Đồng hành vì sự phát triển

Trần Duy Hưng 03/05/2020 09:00

Về Nam Định, qua cầu Đò Quan sang các huyện phía nam của tỉnh như Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, nhiều người thường có cảm giác ngỡ ngàng trước vẻ đẹp riêng có của nơi này: đường xá, nhà cửa khang trang; cứ vài cây số vuông lại hiện diện một ngôi thánh đường, ngôi nào ngôi ấy sừng sững, uy nghi. Từ trên những ngọn tháp cao vút, chuông nhà thờ thong thả, ngân nga, lan tỏa xuống xóm làng, đồng ruộng gợi lên những xúc cảm yên bình...

Đồng hành vì sự phát triển

Giáo dân xã Giao Thiện (huyện Giao Thủy, Nam Định) hành lễ tại nhà thờ Sa Nam. Ảnh: Duy Hưng.

Lần dở lịch sử mới hay, đồng bào Công giáo ở tỉnh Nam Định là cộng đồng được “đón tin mừng” từ rất sớm. Theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn, cách nay 5 thế kỷ, vào năm 1555 đã có người Tây Dương là Y-nê-khu đến các xã Ninh Cường, Quần Anh, Trà Lũ (thuộc địa bàn Nam Định ngày nay) truyền giáo đạo Gia Tô, được giáo sử Công giáo ghi nhận là hoạt động truyền giáo đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam.

Dù có những “khúc quanh” nhưng lịch sử hình thành, phát triển cộng đồng Cồng giáo ở Nam Định luôn gắn liền với công cuộc xây dựng, phát triển quê hương Nam Định. Xưa cũng thế, nay cũng vậy! Nói về tinh thần này, người Công giáo Nam Định hay nhắc đến ông Đoàn Văn Sáu-giáo dân xứ Trực Hùng (Trực Ninh), giám đốc Doanh nghiệp Cường Tân-người tiên phong thực hiện mô hình tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân, nâng cao giá trị của cây lúa trên chính đồng ruộng quê mình. Theo đó, vào năm 2008, dù quy mô Doanh nghiệp Cường Tân khi ấy vẫn còn nhỏ bé, ông Sáu vẫn dám huy động vốn, bỏ ra 10 tỷ đồng để mua bản quyền giống lúa lai TH 3-3. Để sản xuất được loại giống lúa ngắn ngày, năng suất cao này, ông Sáu cùng cộng sự dày công tuyên truyền, vận động nông dân địa phương tham gia, theo cách: nông dân cho Cường Tân thuê lại ruộng đất để tích tụ, cải tạo. Sau đó, ruộng đất được giao khoán lại cho nông dân sản xuất lúa giống theo quy trình kỹ thuật và giám sát của Cường Tân. Sản phẩm lúa giống nông dân làm ra, Cường Tân có trách nhiệm thu mua lại, tiêu thụ. Nhờ được thực tế kiểm nghiệm hiệu quả, nhất là mang lại thu nhập “kép” cho nông dân (thu nhập từ cho thuê đất và lợi nhuận từ sản xuất lúa giống), cao hơn hẳn so với khi họ còn sản xuất đơn lẻ, đến hết năm 2019 đã có tổng cộng trên 1000 hộ nông ở địa phương dân tin tưởng, hợp tác với Cường Tân. Diện tích liên kết từ 80 ha ban đầu đến nay đã tăng lên tới gần 600 ha, trải rộng trên nhiều cánh đồng của 9 xã thuộc 3 ba huyện phía nam tỉnh Nam Định (Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Hải Hậu).

Không chỉ trồng lúa, đánh cá, nuôi trồng thủy sản, làm muối, nhiều xứ đạo ở Nam Định được biết đến là những làng nghề truyền thống nổi tiếng. Xứ đạo Kiên Lao (Xuân Tiến, Xuân Trường) là một ví dụ. Nơi đây có Đền Thánh Kiên Lao nổi tiếng với quy mô đồ sộ, kiến trúc tinh xảo. Đặc biệt, người dân Kiên Lao rất tài hoa. Hàng trăm năm trước, người dân xứ đạo đã có nghề đúc, chế tác đồ đồng; chế tác đồ gỗ mỹ nghệ; sản xuất đồ cơ khí. Hiện tại, các nghề truyền thống trên đều được người Kiên Lao duy trì, phát triển, riêng nghề cơ khí đang phát triển vượt bậc. Không chỉ làm ra những sản phẩm gia dụng thông thường như dao, kéo, các loại nông cụ như lưỡi cuốc, lưỡi xẻng, người thợ Kiên Lao còn tự thiết kế, sản xuất ra nhiều loại máy móc công cụ đòi hỏi kỹ thuật cao như máy tuốt lúa, máy chế biến thức ăn chăn nuôi, máy trộn đảo bê-tông, máy nghiền rác thải.

Hiện tại, ở Kiên Lao có hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm này, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và lân cận. Tài hoa, chăm chỉ người Kiên Lao đã và đang xây dựng xứ đạo quê hương mình trở nên giàu có, sầm uất, hầu hết các gia đình trong xứ đạo đều có cuộc sống khá giả. Như lời chia sẻ của ông Đinh Tân Việt, một giáo dân ở địa phương: “Chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước giúp chúng tôi phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng trong khi chính sách tự do tôn giáo giúp đời sống đức tin của chúng tôi luôn được thỏa nguyện”.

Quá trình sinh sống, lao động, sản xuất đồng bào Công giáo nơi đây được ghi nhận đã sản sinh, hình thành nhiều nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, vừa phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng và phục vụ chung cho xã hội, như nghệ thuật thổi kèn đồng, đánh trống trắc, trống cà-rùng. Ở Nam Định từ lâu tiếng kèn đồng, tiếng trống cà rung, trống trắc đã vượt khỏi khuôn viên các nhà thờ Công giáo, thường ngân lên trong các sự kiện chính trị, văn hóa chung của địa phương …

Trong câu chuyện, ông Lương Hùng Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định cho biết, chung sức xây dựng nông thôn mới, 10 năm qua, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã xây dựng, duy trì phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng”, với nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, nhiều gia đình đã tham gia hiến đất thổ canh, thổ cư cho làng, cho xã để làm mới, nâng cấp đường giao thông, công trình thủy lợi và nhiều công trình công cộng khác. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua (2014-2019), đồng bào Công giáo trong tỉnh đã hiến trên 20.000 m2 đất, góp hơn 200 tỷ đồng cho các công việc trên. Có những gia đình như hộ ông Vũ Ngọc Lân ở giáo xứ Kiên Chính (Hải Chính, Hải Hậu) đã hiến đến 200 m2 đất thổ cư để phục vụ việc mở rộng đường của xã. Nhờ hành động thiết thực này mà ngày nay, hầu hết các làng quê, xứ đạo ở Nam Định, nhất là ở các huyện phía Nam đều có hệ thống đường làng, ngõ xóm rộng rãi, thiết kế theo hình bàn cờ, kết nối liên thông, ô tô con có thể chạy khắp làng...

Chuyện các vị linh mục đi quyên tiền giúp người nghèo xây nhà, mua bảo hiểm y tế; giúp làng quê, xứ đạo làm đường, xây trường, xây nhà văn hóa... cũng có rất nhiều. Khi triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Hải Hưng (Hải Hậu) có kế hoạch mở rộng toàn bộ hệ thống đường dong ngõ, trong đó có 2.400m đường ngang trong địa bàn giáo xứ. Việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn vì phạm vào 700m2 đất thổ cư của 68 gia đình giáo dân trong khi không có nguồn đền bù. Không đứng ngoài cuộc, Linh mục Đỗ Văn Thực- Chánh xứ Đền Thánh Hưng Nghĩa (xã Hải Hưng) đã họp bàn với giáo dân, phân tích thiệt hơn, động viên bà con hiến đất phục vụ việc chung, thiết thực thể hiện vai trò, trách nhiệm. Đáp lời linh mục, chỉ trong ít ngày các hộ dân thuộc diện giải tỏa đã tự nguyện tháo dỡ công trình, bàn giao đầy đủ mặt bằng. Khó khăn mới lại phát sinh khi địa phương không có đủ tiền thực hiện, Linh mục lại tham gia tháo gỡ bằng cách vận động giáo dân, con em giáo xứ xa quê ủng hộ, số tiền thu được sau đó lên tới 600 triệu đồng, bản thân Linh mục ủng hộ thêm 200 triệu đồng. Nhờ vậy con đường trên sớm được hoàn thành, rộng tới 9 m, có đủ cây xanh, vỉa hè, đường thoát nước, điện chiếu sáng, được xem là con đường nông thôn mới kiểu mẫu.

Có những giáo dân như ông Trần Văn Kiều (xứ đạo Kiên Lao, huyện Xuân Trường) sẵn sàng huy động vốn, bỏ ra khoảng 10 tỷ đồng đầu tư, biến khu bãi rác khổng lồ, gây ô nhiễm nặng trong nhiều năm của thị trấn Xuân Trường (huyện Xuân Trường) thành một khu xử lý, đốt rác thải nhưng rộng rãi, khang trang, sạch đẹp như một công viên, trở thành địa chỉ vui chơi, giải trí của người dân địa phương...

Quý hơn, ý nghĩa hơn là tinh thần hòa hợp, gắn kết, sẻ chia luôn được các thế hệ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc địa phương và chức sắc các tôn giáo, trong đó có đạo Công giáo trên địa bàn trân trọng, duy trì, gìn giữ. “Đã thành truyền thống, vào các ngày lễ trọng của đồng bào Công giáo, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các cấp trong tỉnh luôn dành thời gian tới chúc mừng, chung vui với các vị chức sắc và tín đồ. Ngược lại, vào những ngày lễ, ngày kỷ niệm quan trọng của Đảng, của Mặt trận, cấp ủy, chính quyền,Mặt trận các cấp trong tỉnh cũng được đón các vị chức sắc các tôn giáo tới thăm, chúc mừng. Trong các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao do Mặt trận tổ chức, lãnh đạo tỉnh và các nhà tu hành cùng ra sân đá bóng, đánh cầu; hát chung một bài hát...”, ông Lương Hùng Tiến chia sẻ.

Theo Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định, địa bàn tỉnh có Giáo phận Bùi Chu và một phần thuộc Giáo phận Hà Nội. Toàn tỉnh có 172 nhà thờ xứ, 490 nhà thờ họ; có 1 Giám mục, 227 linh mục; có trên 47 vạn giáo dân (chiếm 25% dân số toàn tỉnh) sinh sống ở 199/229 xã, phường, thị trấn, trong đó có 83 xã, thị trấn giáo dân chiếm trên 30% dân số. Đạo Tin lành có 2 Hội Thánh, gần 800 tín đồ...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng hành vì sự phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO