Tồn lưu hóa chất gây ô nhiễm môi trường

Minh Hạnh 01/08/2017 09:35

Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, chất lượng môi trường đất tại các khu đô thị đang có xu hướng bị ô nhiễm nặng do các chất thải từ hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt và các điểm chứa chất độc hóa học tồn lưu dioxin.

Ô nhiễm bụi tại các khu vực đô thị vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao.

Cả nước còn 240 điểm tồn lưu hóa chất gây ô nhiễm nặng

Theo thống kê, chỉ tính riêng các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, hiện có 240 điểm trên địa bàn 15 tỉnh. Trong đó, có 23 điểm thuộc khu vực đô thị chưa được xử lý. Các điểm ô nhiễm chất độc hóa học tồn lưu được phân làm 2 loại chính là các khu vực đất bị nhiễm Dioxin do hậu quả chiến tranh (khu vực bị phun rải chất độc hóa học và các sân bay quân sự) và các kho thuốc bảo vệ thực vật.

Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2016 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cũng chỉ rõ, tại các điểm tồn lưu chất độc hóa học, đất bị nhiễm các loại hợp chất có hàm lượng các chất độc cao, thời gian tồn lưu trong môi trường lâu, khó phân hủy, khó xử lý hoặc cải tạo.

Trong đó, riêng các điểm thuộc loại ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các chất tồn lưu như Lindan vượt từ 37,4 đến 3.458 lần; DDT (dichloro diphenyl trichlorothane) vượt từ 1,3 đến 9.057,8 lần; Aldrin vượt 218,9 lần; DDD (diclorodiphenyl tricloroetan) vượt 98,4 lần... so với quy chuẩn Việt Nam.

Đến nay, công tác xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, do điều kiện địa phương còn khó khăn về nguồn kinh phí khi lập dự án xử lý để xin hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và bố trí ngân sách đối ứng nên việc triển khai còn chậm.

Bên cạnh đó, một số đô thị còn bị ô nhiễm tồn lưu bởi chất độc hóa học dioxin. Điển hình như sân bay Biên Hòa, các khu vực ô nhiễm rộng và nằm rải rác tại các vị trí phía Bắc và phía Tây Nam. Trong đó, khoảng 163.000m2 đất có hàm lượng dioxin cao trên 1.000 ppt TEQ (tiêu chuẩn đất cần xử lý của Việt Nam).

Tại sân bay Đà Nẵng, hiện đã phát hiện 3 khu vực có hàm lượng Dioxin trong đất vượt quá 1.000 ppt TEQ. Các khu vực này nằm ở phía Bắc sân bay và có tổng diện tích lên đến 88.000 m2. Đây là khu vực rất cần được xử lý ô nhiễm triệt để vì chúng nằm trong thành phố Đà Nẵng và gần với các khu dân cư.

“Làn sóng đô thị hóa” gây sức ép lớn đến môi trường

Cũng theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, các đô thị nước ta vẫn đang tiếp tục gia tăng cả về số lượng và quy mô, song chất lượng môi trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Theo thống kê, đến tháng 12/2016, cả nước có 795 đô thị, với tỷ lệ đô thị hoá đạt 35,2%. Trong đó có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, 17 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 41 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV và 626 đô thị loại V.

Hiện nay, đô thị nước ta có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng và chênh lệch nhiều giữa các khu vực khác nhau về đặc điểm địa lý. Vấn đề di cư từ nông thôn ra thành thị đang là sức ép lớn gây ra tình trạng quá tải trong sử dụng hạ tầng.

Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2016 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cũng cho thấy, phần lớn các đô thị đều thiếu hệ thống thu gom và các trạm xử lý nước thải tập trung; tỷ lệ đất cây xanh, công viên đạt rất thấp.

Ngoài ra, đô thị thị Việt Nam cũng đang nổi lên một số vấn đề môi trường nổi cộm như: Ô nhiễm bụi tại các khu vực đô thị vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao; ô nhiễm môi trường nước tại các sông hồ, kênh rạch nội thành, nội thị vẫn diễn biến phức tạp; vấn đề úng ngập tại các đô thị có xu hướng mở rộng và gia tăng.

Sự suy giảm mực nước dưới đất tại các đô thị đang trở nên phổ biến; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được xử lý đúng kỹ thuật, hợp vệ sinh môi trường còn thấp. Trong khi, vấn đề quy hoạch phát triển đô thị theo hướng phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường vẫn đang đứng trước nhiều thách thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tồn lưu hóa chất gây ô nhiễm môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO