Tối đa hóa lợi nhuận trong cổ phần hóa

T. Hằng 24/11/2017 09:05

Nhìn lại quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cho thấy, mặc dù đạt 93% về số lượng (kết quả giai đoạn 2011-2015), nhưng tỷ lệ thoái vốn nhà nước trong khu vực này mới khoảng 8%. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Nhà nước vẫn nắm trên 90% thì không giải đáp được bài toán sử dụng hiệu quả nguồn lực.


Cổ phần hóa là sự thay đổi tất yếu trong quá trình hội nhập. (Nguồn: Internet).

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ tiếp tục bán thêm gần 1.000 tỷ đồng cổ phiếu tính theo giá trị sổ sách tại các doanh nghiệp (DN) đầu ngành gồm Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), Domesco (DMC), Tổng công ty cổ phần Xây dựng và xuất nhập khẩu Việt Nam (VCG) và FPT ngay trong tháng 12 này. Hiện SCIC đang sở hữu 21,79% cổ phần VCG; 37,1% cổ phần NTP; 29,51% cổ phần BMP và 34,71% cổ phần DMC.

Thông tin SCIC tiến hành thoái vốn đã giúp các cổ phiếu VCG, NTP, BMP, DMC, FPT nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư và đồng loạt tăng mạnh những phiên gần đây.

Nhìn lại quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cho thấy, mặc dù đạt 93% về số lượng (kết quả giai đoạn 2011-2015), nhưng tỷ lệ thoái vốn nhà nước trong khu vực này mới khoảng 8%. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Nhà nước vẫn nắm trên 90% thì không giải đáp được bài toán sử dụng hiệu quả nguồn lực. Do vậy đợt bán vốn này được kỳ vọng vì đã có kinh nghiệm từ đợt bán vốn lần hai tại Vinamilk vừa diễn ra. Cách đây ít ngày, SCIC đã bán thành công 48,3 triệu cổ phần (3,33%) Vinamilk (VNM) với mức giá 186.000 đồng/cổ phần, tương ứng tổng giá trị gần 9.000 tỷ đồng cho Tập đoàn Singapore Jardinr Cycle & Carriage (JC&C).

Một trong những giải pháp để đạt được mục tiêu và hiệu quả của cổ phần hóa nói chung và nâng cao chất lượng quản trị DN cổ phần hóa nói riêng là thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào cổ phần hóa, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược quốc tế. Nhiều nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng, việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mang lại nhiều tác dụng tích cực, cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN…

Việc bán vốn Nhà nước tại các DN trong giai đoạn này chủ yếu tập trung là các tổng công ty có quy mô tương đối lớn về vốn, thị trường và năng lực sản xuất. Đây là những DN được đánh giá là có sức hấp dẫn lớn và có khả năng thu hút mạnh các nhà đầu tư chiến lược khi thực hiện cổ phần hóa.

Ông Nguyễn Chí Thành, phó tổng giám đốc SCIC cho rằng, Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Domesco, Vinaconex, FPT... là những DN có vốn của SCIC đang kinh doanh rất hiệu quả và có thể nói là DN đầu ngành trong lĩnh vực hoạt động của mình. Nhiều DN trong số đó đã trở thành đích ngắm của nhiều nhà đầu tư là các tập đoàn trong, ngoài nước. Ông Adam Stikoff, Giám đốc Amcham Việt Nam cho rằng, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tìm hiểu để mua cổ phần của các DN Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ khẳng định, việc Nhà nước rút dần khỏi các lĩnh vực kinh doanh để cho tư nhân tham gia vào sản xuất kinh doanh là hợp lý. Tuy nhiên lần thoái vốn này lại đây là DN mạnh, nên khi chọn đối tác cần phải có cam kết nhất định, phải tối đa hóa lợi nhuận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tối đa hóa lợi nhuận trong cổ phần hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO