Tội ác người cha và tình thương của con trẻ

Hoàng Việt 22/09/2022 06:37

Mặc dù từng chứng kiến cái chết đau đớn của người mẹ mà hung thủ gây ra không ai khác chính là bố mình, song cậu học sinh và chị gái nén nỗi đau, đứng trước toà xin giảm án cho đấng sinh thành.

Nguyễn Mạnh Đức tại phiên tòa sơ thẩm.

Ra tay tàn ác với người “đầu ấp, má kề”

Người ta vẫn nói thời gian là phương thuốc có thể chữa lành vết thương, hàn gắn tình cảm gia đình, song với hai chị em H. mọi biến cố xảy ra với cuộc sống họ vẫn như “ngày hôm qua”. Nỗi đau mất mẹ, người cha vướng lao lý sẽ vẫn đi theo cả hai suốt cuộc đời này.

Chị em H. là kết quả của cuộc hôn nhân dài một phần ba đời người giữa Nguyễn Mạnh Đức (hiện 46 tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) và chị N.T.T (40 tuổi).

Như bao gia đình khác, hai chị em H. vốn có cuộc sống đầy đủ cả bố lẫn mẹ, được ăn học đầy đủ. Nhưng bỗng đâu tai hoạ ập đến, làm đảo lộn mái ấm vốn tưởng chừng kiên cố đó.

Đến khi án mạng xảy ra, mẹ chết, bố vướng lao lý thì hai chị em H. mới biết giữa hai đấng sinh thành vốn không “như mọi người nghĩ, mọi người nhìn vào”. Đến khi vụ án chồng sát hại vợ bằng điếu cày được làm rõ, mà nạn nhân là mẹ, còn hung thủ lại chính là bố, hai chị em H. và mọi người trong gia đình mới suy sụp và đau đớn.

Không được chứng kiến tội lỗi của người bố gây ra với mẹ, song tại phần công bố cáo trạng truy tố của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, cũng như buổi thẩm vấn của Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Hà Nội hôm đầu tuần tháng 7, H. cùng em trai và ông bà, chú dì mới thấy được tội lỗi của Nguyễn Mạnh Đức.

Như bao gia đình khác, cuộc sống vợ chồng của bị cáo có những tháng ngày vui vẻ, thăng trầm. Chị T. là một phụ nữ đảm đang, sinh cho chồng đủ nếp, đủ tẻ. Nhưng theo thời gian, khi cuộc sống gắn bó lâu dài, những tính tốt, điểm xấu của nhau được gợi ra, đáng lẽ rằng vợ chồng cần có sự cảm thông, chia sẻ. Song Đức giải quyết các mâu thuẫn bằng những trận đòn với chị T.

Mâu thuẫn âm ỉ, đến khi chỉ vì một chuyện nhỏ lại gây ra hậu quả của một vụ án mạng đau lòng. Theo hồ sơ vụ án và lời khai tại phiên toà ngày 8/7, ngày 6/11/2021, gia đình bố mẹ của chị T. tổ chức cưới con trai (em chị T.), nhưng chị này không báo cho Đức biết.

Đến khoảng 10h cùng ngày, chị T. cùng con trai đến đám cưới thì Đức mới biết. Thấy vậy, Đức bực mình về việc không thấy bố mẹ vợ mời cưới nên nói với con trai: “Mày bảo mẹ mày không coi bố ra gì cả, bố trụ cột gia đình mà cưới con thông gia không bảo bố đi”.

Sau đó Đức tắt điện thoại và đi ra quán uống rượu cùng với bạn bè trong làng. Đến khoảng 18h30, Đức đi mua thức ăn mang về nhà ngồi uống rượu một mình.

Khoảng 21h cùng ngày, Đức đi ra trang trại của gia đình ở cánh đồng thôn Nghĩa Lại, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội để nấu rượu và ngủ tại trang trại. Khoảng 30 phút sau, chị T. đi xe máy ra trang trại để ngủ nhưng không nói chuyện gì với Đức.

Đến khoảng 0h30 ngày 7/11/2021, Đức tỉnh dậy, đi ra cửa nhà để ngồi hút thuốc lào. Lúc này, chị T. cũng thức dậy đi vệ sinh thì Đức hỏi về việc đi ăn cỗ không nói gì với chồng, dẫn đến hai người xảy ra mâu thuẫn cãi nhau.

Đức đứng dậy cầm điều cày giơ lên dọa đánh chị T. Lúc này chị T. cũng lấy con dao ở khu bếp, đứng trước mặt chồng nói: “Mày bắt nạt tao, nếu hôm nay mày mà đánh tao, tao sẽ chém chết”.

Nghe vợ nói thế, Đức cầm điếu cày giơ lên dọa đánh thì chị T. cầm dao chém 1 nhát vào cổ tay trái của chồng. Bực tức vì bị chém, Đức cầm điếu cày giơ lên đập liên tiếp nhiều nhát trúng đầu, vai, cổ của vợ…

Hậu quả sau đó, chị T. tử vong. Đến khoảng 4h sáng cùng ngày, Đức thức dậy thì thấy vợ nằm chết ở nền nhà. Lúc này bị cáo dùng dao lam tự cứa vào cổ tay và cổ chân để tự tử. Sự việc sau đó được người thân phát hiện, Đức được đưa đi cấp cứu và thoát chết.

Mong tòa xem xét giảm nhẹ tội cho bố

Người tham dự phiên toà hôm đó không khỏi thương xót trước hoàn cảnh bi đát của người phụ nữ xấu số. Càng chạnh lòng hơn khi nghe những tiếng nức nở, thút thít của hai người con.

Vụ án hôm đó được gợi lại trong mỗi người có mặt tại phiên toà, gồm gia đình bị cáo, bố đẻ của chị T. và hai người con. Nhiều lần chủ tọa động viên con trai, con gái của bị cáo bình tĩnh khi cả hai liên tục rơi nước mắt, nghẹn ngào. Đức ngồi im, không một lần quay xuống nhìn những đứa trẻ với gương mặt ướt đẫm nước mắt.

Con trai út của bị cáo là người đầu tiên chứng kiến cảnh tượng mẹ bất động trong vũng máu và đã chết. Cậu học sinh này cho hay, buổi sáng hôm đó không thấy bố mẹ đâu, đã chở bà nội đến trang trại.

“Tới nơi, cổng khoá nên cháu trèo tường vào và… thấy mẹ đã chết” - cậu nghẹn ngào nói trước tòa.

Ông ngoại của cậu chia sẻ rằng, những lần con gái về nhà có tâm sự chuyện vợ chồng mâu thuẫn. Lúc ấy, ông bảo con “nó đánh sao không bỏ đi” thì chị T. cho hay bị chồng dọa giết và lo con cái “bơ vơ”.

Khi được chủ tọa hỏi về đề nghị như thế nào về trách nhiệm hình sự, con gái lớn của bị cáo trình bày: “Mỗi người chỉ có một bố, một mẹ. Trong khi đó mẹ con đã mất rồi, còn một mình bố nên mong toà xem xét giảm nhẹ cho bố”.

Trước đề nghị này, cùng với việc bị cáo thành khẩn, ăn năn, khai nhận hành vi phạm tội, toà đã tuyên phạt bị cáo Đức 20 năm tù về tội “giết người”. Đến tận lúc đó, Đức cũng không dám quay lại nhìn các con.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tội ác người cha và tình thương của con trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO