Tổng thống Trump theo đuổi mục tiêu lớn: Hòa bình Trung Đông

24/05/2017 08:35

Trong hôm 23/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp gỡ với cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trong chặng dừng chân thứ hai của chuyến công du đầu tiên của mình, với trọng tâm thúc đẩy tiến trình hòa bình trong khu vực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm đầu tuần. (Nguồn: CNN).

Tổng thống Trump trong chuyến công du kéo dài 2 ngày tới Israel và khu Bờ Tây không được kỳ vọng sẽ đạt được một thỏa thuận, nhưng ông là vị Tổng thống Mỹ mới nhất đến thăm khu vực này với một mục tiêu đầy tham vọng.

“Trong chuyến công du, tôi đã thấy nhiều tín hiệu đầy hy vọng, điều đã khiến tôi tin rằng chúng ta thực sự có thể mang lại một tương lai hy vọng cho người dân của khu vực này và cho người dân ở mọi tín ngưỡng và trên toàn thế giới” - Tổng thống Trump nói trong bài phát biểu cùng Thủ tướng Israel.

Đứng kế bên Tổng thống Abbas trong hôm 23/5 tại khu Bờ Tây, ông Trump nói rằng ông “thực sự hy vọng” rằng chính quyền của ông có thể thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình và gọi các cuộc họp của ông với giới lãnh đạo Arab trong khu vực là “rất mang tính xây dựng”.

Nhưng ngay cả khi ông Trump nỗ lực làm cầu nối giữa Israel và các nước Arab ở khu vực Trung Đông, và khi các cố vấn của ông khẳng định rằng hướng tiếp cận của chính quyền mới ở Mỹ với cuộc xung đột này khác hẳn so với chính quyền trước, thì các điều kiện chính trị giữa Israel và Palestine phần lớn vẫn không thay đổi.

Chính phủ hiện tại của Israel được dẫn dắt bởi Thủ tướng Netanyahu là một trong những chính quyền có tư tưởng bảo thủ nhất trong lịch sử nước này, trong khi Tổng thống Abbas của Palestine đang chứng kiến mức độ tín nhiệm sụt giảm thê thảm. Cả hai nước đều có mức độ lòng tin lẫn nhau rất thấp.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Trump vẫn nỗ lực đưa ra nhiều kỳ vọng, thể hiện sự lạc quan rằng một thỏa thuận hòa bình cuối cùng sẽ được nhất trí nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài gần 70 năm này và thậm chí cho rằng việc đạt được một nghị quyết là không có gì quá khó.

“Thành thực mà nói, đó là một thứ mà tôi cho là không quá khó như mọi người nghĩ trong suốt nhiều năm qua” - Tổng thống Trump nói hồi tháng trước, trong một cuộc gặp với ông Abbas.

Ông Trump còn đưa ra bằng chứng cho thấy lý do ông lạc quan, trong đó nói rằng chuyến thăm của ông tới Arab Saudi đã khiến ông tự tin rằng giới lãnh đạo Arab sẽ bắt đầu chú trọng hơn vào việc đạt được thỏa thuận giải quyết xung đột Israel-Palestine, chỉ ra rằng sự đoàn kết sẽ có được khi khu vực phải đối mặt với các hành động của Iran.

Cựu đặc phái viên hòa bình Trung Đông George Mitchell cũng cho rằng các quốc gia Vùng Vịnh như Arab Saudi “ngày càng nhận ra thực tế rằng thách thức thực sự đối với họ không phải đến từ Israel, mà đến từ Iran”.

“Viễn cảnh các quốc gia này đoàn kết lại để thu hẹp sự khác biệt với Israel, đã tạo nên một cơ hội mới” - ông Mitchell nhận định.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhấn mạnh rằng những thách thức ở các Israel và Palestine vẫn sẽ tồn tại, dù cho Tổng thống Trump có đang nỗ lực hết sức để đóng vai trò trung gian hòa giải để thúc đẩy hòa bình ở khu vực Trung Đông.

Hy vọng đàm phán

Trong hôm 23/5, cả hai nhà lãnh đạo của Israel và Palestine, ông Netanyahu và Abbas, đều thể hiện sự sẵn lòng nối lại các vòng đàm phán hòa bình với vị tân Tổng thống của nước Mỹ.

“Lần đầu tiên trong đời tôi đã thấy được một niềm hy vọng thay đổi thực sự” - Thủ tướng Netanyahu nói trong bài phát biểu cùng ông Trump - “Giới lãnh đạo Arab mà ông đã gặp gỡ những ngày vừa qua có thể giúp đỡ trong việc làm thay đổi bầu không khí này… và có thể giúp thay đổi các điều kiện để có một thỏa thuận hòa bình thực sự”.

Trong khi đó, Tổng thống Abbas cũng cam kết với ông Trump rằng người dân Palestine sẽ theo đuổi hòa bình và nói rằng các cuộc gặp của ông với ông Trump đã cho người dân Palestine và các nước Arab trong khu vực “nhiều hy vọng và sự lạc quan về khả năng đạt được một nền hòa bình lâu dài, vốn là ước mơ và nguyện vọng bấy lâu nay”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cả ông Netanyahu và Abbas đều đang chịu sức nhiều thách thức về mặt chính trị ở trong nước.

Trong khi đó, giới chức chính quyền Mỹ bác bỏ sự hoài nghi của giới phân tích nhằm vào khả năng đạt được bước tiến trong thỏa thuận hòa bình của Tổng thống Trump, đồng thời khẳng định rằng chính quyền mới đang thay đổi và áp dụng một hướng tiếp cận hoàn toàn mới so với chính quyền trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổng thống Trump theo đuổi mục tiêu lớn: Hòa bình Trung Đông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO