Người nối nhịp cầu thông cảm

Hoàng Yến 06/02/2019 16:00

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cho rằng sứ mệnh của ông là nối nhịp cầu thông cảm giữa người với người, giữa tôn giáo với xã hội, giữa các cấp đạo và đời để xây dựng một quốc gia có tầm cao hơn trong thế giới. Nếu không có thông cảm, chúng ta không thể tin tưởng và thương yêu người khác. Thông cảm chính là nhịp cầu đầu tiên và cần thiết để nối dài thương yêu.

Người nối nhịp cầu thông cảm

Giáo hoàng Phanxico đọc kinh cầu nguyện cho gia đình Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh tại Quảng trường Thánh Phêrô, Roma, Italia.

Cội nguồn của sự tử tế cũng giản dị như cội nguồn của niềm tin tôn giáo đó là yêu thương. Như cuộc hạnh ngộ của chúng tôi với Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh trên con đường Quốc lộ 14. Khi ấy chuyến xe từ Kon Tum về Gia Lai phải dừng lại vì nổ lốp. Nhìn thấy chúng tôi đứng bên triền dốc, ông đã vội dừng xe và đề nghị đổi xe để chúng tôi về Gia Lai kịp chuyến bay ra Hà Nội.

Lúc đó, tôi chợt nhận ra giá trị thực sự của tước phẩm mà Giáo hoàng ban tặng cho ông, không chỉ vì những tận hiến cho đồng bào nghèo khó mà vì tất cả những điều này, một nghĩa cử nhỏ bé nhất cũng đều xuất phát từ trái tim, tấm lòng của ông chứ không phải từ bất cứ danh hiệu nào.

Nhưng cũng chính vì những nghĩa cử đẹp đẽ ấy mà ông Lê Đức Thịnh đã làm cho Tước phẩm Đại hiệp sĩ cao quý hơn. Mỗi một lời nói, mỗi một cử chỉ của ông đều khiến chúng tôi phải suy nghĩ. Giống như trong cuộc sống, khi làm một việc gì ta phải đầu tư công sức thực hiện bằng tấm lòng và trái tim của mình, có như thế thành quả mới được mọi người tôn trọng và đón nhận. Với tấm chân thành ấy ông đã lan tỏa tinh thần bác ái, yêu thương của người Công giáo trong cộng đồng xã hội.

Danh hiệu hoặc tước phẩm Hiệp sĩ có từ năm 1831, thể hiện sự tri ân của Giáo hoàng đối với giáo dân có công lớn trong giáo hội và xã hội. Trong đó Hiệp sĩ Đại thánh giá là một trong những cấp bậc cao.

Giáo dân Lê Đức Thịnh và vợ là bà Nguyễn Thị Kim Yến được Đức Giáo hoàng Benedict 16 ban tước phẩm Hiệp sĩ Đại thánh giá và Hiệp sĩ Đại thánh giá Phu nhân vào ngày 12 tháng 6 năm 2007. Kể từ năm 1831 cho đến nay, trên thế giới có 13 Hiệp sĩ Đại thánh giá, trong đó ông Lê Đức Thịnh là người châu Á đầu tiên được Giáo hoàng phong tước phẩm này.

Vinh dự ấy với bản thân ông Lê Đức Thịnh mà nói lại chưa bao giờ nghĩ đến vì vợ chồng ông chỉ thực hiện những điều lương tâm mách bảo, âm thầm giúp đỡ chính quyền và giáo quyền gỡ bỏ những rào cản cách biệt, giảm đi những hiểu lầm, tích cực xây dựng kênh đối thoại trong thông cảm và tôn trọng.

Trong nhiều lần gặp gỡ với chúng tôi, ông cũng khiêm nhường không nhắc đến những công việc đã làm nhưng lại luôn bày tỏ sự lo lắng về những công việc mà một Hiệp sĩ phải thi hành theo khả năng cá nhân và theo chỉ thị của các đấng bề trên.

Vì Hiệp sĩ là người tín hữu Công giáo sống với đức tin chân thật và làm chứng về sự thật của đức tin là Thiên Chúa yêu thương mọi người như con cái thân thương của Người.

Đạo Công giáo được du nhập vào Việt Nam hơn 5 thế kỷ, nhưng trong một thời gian khá dài, lịch sử truyền giáo đã làm cho Giáo hội Công giáo Việt Nam ít gắn bó với dân tộc, để lại mặc cảm giữa người Công giáo và người ngoài Công giáo, giữa Giáo hội và Nhà nước. Chỉ khi đất nước thống nhất vào năm 1975, Giáo hội Công giáo thống nhất, Hội đồng Giám mục Việt Nam được thành lập vào năm 1980 và tổ chức đại hội lần thứ nhất, Thư chung 1980 ra đời với đường hướng “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc cho đồng bào” lúc ấy Giáo hội Công giáo Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới. Tòa thánh Vatican đã nối được nhịp cầu ngoại giao với Chính phủ Việt Nam. Cũng nhờ đó Giáo Hội Việt Nam ngày càng hăng say tỏa sáng đức tin trong những lĩnh vực của đời sống như y tế, giáo dục, kinh tế. Và dẫn lối cho những người giáo dân như ông Lê Đức Thịnh thực hiện sứ mệnh của mình.

Hơn hai chục năm qua, ông đã thành lập các nhóm bác ái xã hội và thực hiện nhiều chuyến từ thiện tìm đến những nơi xa xôi hẻo lánh, gặp gỡ đồng bào còn khó khăn để trợ giúp và chia sẻ với họ.

Nghĩa cử của ông không chỉ giúp đỡ về mặt vật chất mà còn làm chuyển biến nhận thức của người Công giáo về trách nhiệm không chỉ với cuộc sống của gia đình mình, mà còn với cộng đồng và xã hội.

Ngay cả những lúc tưởng như không còn hơi sức nào trong cơn bạo bệnh ông vẫn đau đáu về một tương lai hoàn thiện Chân- Thiện- Mỹ cho các em nhỏ có mảnh đời bất hạnh. Ám ảnh đối với ông là chuyện về hai cụ già 70 - 80 tuổi ở Vũng Tàu, mỗi ngày mang theo hộp cơm đến các nghĩa trang để nhặt hoa đại rơi (có nơi gọi là hoa sứ), về phơi khô đem bán cho các cửa hàng dịch vụ tang lễ, số tiền dành dụm được hai cụ đem gửi cho các trại trẻ mồ côi. Hay các sơ người dân tộc ở Hội Dòng Ảnh Phép Lạ Kon Tum - những người mà cả đời sống trong sự lam lũ để nuôi nấng hàng trăm đứa trẻ lang thang cơ nhỡ thành người tử tế. Tấm lòng yêu thương quảng đại của những người phụ nữ mà ông xem như một món quà càng thôi thúc ông vượt qua đớn đau riêng mình. Những vết bầm tím bỏng rát trong cổ họng sau nhiều đợt xạ trị lại càng chỉ khiến ông trân quý hơn những món quà từ cuộc sống.

Dù có lúc tưởng như ở cuối chân trời nhưng ông vẫn tràn đầy năng lượng. Khi ở Thái Bình, khi vào Nghệ An, lúc lại lên Kon Tum, liên tục đi về từ Nam ra Bắc vì nơi này bão lụt, nơi kia thiếu thốn…

Bằng tất cả phẩm hạnh và sự tử tế của một người Công giáo, Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh đã trở thành cầu nối cho sự hòa giải giữa chính quyền và Giáo hội trong giải quyết các vụ việc liên quan đến tôn giáo và góp phần thay đổi nhận thức trong quan hệ đạo - đời.

Cứ thế, tinh thần lạc quan đầy tươi sáng được ông chia sẻ với những người xung quanh. Niềm vui ấy chính là động lực để ông vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, tiếp tục dấn bước trên con đường loan báo Tin Mừng như lời Giáo hoàng Phanxico từng nói: “Rao giảng Tin Mừng là đích thân làm chứng về tình yêu Thiên Chúa, là vượt thắng sự ích kỷ của chúng ta, là phục vụ bằng cách cúi mình xuống rửa chân cho anh em chúng ta như Chúa Giêsu đã làm”.

Từ khi được bầu lên chức Giáo chủ Giáo hội Công giáo Roma ngày 13/3/2013, Giáo hoàng Phanxicô chú trọng đến việc Giáo hội phải mang Tin Mừng đến những vùng ngoại biên, Giáo hội phục vụ những người nghèo hèn, đối thoại với các tôn giáo, đồng hành với mọi người trên thế giới.

Giáo hội Công giáo luôn giữ những nguyên tắc căn bản dựa trên tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho con người. “Ta yêu Chúa vì Chúa yêu ta. Ta yêu người như Chúa yêu ta”. Tình yêu là động lực thúc đẩy tín hữu Công giáo như Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh sống tốt lành, tử tế với mọi người vì một lẽ mọi người được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh mang tình yêu ấy để dựng xây ước mong của mình. Đó là sự hài hòa giữa tôn giáo và Chính phủ để chăm lo cho các tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau. Nhưng để có được điều đó, cần có những đối thoại để thông cảm và cộng tác trong những lĩnh vực xã hội. Trách nhiệm của tôn giáo là phục vụ con người về tâm linh nhưng không quên nghĩa vụ và trách nhiệm cổ vũ tín hữu xây dựng đời sống thường nhật. Cho nên sự cộng tác tích cực giữa đạo và đời theo Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh chắc chắn sẽ đem lại thịnh vượng và thái bình cho quốc gia. Sự cộng tác giữa các tôn giáo trong việc giáo dục đạo đức, truyền bá giá trị tôn giáo còn góp phần cổ vũ tương giao nhân bản văn hóa giữa con người. Sự cộng tác này còn tạo thêm cơ hội cho giới trẻ tiến lên trong học hành, làm việc.

“Chúng ta đang có một nguồn chất xám dồi dào từ giới trẻ vì vậy Giáo hội và xã hội cần đầu tư một cách hệ thống trong việc đào tạo những nhà chuyên môn cho tương lai”- Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người nối nhịp cầu thông cảm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO