Đây được coi là cơ hội cuối cùng cho Hy Lạp đưa ra các đề xuất đủ sức nặng để có thể thuyết phục các chủ nợ tiếp tục bơm gói cứu trợ thứ ba.

Ngày 16/7/2015: Quốc hội Hy Lạp thông qua các biện pháp cải cách mới

Bất chấp sự phản đối của nhiều nghị sĩ Đảng Syriza cầm quyền của Thủ tướng Alexis Tsipras, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua Dự luật về những biện pháp cải cách khắc nghiệt theo yêu cầu của các chủ nợ nhằm đổi lấy một gói cứu trợ mới trị giá 86 tỷ Euro (94 tỷ USD).

Cuộc biểu tình mới đây tại thủ đô Athem phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng dẫn đến bạo động được coi là nghiêm trọng nhất trong vòng 2 năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Toàn cảnh nợ công Hy Lạp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO