Tổn thất lao động vì Covid-19

Minh Phương 30/07/2020 08:06

Con số lực lượng lao động được Tổng cục Thống kê đưa ra mới đây cho thấy sức tàn phá của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế mạnh mẽ đến mức nào: 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19, gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ/giãn/luân phiên việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Ảnh minh họa.

Lao động có việc làm cũng đang chứng kiến mức giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua. Theo đó, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 53,1 triệu người, giảm 2,4 triệu người so với quý I và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ 2019. Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay.

Ngoài ra, lao động có việc làm ở 3 khu vực kinh tế đều giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 17,0 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và 1,7 triệu người so với cùng kỳ 2019; khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,0 triệu người, giảm 497,4 nghìn người so với quý trước và giảm 287,7 nghìn người so với cùng kỳ 2019; khu vực dịch vụ là 18,7 triệu người, giảm 778,1 nghìn người so với quý trước và giảm 642,6 nghìn người so với cùng kỳ 2019.

Số liệu thống kê cũng cho biết, khu vực doanh nghiệp (DN) nhà nước giảm 2,2%; DN ngoài nhà nước giảm 2,7%; DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 2,1%. Khối DN ngoài nhà nước với đặc tính đa phần là các DN vừa và nhỏ, hiện đang là nhóm chịu nhiều khó khăn nhất.

Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê), mức giảm việc làm tương ứng so với mức giảm của lực lượng lao động. Điều này cho thấy, dịch Covid-19 đã làm cho đa số người lao động mất việc làm phải tạm rời khỏi thị trường lao động trong thời gian dịch lây lan.

Và sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 sau một thời gian tạm lắng tại Việt Nam khiến giới chuyên gia lo ngại về con số lao động thất nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, nhiều DN đã và đang rất nỗ lực trong việc đảm bảo việc làm cho người lao động, duy trì nguồn nhân lực để có thể gắng gượng vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn.

Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong 12 tháng tới đây sẽ là cuộc thử lửa khốc liệt đối với các DN, trong đó có các DN ngành Dệt may. Các DN ngành dệt may chấp nhận cạnh tranh và sản xuất trong điều kiện khó khăn để duy trì hệ thống.

“Vượt qua được 12 tháng tới, chúng ta mới có cơ hội để tiếp tục phục hồi và phát triển, đồng thời cũng là sự khẳng định năng lực của các DN còn tồn tại”- ông Trường nói và cho biết, DN đã chủ động phát triển nhanh, sáng tạo các mặt hàng phục vụ nhu cầu phòng chống đại dịch Covid-19, chủ yếu là khẩu trang và quần áo phòng dịch. Xác lập và duy trì vị trí dẫn đầu trong sản xuất, dẫn dắt thị trường trong các mặt hàng này. Bên cạnh đó, bố trí thời gian sản xuất linh hoạt, chia sẻ khối lượng công việc ít ỏi với mục tiêu duy trì thu nhập và việc làm cho nhiều người lao động nhất có thể.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cũng cho biết, mặc dù trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, lượng đơn hàng bị thiếu hụt trầm trọng (tháng 3,4 thiếu hụt 30%, tháng 5,6 thiếu hụt khoảng 60%), song để bảo đảm đời sống và việc làm cho cán bộ, công nhân viên, May 10 đã chuyển sang chế độ làm việc luân phiên tại nhiều phân xưởng. Và May 10 cũng đã thực hiện nhiều đơn hàng khẩu trang y tế để phục vụ nhu cầu chống dịch của thị trường, nhờ đó, Tổng Công ty đã và đang duy trì việc làm cho người lao động trên toàn hệ thống của Tổng Công ty.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổn thất lao động vì Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO