Tục 'Thí Giàn' dịp cúng cô hồn tháng 7 tại miền Tây

Tuấn Quang 06/09/2017 14:32

Mỗi dịp cúng cô hồn tháng 7 âm lịch, tại nhiều đình, chùa Ông Bổn tại các tỉnh miền Tây đều diễn ra tục “Thí giàn”, có người còn gọi là “giựt vàng” thu hút hàng nghìn người dân tham gia. Không khí nô nức như một ngày hội lớn.

Các lễ vật cúng đình, chùa Ông Bổn dịp Thí giàn tại xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Tục thí giàn đã có cách đây cả trăm năm tại một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Thông thường “thí giàn” được tổ chức tại các đình, chùa Ông Bổn vào dịp giữa tháng 7 (thường vào ngày 14, 15 và 16/7 âm lịch), phổ biến tại các tỉnh, thành như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau,... Mỗi điểm thí giàn có đến hàng trăm người tham gia.

Nghi thức cúng đình, chùa Ông Bổn được thực hiện bởi một “lão làng”, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Tục thí giàn được bắt đầu sau nghi lễ cúng đình, chùa với lời cầu nuyện mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Nghi thức thí giàn vẫn có thể được tổ chức ở một số gia đình, cửa hàng, doanh nghiệp,... tuy nhiên vẫn thường nhỏ hơn ở đình, chùa.

Không khí buổi Thí giàn luôn náo nhiệt và có đông người tham gia.

Tại buổi thí giàn, Ban tổ chức sẽ chuẩn bị trước các “thẻ vàng”. Thẻ được làm bằng gỗ, có ghi chữ để ấn định phần thưởng, thông thường là gạo, muối, tiền hoặc trái cây,...

Sau hồi trống báo hiệu sắp bắt đầu, có khoảng 1 đến 2 người mang theo các thẻ vàng trèo lên nóc đình để ném thẻ. Những người tham gia “giựt vàng” sẽ đứng dưới sân đình, tìm kiếm vị trí thuận lợi nhất để có thể giựt được nhiều thẻ nhất có thể.

Dù không khí giựt có vẻ căng thẳng, việc trầy xước chân tay là chuyện bình thường, nhưng nam nữ, già trẻ ai nấy cũng hào hứng tham gia để giành lấy lộc.

Đối với những người cao tuổi không đủ sức để giựt, thông thường Ban tổ chức sẽ phát thẻ trước đó để lãnh được lộc (thường là gạo).

Trong các “thẻ vàng” sẽ có một thẻ đặc biệt nhất gọi là “thẻ đụn”. Thẻ đụn thường chỉ có một thẻ, kích cỡ lớn hơn các thẻ khác, người giựt được sẽ nhận về cho mình nhiều phần thưởng, bao gồm: gạo, trái cây, muối, tiền,... Người nào sở hữu thẻ đụn này thường được cho là sẽ gặp nhiều may mắn sau đó.

Những người tham gia giựt vàng vui mừng nhận lộc về nhà.

Tổng số gạo trong mỗi buổi thí giàn có thể từ 3 đến 4 tấn, có khi lên đến hàng chục tấn tùy mỗi đình, chùa. Số gạo trên được các cá nhân hoặc doanh nghiệp tại địa phương tự nguyện quyên góp. Có người góp 1 hoặc 2 bao gạo, nhưng cũng có người góp cả tấn gạo cho buổi thí giàn. Do đó, tục thí giàn dần được xem như là một hoạt động nhân đạo, từ thiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tục 'Thí Giàn' dịp cúng cô hồn tháng 7 tại miền Tây

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO