Tổng thống Trump tức giận sau khi tòa phúc thẩm chặn sắc lệnh

Khánh Duy 10/02/2017 19:05

Tòa án phúc thẩm số 9 của Mỹ cuối cùng đã ra phán quyết ngăn chặn lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump, trong hôm 10/2, khiến nhà lãnh đạo này tỏ ra hết sức không hài lòng. Vụ việc chưa dừng ở đó khi có tín hiệu cho thấy cuộc chiến pháp lý có thể tiếp diễn tại Tòa án tối cao.

Tổng thống Donald Trump đã đưa ra phản ứng mạnh mẽ
và đánh tín hiệu sẽ đưa vụ việc lên tòa án tối cao. (Nguồn: AFP).

Phán quyết đồng lòng của cả 3 vị thẩm phán đồng nghĩa với việc công dân đến từ 7 quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục được di chuyển tới nước Mỹ, bất chấp sắc lệnh mà ông Trump đưa ra hồi tháng trước.

Sự việc được xem là một bước lùi về mặt chính trị đối với chính quyền mới của Mỹ và dấy lên nhiều câu hỏi về việc liệu các tòa án sẽ đánh giá như thế nào về việc sử dụng quyền lực ra chỉ thị của Tổng thống.

“Chính phủ đã không thể đưa ra được chứng cứ cho thấy các nước bị nêu tên trong sắc lệnh trên gây ra một cuộc tấn công khủng bố trên đất Mỹ” - các vị thẩm phán của tòa kháng cáo số 9 viết - “Thay vì đưa ra chứng cứ để giải thích sự cần thiết của sắc lệnh trên, chính phủ lại đặt chúng ta vào tình huống không thể xem xét lại quyết định này”.

Tổng thống Trump đã lập tức đưa ra phản ứng của mình trên tài khoản Twitter, nói rằng: “Sẽ gặp lại các bạn tại tòa án, an ninh của đất nước chúng ta đang gặp nguy hiểm!”.

“Đó là một quyết định mang tính chính trị, chúng tôi sẽ gặp lại họ tại tòa, và tôi mong đợi làm điều đó” - Tổng thống Trump nói trước báo giới tại Nhà Trắng hôm 10/2 - “Đó là một quyết định mà chúng tôi sẽ giành chiến thắng, theo quan điểm của tôi, một cách dễ dàng”.

Cựu đối thủ của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, bà Hillary Clinton, cũng hoan nghênh quyết định của tòa án, với chia sẻ hết sức đơn giản trên Twitter: “3-0”.

“Đây là một chiến thắng áp đảo đối với bang Washington” - Tổng chưởng lý bang Washington, Bob Ferguson, nhận định - “Tòa kháng cáo số 9 đã đưa ra một quyết định đồng lòng mà chúng ta mong đợi”.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ đang xem xét lại tổng thể quyết định này để đưa vụ việc lên Tòa án tối cao. Tuy nhiên, trong lúc mà Tòa án tối cao của Mỹ đang khuyết một vị trí trong hội đồng gồm 9 thành viên, thì khả năng xảy ra trường hợp chia rẽ ý kiến 4-4 rất dễ xảy ra, ảnh hưởng tới phán quyết của tòa án này.

Cuộc chiến pháp lý tiếp diễn

Cuộc chiến pháp lý đầy kịch tính liên quan tới chỉ thị cấm nhập cảnh của Tổng thống được cho là khởi đầu của hàng loạt các thách thức pháp lý mà chính phủ của ông Trump sắp phải đối mặt. Sự kiện lần này cũng cho thấy cuộc xung đột đầu tiên giữa Nhà Trắng và hệ thống chính trị của nước Mỹ.

Cả 3 vị thẩm phán của tòa kháng cáo đã lần lượt đề nghị các luật sư phía Bộ Tư pháp đưa ra lý do để họ phục hồi lại lệnh cấm nhập cảnh để rồi sau đó bác bỏ toàn bộ các lý do này. Tòa án đã bác bỏ các lý do trên với ngôn từ rất mạnh mẽ: “Không có lý do gì để ủng hộ một quyết định không thể được xem xét lại và đi ngược lại cấu trúc căn bản của nền dân chủ của chúng ta”.

Đại diện chính quyền Mỹ còn tranh luận rằng phía chính quyền bang không đủ thẩm quyền hay quyền lực pháp lý để ngăn chặn sắc lệnh nọ. Nhưng phía tòa án lại không đồng tình với điều này.

Vấn đề an ninh quốc gia

Tòa án trên cũng tuyên bố rằng chính quyền Tổng thống Trump đã không thể đưa ra được lời giải thích tại sao họ lại lấy các vấn đề quan ngại về an ninh quốc gia ra để biện minh cho việc phục hồi lại lệnh cấm này ngay lập tức. Họ cũng nhiều lần đề nghị chính quyền “cần cung cấp cho tòa án” các thông tin mật liên quan tới an ninh để chứng minh luận điểm trên, nhưng không được đáp ứng.

Chính quyền Tổng thống Trump cũng đưa ra nỗ lực cuối cùng khi nói rằng dù tòa án không ủng hộ lệnh cấm trên, thì cũng không nên hủy bỏ toàn bộ lệnh cấm này mà thay vào đó sẽ sửa đổi nó để đặt ra giới hạn về số người nhập cư đến nước Mỹ. Tuy nhiên đề nghị này cũng bị thẳng thừng bác bỏ.

“Việc viết lại sắc lệnh chỉ thị không phải vai trò của chúng tôi. Các nhánh chính trị được trang bị đầy đủ kiến thức hơn để làm điều đó một cách phù hợp” - Tòa án này giải thích.

Phía tòa án cũng nói rằng họ cần phải cân nhắc về lợi ích của cộng đồng. Họ nói rằng đã nhận thức rõ rằng người dân Mỹ có một “mối quan tâm đặc biệt” tới vấn đề an ninh quốc gia và “khả năng thực thi các chính sách của một Tổng thống dân cử” nhưng phía chính quyền các bang lại đưa ra tranh luận thuyết phục hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổng thống Trump tức giận sau khi tòa phúc thẩm chặn sắc lệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO